Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam Trung tạp ngâmBắc hành tạp lục. Theo gia phả biết được tên ba tập sách. Nhưng các bài cụ thể cho đến giữa thế kỷ XX vẫn tản mát và chép lẫn lộn hoặc gộp chung vào một cuốn. Ở nhà cụ Nguyễn Mai, cháu xa Nguyễn Du, có được mấy chục bài. Vua Tự Đức cũng từng sai thu thập. Ông Đào Duy Anh từ trước năm 1945 có lẽ là người tìm được nhiều nhất (131 bài) mà theo nội dung thì là các bài từ cả ba tập thơ trên. Tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 1959) do các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh dựa vào cuốn Thanh Hiên thi tập lưu ở Vụ Bảo tồn bảo tàng, chọn dịch 102 bài trong số 126 bài (74 bài của Thanh Hiên, 6 bài của NTTN, 46 bài của BHTL). Các cụ sắp xếp thành ba phần theo ba chặng viết của Nguyễn Du: Chặng Lê mạt, chặng làm quan triều Nguyễn, chặng đi sứ Trung Quốc. Bài Độc Tiểu Thanh ký này xếp ở phần đầu chặng đi sứ.

Cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du do các cụ Lê Thước, Trương Chính chủ trì biên soạn với sự tham gia của nhiều người (NXB Văn học, 1965) có 249 bài. Đây là lần đầu tiên thơ chữ Hán của Nguyễn Du được công bố nhiều nhất, được tìm hiểu xuất xứ và chú giải kỹ nhất. Bài Độc Tiểu Thanh ký được các soạn giả phát hiện: “bài này không phải làm khi nhà thơ đi qua mộ Tiểu Thanh, mà khi còn ở nhà” (trích “Lời giới thiệu” của Trương Chính). Bài thơ không xếp vào phần thơ đi sứ mà giữ trong tập THTT, ở phần “Làm quan ở Bắc Hà 1802-1804”. Bản dịch (cả dịch nghĩa và dịch thơ) được chọn dạy cho học sinh trung học, in trong sách giáo khoa lớp X, tập I, là của Vũ Tam Tập, rút từ Thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 1965). Tôi xin được dựa vào nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Du, có tham khảo các bản dịch khác và xin được bàn luận về cách hiểu nghĩa và diễn thơ của Vũ Tam Tập.
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
“Vườn hoa đẹp Tây hồ đã thành bãi hoang”. Đây là Tây hồ của Hàng Châu, Trung Quốc. Câu thơ mở bài nói một đổi thay tàn tạ, nhưng không phải chỉ để gợi cảm khái chung chung, mà gắn với một địa danh cụ thể, Tây hồ. Tiểu Thanh, đời nhà Minh tài sắc, nhưng phải làm lẽ, bị vợ cả hành hạ. Tây hồ là nơi nàng bị người vợ cả ép sống đơn lẻ ở đây đến phải chết buồn năm 18 tuổi. Bài thơ mang giọng Nguyễn Du tâm sự với Tiểu Thanh:
Trước cửa sổ (ta) đọc cuốn sách, viếng nàng.
Cuốn sách ấy là cuốn Ghi chép về cuộc đời Tiểu Thanh (Tiểu Thanh ký). Trong đó tôi đoán có chép lại 12 bài thơ còn sót lại khi tập thơ mang tâm sự bị người vợ cả đem đốt. Nguyễn Du đọc đời nàng, xem thơ nàng và xót thương thân phận nàng, chính là một hành động phúng điếu.

