Tổ ong lủng lẳng trên cành,
Trong đầy mật nhộng, ngon lành lắm thay!
Cáo già nhè nhẹ lên cây,
Định rằng lấy được ăn ngay cho dòn.
Ong thấy cáo muốn cướp con,
Kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta.
Châm đầu, châm mắt cáo già,
Cáo già đau quá phải sa xuống rồi.

        *

Ong kia yêu giống, yêu nòi,
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do.


Đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 130, ngày 1-7-1942.

[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Kể lại bằng văn xuôi câu chuyện “Con cáo và tổ ong” trong bài thơ của Bác Hồ

Suốt ba tháng mùa đông lạnh lẽo, cây cối đã trụi cành, chim chóc đã lặng thôi ca hát. Mùa xuân như một cây đũa thần của bà Tiên đã gõ vào thiên nhiên khiến chúng tràn sức sống và tưng bừng náo nhiệt hẳn lên.

Sau mấy ngày bệnh tật, nằm trong hang tăm tối và vắng lặng, Cáo già tập tễnh đi kiếm ăn.

Mắt Cáo sáng lên khi thấy bên bờ suối, giữa bãi cỏ non mượt một chú Thỏ vừa ăn vừa nhởn nhơ ngắm trời xanh vừa ca hát một mình. Cáo rón rén đến gần Thỏ. Dùng hết sức bật của một con Cáo già chụp Thỏ, nhưng hụt rồi... Cả hai đuổi nhau, Thỏ hoảng hốt chạy liền một mạch không dám quay đầu lại.

Cáo nằm trên bãi cỏ thở dốc như sắp chết. Nó bứt vài cọng cỏ non đưa vào miệng. “Kì quái thật, không hiểu sao mà tụi Thỏ có thể ăn...” Cáo vừa nói thành tiếng vừa nhổ nước bọt xanh lè...

Nhưng... có tiếng gì ù ù như xay lúa? Trời mưa ư? Cáo thoáng nghĩ, không, thơm quá! Chao ôi thơm, thơm đến cồn cào cả ruột gan, thơm đến mức mà mũi dài của Cáo cứ nghển lên. Và linh cảm đánh hơi kì diệu nhà Cáo không lừa nó. Tít tận trên cao, ở trong vòm cây cổ thụ, một tổ ong to bằng cái nồi đồng lớn, lủng lẳng đưa khe khẽ trong gió xuân. Mùi mật ong cứ ngào ngạt thơm phức trong nắng vàng cứng như sáp, sánh như mật...

Cáo nhìn quanh, cả khu rừng đầy hoa. Lớp đất như một tấm chăn kẻ ô vuông xinh xinh bởi đủ thứ hoa rơi đầy trên đất. Những dây leo xung quanh cũng duyên dáng với những chấm đỏ xanh, chót vót trên cao những cành lá trĩu nặng hoa. Tiếng vo ve trong những tàn hoa man mát hương ấy.

Cáo tỉnh táo hẳn lại. Hắn quyết tâm phải ăn ngay tổ ong này cho đỡ cơn thèm khát. Nhưng nó lưỡng lự: “Các loài vật trong rừng này thường nói: Khôn như Cáo, vậy mà mình lại hồ đồ. Miếng ăn đã ở trong tầm tay, không khéo lại tuột mất nữa... ôi mình sẽ được một bữa thoả thuê, ngày nay phải chấm dứt những bữa đực, bữa cái đã qua...” Cáo liếm mép. Nó chui vào một hốc cây và nằm đợi buổi trưa, khi ong mất cảnh giác thì sẽ hành động.

Mặt trời đã đúng ngọ, nóng hầm hập làm cả khu rừng này như say ngủ. Những chuyến bay của ong cũng thưa thớt dần. Chắc có lẽ ong đang kéo quân đi xa đến những bông hoa cách đây ngàn dặm.

Cáo nhẹ nhàng níu một dây leo và từ từ, vừa bò vừa vểnh tai nghe ngóng. Gần tới tổ ong, nó bò chậm lại và thận trọng hơn.

Từ lúc Cáo rượt Thỏ, mấy con Ong trinh sát đã nhìn thấy Cáo. Chúng về báo với Ong Chúa. Và từ lúc ấy mọi nhất cử nhất động của Cáo không thể qua vòng kiểm soát của bầy Ong, Ong Chúa đã tổng báo động khẩn cấp gọi các con Ong về. Bầy Ong đã chia từng tốp nhỏ bí mật từ các tàn lá xanh bay về chuẩn bị. Ong Chúa phát lệnh cho các cánh quân phục sẵn, chờ mệnh lệnh.

