Thi sĩ và những điều có thể
Mai Thị Liên Giang

"Có thể" là một trong những bài thơ có nhiều ấn tượng của tác giả Trương Đăng Dung được in trong tạp chí Sông Hương số tháng11, năm 2002. Tác phẩm là cảm xúc về tình yêu và cuộc đời được thể hiện bằng một giọng thơ nhẹ nhàng, kín đáo, nhớ nhung mãnh liệt nhưng lặng lẽ. Với chúng tôi, Có thể còn là một triết lý sống, đồng thời là một chuyện tình cổ tích được diễn đạt bằng tư duy ngôn ngữ hiện đại. Ẩn hiện trong tác phẩm là những khoảng lặng của mỗi người đọc.
Trong hoài niệm trĩu nặng, tác giả đưa người đọc trở về với quá khứ của hai mươi ba ngàn năm:
“Có thể em quên rằng anh đã gặp em
Hai mươi ba ngàn năm về trước
ở một bến sông”
Tín hiệu thời gian từ hai mươi ba ngàn năm về trước đã gợi cho người đọc sự tò mò, muốn khám phá. Thoạt đầu ta có thể cảm giác như đây là một lời tâm sự, nhắc nhủ về một kỷ niệm thường trực, theo suốt cả cuộc đời con người. Đây cũng có thể là lời kể chuyện của những người luôn biết tôn trọng những khoảnh khắc kỷ niệm giản dị mà rất quý giá trong cuộc sống. Thực chất nhiều ý nghĩa của thơ đang dần tìm cách đi ra khỏi một bến sông. Không thời gian đã trở nên vô hạn, vô cùng. Nói chuyện một giờ của đời người đã khó, huống gì ở đây là chuyện của ngàn năm.
Xuyên suốt tác phẩm là một kí ức, một hoài niệm luôn sống với hiện tại. Không có một tháng năm cụ thể của vật lý nhưng người đọc vẫn thấy rõ đó chính là ngày tháng năm rất cụ thể của kỷ niệm. Cái có thể ở đây chính là hai mươi ba, và nó luôn tồn tại bên cạnh cái không thể của con số ngàn năm về trước. Không có một tên gọi về bến sông cụ thể nhưng bến sông của kí ức thời gian vẫn hiện rõ trong lời thơ. Không gian bến sông vừa thực vừa ảo. Thực ra đây là không gian của nỗi hoài niệm khôn nguôi của tác giả về những gì đã qua. Bến sông chỉ là một cái cớ để nhà thơ nói về những trải nghiệm của cá nhân trong cuộc sống.
Quá khứ được soi bằng kí ức thường trực trong anh và có thể cả trong em. Có quá khứ ấy trong em hay không, điều này với tác giả đôi khi không quan trọng nữa. Chỉ cần trong anh, quá khứ đã sống, đã theo anh suốt cả chặng đường đời hai mươi ba ngàn năm. Hai mươi ba ngàn năm, vậy mà hình như chuyện xưa không hề mất đi. Với anh, nó đã và đang tồn tại. Thậm chí anh không cần biết em có thể còn nhớ không? Không cần biết em từ đâu đến và đến từ nơi nào, em đã có một quá khứ và thực tại ra sao. Tác giả không hề có ý định giới thiệu em qua những điều này. Em ở đây là em đã có, đã từng xuất hiện trong anh. Tất cả những chi tiết trong thơ đều gợi nên chân dung của em nhưng thật ra cái hiện hữu trong người đọc không phải là em mà chính là hình ảnh của anh hai mươi ba ngàn năm về trước. Điểm nhìn lùi về quá khứ nhưng là để tạo nên mối liên hệ với con người hiện tại.
“Có thể em đã quên cánh buồm nâu ngày ấy
Trôi giữa trời xanh không biết đến bao giờ
Có thể em đã quên những dấu chân em trên cát
Nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn.
Bến sông, cánh buồm nâu, dấu chân em trên cát, bình minh, hoàng hôn... tất cả là những hình ảnh thân thiết trong kí ức của con người. Nhà thơ đã tìm cái không thể để diễn đạt những cái có thể của đất trời, của vũ trụ, của đời người. Khung trời rộng lớn quá, kỉ niệm của anh và em là con thuyền nâu, trôi... biết đến bao giờ. Làm sao biết được đâu là bến bờ của nó. Trong niềm tin vững bền về những điều anh đã có được, anh... “không biết đến bao giờ”. Kỉ niệm hạn hữu mà không thời gian thì vô định, mọi điều chỉ là có thể. Câu thơ rất lạ: Nơi bình minh tạm trú trước hoàng hôn. Đây là cách nhìn riêng về khoảnh khắc giao hòa độc đáo của vũ trụ. Sức cám dỗ người đọc của câu thơ chính là ở động từ tình thái “tạm trú”. Bình minh, hoàng hôn đó ngày nào chẳng có, đời nào chẳng có mà đâu được xem là ổn định. (Chúng tôi cho rằng, Trương Đăng Dung thường nghĩ về những khoảnh khắc lạ lùng bí ẩn của con người, của thế giới). Trong bài thơ Chân trời (in trên tạp chí Sông Hương số tháng 4 năm 2003), tác giả đã có những phát hiện rất bất ngờ:
Anh đã thấy những người dị dạng,
Dang tay đòi hái mặt trời.
...
Những nhà thơ chống gậy đứng cười
Trước những con trâu mông dính đầy mạng nhện.
(Tạp chí sông Hương số tháng 4 năm 2003)
Có những lúc tác giả băn khoăn với những nỗi đau mà cả nhân loại này phải chịu đựng. Những trăn trở đó cũng được diễn đạt qua cách nhìn về những khoảnh khắc chuyển dịch của vũ trụ. Trong bài thơ “Viết cho con” (1988), tác giả đã viết:
“Bây giờ con ở đây
Khi những cánh rừng già châu Phi bốc cháy
Voi chạy về châu Âu chết cóng giữa mùa Đông,
khi hàng triệu con chim bay về xứ nóng
kiệt sức rồi phải lao xuống biển sâu”)
Kỷ niệm tinh khôi như báu vật tinh thần của cuộc đời. Giọt nước qua má, qua môi... để rồi được sống bằng tình yêu con người. Một khoảng thời gian trong những tháng năm chất chứa những khoảnh khắc quý giá của cuộc sống, chất chứa những điều chưa muốn nói. Kỉ niệm thật cụ thể nhưng cũng thật hư vô, mong manh, dễ vỡ. Nếu chỉ cần chạm tay đến nó thật sự thì tất cả sẽ vỡ òa, sẽ chảy tan và sẽ chỉ còn lại anh. Bởi
Anh trở về với bến sông xưa
nhưng
em không nhớ thời gian nước chảy.