Hai câu phá đề, thừa đề coi như đã nói xong tiểu sử Tiểu Thanh và nỗi lòng thương cảm của tác giả với nàng. Phần còn lại của bài thơ, tới sáu câu, chỉ còn là những chiêm nghiệm của Nguyễn Du về cuộc đời. Thân phận Tiểu Thanh làm ông chạnh nghĩ tới thân phận mình.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Tôi trích hai câu liền vì hai câu đối ý quấn quýt tạo nên một mạch cảm xúc. Nhưng chuyển sang tiếng Việt xin được xét từng câu. Câu thứ ba, bản dịch nghĩa của Vũ Tam Tập in trong sách giáo khoa:
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết,
Văn chương không mệnh mà mang luỵ cả lúc đã thành tro.
Thơ chữ Hán thường nén chữ lại, phá vỡ kết cấu văn phạm thông thường, nên người đọc có thể hiểu theo nhiều cách. Riêng trong câu này ba chữ “liên tử hậu” (liên: thương; tử hậu: sau khi chết). Vũ Tam Tập chắc đã căn cứ theo tiểu sử Tiểu Thanh mà luận ra, bằng cách coi chủ từ của “thương” là hồn vía Tiểu Thanh. Và “sau khi chết” thì phải hiểu là “mọi việc xảy ra sau khi Tiểu Thanh chết”, ở đây ám chỉ việc người vợ cả đốt những bài thơ của nàng. Cách hiểu này có lý, tuy lập luận có lấn hơi nhiều ra ngoài chữ nghĩa của câu thơ. Nhưng điều đáng nói là hiểu như thế ý thơ bị hẹp lại, tình cảm cũng mất đi vẻ trữ tình thế sự, chuyển thành một thứ thơ kể chuyện đời Tiểu Thanh bằng phẳng, nhạt và bị rời khỏi tư thế trí tuệ của bài thơ.

Tôi xin được hiểu sát vào từng chữ của câu thơ “Son phấn có thần (nên vẫn gây tiếc) thương sau (khi đã) chết”. Son phấn tượng trưng cho nhan sắc người phụ nữ. Câu thơ này là Nguyễn Du tự thấy giữa lòng mình: Tiểu Thanh sống vào triều Minh, khi Nguyễn Du đọc bài ký viết về nàng, Tiểu Thanh “tử hậu” đã tới ba trăm năm, vậy mà khi biết chuyện đời Tiểu Thanh, Nguyễn Du vẫn xót xa: Son phấn (tài sắc người phụ nữ) có thần gây xót thương cho người ta cả sau khi đã chết! Một chiêm nghiệm thế sự nói chung (với Truyện Kiều cũng tương tự) chứ không phải một ước đoán tâm lý (chắc phải) cho riêng trường hợp Tiểu Thanh như câu dịch nghĩa của Vũ Tam Tập. Ý thơ này còn là tiền đề cho ý thơ kết: “Ta, sau ba trăm năm nàng mất, nhỏ lệ thương nàng, không biết ba trăm năm nữa (tử hậu của ta) có ai còn nhỏ lệ khóc ta không!”. “Tử hậu” chiếu xuống “dư niên hậu” cho thấy nỗi tủi thân thấm thía của người tài tử Nguyễn Du. Cũng không nên coi đây là tài tung hứng trên dưới của bút pháp Nguyễn Du mà nên hiểu đây là mạch cảm xúc chính của bài thơ này. Thấy người mà ngẫm đến ta, rất lôgic. Hiểu như Vũ Tam Tập thì câu thơ chỉ còn dính với riêng tiểu sử Tiểu Thanh và bong khỏi nghĩa lý toàn bài.

