07/05/2024 20:34Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thôi Tông Văn thụ kê sách
催宗文樹雞柵

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi Vanachi vào 27/01/2009 21:02

 

Nguyên tác

吾衰怯行邁,
旅次展崩迫。
愈風傳烏雞,
秋卵方漫吃。
自春生成者,
隨母向百翮。
驅趁制不禁,
喧呼山腰宅。
課奴殺青竹,
終日憎赤幘。
蹋藉盤案翻,
塞蹊使之隔。
牆東有隙地,
可以樹高柵。
避熱時來歸,
問兒所為跡。
織籠曹其內,
令人不得擲。
稀間可突過,
觜爪還汙席。
我寬螻蟻遭,
彼免狐貉厄。
應宜各長幼,
自此均勍敵。
籠柵念有修,
近身見損益。
明明領處分,
一一當剖析。
不昧風雨晨,
亂離減憂戚。
其流則凡鳥,
其氣心匪石。
倚賴窮歲晏,
撥煩去冰釋。
未似屍鄉翁,
拘留蓋阡陌。

Phiên âm

Ngô suy khiếp hành mại,
Lữ thứ triển băng bách.
Dũ phong truyền ô kê,
Thu noãn phương mạn ngật.
Tự xuân sinh thành giả,
Tuỳ mẫu hướng bách cách.
Khu sấn chế bất cấm,
Huyên hô sơn yêu trạch.
Khoá nô sát thanh trúc,
Chung nhật tăng xích trách[1].
Tháp tạ bàn án phiên,
Tái hề sử chi cách.
Tường đông hữu khích địa,
Khả dĩ thụ cao sách.
Tỵ nhiệt thì lai quy,
Vấn nhi sở vi tích.
Chức lung tào kỳ nội,
Linh nhân bất đắc trịch.
Hy gian khả đột quá,
Tuỷ trảo hoàn ô tịch.
Ngã khoan lâu nghĩ tao,
Bỉ miễn hồ lạc ách.
Ưng nghi các trường ấu,
Tự thử quân kình địch.
Lung sách niệm hữu tu,
Cận thân kiến tổn ích.
Minh minh lĩnh xứ phân,
Nhất nhất đương phẫu tích.
Bất muội phong vũ thần,
Loạn ly giảm ưu thích.
Kỳ lưu tắc phàm điểu[2],
Kỳ khí tâm phỉ thạch.
Ỷ lại cùng tuế yến,
Bát phiền khứ băng thích.
Vị tự Thi Hương[3] ông,
Câu lưu cái thiên mạch.

Dịch nghĩa

Tôi già yếu nên ngại làm việc,
Sống nơi quê người lại càng thêm dồn dập.
Theo truyền tụng, gà ác dùng để trị gió,
Vào mùa thu, trứng gà ăn thừa bứa.
Từ mùa xuân là lúc nở ra,
Cả trăm cái cánh theo sau mẹ.
Xua đuổi, ngăn chặn chúng đều không được,
Nhà lại ở ngang sườn núi nên tiếng cứ vang ầm.
Sai người làm đi chặt tre xanh,
Suốt ngày bực với con gà trống.
Giẫm, xéo chuyển bàn với ghế,
Kẹt lối thì xích ra cho có chỗ.
Bên tường phía đông có rẻo đất hẹp,
Có thể đặt cái chuồng gà cao.
Khi cần bóng mát thì có nơi về,
Dặn con nhớ lấy lối.
Cả lũ tụm trong lồng đan đó,
Khiến người không được ném.
Ít khoảng cách để mà len vào.
Móng cựa dơ dáy mà leo lên giường.
Ta rộng lượng để cho lũ kiến đi vòng quanh,
Mi thoát được cái ách cái cáo cầy.
Thích hợp cho cả già lẫn trẻ,
Từ đây ngang sức với kẻ địch.
Lồng chuồng nghĩ đã làm xong,
Xét lại mình thấy cả lợi lẫn hại.
Đảm trách việc phân xử phải rõ ràng,
Phân tích cần minh bạch.
Buổi sáng gió mưa không tiêu diệt được nó,
Làm giảm bớt đau thương trong buổi loạn li.
Cái loại đó tất là thuộc loại chim phượng,
Cái khí lòng không trơ trơ như đá.
Tuổi già cùng quẫn có đôi điều mong muốn,
Gạt nỗi phiền và loại bỏ lòng nghi ngờ.
Chưa được như ông ở núi Thi Hương.
Vì tôi giam gà không cho chạy rông ngoài đường.

Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Ta già sợ đi xa,
Rày đây mai đó mệt.
Trị phong truyền gà đen,
Trứng thu ăn dần hết.
Sang xuân để ấp con,
Theo mẹ trăm cánh rúc.
Đuổi đi lại quẩn về,
Kêu ầm nhà, liếc chiếc.
Đạp xéo, đổ mâm bàn,
Cả ngày quanh trướng nghịch.
Bảo đứa ở chặt tre,
Rào đường ngăn chắn quách.
Tường đông có đất quang,
Có thể dựng chuồng được.
Đan lồng nhốt chúng trong,
Bắt vào không để thoát.
Lỗ thưa chúng rúc qua,
Mỏ chân dơ chiếu hết.
Tránh nắng trưa về nhà,
Hỏi con xem công việc.
Thưa: kiến hết sợ gà ăn,
Gà hết lo chồn bắt.
Chắc lớn bé đều yên,
Không còn ai phá phách.
Bảo: có dựng chuồng lên,
Phải nhìn trước tổn ích.
Ngăn lồng chia loại ra,
Nhất nhất cần rành mạch.
Mưa gió gáy không lầm,
Đỡ lo ngày loạn lạc.
Giống nó là chim nhà,
Giọng nó gan đá chắc.
Trông cậy buổi năm cùng,
Lo phiền tan hết sạch.
Chưa giống lão Thi Hương,
Thú quê lòng vẫn thích.
(Năm 766)

Tông Văn là con trai của Đỗ Phủ.

[1] Chữ lấy từ "Sưu thần ký" 搜神記. Có anh học trò có trí nhớ, nửa đêm anh ta đang trú ở trong thành An Dương, có người quấn khăn đỏ đi ngang, anh ta nói: “Đây là con gà trống của ông hàng xóm phía tây.”
[2] Có thể hiểu là loại chim tầm thường, hoặc chỉ chim phượng (do chiết tự). Kê Khang 嵇康 có anh là Kê Thiện 嵇喜 cùng là bạn với Lữ An 吕安. Có lần An tới chơi mà Khang vắng nhà, Thiện ra mời vào, An từ chối, viết vào cửa chữ "phượng" 鳳 rồi cáo từ. Thiện không hiểu thâm ý của An, nói Phượng do chữ phàm 凡 thêm chữ điểu 鳥.
[3] Có ông nuôi gà ở phía bắc núi Thi Hương, Lạc Dương. Theo truyện "Chúc kê ông" trong "Liệt tiên truyện" của Lưu Hướng đời Hán, ông sống ở Thi Hương, nuôi gà hơn một trăm năm, gà có hơn ngàn con, đều đặt tên cho chúng. Chiếu tối chúng đậu trên cây, ngày thì tản mát. Muốn gọi tới chỉ cần kêu tên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Thôi Tông Văn thụ kê sách