06/05/2024 06:00Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Giản Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung

Tác giả: Lê Quý Đôn - 黎貴惇

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi hongha83 vào 24/05/2012 08:16

 

Phiên âm

Doanh hài đông nhai các nhất phương,
Tề xu bắc địa tác quan quang[1].
Tản Viên khái tự Tùng Sơn tú[2],
Áp Lục ưng đồng Nhị Thuỷ trường[3].
Lục tịch[4] dĩ lai đa học vấn,
Cửu trù[5] nhi hậu cánh văn chương.
Lữ hoài tập điệp như hoa phiến[6],
Tàn hướng xuân phong vị triển dương.

Dịch nghĩa

Bến đông biển cả mỗi bên một phương
Đều đến xem quang cảnh ở dải đất phương bắc
Núi Tản Viên dường như giống vẻ thanh tú của núi Tùng Sơn
Sông Áp Lục phải là cùng độ dài với sông Nhị Thuỷ
Từ lục kinh trở lại đây có nhiều nhà học vấn
Từ cửu trù trở về sau lại càng nổi văn chương
Cảm hoài lữ khách cứ chất mãi lên như nếp gấp của cái quạt hoa
Gần đây mới hướng về gió xuân để mở tung ra

Bản dịch của Đào Phương Bình

Biển lớn miền Đông người mỗi phương
Cùng sang đất Bắc ngắm văn quang
Tản Viên đẹp sánh Tùng Sơn đẹp
Áp Lục trường như Nhị Thuỷ trường
Lục tịch trở đi nhiều học vấn
Cửu trù sau đó nổi văn chương
Lữ hoài tựa quạt hoa phong nếp
Tiện gió xuân về hãy mở toang
[1] Ngắm xem phong cảnh. Quẻ Quan ở Kinh Dịch có câu: “Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương” (xem ánh sáng của quốc gia, lợi cho việc làm tân khách của nhà vua), đời sau hay dùng từ ngữ “quan quang” để chỉ việc đi sứ.
[2] Tản Viên là tên quả núi có tiếng ở Sơn Tây, nay thuộc địa phận của Hà Nội. Tùng Sơn là tên quả núi có tiềng ở Triều Tiên. Tác giả liên hệ hai quả núi của hai nước Việt Nam và Triều Tiên có chỗ giống nhau về cảnh thanh tú.
[3] Áp Lục là tên con sông lớn của Triều Tiên. Nhị Thuỷ tức sông Hồng. Tác giả liên hệ chiều dài của sông Áp Lục giống chiều dài của sông Nhị nước ta.
[4] Chỉ Lục kinh, bao gồm sáu bộ sách tiêu biểu của nền Hán học: Thi, Thư, Lễ, Dịch, Nhạc, Xuân Thu; ý nói nước Triều Tiên vốn học chữ Hán và từ khi nền Hán học phát triển ở Triều Tiên thì Triều Tiên có nhiều nhà học vấn ra đời.
[5] Tức chín điều để trị thiên hạ được ghi ở thiên Hồng Phạm trong Kinh Thư, tác giả của nó là Cơ Tử. Sau khi Chu Vũ Vương phong Cơ Tử đi làm vua ở Triều Tiên, từ đó Triều Tiên có nền văn chương sáng chói.
[6] Theo nguyên chú của Lê Quý Đôn thì sứ bộ Triều Tiên có tặng ông một cái quạt hoa, vì thế mà tứ thơ ở đây có đề cập đến.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Quý Đôn » Giản Triều Tiên quốc sứ Hồng Khải Hy, Triệu Vinh Tiến, Lý Huy Trung