Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ...


Bài thơ lúc đầu được làm đề tặng bé Quỳnh Anh (con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi đó mới một tuổi), đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn quàng đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập (Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang) có bỏ một vài đoạn và thêm một câu “Sẽ không lớn nổi thành người” ở cuối cùng.

Trong tập thơ Cỏ hoa cần gặp (1991), tác giả đã đăng lại nguyên bản như bản đăng ở đây. Tuy nhiên, bài hát Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã được phổ nhạc theo bài đăng năm 1986.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời phổ nhạc cho bài thơ của Giáp Văn Thạch

Quê hương

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

ĐK:
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
253.76
Trả lời
Ảnh đại diện

Tác Giả Đỗ Trung Quân đã nói về bài thơ Bài Học Đầu cho Con trên lán sóng RFA.

Qua làn sóng đài RFA, tác giẩ Đỗ Trung Quân đã xác minh rõ ràng bài thơ không có câu cuối cùng : '' sẽ không lớn nổi thành người ''. Để tạo sự trung thực cho tác phẩm để lưu lại cho thế hệ mai sau, xin người có thẩm quyền chỉnh sửa trong trang nhà này, vui lòng cắt bớt câu cuối cùng ra khỏi bài thơ, để bài thơ được trở về nguyên thuỷ bản chính của tác giả. Chân thành cảm ơn.
Macchau-pt

84.38
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản chính qua lời đọc của tác giả trên làn sòng phát thanh RFA

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tiinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ.....

263.81
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản gốc

Xin cảm ơn bạn, và đăng lại bài viết để mọi người tiện tham khảo:


Nhà thơ Đỗ Trung Quân và ca khúc Quê Hương
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-10-05

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm giới thiệu xuất xứ một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Trung Quân mang tên “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc với tên tựa “Quê Hương”.

Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của ông. Năm 1976, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ của ông đã trở thành nổi tiếng như Hương Tràm (1978) được Vũ Hoàng phổ nhạc, Chút Tình Đầu cũng với Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài “Phượng Hồng” (1988), Bài Học Đầu Cho Con (1986) được Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương”.


Vào đầu thập niên 1990 khi bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đưa vào ca khúc đã chiếm được cảm tình của người nghe và nhanh chóng trở thành bài hát được phổ biến nhiều nhất liên tiếp trong nhiều năm trời. Từ trong cũng như ngoài nước, bài thơ đã khơi động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt xa xứ bởi lời lẽ tưởng chừng bình dị nhưng lại rất khéo léo gợi tâm lý quê hương qua hình ảnh quen thuộc của người mẹ Việt Nam. Có một điều đáng nói là tuy nổi tiếng nhưng bài thơ cũng gặp không ít phê phán gay gắt, nhất là những người xa nước bởi một câu cuối kết thúc của bài thơ. Người nghe thật sự bị hụt hẫng khi đang trong tâm trạng bị thuyết phục bởi những hình ảnh quen thuộc thân thương trong ký ức bỗng dưng nơi cuối cùng của bài thơ một âm thanh nghiêm khắc vang lên như kết án những con người lưu lạc...thế là người ta vừa thích vừa ghét, vừa muốn nghe tiếp lại vừa bực bội tắt máy khi sắp đến những dòng cuối cùng...

Chúng tôi có dịp nói chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Quân về thi ca, văn nghệ trong cũng như ngoài nước. Đáng lẽ đề tài được nói đến sẽ là nhiều bài thơ cũng như hoạt động văn nghệ của anh, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại muốn hướng đến câu hỏi mà nhiều năm nay tôi vẫn để đó chờ dịp được hỏi. Câu hỏi này chúng tôi chắc cũng rất nhiều người muốn nghe, và nhân đây mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, cảm ơn anh đã dành cho chương trình VHNT của Đài Á Châu Tự Do. Nói về những hoạt động văn nghệ của anh tôi tin rằng sẽ rất lý thú, nhưng cũng như anh đã biết thời gian của chương trình không cho phép, vậy thì nên chăng xin đề nghị là chúng ta sẽ nói về một bài thơ của anh mà thôi, vì chính bài thơ này đã làm nên tên tuổi của Đỗ Trung Quân. Nếu được, xin anh đọc lại cho thính giả nghe tác phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” vì theo tôi biết giọng đọc của anh cũng hấp dẫn không kém khi anh làm thơ...

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Bài thơ có tựa là “Bài Học Đầu Cho Con”.

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ...


Bài thơ kết thúc ở đấy, thưa quý vị.

