Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.
Giá đừng có giậu mùng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.
Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Chả bao giờ thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên,
Mắt nàng đăm đắm trông lên...

Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi,
Tôi buồn tự hỏi: “Hay tôi yêu nàng?”
- Không, từ ân ái nhỡ nhàng,
Tình tôi than lạnh gio tàn làm sao!
Tơ hong nàng chả cất vào,
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang.

Mấy hôm nay chẳng thấy nàng,
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong.
Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng,
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa.

Tầm tầm giời cứ đổ mưa,
Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.
Cô đơn buồn lại thêm buồn...
Tạnh mưa bươm bướm biết còn sang chơi?

Hôm nay mưa đã tạnh rồi!
Tơ không hong nữa, bướm lười không sang.
Bên hiên vẫn vắng bóng nàng,
Rưng rưng... tôi gục xuống bàn rưng rưng...
Nhớ con bướm trắng lạ lùng!
Nhớ tơ vàng nữa, nhưng không nhớ nàng.

Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng.

Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này!


Trúc Bạch, 12 tháng 7 năm 1940

[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời phổ nhạc cho bài thơ của Anh Bằng

Bướm trắng

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn.
Hai người sống giữa cô đơn,
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi

Giá đừng có dậu mồng tơi,
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng.
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng...
Có con bướm trắng thường sang bên này.

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi...
Tại sao không thấy nàng cười,
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên.

Mắt nàng đăm đắm trông lên...
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Hôm nay mưa đổ sụt sùi
Tơ không hong nữa bướm lười không sang

Bên hiên vẫn vắng bóng nàng
Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
83.38
Trả lời
Ảnh đại diện

Gio và tro

Theo "Thi nhân Việt Nam", NXB Văn học 2006, in theo bản in lần đầu năm 1942 thì "lòng tôi than lạnh gio tàn làm sao" chứ không phải "tro tàn". Không bàn về tính chính xác của chính tả. "Gio" là từ dân gian, "tro" là từ ngôn ngữ hàn lâm hay dùng nên Nguyễn Bính dùng từ này phù hợp với phong cách thơ của ông hơn.

83.75
Trả lời
Ảnh đại diện

chia khổ

hình như bài này không phả chia khổ như vâỵ

63.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Chia khổ thơ

Bài thơ không phải chia khổ như vậy, làm giảm cái hay của bài thơ.
Câu cuối bài thơ "Nhập vào bướm trắng mà sang bên này" Nhập vào chứ không phải nhập về

53.40
Trả lời