Lại thêm một bài thơ đúng nghĩa thơ tình của một thi sĩ rất mực tài hoa, từng một thời mặc áo lính. Nhà thơ Hữu Thỉnh tuổi Nhâm Ngọ (1942), quê ở làng Phước Vinh, xã Duy Phiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học, dù vất vả cực nhọc từ tấm bé nhưng ngọn lửa đam mê học vấn vẫn không thôi cháy bỏng trong tâm trí ông. Giống như bao chàng trai trẻ cùng thời, tốt nghiệp phổ thông, Hữu Thỉnh lên đường nhập ngũ. Là một người lính của Binh chủng Tăng - Thiết giáp, ông đã tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường ác liệt thời chống Mỹ. Khói lửa chiến tranh và hiện thực cuộc sống chiến đấu sôi động đã thôi thúc ông cầm bút ghi lại những điều cảm nhận được. Người yêu thơ từng say sưa đón nhận bài thơ “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Hữu Thỉnh nói về tình đồng đội keo sơn gắn bó. Bài thơ được phổ nhạc và nhanh chóng chiếm được cảm tình sâu đậm của đông đảo thính giả, đặc biệt là những người lính. Ngay từ năm 1973, ông đã đoạt giải Ba cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ. Con đường thơ của ông càng đi càng rộng mở, đắm say, dào dạt. Năm 1976, một lần nữa Hữu Thỉnh lại bước lên bục nhận giải A cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Chiến tranh kết thúc, nhà thơ Hữu Thỉnh vào học ở Trường viết văn Nguyễn Du khoá đầu tiên. Tốt nghiệp, ông về làm biên tập và lần lượt đảm trách các cương vị: Trưởng ban Thơ rồi Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1990, Hữu Thỉnh giữ chức Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ. Ông liên tiếp được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khoá 3, 4, 5, 6. Hiện nay, nhà thơ Hữu Thỉnh là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông là tác giả của nhiều tập thơ nổi tiếng, trong đó có hai tập trường ca: “Đường tới thành phố” và “Sức bền của đất” giành được nhiều giải thưởng danh tiếng. Không chỉ viết thật hay về người lính trên các lĩnh vực, Hữu Thỉnh còn sáng tác rất nhiều thơ tình. Lại vẫn là cách tìm tòi thể hiện luôn mới mẻ trước những chuyện tưởng như rất xưa cũ. Ngòi bút thông minh, phong cách lịch lãm cộng với cốt cách văn hoá đã khiến cho thơ tình của ông luôn có sức cuốn hút người đọc.

“Xa vắng” là một câu chuyện tình vu vơ thoáng qua, mới nghe tưởng chừng rất vô lý. Một gã tình si lang thang đi tìm về nơi chốn cũ. Tìm ai vậy? Xa vắng quá bồn chồn đi hỏi cát/Đường đông người đâu nhỉ dấu chân em. Chỉ biết rằng bấy lâu chưa được gặp nhau, gã đứng ngồi không yên cho nên gã phải đi tìm vậy. Nhưng biết tìm đâu bây giờ bởi trở đi mắc núi trở lại cách sông mất rồi. Chẳng biết hỏi ai, thôi thì đành hỏi cát. Khởi đầu là một sự vu vơ, nhưng có lý bởi cát biết ôm giữ vào lòng cát những kỷ niệm êm đềm của thời hai người yêu nhau. Cát chứng kiến mối tình của hai người và biết cất giữ cái điều thiêng liêng nhất cho họ. Nhưng trước họ và sau họ đã có bao cặp tình nhân tìm đến với cát, vậy thì làm sao cát có thể là của riêng ai? Gã tình si cứ một mình đếm cát, cứ tẩn mẩn đi tìm và tự hỏi: Đâu nhỉ dấu chân của em ta ngày ấy?

