04/05/2024 03:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Văn tế cá sấu

Tác giả: Hàn Thuyên - 韓詮

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 05/06/2007 19:00

 

Ngạc ngư kia hỡi, mày có hay!
Biển Đông rộng rãi là nơi này
Phú Lương[1] đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại đến đây

Há chẳng nhớ rằng nước Việt xưa
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa
Đời Hùng vẽ mình vua từng dạy[2]
Xuống nước giao long cũng phải chừa

Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ Hải Ấp ngôi trời thay
Võ công lừng lẫy bốn phương tịnh
Biển lặng, sông trong mới có rày

Hùm thiêng xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mạng bảo cho mày
Hãy về biển Đông mà vùng vẫy!
Theo Việt sử cương mục dẫn lại từ Đại Việt sử ký toàn thư, mùa thu năm Thiệu Bảo thứ 4 (1282), khi quân Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ 2, Nguyễn Thuyên khi đó là Hình bộ thượng thư theo vua đến sông Phú Lương thì có cá sấu nỗi lên trước thuyền. Vua sai Thuyên làm văn ném xuống sông, con cá sấu tự nhiên đi mất. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc) tế cá sấu năm 830 ở Triều Châu, nên cho đổi họ Nguyễn của ông ra họ Hàn.

Bài thơ này về sau được một số người nhắc đến vì ngoài việc sử dụng chữ Nôm khá thành thạo còn có nội dung tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc. Vua Tự Đức có thơ khen ông: “Quốc ngữ văn chương thuỳ nhiễm hàn, Bất vong đôn bán bị nham khan; Lư giang di ngạc hà thần tốc, Bác đắc quân vương tứ tính Hàn” (Quốc ngữ văn chương mới nhúng tay, Chẳng quên tiếng mẹ khá khen thay; Sông Lô đuổi sấu in Hàn Dũ, Nên được nhà vua đổi họ ngay).

Tuy nhiên, bài thơ này còn một số nghi vấn. Sử sách chỉ chép câu chuyện mà không chép tiêu đề hay nội dung bài thơ, và cũng không nói rõ bài thơ này là chữ Nôm hay chữ Hán. Sách Việt cổ văn (VHv.2479) có ghi lại bài Tế Lư giang linh ngư văn của Nguyễn Thuyên nhưng lại bằng chữ Hán. Bài thơ Nôm dẫn ở trên chỉ được thấy trong một số tài liệu gần đây như Tứ dân văn uyển (Nguyễn Can Mộng, 1937), Cuộc tiến hoá của văn học Việt Nam (Kiều Thanh Quế, 1943). Cụ Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam (tập 1, NXB Khoa học kỹ thuật, 1971) thì cho là bài thơ do nhà nho Nguyễn Can Mộng sáng tác: “Bài thơ đuổi cá sấu in trên Tứ dân văn uyển hồi đầu thế kỷ XX nói là của Hàn Thuyên và được một số sách báo in lại, đúng ra là của Phó bảng Nguyễn Can Mộng nguỵ tạo để đùa chơi, tiếc rằng lời cải chính in trên một số báo sau đó ít người được đọc nên nhiều người vẫn tưởng là của Hàn Thuyên thực. Song nếu đọc kỹ sẽ thấy toàn bài không có lấy một từ ngữ cổ, thơ cũng không viết theo thể Hàn luật, khó có thể tin là của Hàn Thuyên.”

Dù vậy, dựa vào bài thơ ca ngợi của vua Tự Đức thì có thể thấy nhiều khả năng bài thơ đúng là bằng chữ Nôm. Do đó, việc Hàn Thuyên có một bài thơ tế cá sấu bằng chữ Nôm là đáng tin, nhưng nội dung bài thơ hiện còn nhiều nghi vấn.

[1] Dương Đình Khuê cho là sông Hồng Hà (Fleuve Rouge). Dương Quảng Hàm nói là sông Nhị Hà, một tên khác của sông Hồng. Cũng có ý kiến cho rằng Phú Lương là Lư giang tức là sông Lô, cũng là một nhánh của sông Hồng.
[2] Theo truyền thuyết, vua Hùng Vương dạy ngư dân vẽ hình thuỷ tộc lên mình, khi xuống biển các loài thuỷ quái nhìn thấy ngỡ là chung một loài để giữ bình an.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hàn Thuyên » Văn tế cá sấu