Bùi Giáng (1926-1998), người gốc Quảng Nam, là một thi sĩ "đặc dị" của thơ ca Việt Nam, với lối thơ vừa "khùng điên" vừa "thần tiên", tổng hoà cả các yếu tố nghệ thuật từ Đông sang Tây. Bùi Giáng tự nhận mình là "điên rực rỡ" và luôn dùng cách ứng xử "điên điên" suốt cả cuộc đời, ở ông người ta không thể thấy sự hiện diện của hỉ - nộ - ái - ố với ranh giới phân minh, cả về lối sống, trong các sáng tác hoặc thậm chí trong... đầu óc và tâm hồn. Thơ Bùi Giáng không trình bày các suy nghĩ hay tình cảm một cách rõ ràng, đôi khi nó lòng vòng luẩn quẩn hoặc trào phúng hài hước, một cách gì đó trừu tượng - tượng trưng và lạc lõng, chơi vơi kiểu "hiện sinh chủ nghĩa". Có quan điểm cho rằng ngôn từ trong thơ của ông dù có cuồng quay cắc cớ (đôi khi tục và nhảm) chỉ là lớp áo vỏ bên ngoài không nhiều ý nghĩa, hoặc không dễ dàng để cảm nhận hết được, cả đời thơ của ông đơn giản là... một bài thơ dài thể hiện những triết lý nhân văn xuyên suốt và nhất quán! Viết về cuộc đời, tác phẩm và tài năng ngôn ngữ đặc biệt xuất chúng của Bùi Giáng thì các học giả trong và ngoài nước đã viết rất nhiều và từ lâu, hôm nay chỉ tản mạn đôi chút về một trong những thứ "nguyên liệu" để ông nhào nặn nên thơ: người đẹp Marilyn Monroe (1926-1962) - cô đào tóc vàng đẹp "bốc lửa" mà đoản mệnh, biểu tượng sắc đẹp và sự quyến rũ của nước Mỹ một thời.

Bùi Giáng có biết yêu? Một người "điên", đặc biệt là một thi sĩ điên, có yêu không và yêu như thế nào thì chẳng biết được, chỉ biết rằng trong thơ ông xuất hiện rất nhiều "nàng thơ", từ tưởng tượng ra (các cô tiên), nhân vật văn học (Thuý Kiều) hoặc chỉ vu vơ gặp ngoài đường (cô người thượng, ni cô) đến những giai nhân có thật trên đời và ít nhiều liên quan đến ông, như nữ nghệ sỹ Kim Cương, "mối tình" giữa Bùi Giáng và Kim Cương đã được thêu dệt, giai thoại hoá trở nên vừa đẹp vừa kỳ ảo, đến nỗi gần như người ta cho rằng đây là "một cặp" uyên ương tri kỷ của văn nghệ Việt. Thực tế thì Bùi Giáng chỉ "yêu đơn phương" Kim Cương, tuy là bà cũng dành cho ông những tình cảm cùng sự tôn trọng nhất định, phần nhiều vì mến mộ và thương cảm ông - một "ông tiên" trong lốt một thi sĩ gàn dở. Ngoài ra, những đệ nhất mỹ nhân đình đám trong giới giải trí thế giới đương thời như Brigitte Bardot (Pháp) hay Marilyn Monroe (Mỹ) cũng là những "nàng thơ" thường xuyên xuất hiện trong "tình thơ" của ông.

Riêng về Marilyn Monroe, tại sao Bùi Giáng viết rất nhiều câu thơ gửi tặng cô nàng tóc vàng xa lạ ở tận nước Mỹ xa xôi này? Thậm chí khi Monroe đã qua đời nhiều năm, ông vẫn còn làm hẳn một bài thơ khóc thương thảm thiết như một bài "điếu văn" dài thườn thượt vì tiếc nuối và đau xót, trong đó có những câu như:

"hoạ chăng còn một mưa nguồn
nguồn mưa huyết lệ cho nuồng Mông Rô
nguồn mưa rớt hột hồ đồ
ngàn thu tuyết nguyệt xuống mồ hồng nhan"
(Trời khóc Monroe Marilyn - 1973)

Marilyn Monroe nổi tiếng ở những thập niên 50-60 với vai trò là một diễn viên điện ảnh, người mẫu, ca sỹ và... người tình của các anh em nhà tổng thống Kennedy. Bà còn "nổi tiếng" hơn nhiều khi đột ngột qua đời một cách "đau đớn" và "bí ẩn" khi đang còn xuân sắc, nên nhiều người cho rằng đây là một trong số hiếm người đẹp không bao giờ... già! Độ nổi tiếng về vẻ đẹp và sự sexy của bà khi còn sống có lẽ là ở tầm thế giới chứ không phải nước Mỹ nói riêng, trở thành biểu tượng số một của nhan sắc hay "nữ hoàng" của giới giải trí đương thời. Tài năng của bà, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh cũng không thể phủ nhận, dù là nó bị lấn át bởi cái nhan sắc lộng lẫy mỹ miều kia, bà từng đoạt giải Quả Cầu Vàng và BAFTA, những giải thưởng danh giá về điện ảnh hay truyền hình của Mỹ và Anh.

