45.00
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
1 người thích
Từ khoá: Bạch Đằng (12) chiến thắng (8) lịch sử (21)

Đăng bởi Biển nhớ vào 08/05/2008 19:23, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Biển nhớ vào 09/05/2008 00:19

Đoàn người ấy mọc lên trong sa mạc,
Cả một rừng gươm trên lưng ngựa trưởng thành.
Đoàn quân ấy từ phương Đông xuất phát,
Lũ con nuông bất trị của Trời Xanh!
Chỉ nhắp có hơi men “xung sát”,
Chỉ say sưa bằng những miếng “giao tranh”.
Nhằm hướng Phi châu,
Ngựa vọt tới đâu là đời sống tan tành,
Biển ngập máu còn mang tên “Hồng hải”.
Cờ phất Âu châu,
Ngựa dẵm tới đâu là xương phơi thịt giãi,
Biển đeo tang còn “Hắc hải” ghi danh.
Như ngọn cuồng lưu, như cơn bão cát,
Từ Mông cổ, Tân cương, đến Ba tư, Bách đạt,
Trở về Hoa hạ, Yên kinh;
Lũ “Thiên kiêu” từng bắc chiến tây chinh
Lẽ nào để một phương không xéo nát:
Trời Nam riêng cõi thanh bình!
Lẽ nào để chiếc ngai vàng Thát Đát
Ba chân trời đại lục đứng chênh vênh!
Hay đâu:
Bắc phương vừa quẫy đuôi kình,
Rồng thiêng đã sớm cựa mình Nam phương...
Trần triều hai Thánh đế
Hưng Đạo một đại vương;
Hội mở Diên hồng
     đất nước vang rền khí thế,
Hịch truyền Vạn kiếp
     trời mây sáng rực văn chương
Ý gửi từ muôn dân, lệnh trao từ chín bệ,
Thì: nắm đầu giặc như chơi
     cướp giáo giặc cũng dễ.
Đây: cửa sông Hàm tử
     bến đò Chương dương;
Nuốt sao Ngưu chẳng phải việc hoang đường.
Nam phương cường? Bắc phương cường?
Máu đào loang sóng Phú lương mấy lần!

Sét nổ trăm hai ngọn ải Tần,
Giang Hoài bốn tỉnh lại ra quân...
Năm mươi vạn tinh binh ruổi ngựa
Tràn xuống Thăng long
như cả một khu rừng bốc lửa
Những “cây sắt”, con nòi Thiết Mộc Chân.

Giống Hồng Lạc giữa hai đường sinh, tử,
Trông lên: sợi tóc buộc ngàn cân.
Chợt đâu đó, xé rèm mây quá khứ,
Xa thăm thẳm mấy ngàn năm Việt sử
Rọi về tia mắt tiền nhân,
Thiêu tàn khoảnh khắc bao do dự,
Cả đến thép vô danh cũng rực ánh gươm thần.
Sát cánh vua cùng dân,
Chung lòng tướng với quân,
Phá cường địch... Cờ ai sáu chữ,
Báo hoàng ân là báo quốc ân.
Trăm họ chẳng ai còn lưỡng lự,
Sông núi nào riêng một họ Trần!
Bình Than lại nổi phong vân,
Một gươm Tiết chế hai lần trao tay...

Lời Đại vương truyền nín cỏ cây;
Ba quân hào khí ngất từng mây.
Vụt nghe tướng lệnh, vươn mình thét:
“Sông Bạch Đằng tôi có mặt đây!
Hán, Hồ... cũng đến chôn thây,
Trước sau một khúc sông này mà thôi.”

Triều non bạc lên ngôi... giờ lịch sử!
Và xuống ngôi... theo lệnh đại vương truyền.
Nước rút đi, như ngàn vạn mũi tên
Lấy Đông hải làm bia nhằm bắn tới.
Một ám hiệu! Kình nghê vừa mắc lưới!
Thuyền vương sư liền quật khởi tranh phong
Tay chèo nổi ngược cơn giông
Tiếng hô “Sát Thát” vang sông ngập bờ.
Duyên giang một giải
Lau cũng phất cờ;
Mùa xuân gần cuối
Vẫn sóng bay hoa;
Ngang trời động sấm tháng Ba
Dọc sông chớp giật sáng loà gươm dao.
Cũng nơi đây Bạch Đằng giang một khúc
Ngô vương từng chém Hoằng Thao!
Gió mây thôi thúc
Quằn quại ba đào...
Chợt tưởng niệm, máu càng sôi sục,
Tinh thần quyết thắng bốc lên cao.

Thế phản công làm giặc dữ nôn nao
Chúng hoảng hốt vội thu quân về thượng lưu sông Bạch.
Nhưng số phận Hung Nô, người phương Nam đã vạch,
Hỡi ơi, bằng giáo sắt cắm ngang sông!
Đáy trường giang là cả một bàn chông,
Nằm đợi sẵn, khi thuỷ triều xuống thấp,
Đoàn thuyền giặc lùi qua bị xô nghiêng lật sấp,
Bị xé ra từng mảnh, vỡ tan thây...
Giữa lúc rồng thiêng mở vuốt tung mây:
Quân tiếp ứng của vương sư ào xuất trận.
Và:
Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn
Hiện ra như một vị thần linh;
Chớp mắt trên sông bặt sóng kình!
Thế là đã nơi này bỏ xác
Lũ con nuông của Trời Sa mạc
Khắp Á Âu từng vạn lý trường chinh.
Bọn chúng ngờ đâu một sớm cõi Ly minh,
Thân bách chiến bỗng quay về hạt cát;
Trôi theo sóng cả tiếng tăm nòi Thát Đát,
Cả giấc mơ xâm lược chúa Hồ Nguyên...

Chàm thích tay ai nét ảo huyền,
Ngọn trào pha máu sắc tươi duyên.
Chàm xanh, máu đỏ, nền sông trắng,
Bức vẽ Đông A vạn cổ truyền...

Ấy ai qua chốn giang biên,
Khói đầy khoang, giấc sầu miên lạnh lùng!
Tiếng kình vang đợt sóng rung,
Có nghe chăng?
     Có thẹn cùng người xưa?
Riêng ai: nước cũ mây mờ,
“Thái bình diên yến” câu thơ lệ nhoà.
Tháng Giêng kỷ niệm Đống đa
Sông Đằng kỷ niệm tháng Ba... mấy lần?
Đầu mùa xuân, cuối mùa xuân,
Cánh tay Đế Nguyễn Vương Trần nào ai?


(Sài-gòn, 1963)