Than ôi!
Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri;
Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, người sao trước có sau không, kinh sấm sét hỡi đau lòng hậu bối.

Vẫn biết tinh thần di tạo hoá, sống là còn mà thác cũng như còn;
Chỉ vì thời thế khuất anh hùng, xưa đã rủi mà nay càng thêm rủi.

Lấy ai đây nối gót nghìn thu;
Vậy ta phải kêu người chín suối.

Nhớ ông xưa:
Tú dục Nam chu;
Linh chung Đà hải.


Nghiệp thừa gia cung kiếm cũng pha đường;
Nền tác thánh thi thư từng thuộc lối.

Gan to tày bể, sức xông pha nào kể sức muôn người;
Mắt sáng hơn đèn, tài lanh lợi từ khi năm bảy tuổi.

Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sĩ, còn lòng đâu áo mũ xuê xoang;
Thói nhà chăm nghiệp bút nghiên, dấu một anh hùng, khi tạm cũng khoa trường theo đuổi.

Song le:
Khí vẫn tranh vanh;
Chí càng viễn đại.

Tài Mã-ni đương chứa sức hô hào;
Tuồng Lỗ-dịch quyết ra tay đào thải.

Đội tiền phong đâu tá, gió duy tân từ Đông Hải thổi vào;
Gương ngoại quốc kia là, sóng cách mạng bởi Âu châu dồn tới.

Dọc ngang trời đất, rực vẻ văn minh;
Tức với nước nhà, cam đường hủ bại.

Cá chậu chim lồng vơ vẩn thế, sáo công danh thôi vất lối tầm thường;
Rồng mây cọp gió lạ lùng gì, miền thanh khí thử hô người trung ngoại.

Cậy tài học dặn dò phương tự chủ, Lư-thoa, Mạnh-đức so sánh người xưa;
Mượn Đông du thăm hỏi bạn đồng tâm, Hương Cảng, Hoành Tân, lỏi len đường mới.

Ba tấc lưỡi nào gươm nào súng, nhà cường quyền trông gió đã gai ghê;
Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ treo đèn thêm sáng chói.

Phỏng khiến:
Trình độ dân ta cao;
Trí thức dân ta giỏi.

Sức dân ta ngày một dồi dào;
Khí dân ta ngày càng cứng cỏi.

Một tiếng xướng có muôn tiếng hoạ, thần tự do nên đủng đỉnh về đây;
Bạn người Việt với thầy người Tây, ma chuyên chế dám dùng dằng ở mãi.

Nào hay:
Trời đã éo le;
Người càng quỷ quái.

Chứa chan máu cuốc, nước vẩn vơ hồn;
Xao xác tiếng gà, trời mờ mịt tối.

Trường nô lệ chung quanh là rắn rít, văn cứu thời khen khéo gây oan;
Ổ dã man ngan ngát những hùm beo, miệng ái quốc hoá nên buộc tội.

Thành Hà Nội ùn ùn mây ác độc, nào kẻ lánh mình, nào người chống thuế, chữ âm mưu tô vẽ đủ trăm đường;
Đảo Côn Lôn rực rực lửa oan cừu, thây người yêu nước, thây kẻ thương dân, tơ xướng loạn dệt thêu ra một mối.

Mưa dào gió dạt, xui khách lưu ly;
Biển thảm trời xa, xót ông chìm nổi.


Thân Dậu Tuất bấy nhiêu năm tân khổ, khi đào cây, khi lượm đá, giữa bể trần gió bụi cũng thung dung;
Đặng Hoàng Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi uống rượu, khi ngâm thơ ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái.

Hồi đen may cũng lần lừa;
Lòng đỏ vẫn còn hăng hái.

Quay đầu lại trả ơn tù đạo, tấm thân già còn nặng gánh giang san;
Bước chân đi tìm bạn Âu châu, đôi tay trắng quyết phất cờ xã hội.

Án tại phạm vì lời thông Đức, dạ sắt vàng thêm thử lại thêm bền;
Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi.