Thập niên 50-60 cũng là thời kỳ mà Bùi Giáng (vốn tự học hành và sáng tác khá trễ) bắt đầu làm thơ và trở nên nổi tiếng với tập thơ đầu tay "Mưa Nguồn" (1962). Bùi thi sĩ chắc chắn là chưa gặp hay chưa thấy Marilyn Monroe ngoài đời bao giờ, nhưng ắt hẳn là ông đã bắt gặp hình tượng hay... tiếng hát của Monroe ở đâu đó (qua việc nghiên cứu, trên tạp chí hoặc radio) rồi ấn tượng, rồi cảm mến, rồi yêu như ám ảnh qua những bài thơ. Bùi Giáng sống gần như cả đời ở miền Nam, kinh qua chế độ cũ, nên việc ông tiếp thu hay bị ảnh hưởng bởi các luồng văn hoá Âu Mỹ là hiển nhiên.

"sầu thiên cổ chợt về trên nước dạo
gió biên đình chợt ẩy gục đầu hoa
ồ ly biệt tơi bời bờ lảo đảo
em ra đi - đời bưng mặt khóc oà"
(Chiêm bao - tặng Lyn-Rô - 1962)

Để lý giải về hình ảnh Marilyn Monroe trong thơ Bùi Giáng, có thể "xiên xẹo" vài ý như sau (lý giải này là dựa trên việc đã đọc nhiều thơ của ông và suy luận, chứ tôi chưa có cơ may diện kiến trực tiếp Bùi tiên sinh bao giờ, ông mất đã 18 năm rồi. Những người "gần gũi" với ông hơn có lẽ không đồng ý hoặc lý giải cách khác, nhưng tôi vẫn muốn đưa ra quan điểm riêng, thơ ca "tuyệt đỉnh" đôi khi chính là sự... "hỗn mang" trong tâm khảm):

Thứ nhất, Bùi Giáng yêu cái đẹp, nhưng phải là cái đẹp của riêng ông, theo cách "đánh giá" của ông! Và vì yêu thì không lẽ gì lại tiếc vài câu thơ dành cho một người đàn bà đẹp như thế. Ở Monroe, như nhiều nhà nghiên cứu mỹ học ghi nhận, toát lên một vẻ đẹp gì đó vừa trần tục (dâm dục, thiếu đạo đức) nhưng cũng vừa "thoát tục" (tự do, phóng khoáng và... "hy sinh"). VIệc Monroe đẹp thể nào thì nói rõ sau hen! Và, điều này không phải là... hợp với (cái được cho là) tính cách thơ của Bùi Giáng sao? Thơ ông không thiếu những nét tục mà thanh thanh mà tục như "trường phái Hồ Xuân Hương", nói lái từ tục thành thanh hay miêu tả trực quan cảnh phụ nữ... đi tè là không hiếm! Ở lý do này, thuần tuý là vậy, thơ Bùi Giáng là hiện sinh, tượng trưng và... điên, vậy nên chỉ cần là một nét đẹp như thế, nó sẽ trở nên... ám ảnh ngay!

"đùng đùng gió giục mây vần
nghe tin sét đánh thành phần Mông Rô
khuynh thành phấn điểm son tô
một thời quán tuyệt Lồ Gồ Marilyn"
(Trời khóc Monroe Marilyn - 1973)

Thứ hai, là sự quan tâm đặc biệt của Bùi Giáng đến... truyện Kiều. Một trong những tác giả đầu tiên mà Bùi Giáng nghiên cứu và viết lý luận văn học chính là Nguyễn Du. Thơ Bùi Giáng đa phần là lục bát chuẩn luật và không thiếu những câu trích từ truyện Kiều của Nguyễn Du. Bùi Giáng cảm mến tài nghệ của Nguyễn Du hơn hay "yêu" Thuý Kiều hơn thì chẳng rõ được, chỉ biết là ông xem truyện Kiều (thơ) như cái "nguồn tài liệu" để sáng tác thi ca, đối thoại đàm thoại về văn nghệ trong cuộc sống hay viết các dạng lý luận văn chương triết học khác. Bùi Giáng có thấy ở Marilyn Monroe toát lên vẻ gì đó rất... Kiều? Ít ai so sánh hai nhân vật một giả tưởng một có thật này, nhưng biết đâu với Bùi Giáng, cách nghĩ và cách điên của ông, ông nhận ra sự tương đồng, đơn giản như nhan sắc, tài năng hay sự "bạc mệnh", để rồi có tình cảm liên đới vì sự tượng trưng mang tính hình mẫu, từ văn học ra đời thực? Tất nhiên, đây chỉ là suy đoán, mọi thứ diễn ra trong đầu (một nhà thơ) thì thường rất phức tạp, đặc biệt là ở dạng tưởng tượng, liên tưởng mơ hồ, đôi khi chỉ là khoảnh khắc "đụng chạm" rồi sẽ quyết định... "yêu" ngay!