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, xin thứ lỗi nếu tôi nói không chính xác vì thật ra bài thơ còn một câu cuối nữa mới thành khổ thơ tứ tuyệt, tức là bốn câu, vì anh chỉ đọc có ba câu mà thôi. Trong nhạc phẩm "Quê Hương" do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này có hai câu cuối là: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người....Xin anh cho biết đâu là nguyên bản...

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Dạ. Thưa anh và thưa quý vị, bài thơ này được đăng lần đầu vào năm 1986, xuất xứ của nó là hồi đó tôi đề tặng bé Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bây giờ. Khi tôi đề tặng thì Quỳnh Anh mới chỉ được một tuổi thôi. Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng. Những người biên tập bài này là chị Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang. Chị Việt Nga thì cũng đã mất vị bạo bệnh.

Mặc Lâm: Anh có thể cho biết cụ thể hơn một chút xíu về việc này không, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ...” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.

Mặc Lâm: Và sau khi biết bị báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ của mình như vậy thì anh có phản ứng gì không, và những lần tái bản sau thì bài thơ có được sửa lại cho đúng không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Khi tôi thấy họ sửa và bỏ một vài đoạn nên khi đăng lại vào năm 1991 ở trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp (thơ, 1991) thì tôi đăng lại nguyên bản, và nguyên bản thì nó có khác với bài đầu tiên do khi đó đã được cắt bớt một vài đoạn và thêm một câu là “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Thì, thưa anh, khi tôi đăng lại thì nó có khác. Thật ra mà nói thì nhạc sĩ phổ theo cái bản của năm 1986 chứ không phải là theo bản của năm 1991.

Tập thơ “Cỏ Hoa Cần Gặp” (1991) thì trước khi rời Việt Nam thì nhà thơ - nhà dịch giả Hoàng Ngọc Hiến in cho tôi, và cái bản chính của nó là nằm ở tập này, không có câu cuối cùng.

Thưa anh, bây giờ thì nói như thế thì tôi có một phản ánh lại là chị Việt Nga là người biên tập bài này,cũng như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã mất rồi, tôi là người còn sống, nói thế nào đó nó cũng là khó ở chỗ là những người đã mất thì không nói lại được và tôi rất ngần ngại.

Mặc Lâm: Như vậy thì nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã phổ bài thơ này trước khi được anh đăng lại phải không thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Anh Giáp Văn Thạch đã phổ theo bài thơ năm 1986 là bài thơ đã được bớt một vài đoạn. Nếu quý vị để ý thì sẽ thấy là không có một đoạn mà tôi viết tiếp là:

“Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi.

Khi tôi làm bài thơ này, tôi gửi cho bé Quỳnh Anh. Chúng tôi lúc đó là bạn với nhau. Giai đoạn đó thì ai cũng nghèo. Tôi không có gì làm quà cho cháu Quỳnh Anh, mà Quỳnh Anh bây giờ đã là một cô gái 23 tuổi, học ở Pháp. Thế thì khi tôi tặng như vậy thì tôi chọn một bài thơ cho trẻ con và tôi chọn một thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đó là thơ 6 chữ, thơ 5 chữ - thơ 6 chữ đó, một thể thơ dễ thuộc ở Việt Nam. Và những hình ảnh thì tôi chọn những hình ảnh rất là gần gũi: cây khế, cầu tre, con diều...

Mặc Lâm: Anh vừa nhắc đến từ “con diều” khiến tôi nghĩ rằng anh đã thiếu mất đoạn này vào lúc đầu anh đọc bài thơ đó ạ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Lúc nãy tôi đọc hình như có thiếu một đoạn thưa quý vị. Đó là:

“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông...”

