Tặng Đoàn Giỏi, tác giả bài “Cây đước Cà Mau”

Bà má Năm Căn bỏm bẻm nhai trầu,
Mặc áo bà ba, đầu búi tóc -
Sao con thấy má là hình đất nước,
Má ơi, ở tận chót Cà Mau.

Là một làng xanh biếc trên sông,
Nằm giữa vùng quanh năm nước ngập,
Vẹt với đước ken dày trùng điệp,
- Những thợ rừng, thợ biển đổ bao công...

Khi má vừa bước đến Năm Căn,
Lơ thơ mới mấy chòi đốn củi;
Cá đặc nước, nhưng rừng còn tối;
Đất hẹp trồng rau lúa khó khăn.

Thương bác trai năm ấy phá rừng,
Cơm chiều đợi, mà chạy tìm: thảm xót!
Bên vũng máu, những lốt in chân cọp,
Cây đước còn dao phập ngang lưng.

Má Năm Căn mấy chục năm tròn
Nuôi hai con, làm nghề cá, mắm.
Chợ Năm Căn cửa nhà xây thắm,
Tôm khô tép lụi cá biển lồng thơm...

Chợ Năm Căn đốt, dựng mấy lần
Năm Căn vẫn cây rừng, cá bể...
Bà má Năm Căn vào “Hội mẹ”,
Nuôi bộ đội từng bữa uống, bữa ăn.

Cảm kích thay bà má Năm Căn
Có một con trai làm trái, rễ,
Cộng hoà vệ binh ngày khởi nghĩa,
Đánh trận Gia Rai vì nước bỏ mình.

Ngập dấu dao xưa, cây đước xanh,
Lá ánh mặt trời che bóng mát
Trên hai nấm mồ cha với con,
Êm đềm gió biển ru phơ phất.

Bà má Năm Căn vẫn đó mà!
Bền bỉ giữ sông và bám đất,
Ham ưa trồng trọt, thích chăn nuôi,
Lòng thuỷ chung như đầy bát nước.

Đoàn thể phê bình má chủ quan,
Gọi ông chủ tịch xã bằng thằng;
Quả tình má trọng như con đẻ,
Không phân tình mẹ với tình dân.

Ôi! má Năm Căn tóc ngả màu
Vẫn còn phải giữ chót Cà Mau,
Ruột liền của má ôm Nam - Bắc,
Lại những đêm ngày cực xót đau.

         *

Bà má Năm Căn, bà má Năm Căn,
Những bà má Năm Căn làm ra đất nước,
Xắn đôi tay áo, buộc khăn rằn,
Đánh chết bọn ăn cướp, ăn cướp!


15-6-1961

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]