Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Ca trù (hát nói)
Thời kỳ: Cận đại
Từ khoá: bèo (6)

Đăng bởi Vanachi vào 21/07/2008 06:59, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato vào 20/10/2009 08:44

Mưỡu:
Bềnh bồng mặt nước chân mây,
Đêm đêm sương tuyết, ngày ngày nắng mưa.
Ấy ai bến đợi sông chờ,
Tình kia sao khéo lững lờ với duyên?

Nói:
Sinh lai chủng đắc tình căn thiển,
Sự trăm năm hò hẹn với ai chi.
Bước giang hồ nay ở lại mai đi,
Những ly hợp hợp ly mà chán nhỉ.
Vị tất nhân tình giai bạch thuỷ,
Nhẫn tương tâm sự phó hàn uyên.

Đầu xanh kia trôi nổi đã bao miền,
Thôi trước lạ sau quen đừng ái ngại.
Khắp nhân thế là nơi khổ hải,
Kiếp phù sinh nghĩ lại cũng như ai.
Ai ơi vớt lấy kẻo hoài.


Tản Đà giảng văn, thích nghĩa trong Bình Khang tân thanh, cuốn sách tập hợp các bài hát nói của Tản Đà và được chính tác giả thích nghĩa để cô đầu nhớ và hiểu nghĩa nhưng chưa được in ấn:
Giảng nghĩa:
Bài hát này nguyên tự một khi tác giả ở chơi trong nhà một người bạn son phấn ở phố Dinh, Hải Phòng nhân cảm thân thế của người son phấn ấy mà làm ra, đầu bài đặt là Cánh bèo, mượn bèo nói người vậy.

Bốn câu mưỡu, do mối cảm tình chân thực của tác giả đối với thân thế hiện có của người Bình Khang kia mà viết rằng:
“Cánh bèo kia, bềnh bồng ở nơi mặt nước chân mây, đêm đêm thì sương tuyết, ngày ngày thì nắng mưa. Ấy không biết những ai đối với bèo, bến đợi sông chờ, mà sao bèo tựa như vô tình, cứ lững lờ không gắn duyên đâu”.

Vào bài, nói rõ cái thân thế của bèo vì sao mà thế, nghĩa rằng:
Nguyên từ lúc sinh ra, trời phú cho cái rễ tình rất nông nổi, nên sự trăm năm cũng chẳng hò hẹn với ai làm chi. Chỉ là bước giang hồ nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, ly rồi lại hợp, hợp rồi lại ly, thật là đáng ngán vậy, song nghĩ cho phải ra thời cái tình con người đời chưa hẳn đã bạc như nước lã cả, sao mà mình nỡ đem tâm sự bỏ ở chỗ đầm nước lạnh lùng kia cho đành! Nay như cái đầu xanh kia trôi nổi đã bao nhiêu miền, trước lạ rồi sau cũng quen, nên đừng có lấy làm ái ngại. Nếu lại nghĩ cho rộng ra thời khắp cõi đời người đâu cũng đều là nơi bể khổ, cái kiếp đời trôi nổi ai cũng như bèo cả mà thôi. Ai ơi vớt lấy kẻo hoài!

Thích nghĩa:
“Sinh lai chủng đắc tình căn thiển” có câu sẵn ở trong sách. Nghĩa rằng: “Nguyên từ lúc sinh ra đời trồng được cái rễ tình nông nổi”.

Hai câu thơ dựng câu trên nghĩa là “Chưa hẳn tình con người đều là nước trắng cả”. Câu dưới nghĩa là: “Sao nỡ đem tâm sự gửi ở nơi đầm nước lạnh lùng”.

“Nhân thế” là đời người.

“Khổ ải” là bể khổ.

“Phù sinh” là cái đời trôi nổi.

Bàn văn:
Bài hát này đặc sắc ở sự nói bóng. Vẫn là nói bèo mà ra thân thế người giang hồ. Như hai chữ “đầu xanh” lại tuyệt khéo. Bốn câu mưỡu, mới nghe câu thứ nhất đã thấy bèo ngay, nghe cả câu thứ hai thời thân thế của bèo thực thấy đáng thương tiếc. Hai câu này xem với hai câu mưỡu ở trên bài “Hỏi gió” có khi không kém nhau. Hai câu dưới nói ra ý trách để khơi đầu vào bài.

Vào bài, một câu chữ Tàu mượn cổ mà thật đắt. Toàn bài lấy câu ấy làm cốt. Chỉ là đổ cho số phận mà thôi. Rồi đó gỡ lại trách, trách lại yên ủi đều để tỏ vô hạn thương tiếc. Tưởng không riêng một người ở phố Dinh mà phàm ai lận đận ở xóm Bình khang, lúc nhàn sầu xem chơi đều dễ khêu thân thế cảm hoài vậy. Một câu sau hết, ý tuy trung hậu mà lời văn buồn quá! Nếu chữa đi được thời là hơn.

[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]