Dở dang với việc chấp bút hồi ký cho ca sĩ Ái Vân, nhà thơ - nhà báo Đinh Thu Hiền vừa bắt tay cho hồi ký của diễn viên Thương Tín. Dù viết báo hay viết hồi ký, đầu tiên và cuối cùng, Đinh Thu Hiền vẫn mơ mộng với thơ, dù thơ không thể nuôi cơm áo cho bản thân chị.

* Chị được biết đến khi còn là cô bé làm thơ ở Hải Dương, nhưng cùng thời với chị có một Đinh Thu Hiền khác làm thơ ở Nghệ An. Sự trùng tên này của hai người đã để lại cho chị những kỷ niệm gì?

- Tôi viết những bài thơ đầu tiên ở lứa tuổi lên 10. Ngày đó, thường viết thư và gửi thơ cho nhà thơ Phạm Hổ. Ông đọc và nhận xét. Hai chú cháu cứ viết qua viết lại như vậy một thời gian dài mà không biết mặt nhau. Cho tới ngày tôi nhận giải thưởng Viết về quyền trẻ em do Thuỵ Điển tổ chức. Không ngờ, trong Ban giám khảo cũng có nhà thơ Phạm Hổ. Hai chú cháu khi đó gặp nhau, nói biết bao nhiêu chuyện.

Lớn lên một chút, tôi có đọc thơ của chị Đinh Thu Hiền ở Nghệ An đăng trên báo Tiền Phong. Chị viết thơ tình hay lắm. Và còn rất xinh đẹp nữa. Vào khoảng năm 1995, qua sự kết nối của TS Bá Dung, hiện là Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam và PGS Biện Minh Điền, Trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Vinh, chúng tôi có dịp gặp nhau tại Nghệ An. Cuộc gặp mặt thật thú vị.

Thực ra, Đinh Thu Hiền ở Nghệ An tên đầy đủ trong chứng minh thư là Đinh Thị Thu Hiền. Có những bài thơ chị đăng trên báo, cũng ký tên là Đinh Thị Thu Hiền. Nhưng vì mọi người thường bỏ chữ lót “Thị”, nên dần dần thành hai bút danh trùng nhau, gây sự nhầm lẫn lớn cho độc giả và người quen. Cho tới tận bây giờ. Trên các trang thơ văn ở trong và ngoài nước, các bài thơ của tôi được gắn vào tên chị, và ngược lại. Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi đã cùng nhau ra tập thơ Hiền là Hiền với hình thức bìa bên này là tôi, bìa bên kia lật ngược lại là chị Hiền Nghệ An. Tuy vậy, các tác phẩm thì vẫn bị nhầm. Và người quen cũng nhầm. Có lần, tôi nhận được điện thoại của một chị, tự xưng là vợ cũ của diễn viên Trọng Trinh. Chị gọi điện không nói rõ mục đích, chỉ xưng tên vì nghĩ người nghe đã biết. Khi tôi nói không quen, chị cứ gặng hỏi mãi. Rồi thì cũng biết là không phải người cần gặp.

Cách nay mấy năm, tôi và chị Hiền Nghệ An cùng rủ nhau mua căn hộ chung cư ở Q.8. Khi cùng đưa giấy tờ ra, ai cũng cười vui vì bạn bè giống gần tên nhau. May mà trong chứng minh thư của tôi không có chữ Thị. Chỉ là Đinh Thu Hiền!

* Hiền Hải Dương sau này vào Sài Gòn làm báo. Còn Hiền Nghệ An nghe nói lấy chồng khá sớm và ít hoạt động trong nghề viết. Chị thấy cô bé Hiền Hải Dương ngày nào là người may mắn khi được sống đúng với sở thích của mình?

- Thực ra Đinh Thu Hiền ở Nghệ An cũng làm báo đấy. Chị ấy sống ở Hà Nội, làm cho tờ tạp chí chuyên ngành của Kiểm toán Nhà nước, nên không có nhiều đối tượng độc giả. Còn tôi thì hoạt động báo chí ở mảnh đất Sài Gòn, khoảng hơn 10 năm đầu theo đuổi thể loại phóng sự và sau đó thì thể loại ký sự nhân vật nên có thể nhiều người biết tới hơn. Tôi học chuyên ngành báo chí, sau này cũng bảo vệ thành công luận án thạc sĩ báo chí, nên vẫn thực hành làm báo và được vài nơi mời đi dạy về truyền thông. May mắn không đến với ai nhiều lần trong đời, nếu như bản thân chúng ta không cố gắng. Tôi rất thấm thía điều này.

* Cách nay mấy năm, chị có nhận lời viết hồi ký cho ca sĩ Ái Vân. Giữa muôn trùng người viết, sao Ái Vân lại chọn chị? Hợp đồng này sau đó đã bất thành. Vì sao?

- Có lần tôi viết ký sự nhân vật về Ái Xuân, em gái của Ái Vân. Bài viết này đã được tập hợp trong cuốn ký sự Người nổi tiếng, tôi biết. Ái Xuân đã điện thoại cho tôi, nói rằng, “chị Ái Vân thích cách viết của em nên rất muốn tiếp xúc với em, chị sẽ cho chị ấy số điện thoại của em nhé”. Và khi Ái Vân về nước, thì tôi đã nhận được cú điện thoại trao đổi ấy. Ban đầu, tôi chỉ viết vài bài báo về Ái Vân, theo kiểu ký sự nhân vật. Nhưng sau đó, thì chị Vân muốn nhờ tôi viết hồi ký giùm.