"ngủ yên bên lá cỏ chiều
quên cây bóng xế quên triều biển ru
duỗi thân thể muối sương mù
dung nhan sầu khổ bây giờ bỏ đi"
(Ngủ yên - tặng Monroe - 1962)

Thứ ba, là cách lý giải theo xu hướng hiện sinh trong thơ Bùi Giáng. Như đã nói, ngôn từ trong thơ ông vẫn dược coi là "lớp áo vỏ" bên ngoài nhằm che đậy những triết lý nhân văn thẳm sâu bên trong. Một nhà thơ như thế sẽ có xu hướng... lặp lại ý tưởng trong thơ theo lối ám ảnh với cái lựa chọn tượng trưng ban đầu (điều này thể hiện rất rõ trong thơ Bùi Giáng, có những khái niệm, tứ thơ hay cả câu thơ được ông dùng đi dùng lại trong nhiều bài). Những lựa chọn ban đầu rồi dẫn đến ám ảnh đó sẽ trở nên như một cái... tuyên ngôn thi ca vậy. Tất nhiên, phải có những lý do từ đơn giản đến phức tạp để một thi sĩ hiện sinh chọn yếu tố tượng trưng nào đó để xây dựng một đời thơ, và phần nhiều (là thi sĩ mà) thì sẽ lựa chọn theo bản ngã riêng, thế giới quan riêng của mình, chọn một hoặc vài thứ để diễn tả... mọi thứ, hoặc đôi khi chọn rất nhiều thứ để diễn tả... một thứ. Vậy Monroe đơn giản là "người được chọn" (tương đối ngẫu nhiên ban đầu nhưng lại... "dĩ nhiên" về sau) để Bùi Giáng thể hiện triết lý về... tình yêu, cách yêu, con người tương quan với tình yêu hay đơn giản là cái đẹp? Có lẽ không đơn giản thế, nhưng có lẽ cũng... đơn giản thế đấy! Đây chỉ là một quan điểm, một góc nhìn của kẻ hậu sanh không hơn kém!

Việc cảm nhận hết tận ý nghĩa của lời thơ mà Bùi Giáng viết về Monroe, Kim Cương, Thuý Kiều, Nam Phương hoàng hậu hay bất cứ người đàn bà nào khác là không thể, vì đôi khi nó quằn quại khó hiểu và cả trào phúng giễu nhại, nhưng ta có thể cảm giác được đó là sự thương cảm và yêu quý rất chân thật của Bùi Giáng. Những người đẹp riêng lẻ, hay chỉ là một người đẹp, một nàng thơ bất tử thôi, như "Em" chung chung trong bài "Phụng hiến", một bài thơ (được xem là) bớt "điên" nhất, một bài thơ gần như hé lộ những tâm tư thật sự, những điều muốn nói rõ ràng rành mạch mà cả đời ông không thể nói:

"em bảo rằng: đừng tuyệt vọng nghe không
còn trang thơ thắm lại với trời hồng"
(Phụng hiến - 1962)

Kết: trên đây là sự cố gắng đưa ra một góc nhìn về một chi tiết trong thơ của thi sĩ họ Bùi, một nhà thơ vừa "thoát tục" vừa "tâm thần" gây ra rất nhiều tranh luận giữa các nhà phê bình, tự xem đây là một đóng góp nhỏ có thể giúp những ai mến mộ Bùi Giáng có thêm "cảm độ" khi tiếp cận những bài thơ đặc dị của ông. Thơ Bùi Giáng với tôi thì thế nào? Tôi yêu mến ông và thơ ông, nhưng không muốn hay không thể bình luận về cả hai trong vài từ vựng, như xuất sắc, trác tuyệt hay xuất thần, theo tôi là không phù hợp hoặc không đầy đủ, chỉ đơn giản là nó gây ra "cái gì đó" về cảm giác hay cảm xúc cho một con người cũng... làm thơ! Viết là viết vu vơ vậy, việc dành thời gian trải nghiệm những câu thơ của ông khiến tôi hứng thú hơn, đôi khi sẽ "tương tác" bằng cách viết vài câu thể hiện sự mến mộ:

"từ trong vàng võ Mắt Buồn
tôi nhìn em thấy Mưa Nguồn tuôn ra"

Vũ Đình Phương. 2016. tản mạn, vui!
P/S: Trong bài viết tôi sử dụng rất nhiều chữ "điên" - theo quan điểm riêng, tôi cho rằng "điên" là một "lối sống" hay "phong cách" của thi sĩ Bùi Giáng chứ không mang tính "bệnh lý" theo y học!!!

VĐP. "Một bông hoa violet không thể trở thành một bông hoa hồng nhưng bản thân nó có thể trở thành một bông hoa hoàn hảo (J.Krishnamurti)"