Cáo lại nhích lên, nhích lên...

Nhưng bất ngờ, cùng một lúc, bầy Ong túa ra đen đặc, tiếng của chúng phừng phừng như một rừng lửa cháy. Không kịp trở tay, hàng nghìn, hàng nghìn mũi kim buốt nhói cứ nhè vào mắt, vào mũi, vào tay, vào nơi hiểm yếu nhất của Cáo mà đốt. Bộ lông già rụng hết không đủ sức để chắn che bầy Ong bám đầy mình đầy thân Cáo mà đốt... Đội quân Ong cứ tăng dần lên, Cáo chỉ táp được vài chú Ong nhưng lưỡi bị sưng lên bởi những mũi chích... Cáo buông tay rơi bịch xuống mặt đất, gặp phải rễ cây, người Cáo văng tiếp ra va vào một hòn đá. Máu chảy lênh láng, Cáo vẫn đủ hiểu là phải chạy thoát thân. Nó chạy cuống cuồng và không hiểu sao nó bị nhấc bổng lên và bay như một mũi tên rơi ùm xuống nước. Thì ra Cáo đã húc vào bác Gấu đang đi chơi, bị bác ném ra xa...

Cáo ngoi ngóp bò lên được bờ, cái đuôi vẫn còn buông thõng xuống mặt nước ướt sũng, mình đau ê ẩm, nằm hấp hối...

tửu tận tình do tại
83.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Dựa vào bài thơ "Con cáo và tổ ong", viết thành một câu chuyện bằng lời kể của bầy ong

Trong khu rừng này, chúng tôi sống thật yên ả, thanh bình. Hằng ngày, mọi thành viên trong họ hàng chúng tôi cần mẫn làm việc để sinh sống và nuôi đàn con bé bỏng.

Một hôm, nơi đây xuất hiện một lão cáo già gian ác. Lão có bộ lông đen mun, đôi mắt sáng quắc luôn rình rập, dòm ngó. Tổ chúng tôi lủng lẳng trên cành cao, ẩn nấp trong vòm lá dày mà lão vẫn nhìn thấy được. Chúng tôi khiếp, lo sợ cho đàn con nhỏ. Đôi mắt lão cứ chăm chăm nhìn lên. Thấy tất cả đều im lặng, lão tưởng rằng chúng tôi đã đi khỏi, định bụng tấn công lên để uống mật và cướp đàn nhộng ong đang nằm trong tổ. Thế rồi, lão nhè nhẹ bò lên cây, nhằm phía tổ chúng tôi mà tiến tới. Lão thầm nghĩ mình sẽ đạt được ý nguyện, nhưng có ngờ đâu chúng tôi đang hiệp lực nhau sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu đến cùng với hắn để bảo vệ giống nòi. Hắn đang khoái chí chuẩn bị tư thế lao vào mục tiêu để ăn ngay món mồi ngon mà lây nay lão vẫn hằng mơ ước. Vừa lúc đó, trưởng đàn hạ lệnh “chiến đấu”! Chúng tôi rời tổ lao vào trận đánh. Tất cả đều sử dụng vũ khí lợi hại nhất của mình nhằm thẳng vào đầu vào mắt của lão ta mà đánh tới. Cáo già đau quá, hét lên. Trận đánh vẫn tiếp tục, lão tối tăm mặt mũi rồi rơi phịch xuống đất. Một vài chiến sỹ trong chúng tôi mệt nhừ rồi lảo đảo rơi xuống đất theo lão ta. Thế nhưng chúng tôi vẫn không hề nao núng. Hàng chục, hàng trăm chiến sỹ khác lại xông vào thay cho đồng đội. Trận đánh lại diễn ra dưới đất rất kịch liệt, cây cỏ rạp mình nghiêng ngả. Cuối cùng lão gượng sức dậy mà chuồn thẳng vào rừng sâu. Bên tai lão vẫn còn nghe văng vẳng khúc hoan ca chiến thắng của chúng tôi.

Từ đó, chúng tôi được tự do, hạnh phúc. Lão Cáo hung dữ đến đâu rồi cũng thất bại vì họ hàng nhà ong chúng tôi có một sức mạnh vô biên - sức mạnh của sự đoàn kết và lòng dũng cảm.

tửu tận tình do tại
74.14
Chia sẻ trên FacebookTrả lời