Xin thứ lỗi là vì tôi cũng không thuộc thơ mình lắm. Tôi xin được bổ sung một đoạn như thế. Và nó ra đời ở trong một cái giai đoạn là, xin quý vị nhớ giùm là năm 1986, khi đó văn chương ở Việt Nam hầu hết còn ở trong giai đoạn động viên xã hội chủ nghĩa, tức là lao động, tức là một chút gì đó còn có chiến tranh. Cái bài thơ này hoàn toàn không dính dáng tới cái đó bởi vì tôi làm để tặng cho một cô bé còn rất là nhỏ và mới chỉ một tuổi. Và những hình ảnh đó, tôi nghĩ rằng nếu có hình dung là cháu lớn lên sau này, cháu có đi khắp nơi, đi tới nước nào cũng vậy, ở đâu nó cũng thế. Thì những hình ảnh đó cháu mang theo và đó là đất nước của mình. Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một chút sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết và khi để nó ra, nó sống hay nó chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác. Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất là xa, nó có thể gây yêu mến nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ngộ nhận. Tất cả những cái đó thì đó là số phận riêng. Tốt nhất là thôi cứ để nó có số phận của nó.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được nghe là anh đã giao lại tác quyền bài thơ này cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, sự thật như thế nào, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Thưa anh và thưa quý vị, trong vòng 7 năm nay tôi đã làm một văn bản cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam là tất cả những liên quan đến bài thơ “Quê hương” thì xin được chuyển hoàn toàn cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch những gì thuộc về vật chất. Tôi đã làm một bản uỷ quyền cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã chấp nhận cái thơ tay này của tôi. Gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch thì thật ra mà nói cũng rất khó khăn. Rất tiếc là ảnh mất sớm. Tôi nghĩ là cái việc mà tôi làm nó cũng như mọi người ở Việt Nam là nó cũng thuộc đạo lý Việt Nam thôi. Nhưng mà bản quyền ở Việt Nam thật ra mà nói thì cũng không nhiều đâu. Cái điều đó cũng không giúp cho gia đình ảnh bao nhiêu, nhưng mà cá nhân tôi thì xin phép là tôi đã chuyển gần 7 năm nay tôi chuyển tất cả những gì liên quan đến ca khúc đó cho gia đình anh Thạch.

Mặc Lâm: Và trước khi từ giả, anh có lời gì cần chia sẻ với thính giả nghe đài hay không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Tôi xin cảm ơn anh vì tôi đã có dịp để nói lại một bài thơ mà thật ra thì nó cũng đã lâu, cũng đã cũ, nhưng dẫu gì đi nữa thì thỉnh thoảng cũng có người nghe, có người hiểu nó, có người bực mình nó...

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
93.78
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản in trong tập "Cỏ hoa cần gặp"

Bài học đầu cho con

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ...

44.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Giáp Văn Chung

Első lecke gyermekemnek

Anyu, mit jelent a szülőföld?
Amit szeretni kell, a tanítónő szerint
S ha távol vagyunk,
Hiányzik nagyon.

A szülőföld lehet egy édes karambola fa
Amire nap, mint nap fölmászhatsz egy füzér gyümölcsért,
Lehet repdeső pillangókkal tarkított ösvény,
Amelyen az iskolából hazatérsz.


A szülőföld lehet egy papírsárkány
Amit gyerekként elengedsz a rét fölött,
Lehet egy kis csónak,
Mely a folyó vízét szeli át csendesen,

Lehet a szülőföld egy kis bambuszhíd,
Melyen anya szalmakalapban hazatér,
Lehet mezei virág illata,
Mely bearanyozza nyáréji álmodat,

Lehet anya gondoskodó karja,
Melyben elalszol egy esős éjszakán,
Lehet egy holdvilágos est,
Mikor a ház lépcsőit bételdió virága festi meg,

Lehet a szülőföld sárga tökvirág,
Vagy lilás-rózsaszín szirmú malabárspenót,
Akár két vörös rózsamályva sor,
Vagy hófehér lótuszvirág virítása is,

Csak egy szülőföldje van az embernek,
Amint anyja is csak egy van mindenkinek,
És ez az egy örök és feledhetetlen…

"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
54.80
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Tấn Đại

Première leçon à mon enfant

Pays natal, qu’est-ce maman ?
Qu’on est censé aimer
Pays natal, qu’est-ce maman ?
Qui voyage garde en mémoire

Pays natal c’est des caramboles
sucrées que tu cueilles chaque jour
C’est le chemin de l’école
jaune de papillons à ton retour

Pays natal c’est le cerf-volant
sur le champ de ton enfance
C’est le simple bac en bois
traversant la rivière en silence

Pays natal c’est le pont en bambou
sous chapeau en feuilles maman rentre
C’est l’odeur du champ de gazon
parfumant le sommeil d’été

Pays natal c’est le bras de tendresse
te berçant en pleine nuit pluvieuse
C’est la lune éclairant la terrasse
blanche de fleurs d’aréquier

Pays natal c’est jaune de citrouille
C’est rouge de haies d’hibiscus
C’est rose violet de baselle
C’est blanc virginité de lotus
Pays natal un seul dans sa vie
Comme maman pour chacun unique
Pays natal qui ne garde pas en mémoire...


Bản dịch câu cuối trong bản phổ nhạc của Giáp Văn Thạch:
“... Sẽ không lớn nổi thành người.”

Traduction de la dernière phrase dans la version musicale de Giáp Văn Thạch:
“... Ne grandira pas son âme vertueuse.”
25.00
Trả lời