Quan niệm về thơ và sáng tạo thơ đã được Nam Trân thể hiện thành công phần nào qua cảnh và tình của Huế, Đẹp và Thơ. Trở lại với tập thơ hôm nay, ta hình dung được phần nào sự khiêm nhường của vị trí tập thơ, cái ánh sao le lói trên bầu trời “Một thời đại trong thi ca” dân tộc ngày ấy.

Sự xuất hiện trở lại của Huế, Đẹp và Thơ sau hơn nửa thế kỷ ít được người đọc biết đến là một động thái đáng trân trọng của NXB Hội nhà văn nhân kỷ niệm 100 năm sinh của nhà thơ cùng với lời giới thiệu trân trọng, công phu của Đào Thái Tôn, vừa với tư cách là học trò cũ dâng nén tâm hương tưởng nhớ thầy, vừa ôn lại nhiều kỉ niệm một thời với cả những “bão giông” của khách quan lịch sử và lòng người. Tác phẩm gồm 37 bài, với nhiều “xô lệch” về thể thơ, câu thơ có khi chỉ trong nội bộ một bài, đã thể hiện những nỗ lực cách tân thơ và cả cái nhìn nhiều cảm mến của Nam Trân đối với cuộc đời. Bài viết đi vào tìm hiểu quan niệm sáng tác thơ, hiện thực và vẻ đẹp của Huế từ những miêu tả qua con mắt nhà thơ.

1. Quan niệm sáng tác thơ

Nếu coi cả tập thơ là một “bài thơ lớn” về Huế, thì mỗi bài cụ thể trong tập là một “câu thơ” đẫm chất Huế, chất thơ trước cái Đẹp của cố đô cổ kính. Mỗi “câu thơ” đó là một thử nghiệm về hình thức: từ 1, 2, 3, đến... 7 chữ/dòng, hoặc thuần lục bát, thất ngôn, hay có khi trộn lẫn, đan xen các thể thơ trong cùng một bài. Chỉ riêng về hình thức thơ đã có thể cho thấy những trăn trở, “phản kháng” của tác giả trước lối mòn của sáng tác thơ.

Nội dung của mỗi bài ít nhiều đều kín đáo hoặc trực tiếp đối thoại về thơ hoặc về cuộc sống và đều có đề tặng một ai đó, như: ông bà Thiollier, Tạ Quang Bửu, Ưng Quả, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Thế Lữ, Trần Thanh Mại...

Đáng chú ý là những “tuyên ngôn” thơ của tác giả. Bài Bỏ quách lối thơ xưa đượm vẻ gay gắt, quyết liệt và khó tránh khỏi hơi bị thô: “Theo mãi lối thơ Đường/Hỏng, hỏng đã thấy chưa?/Nhả ra đừng nhai nữa/Những bã cặn còn lưa”. (Ngay đây cũng cần nói luôn: thơ Nam Trân thường dễ hiểu, “thật thà”, một mặt từ “định hướng” đưa hiện thực thời sự vào thơ; phần khác, quan trọng hơn, đó là do cấu trúc ngôn ngữ thơ của cả tập hầu như vắng bóng những ẩn dụ, hoán dụ - cái chủ yếu làm nên tính thơ).

Song, bên cạnh sự bộc trực, trần trụi của bài trên hay ở một số bài khác, vẫn có những bài là thơ.

Mùa đông (Cánh đồng An Cựu) là một bài hay không chỉ ở hình thức vắt dòng khớp với nội dung, mà còn hay ở tình, cảnh đọng, cô đúc và hàm súc: chiều đông đìu hiu lạnh lẽo, ruộng nước ngập mênh mông, phẳng lặng: hiệu quả gây ra tất yếu là nỗi buồn. Khoảng cách ngôn ngữ giữa tác phẩm và người đọc gần như bị triệt tiêu. Nói như thế không có nghĩa là tác giả không có dụng công về ngôn ngữ, mà thực ra, đó chính là từ tâm hồn đến với tâm hồn. Trường từ vựng với những “đìu hiu”, “mênh mông”, “nước phẳng”, “cò đói”, “yên lặng” và kết cục bằng “đồng không” hô ứng, tạo ra trường ngữ nghĩa hàm ẩn sự thiếu vắng âm thanh cuộc sống. Chính sự đan cài dày đặc tần suất của chúng đã chỉ ra cái nhìn của nhà thơ và liên hệ với thực hành thơ ở mấy dòng cuối bài: “Thi-tứ viển-vông:/Thần Tưởng-Tượng/Như đàn cò đói lượn/Đồng không.”. Ở đây, “đói” không chỉ của đàn cò mà cả của thi nhân trên cánh đồng-thơ: quá trình săn tìm cảm xúc. Bài thơ hoà quyện giữa tình, cảnh, từ đó dẫn tự nhiên đến quan niệm sáng tác lại được viết dưới hình thức thơ tự do, “chao liệng” của các con chữ cho thấy quan niệm thơ không chỉ trong nội dung mà cả ở hình hài tác phẩm.

