Nước Việt Nam bốn ngàn năm lẻ,
Bẩy mươi năm đáo để lầm than,
Mịt mù một áng khí oan,
Sông sôi máu chảy non chan lệ sầu.
Hồn liệt sĩ ù ù gió quạt,
Dạ anh hùng tím ngắt lá gan.
Nhớ xưa người ở Nghệ An,
Là Phạm Hồng Thái cả gan anh hùng.
Thẹn vì nước mắc vòng tôi tớ,
Giận Mặc-lanh (Merlin) là đứa gian hùng,
Ra tay một tiếng sấm vang,
Năm châu dậy đất Mặc-lanh đi đời.
Tám giờ tối tàu binh ghé lại,
Hắn lần lên Sa Diện rong chơi.
Bấy giờ cơ đã tới nơi,
Lòng người có chí thì thời cũng bênh.
Ông khi ấy một mình len lỏi,
Một chiếc thuyền theo dõi bờ sông.
Toàn quyền Đông Pháp Mặc-lanh,
Hắn lên xe điện thẳng dong cửa hàng.
Thành Sa Diện phố phường đón rước,
Mời vào nhà thết tiệc hoan nghênh.
Ông vào thám thính phân minh,
Lại gần chú lính đang canh nạt dồn.
Tám giờ tối bàn hoàn chưa định,
Việc gấp rồi phải tính mau mau.
Khen người kế hoạt mưu cao,
Tốc ngay cửa sổ ném vào một khi.
Người trong tiệc còn chi đâu nữa,
Chúng kinh hoàng hồn rữa phách tan.
Tây kia mới hết khoe khoang,
Xương tan xác pháo thịt tan bụi hồng.
Chốn Sa Diện một vùng tối mịt,
Thuyền Châu Giang trăm chiếc đón đưa.
Hy sinh cứu nước bây giờ,
Hồn thiêng cao phất ngọn cờ tự do.
“Anh hùng vị quốc quyên khu”,
Sông Châu Giang ấy nghìn thu lưu truyền!


Phạm Hồng Thái (1901-1924) chính tên Phạm Cao Đài, là con trai cụ Huấn đạo Phạm Cao Điền ở làng Xuân Nha, tổng Văn Viên, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Là người có chí khí cách mạng nên đang học ở Trường quốc học Vinh, ông bỏ ra Bắc làm trong nhà máy xi măng của Pháp ở Hải Phòng để hoạt động. Năm 1922, ông cùng một số đồng chí xuất dương qua Xiêm rồi qua Tàu. Tại Quảng Đông, ông được các nhà cách mạng kết nạp vào Việt Nam nghĩa hiệp đoàn, một tổ chức cách mạng sơ khai thời bấy giờ.

Khi tên toàn quyền Đông Dương Merlin sang Nhật trở về ghé Quảng Đông, Nghĩa hiệp đoàn quyết định tiêu diệt kẻ thù của dân tộc. Ông Thái xung phong lãnh trách nhiệm, giả làm phóng viên nhiếp ảnh của một tờ báo Tàu, vào được tô giới Pháp ở Sa Diện và đem bom theo trong người được tới khách sạn nơi đãi tiệc Merlin. Bom nổ nhưng tên trùm thực dân này không chết, ông thì bị lính tô giới đuổi bắt. Khi chạy đến sông Châu Giang, ông mượn dòng nước xanh để kết liễu cuộc đời. Lúc ấy khoảng độ 9, 10 giờ đêm ngày 19-6-1924, ông mới 23 tuổi.

Thi hài ông được các nhà cách mạng Trung Hoa táng chung vào nghĩa địa Hoàng Hoa Cương với 72 vị liệt sĩ tiền phong cách mạng Trung Hoa dân quốc. Trước mộ có tấm bia đá khắc “Việt Nam Phạm liệt sĩ Hồng Thái chi mộ”.

Bài thơ này làm khi tác giả ở Phi Chịt (Xiêm) vào dịp các Việt kiều ở đây làm lễ kỷ niệm lần giỗ thứ 3 của Phạm Hồng Thái, tức năm 1928.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]