Xa vắng quá một mình đi hỏi bến/Người sang đò có dặn sóng gì thêm. Lại thêm một sự vu vơ nữa. Hỏi bến ư? Có mà hỏi suốt ngày, bởi người đi thì nhớ bến chứ bến làm sao mà nhớ cho xuể ai với ai. Mà hỏi gì kia chứ? Hỏi người sang đò nghĩa là dò hỏi xem cô ấy có nhắn lại điều gì chăng? Đến đây thì mọi sự đã rõ. Người yêu của gã đã đi lấy chồng. Con sáo đã sang sông. Biết vậy nhưng gã vẫn cố vớt vát để tự an ủi lòng mình. Tại sao nàng không dặn bến mà lại đi dặn sóng nhỉ? Thì ra, nàng đâu có thể dứt bỏ mọi thứ một cách dễ dàng được, nên chi lúc sang sông trong lòng nàng cũng nổi sóng chớ đâu có được yên ả. Giả dụ nếu đem từ bến thay từ sóng, hẳn câu thơ sẽ nhẹ hều.

Từ sự bồn chồn, gã tình si day dứt đi tìm, nhưng hết hỏi cát đến hỏi bến mà vẫn mờ mịt bóng chim, tăm cá. Gã nuốt cục nghẹn chôn chặt đáy lòng. Biết vậy, nhưng “chút nghĩa cũ càng” cứ cựa quậy trong tâm tưởng khiến gã vẫn không thôi cuộc kiếm tìm, hỏi han. Cái bồn chồn hăm hở qua đi nhường chỗ cho sự tần ngần, phân vân. Gã chỉ mong sao tìm lại được một chút gì hơi hướm của người cũ, của ngày cũ, đem hong lên sưởi ấm cho hồn mình, để đặng thanh thản. Ôi cái điều ấy mới thật mong manh và rồ dại làm sao. Nhưng có lẽ đấy mới là tình yêu đích thực. Xa vắng quá tần ngần đi hỏi chợ/Người mua gương dạo ấy có hay về. Dùng dằng mãi rồi gã cũng đi hỏi chợ, hỏi cái nơi mà nàng vẫn thường lui tới trước khi xuống đò, sang sông. Giữa chợ trăm người bán, vạn người mua, biết hỏi ai đây? Lại cũng vu vơ, cắc cớ nốt. Nhưng cuối cùng thì gã đàn ông khốn khổ cũng nhận được câu trả lời. Người mua gương chỉ một lần trở lại/Soi tưng bừng rồi lặng lẽ quay đi. Chao ôi, thế nghĩa là nàng có trở về chốn cũ. Điều ấy cũng an ủi được phần nào. Cụ Nguyễn Du từng viết: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng” kia mà.

Nhưng sao nàng lại cầm gương: “Soi tưng bừng rồi vội vã quay đi”? Chữ tưng bừng thường chỉ sự ồn ào náo động trong các hội hè đình đám. Phải chăng thi sĩ đã phóng bút ở đây? Không hề, mà ngược lại nó hoàn toàn được sử dụng chính xác trong ngữ cảnh. Người thiếu phụ trở về chốn cũ ngắm dung nhan của mình trong chiếc gương xưa, giật mình lắm nhưng phải cố che giấu cái điều đắng đót trong lòng. Thế nên chị chàng mới phải khoả lấp bằng cái sự tưng bừng, ồn ào, để che mắt những người quen biết cũ khỏi tọc mạch. Có khi nàng không được hạnh phúc, hoặc giả nhan sắc của nàng đã phôi phai theo năm tháng. Vậy thì bẽ bàng lắm chứ. Ngắm nhìn dung nhan nơi chốn cũ, biết đâu tim nàng chẳng nhói lên niềm tiếc nuối? Một nỗi lo sợ mơ hồ, nếu bất ngờ gặp lại người xưa thì sao nhỉ? Bởi thế nên sau khi đã soi gương “tưng bừng”, nàng “lặng lẽ quay đi” như một kẻ trốn chạy quá khứ.

“Xa vắng” là một bài thơ tình đặc sắc không chỉ bởi cái tứ độc đáo, mà còn ở sự dồn nén đến chắt lọc. Tất cả chỉ có hai khổ, tám câu thơ với sáu mươi tư con chữ mà dư âm của nó cứ thấm sâu vào lòng người đọc. Một cảm giác bâng khuâng, xa xót, vừa thương vừa giận cứ lênh loang ra mãi tựa như những vòng sóng lan toả. Nhưng cuộc đời là thế và tình yêu sẽ bất tử với muôn vàn cung bậc, bất chấp thời gian.

(Theo Báo Khánh Hoà)