anh không biết những ngày thơ bé ấy
Những giọt nước qua má, qua môi
Rơi xuống bàn tay nóng ấm hơi người
Ta soi bóng
Sông vẫn bình yên khúc hát vô tư
Trời vẫn xanh như thế tự bao giờ.
Chân dung tác giả hiện lên ở những câu thơ này thật đáng yêu. Anh rất hiểu đó là kí ức chỉ có được trong anh nhưng anh đã nghĩ: em tỏa sáng giữa đời anh lặng lẽ. Khoảng lặng lẽ trong anh thật quý giá. Đó là sự lặng lẽ của một tâm hồn, của một con người nặng lòng với ký ức, nặng lòng với những duyên nợ nhân gian. Lặng lẽ để chuẩn bị cho những đợt sóng ngầm dữ dội của dòng sông không biết trôi về đâu. Lặng lẽ và kiếp người. Điều này rất quan trọng cho những ai cần phải trải nghiệm cuộc đời hai mươi ba ngàn năm trước và bốn mươi sáu ngàn năm nữa. Mọi sự vật vẫn thế thôi nhưng em và anh đã cùng tồn tại, cùng soi bóng. Em sẽ vẫn là một kỷ niệm bình yên trong anh.
Anh không biết dòng sông trôi về đâu
bốn mươi sáu ngàn năm nữa.
có thể em vẫn nhớ một ô cửa của con tàu
nơi anh đứng,
và bàn tay thấp thoáng vẫy trong đêm.
Có thể em vẫn nhớ những vầng trăng thức trắng
lá rơi thảng thốt trước thềm
Có thể em vẫn nhớ một bóng hình, giọng nói
đã tan trong sương khói
những kiếp người.
Một cấu trúc câu thơ phủ định nữa lại xuất hiện, ở đoạn trên là anh không biết đến bao giờ, không biết những ngày thơ bé, không nhớ thời gian nước chảy, bây giờ lại không biết dòng sông trôi về đâu. Tất cả cái sự không biết, không biết, không nhớ, không biết... trong thơ ấy lại cho thấy tác giả biết quá nhiều, nhớ quá nhiều. Không biết và biết cũng chỉ là có thể. Điều quan trọng là anh đã có nó, anh có em để sống, để trải nghiệm, để làm một một kiếp người. Biết mà nói không biết ấy có phải là tư duy của con người vừa cổ điển vừa rất hiện đại thể hiện trong bài thơ này?. Và cũng chỉ có một cấu trúc câu thơ độc đáo như thế mới diễn tả hết được những suy nghĩ, những triết lý sâu sắc của tác giả qua bài thơ này. Lại bốn sáu ngàn năm nữa. Một thời gian vừa có thể vừa không có thể ùa về mênh mông, thảng thốt, bàng bạc trong những kiếp người quanh ta. Vầng trăng thức trắng hay đó là anh, là anh trong những đêm thao thức, trăn trở về dòng sông, con thuyền, bóng hình, giọng nói và... kiếp người.

Để kết thúc bài viết này, tôi muốn nhắc đến Heidegger. Trong cách nhìn của ông, ngôn ngữ không chỉ là công cụ giao tiếp mà cao hơn thế, nó có khả năng tạo lập đời sống. Nếu Husserl chỉ xem ngôn ngữ là công cụ thứ yếu để thể hiện các ý tưởng đã có sẵn thì Heidegger xem ngôn ngữ là nơi mà đời sống con người diễn ra, là cái đầu tiên tạo ra thế giới. Heidegger cho rằng: cái tồn tại chủ quan của con người được hình thành từ các hình thức tiên thiên của cá nhân con người. Để thoát khỏi lo âu và tìm được ý nghĩa tồn tại, con người cần phải thường xuyên ý thức về cái hữu hạn, về cái chết. Chỉ đối diện với thực chất của kiếp phù sinh của mình, con người mới biết quý trọng các giá trị, tránh được những tham vọng xô đẩy nó vào các hoạt động vô nghĩa (1). Bài thơ Có thể phải chăng có thể hiện điều này.
M.T.L.G

(1) M. Heidegger, Trên đường đến với ngôn ngữ, Trương Đăng Dung dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 1, tr - 29.
Nguồn: http://www.haingoaiphiemd...u-c%C3%B3-th%E1%BB%83.php