Trong những nỗi khổ của con người thì “Ái biệt li khổ” là một. Yêu nhau mà phải xa nhau thì khổ lắm. Khổ vì ngóng đợi, khổ vì những lo lắng cho người xa nhà. Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại của Xuân Quỳnh là một bài thơ như thế.

Bài thơ được viết năm 1985, lúc này, chồng bà, nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đang hăg say làm việc và đã cho ra những vở kịch mang hơi thở thời đại, phản ánh những mặt trái của xã hội trong những năm cuối của chế độ quan liêu bao cấp. Ông thường phải đi xa, đến các tỉnh để dựng vở. Lúc này, đất nước không còn chiến tranh, nhưng những khó khăn thì vẫn còn và tâm trạng một người phụ nữ yêu chồng có thể có những lúc suy diễn quá lên. Nhưng cũng bởi tình yêu chồng thiết tha mãnh liệt bằng một trái tim riêng của Xuân Quỳnh.

Bài thơ được bắt đầu bằng một câu hỏi:

Thị trấn nào anh đến chiều nay
Mảnh tường vắng, mùa đông giá rét
Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt
Vẫn thấy lòng da diết lúc chia xa
Tâm trạng một người phụ nữ ngóng chồng. Thời đó phương tiện thông tin chưa hiện đại như bây giờ nên không thể anh đến nơi nào rồi gọi điện về nhà cho vợ yên tâm. Thế nên, khi anh đi rồi cũng chỉ biết rằng anh đi về phương ấy. Nỗi thắc thỏm trong lòng chỉ yên khi anh trở về. Người vợ ở nhà suy đoán, có thể nơi anh đến là một thị trấn nào đó heo hút và nỗi nhớ càng trở nên da diết. Câu thơ “Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt” như là tự trấn an mình vậy.

Cuộc đời anh là những chuyến đi xa, hết chuyến công tác ấy anh về, nhưng là để chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Và nỗi nhớ lúc này đã chuyển thành sự suy tính thay cho anh:
Xóm làng nào anh sẽ đi qua
Những đồng lúa, vườn cây, bờ bãi...
Dẫu em biết rằng anh trở lại
Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh.
Nơi anh sẽ đến có thể là những nơi phố xá đông người, có thể là miền đồng bằng thanh bình yên ả. Nhưng dù ở đâu thì lòng em vẫn theo anh. Anh đi rồi em buồn nhưng cố nén, vẫn tin rằng anh trở lại và tự an ủi mình, tự động viên mình “Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh”. Còn phía có anh thì luôn vui vẻ. Em luôn ở bên anh dù trong tâm tưởng nên ngọn gió buồn không thổi về nơi đây. Niềm vui của anh cũng là niềm vui của em và em hy vọng xua đi nỗi buồn trong anh.

Chờ đợi và chờ đợi, thời gian trôi đi trong nỗi nhớ của em:
Thời gian trôi theo cánh cửa một mình
Hạt mưa bụi rơi thầm trên mái ngói
Tờ lịch mỏng bay theo lòng ngóng đợi
Một con đường vời vợi núi cùng sông
Một mình em ra vào trong ngôi nhà vắng, xa nhau một ngày dài tựa trăm năm, vì thế mà có thể đếm được những hạt bụi rơi dù rất nhẹ, rơi thầm xuống mái nhà, nỗi nhớ dầy lên theo từng tờ lịch. Một con đường vời vợi núi sông cũng chính là nỗi nhớ trong lòng em vời vợi.

Rồi khi kiên nhẫn đã cạn, sự lạc quan dù vẫn còn nhưng dần dần thay vào đó là sự lo âu, không thể chịu được nữa, em đã gọi tên anh:
Gọi ngàn lần tên anh vẫn là không
Chỉ lá rụng dạt dào lối phố
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên.
Tiếng gọi thầm cứ rơi vào thinh không mà chẳng có phản hồi. Như một viên sỏi ném xuống một cái giếng sâu vô tận. Rồi tác giả lại chợt nhận ra sự lo lắng của mình là thái quá. Nên lại tự trấn an mình:
Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ.
Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên.
Câu kết của bài như vỡ oà trong nỗi nhớ. Sự dồn nén đến lúc không kìm nén được nữa, tâm sự từ đáy lòng mới bật ra. Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại nhưng vẫn nhớ vô cùng, nhớ không một phút nguôi quên.

Xin trở lại với tên bài thơ, ở đây có hai cách đọc. Cách thứ nhất: “Dẫu em biết/ chắc rằng anh trở lại”, cách này cũng chưa thật chắc vì cụm từ “chắc rằng” đó còn mơ hồ. Cách thứ hai: “Dẫu em biết chắc/ rằng anh trở lại”, đây mới là cách đọc đúng, mới thể hiện đúng nội dung của bài thơ. Còn tại sao không phải là “trở về” mà lại là “trở lại”, có thể hiểu do áp lực của vần mà phải thay “về” bằng “lại”. Nhưng nếu xét về nghĩa thì “về” vẫn hay hơn.

Từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, nỗi của người vợ có chồng xa nhà thời nào cũng thế. Nhưng với Xuân Quỳnh có những nét rất riêng, rất Xuân Quỳnh.

Nỗi nhớ chồng của người thiếu phụ trong Khuê oán:
Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu
Thiếu phụ chỉ chợt nhớ chồng khi nhìn phía đường xa cây lá đổi màu, trời đã chuyển mùa, lúc này mới cần đến hơi ấm của chồng và phong hầu trở nên vô nghĩa.

Nỗi nhớ của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
...........
Nỗi nhớ trong lòng người chinh phụ cũng chỉ là nỗi sầu:
Lúc ngảnh lại ngắm màu dương liễu
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong
Chẳng hay muôn dặm ruổi giong
Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng?
Lòng chàng ví cũng bằng như thế
Lòng thiếp đâu dám nghĩ gần xa
Hướng dương lòng thiếp như hoa
Lòng chàng lẩn thẩn e tà bóng dương
Và trong đó có cả sự hoài nghi đối với chồng, sự hối tiếc vì đã không khuyên chồng đừng bước vào con đường công danh mà phải chịu cảnh một mình đơn chiếc.

Thế mới biết cái nhớ chồng của Xuân Quỳnh vừa cao cả, vừa lạc quan biết bao nhiêu. Bởi vì việc đi xa của anh là việc dân việc nước chứ lợi ích về kinh tế thì chẳng khác gì so với ở nhà, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đó cũng là sự hi sinh tình cảm riêng tư cho sự nghiệp chung của dân tộc dù cho đất nước đã im tiếng súng nhưng vẫn còn đó những kẻ thù. Kẻ thù là cái xấu, là cái ác, là cái lạc hậu... và chồng cô, người nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá.

Nỗi nhớ chồng như thế thật đáng khâm phục làm sao!