Ta lại về thăm tháp Cánh Tiên
Long lanh nắng xuống, bóng sương chìm
Cánh chim nào động trời hoang dã
Mà chiều Bình Định gió như im?

Em ở đâu rồi em gái nhỏ
Bâng khuâng màu áo trắng như mây
Cứ ngỡ em còn bên tháp cổ
Ngại ngùng như thuở mới chia tay.

Em ép cho ta cánh phượng hồng
Để mùa hạ ấy hoá mùa đông
Để mùa thu rụng trên trang sách
Một xác bướm khô, xác nỗi lòng.

Cây vẫn liền cây, lá vẫn xanh
Đá rêu trầm mặc, nắng tơ mành
Có bóng tiên về trên đỉnh tháp
Lung linh nhịp múa điệu Chiêm Thành.

Em xa ta rồi, sao nỡ xa
Cánh Tiên tháp đứng khói sương nhoà
Trăng lạnh cuối chiều trăng lạnh mãi
Có hay trăng lạnh ướt hồn ta?


Bình Định, 1994

Tháp Cánh Tiên nằm trên đỉnh một quả đồi thấp cao 25m thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn. Trong số những tháp cổ Chăm Pa còn lại ở tỉnh Bình Định, tháp Cánh Tiên không chỉ là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn, mà còn thuộc nhóm những cụm tháp ít thấy trong lịch sử kiến trúc Chăm Pa là khu đền chỉ có một tháp, mặc dầu chỉ có một tháp đơn lẻ song hình dáng, cấu trúc của tháp Cánh Tiên lại không hề khác với các ngôi tháp vuông nhiều tầng xây bằng gạch vào loại lớn của Chăm Pa, tháp cao gần 20 mét. Bài thơ được viết tặng cho một cô gái có tên là Cảnh Tiên (có âm na ná Cánh Tiên).

Nguồn:
1. Báo Nữ sinh, số 35, tháng 7-1996
2. Hoa sứ trắng, NXB Đà Nẵng, 1997