Gương vĩ nhân treo những bao giờ;
Hồn cố quốc vừa về năm ngoái.

Trước mắt nào ai hớn hở, thấy ngựa xe luống ngẩn ngơ chiều;
Bên tai những tiếng kêu van, nghe sưu thuế càng ngao ngán nỗi.

Dưới miệng cọp gửi đoàn con đỏ, phúc trùng lai thêm bận dạ tha hương;
Trên nguyền người giữ giống da vàng, lòng cảm tử quyết lùa quân hậu đội.

Ước những chuông đều trống nhịp, khắp ba kỳ cho vang tiếng reo hò;
Mới là anh trước em sau, dắt một lũ để đồng bào gắng gỏi.

Khéo vô tình trời chẳng chiều người;
Nên bất hạnh mừng mà hoá tủi.

Tiệc hoan nghênh mới đó, não nùng rượu chửa phai mùi;
Hội truy điệu gần đây, thấp thoáng hương đà bén khói.

Anh em ta:
Đất rẽ đôi đường;
Tình chung một khối.

Gánh tồn vong ai cũng nặng nề;
Nghĩa chung thuỷ lòng càng bối rối.

Sóng gió một thuyền chung chạ, ngọn chèo đang lúc cheo leo;
Mây mù muôn dặm xa khơi, dấu ngựa nhờ ai rong ruổi.

Ngại ngùng thay người ngọc níu sa;
Ngẫm nghĩ những giọt châu mưa xối.

Thương ôi!
Bể bạc còn trơ;
Trời xanh khó hỏi.

Nghìn vàng khó chuộc lấy anh hào;
Tấc dạ dám thề cùng sông núi.

Trước đã giỏi thời sau nên giỏi nữa, dấu “cộng hoà” xin rán sức theo đòi;
Thác còn thiêng thời sống phải thiêng hơn, thang “độc lập” quyết ra tay vin vói.

Lời này ông có xét chăng!
Lòng ấy tôi đà soi dọi!


Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu là hai nhà cách mạng tiền bối, cùng hoạt động một thời gian và cùng là bạn, nhưng ý kiến thì không đồng. Phan Bội Châu thì cho rằng người Pháp không thiệt lòng khai thác cho nước Nam, trước phải tìm cách đánh đổ họ, và phải nhờ vào thế lực một nước ngoài mới làm được. Còn Phan Chu Trinh thì bác lại chủ trương ấy, cho rằng nước Việt Nam chui rúc dưới chính thể chuyên chế đã trên nghìn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy nước ngoài thì chỉ diễn cái trò “dịch chủ tái nô” thôi, việc cậy nước ngoài mình không tự lập thì ai cũng là kẻ thù của mình, nên phải tìm cách mở mang dân trí trước đã.

Thế nên, Phan Bội Châu thì bôn ba qua các nước Á Đông như Xiêm, Tàu, Nhật Bản. Còn Phan Chu Trinh thì lại qua hoạt động ngay tại giữa thủ đô Pháp. Cụ ở Pháp từ năm 1911 đến năm 1924 mới trở về Việt Nam. Phan Bội Châu bị Pháp bắt, cuối năm ấy được thả ra. Phan Chu Trinh ở Sài Gòn định ra thăm, nhưng vì bệnh đi không được. Khi ấy Phan Bội Châu cũng định sẽ vào Nam để gặp bạn, nhưng chưa kịp đi thì ngày 24-3-1926, Phan Chu Trinh tạ thế.

Trong đám tang Phan Chu Trinh cũng như các cuộc lễ điệu cụ ở khắp nơi toàn quốc, không biết bao nhiêu thơ văn ai điếu mà kể, nhưng lâm ly và thống thiết hơn cả là bài văn này của Phan Bội Châu thay mặt đồng bào Huế. Ngoài cái tình cảm của đồng bào đối với cái chết của Phan Chu Trinh, đây còn là tình cảm của một nhà cách mạng đối với cái tang một nhà cách mạng nữa. Đương thời, bài văn có tác dụng kích thích lòng yêu nước của nhân dân rất lớn.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]