Cả bài Giận khúc Nam Ai hừng hực khí thế với nhiều chấm than cùng những ngựa với gươm “tuốt mạnh như luồng bão” và những mệnh lệnh thức kêu gọi “Hãy đứng lên,...”, “Hãy đứng dậy!” để vứt bỏ “giọng sầu bi” của “Những câu ca không Đẹp lại không Thi” và lời khuyên đượm chút mỉa mai vào khổ cuối: “Hãy cung-kính nhượng các ngài tuổi-tác/Những bản đờn, dịp hát thiếu tinh-thần./Hãy ra nghe sóng vỗ, ngắm mây vần/Rồi sáng chế cho tôi vài điệu khác”.

Nhà thơ đối thoại với người “Nhạc-sĩ” đồng thời tự nói và giác ngộ.

Thơ hôm nay đã vắng đi những “tuyên ngôn”, “nói chí” trực diện như của Nam Trân. Nhưng bên cạnh những tâm sự “cách mạng thơ” mãnh liệt đó, người đọc chúng ta còn gặp lại những miêu tả Đẹp và Thơ của Nam Trân. Tôi cho rằng, đó chính lại là những thành công thực sự của tập thơ và mới là thơ thực sự.

2. Cảnh và tình

Trong Huế, Đẹp và Thơ có một vài “phác hoạ” đẹp về cảnh và tình của xứ Huế bằng ngôn ngữ rất thực. Tính chất đơn âm trong thơ Nam Trân được bù lại bằng sự sinh động của cảnh và tình xứ Huế. Những từ ngữ-chìa khoá “đặc sản” của Huế trở đi trở lại nhiều lần: với sông, (qua đó là những “sóng lòng” của thi nhân), với thuyền, bến, trăng (ẩn dụ cho sự trôi nổi, bấp bênh của người phụ nữ cũng còn về những số phận, tình yêu), còn chính người phụ nữ lại được gọi qua những đồng vị ở nhiều cấp độ: cô, giai nhân, cô gái mỹ miều, Tây Thi (điển tích được nhắc đến ít nhất 3 lần), mỹ nữ, nàng, tình nhân, các chị em, cô thiếu nữ, chị, cô em, em, kỹ nữ,...

Bên cạnh đó, chất thơ được cộng hưởng với những phương ngữ và cả cách phát âm của Huế, những điển tích cổ, những điệu ca Nam Ai, Nam Bường... đã tạo nên trường ngữ nghĩa tràn ngập, xôn xao mà trầm lắng của Huế trong “bài thơ lớn” về Huế, Đẹp và Thơ.

Những địa danh của Huế xuất hiện khá dày đặc: Kim Luông, Hương Giang, giải Trường Giang, giòng Hương Thuỷ, Nam Phổ, Trường Tiền, Thuận An, sông Hương, Núi Ngự, Ngự Bình, chùa Thiên Mụ, Hương Thuỷ, Núi Ngự, Ngự Bình, Diệu Đế, Bích Thuỷ, Lam San, hồ Động Đình, núi Thái, Huế, trong đó “Hương Giang” và “sông Hương” mỗi cụm từ 3 lần. Gắn bó với cảnh chung dẫn đến tình riêng: lấy ngay bài đầu tiên Đẹp và Thơ ­- một kiểu “phi lộ” cho toàn tập thơ làm ví dụ. Trường từ vựng để dựng cảnh: “thuyền nan”, “hàng phượng”, “thuyền cô”, “thuyền”, “vẫy chiếc chèo ngang” dẫn đến tình: “giọt nước gieo”, “đủng đỉnh”, “yểu điệu”, “quấy nước trong veo”, “sóng lòng còn xao”. Trong bài Sóng bạc tình nhà thơ cũng thực hiện một thao tác tương tự, sau cảnh là tình với những “sóng Hương Giang”, “lòng ai oán”, “sóng nước”, “sóng tình”.

