05/05/2024 04:06Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Sơn thôn cảm hứng
山村感興

Tác giả: Nguyễn Phi Khanh - 阮飛卿

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Trần
Đăng bởi Vanachi vào 05/07/2008 13:39

 

Nguyên tác

虛名卅載絆塵羈,
一反江山沒是非。
殘雪墊巾奇野土,
春風晞髮大灘磯。
夢中往事攘蕉鹿,
世上浮雲任狗衣。
誰道江村生計薄?
桑麻繞屋綠初肥。

Phiên âm

Hư danh táp tải bạn trần ky,
Nhất phản giang sơn một thị phi.
Tàn tuyết điệp cân cơ dã thổ,
Xuân phong hy phát đại than ky.
Mộng trung vãng sự nhương tiêu lộc[1],
Thế thượng phù vân nhậm cẩu y[2].
Thuỳ đạo giang thôn sinh kế bạc,
Tang ma nhiễu ốc lục sơ phì.

Dịch nghĩa

Cái hư danh đã buộc mình vào cõi đời bụi bặm ba mươi năm,
Trở về quê cũ quên mọi chuyện thị phi ở đời.
Trùm khăn dưới tuyết tàn trên gò ngoài đồng nội,
Hong tóc trước gió xuân bên mỏm đá lớn đầu ghềnh.
Việc cũ trong mơ, dẹp đi như câu chuyện tiêu lộc,
Cuộc đời chỉ là những cảnh phù vân, mặc nó đổi thay.
Ai bảo sinh kế thôn quê đơn bạc,
Dâu gai quanh nhà màu xanh vừa đâm.

Bản dịch của Bùi Văn Nguyên

Ba mươi năm đó vướng hư danh
Về với núi sông khỏi bực mình
Bớt giá, trùm khăn ra nội cỏ
Gió xuân, hong tóc ở đầu ghềnh
Việc xưa mường tượng trò hươu dấu
Sự thể mây hồng hoá chó xanh!
Ai bảo thôn quê đời đạm bạc?
Dâu gai mơn mởn mọc chung quanh
[1] Xác hươu đậy lá chuối. Sách Liệt tử chép truyện người kiếm củi nước Trịnh đánh chết được một con hươu lạc, bèn đem giấu trong một bụi chuối, về sau không nhớ nổi chỗ giấu, vừa đi vừa lẩm bẩm than lời tiếc nuối, cứ ngỡ là mơ. Có kẻ nghe được liền đi kiếm và nhặt được xác hươu, về nhà bảo vợ: “Lúc nãy người kiếm củi mộng bắt được con hươu mà không biết ở chỗ nào. Bây giờ ta tìm được hươu thì kẻ kia là mộng thật”. Vợ đáp: “Hay là chính anh mộng thấy người kiếm củi bắt được hươu, chớ làm gì có người kiếm củi thật. Thế là anh mộng thật chăng?” Chồng nói: “Đây ta cứ biết được hươu là được hươu cần gì phải biết rõ rằng ta mộng hay hắn mộng”. Câu chuyện trong sách Liệt tử biện giải tính mộng tương đối của cuộc đời và tính thực tương đối của giấc mơ. Ở đây tác giả coi chuyện cũ như giấc mộng.
[2] Dẫn theo ý thơ Đỗ Phủ trong bài Khả thán: “Thiên thượng phù vân như bạch y, Tư tu cải biến như thương cẩu” (Trên trời mây nổi như áo trắng, Bỗng chốc biến thành con chó xanh) chỉ cuộc đời luôn biến đổi.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Phi Khanh » Sơn thôn cảm hứng