Câu sau, tức câu thứ tư của bài, Vũ Tam Tập dịch nghĩa:
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở.
Câu này dịch thế e mất ý. Mất chữ “luỵ”, vốn là nhãn tự của câu, nó ăn với chữ “liên” ở câu trên. Và cứ trong nghĩa câu dịch này mà hiểu thì hơi văn lại hoá ngô nghê: “Văn chương không có số mệnh... mà cũng bị đốt dở!”. Thế nghĩa là nó đáng phải được đốt cháy cho bằng hết(!). Câu thơ này gây hiểu lầm cũng ở ba chữ cuối “luỵ” (gây khó) “phần” (đốt) “dư” (còn lại). “Luỵ” cho đến cả phần “còn lại sau khi đốt” (luỵ cho tác giả) hay “phần còn lại sau khi đốt” còn đủ sức gây bận lòng người (luỵ cho độc giả)? Cả hai cách hiểu đều có lý và không mâu thuẫn. Người sau khi chết vẫn gây thương và thơ còn sót sau khi cháy vẫn gây khắc khoải (luỵ) cho người đời. Chính Nguyễn Du đang thể nghiệm cái mối luỵ ấy khi đọc bài ký về Tiểu Thanh. Bản dịch của Thảo Phương, trong Đọc và dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du (NXB Văn học, 2007), câu này chuyển ngữ là: “Luỵ đến tàn tro, hỡi phú thơ!” thì mối luỵ đứng giữa độc giả và tác giả. Còn mối luỵ ám vào tác giả: Văn chương vô mệnh, nó không như người, không là sinh linh, chỉ là chữ trên giấy, mà đã mang đốt đi, thành tro rồi, vẫn còn để luỵ cho người viết ra nó. Cái “luỵ” ấy đủ mạnh để cân với sức nặng của chữ “thương” ở câu trên (thương người thương sang cả cõi ma). “Luỵ, đến tàn tro còn gây luỵ”... Đây cũng là một chiêm nghiệm phổ biến của giới chữ nghĩa. Cái luỵ văn chương xưa nay nhiều lắm. Nguyễn Du hẳn biết nhiều những “ngục văn tự” của tiền nhân. Và trong đời chắc hẳn chính ông cũng nhiều phen nghe lạnh sống lưng. Ấy là chưa kể đời sau, ông “con giời” Tự Đức đọc đến câu Kiều “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” còn muốn nọc Nguyễn Du ra đánh trăm trượng nữa kia. Có bất ngờ chăng là cái luỵ ấy lại rơi vào thân phận một cô gái làm lẽ tội nghiệp, văn chương rất nghiệp dư này. Cái nỗi hận ấy của Tiểu Thanh, mà nào có riêng Tiểu Thanh, Nguyễn Du từng chứng kiến bao oán hận khi Gia Long trả thù Tây Sơn: hành hình người sống, bật mồ người chết, rồi đốt xoá đục đẽo bằng hết mọi văn tự có dính dáng đến Tây Sơn... Oán hận ngút trời! “Cổ kim hận sự thiên nan vấn”. Cái nỗi hận xưa có, nay cũng có ấy, có ngửa mặt kêu trời mà hỏi, trời cũng bất lực, vô phương: “thiên nan vấn”. Nguyễn Du ý thức được đấy là chỗ bế tắc của đời. Và ngay câu sau đó, ông ý thức phận mình: “phong vận kỳ oan ngã tự cư”: phận ông cũng đã ở sẵn trong khối oan khiên ấy. “Ngã tự cư”: ta đã ở đấy rồi. Đấy là niềm bi phẫn hay nỗi yếm thế của Nguyễn Du? Chắc cả hai. Trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, cái chữ “tự” này sao nhiều phen bi thiết: “Nhân tự bi thê, thảo tự thanh” (người tự buồn thương, cỏ tự xanh) xanh là bản tính của cỏ, bản tính của người lại là buồn thương ư! Cái chất tâm hồn Nguyễn Du như thế, nên mới vừa chạm đến thân phận Tiểu Thanh, ông đã trùng điệp nỗi mình, dẫn đến câu kết như một di chúc, một câu hỏi cực thân hỏi vào hậu thế:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như
(Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Thiên hạ ai người khóc Tố Như)
Bốn câu cuối bài thơ, bản dịch Vũ Tam Tập đã hoàn hảo cả tình cả ý. Và bài Độc Tiểu Thanh ký này đã là một chìa khoá giúp ta mở vào nỗi lòng Nguyễn Du.

Hà Nội, tháng 10/2010
Vũ Quần Phương