Nước, thuyền, trăng, chị Hằng, hoa (Hồng), mưa và người nữ như những giai điệu âm tính nổi trội trong thơ Nam Trân.

Một vài dẫn chứng về âm tính trong miêu tả của Nam Trân gắn với “trăng”, “thuyền” và “nước” mà đôi chỗ dục tính ám ảnh từ Hàn Mặc Tử: “Ánh lướt da cau phô vẻ trắng:/Thoạt trông còn ngỡ chiếc đùi non”; “Đêm thu trăng tỏ nước mờ,/Chiếc thuyền bé-tí bên bờ cỏ hoen;”; chỗ khác: “Trăng lên xoá đốm sao mờ,/Sông Hương thuyền đậu còn chờ khách xuân;” - cảnh đối lập giữa “đốm sao mờ” trên dòng-sông-trời biến mất để soi tỏ hơn đám thuyền đậu ế khách dưới trần gian; đôi chỗ cổ kính, trang trọng từ hình ảnh đến từ vựng: “Theo trăng bóng vạc về rừng,/Sương thu phủ kín mấy từng thành xưa.”; “Đũa tiên gạt đổ thành Sầu/Hãm người kỹ-nữ nhạt mầu phấn hương”, như có chút gì đó Kiều hay Độc Tiểu Thanh ký,...

Bên cạnh những bức tranh “lả lướt” đó là những hiện thực với: “Thiếu-nữ vô-danh khóc duyên tàn”; những tiếng rao: “Chốc-chốc: ‘Ai ăn chè?’” trên những nhịp cầu Tràng Tiền nóng nực; hay trong những cơn mưa sụt sùi, có “Rải-rác, chú phu-xe/Co-ro thân mèo ướt/Lóng-ngóng các ngã ba,/Lù-xù như gà xước” - “chú phu xe” liên tiếp được so sánh với hai đối tượng không chốn nương thân, yếu đuối; ở một bài khác, cảnh Khiêu vũ 1935: “Bốn cặp xôn-xao nhảy,/(Một cô nũng-nịu cười)” và kết thúc bằng lời của một nhân vật: “Ôi! Phong-hoá suy đồi!” mà thực ra là tiếng nói nội tâm của nhà thơ cùng với sự tha thiết nguyện ước: “Tim ta như sợi đờn tranh/Trời sinh ra để đồng-thanh với trời,/Với mây, với nước, với đời./Những người phận hẩm là người ta yêu”.

Rải rác trong tập còn những phát ngôn “gân guốc” như thế, nhưng cũng có bài đã phảng phất chút gì đó chán nản, hư vô - Tôi và ta: bài thơ dài tâm sự về cái “tôi” khi còn trên quê hương và cái “ta” mải miết trên đường đời mệt mỏi, buồn bã và mong quên lãng... Từ không gian cội rễ, hướng tâm đến không gian hành trình, vượt thoát, li tâm ở đây như diễn tả, triết lí về mọi cuộc đời giống như những “cát bụi Kinh thành” trong thơ Nguyễn Bính hay cái day dứt đầy tâm trạng trong văn xuôi Nam Cao...

3. Kết luận

Quan niệm về thơ và sáng tạo thơ đã được Nam Trân thể hiện thành công phần nào qua cảnh và tình của Huế, Đẹp và Thơ. Trở lại với tập thơ hôm nay, ta hình dung được phần nào sự khiêm nhường của vị trí tập thơ, cái ánh sao le lói trên bầu trời “Một thời đại trong thi ca” dân tộc ngày ấy. Mỗi thời đại có thi pháp của riêng mình; cái đáng quý của Huế, Đẹp và Thơ là sự trong trẻo, một cái nhìn nhân hậu, đằm thắm của nhà thơ đối với những mảnh đời và bên dưới đó là những tâm sự, gửi gắm mà một số miêu tả đan bện giữa cảnh với tình của ông đã rất thơ và mộng. Chúng không phải thông qua một “ma trận âm thanh” mà là “sự trình diễn cái hiện thực mà tác giả đã thừa hưởng vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời” (David Gullentops).

Đào Duy Hiệp
Bài viết trong Hội thảo khoa học 100 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất nhà thơ - dịch giả Nam Trân.