Hợp đồng chưa soạn xong, nhưng công việc của hai chị em đã tiến hành được chương đầu tiên. Tới khi luật sư gửi hợp đồng, thì Ái Vân có vài thắc mắc về quyền sở hữu tác phẩm. Theo luật Việt Nam, tác giả chấp bút có một vài quyền mà người kể chuyện không thể có, ví như quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền được nhận giải thưởng… Ca sĩ Ái Vân nói sẽ nhờ luật sư bên Mỹ soạn thảo lại hợp đồng. Tuy nhiên, vì cuốn sách sẽ thực hiện ở Việt Nam, bằng tiếng Việt, nên phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam.

Mọi việc giấy tờ còn dang dở như vậy, trong khi cuốn sách đã xong chương đầu về thời ấu thơ, chuẩn bị bước vào phần kịch tính nhất là các câu chuyện tình cũng như những uẩn khúc mà Ái Vân ở lại Đông Đức khi đi lưu diễn, cùng bao biến cố khác nữa, thì tôi cảm nhận Ái Vân rụt rè hẳn. Chị sợ đụng chạm tới người này người khác, chỉ thích kể về những chuyện đã rõ như ban ngày. Mà tính chất của hồi ký phải là chân thực, không giấu giếm, không né tránh. Ví như Hồi ức của một geisa chẳng hạn. Bao nhiêu chuyện thâm cung bí sử đã được nhân vật kể lại ngọn ngành. Nhờ đó mới có tác phẩm vang dội khắp thế giới. Tôi và Ái Vân đã dừng dự án viết hồi ký. Và tôi nghĩ, nên như vậy.

* Mới đây, nghệ sĩ Thương Tín tìm đến chị nhờ viết hồi ký và chị đã nhận lời. Với Ái Vân và chị là hai phụ nữ, dễ đồng cảm. Với Thương Tín và chị khác giới, khó chia sẻ. Điều gì khiến chị tự tin sẽ chuyển tải thành công hồi ký về Thương Tín?

- À, đây là câu chuyện thú vị. Khi viết hồi ký cho Ái Vân, tôi đã nhiều lần thổn thức, dù chưa tới đoạn ly kỳ yêu đương, đau khổ. Bởi Ái Vân là người đàn bà đẹp và tài năng. Vậy nhưng cuộc đời chị lại trải qua nhiều chuyện trầm luân không thể kháng cự. Là phụ nữ, tôi rất đồng cảm.

Còn Thương Tín thì ngược lại. Thương Tín là người đàn ông đa nhân cách. Anh có tài, duyên đóng phim và đóng kịch như được chảy trong huyết quản từ lúc sinh ra. Nhưng cuộc đời riêng thì có nhiều lắt léo. Phụ nữ theo Thương Tín rất nhiều. Họ yêu và không cần đáp trả. Trong khi Thương Tín không thể rung động được với tất cả những người đàn bà ấy, nhưng anh vẫn không từ chối. Ở góc độ nào đó, sự lạnh lùng quay mặt đi, hay quên hết những phút giây mặn nồng với nhiều phụ nữ, mà đa số đều rất nổi tiếng, của Thương Tín đã khiến đời anh có quá nhiều góc khuất.

Về việc thực hiện hồi ký, Thương Tín sẵn sàng kể tường tận những sự thật đã trải qua trong suốt cuộc đời mình, từ khi trốn nhà theo gánh hát cho đến giờ, ở lứa tuổi tri thiên mệnh mà vẫn còn nặng nợ tình ái! Tôi tin rằng cuốn sách sẽ được nhiều độc giả đón nhận.

* Được biết, ngoài công việc viết báo thuận lợi, gia đình chị cũng khá giả. Hẳn nhiên chị viết hồi ký cho Ái Vân hay Thương Tín không chỉ vì nhuận bút?

- Người viết mà không cần nhắc tới nhuận bút, thì không trung thực. Tôi viết báo hàng ngày, được đồng nghiệp đánh giá là chăm chỉ. Ở toà soạn báo Phụ Nữ Việt Nam - Thế Giới Phụ Nữ, tôi luôn nằm trong top đầu có định mức nhuận bút cao nhất. Nhưng viết hồi ký thì chưa biết thế nào. Một cuốn sách có thể kéo dài từ vài tháng tới vài năm. Mà nhuận bút dành cho sách thì mọi người đều biết rồi đó, cũng không quá nhiều so với công sức và thời gian đã bỏ ra. Điều quan trọng được viết đã là vui rồi. Tôi rất muốn sau này khi con gái của tôi đã lớn, tôi sẽ dành thời gian cho bản thân, bằng cách đi du lịch dài ngày ở khắp nơi. Và sáng ra, sau khi đi chợ về thì ngồi vào bàn viết những điều mình thấy thích.

* Nhưng trước hết chị là nhà thơ từ thời còn là cô bé học trò ở Hải Dương. Dạo này thấy Đinh Thu Hiền với tư cách nhà thơ khá lặng lẽ. Có phải thơ bây giờ không còn đất sống, ngay cả với Đinh Thu Hiền?

- Tôi vẫn viết thơ, tuy không nhiều và ít công bố. Thời gian dành cho các sự vụ viết báo khiến tôi quay cuồng, chưa kể tới việc chăm sóc gia đình và con gái. Tuy nhiên, tôi đang âm thầm viết các bài thơ về các tỉnh, thành của Việt Nam. Mỗi tỉnh, thành phố tôi đều cần đặt chân tới để lưu cảm xúc. Có thể in thành tập, nhưng cũng có thể chỉ phổ biến trên mạng xã hội. Thơ ca làm giàu tâm hồn, nhưng các nhà thơ thì luôn nghèo túng. Biết sao được bây giờ!


Trần Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hoá Cuối tuần, 13/08/2014
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.