Lược trích bài viết của nhà NCVH Lưu Đức Hạnh đăng trên tạp chí DDVNVN( 306)-7/2020
NẰM NGHE TÓC RỤNG - MỘT CÕI TÌNH
Đỗ Quảng Hàn -  Đỗ Văn Quảng sinh năm 1946, tốt nghiệp ĐHSP Vinh năm 1968, dạy học ở Quảng Bình, Thanh Hoá, trước khi về hưu là giáo viên chuyên văn, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá. Ông quê làng Phương Tích, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Cha đậu tú tài Hán học, sống bằng nghề dạy học chữ nho buổi mạt kỳ nên cũng như Tú Xương, chuyên “ăn lương vợ”. Mẹ vừa cày cấy vài mẫu ruộng vừa nuôi tằm,ươm tơ, dệt vải.
Tuổi nhỏ đã cùng với gia đình di cư  ra huyện miền núi Cẩm Thuỷ,Thanh Hoá theo người anh cả đi bộ đội lấy vợ ở đây. Ngay năm chín tuổi, cậu bé Quảng đã đọc Tự Lực Văn Đoàn, Thơ Mới, Tiểu thuyết thứ Bảy...trong tủ sách của anh rể, một giáo viên trung học. Ngẫm lại, ông tự nhận xét “Sinh ra từ xứ Nghệ, lớn lên nhờ xứ Thanh, mang tâm trạng xa quê, sống nhờ nên dễ mặc cảm, dễ buồn thương...thích cái đẹp mà buồn…nhưng cũng sôi động, khát khao”.   Nhưng với Đỗ Quảng Hàn thơ đã là duyên nợ, hồn thơ ấy chỉ bị nén chặt mà thôi. Và NẰM NGHE TÓC RỤNG như ngọn núi lửa hầu ngủ yên hơn bốn mươi năm, năm 2019 này dâng trào trở lại giữa một ít nguồn mạch từ dăm năm trước.
Đỗ Quảng Hàn là con người nội cảm, thích trầm tưởng trong cái không gian lạnh của một mình nên thơ viết về đời nhưng không thế sự, không thời sự, càng không đại tự sự. Chỉ mỗi nỗi tình của ông.
Ấy là nỗi niềm với hội chứng khách lạ giữa quê hương mà Hạ Tri Chương (659 - 744) nhà thơ thời Sơ Đường ngậm ngùi đau khổ cách đây gần 1400 năm. “Nhỏ đã xa nhà, già mới trở về / Tiếng thì không đổi nhưng tóc thì đổi thay / Trẻ con ở quê gặp không biết là ai / Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến đây”.
                                              Đi mãi không gặp người quen,
                                              lẽ nào làng nay đã đổi tên?
                                              Chợt nghĩ, ra đi từ chín tuổi
                                              Đến cả mình e chẳng nhớ mình!
Đỗ Quảng Hàn là người “ngoài lạnh, trong nóng”; tưởng sống thờ ơ, thật ra nhiều khao khát. Khao khát quê hương, tình thân, bạn bè, tình yêu. Khao khát tự bộc lộ nên lúc nào cũng cảm thấy thiếu hụt tình cảm. thấy cô đơn dù sống thực hay sống ảo. Ta hình dung ra trong thơ một người bước đi thập thững trên đường đời, hụt hẫng trong con tim.
                                                   Đường đi mải miết mà chưa tới,
                                                   cõi tình đắm đuối vẫn chưa nguôi.
                                                   Biết ai tri kỷ cho tôi hỏi,
                                                   Phía trước thời gian có gặp tôi?
                                                                                            (Đường đi)
Khiến nhiều khi có cảm tưởng Đỗ Quảng Hàn là người của thời Thơ Mới buổi hậu kỳ ít lãng mạn nhiều hiện sinh.
Tuy vậy nhân vật trữ tình trong thơ Đỗ không trĩu nặng thương đau mà mang vẻ đẹp cao cả của dâng hiến, lãng đãng chút phong vị cổ xưa: ...
Đọc NẰM NGHE TÓC RỤNG, tôi cho rằng Đỗ Quảng Hàn là một giọng thơ khác lúc bây giờ. Cho nên nó hơi lạ.
                                                                                  Hà Nội, ngày cuối  cùng  năm 2019
                                                                                             LƯU ĐỨC HẠNH
                                                                                Tạp chí DDVN VN (306)-7/2020