18/04/2024 16:39Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lãng ngâm
浪吟

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi Vanachi vào 12/08/2006 11:04

 

Nguyên tác

北最高峰是送星,
海南絕峻富春城。
旌旄曾記前年往,
琴劍寧知此日行。
世代廢興千古事,
封疆分合一周經。
扣關提壁非吾意,
好笑衰遺逐浪萍。

Phiên âm

Bắc tối cao phong thị Tống Tinh[1],
Hải nam tuyệt tuấn Phú Xuân[2] thành.
Tinh mao tằng ký tiền niên vãng[3],
Cầm kiếm ninh tri thử nhật hành.
Thế đại phế hưng thiên cổ sự,
Phong cương phân hợp nhất chu kinh[4].
Khấu quan để bích phi ngô ý[5],
Hảo tiếu suy di trục lãng bình.

Dịch nghĩa

Núi cao nhất phía bắc, là ngọn Tống Tinh,
Nơi xa nhất phía biển nam, là thành Phú Xuân.
Từng nhớ năm xưa, cờ quạt lên đường,
Nào hay ngày nay, lại gươm đàn quay gánh.
Thời thế phế hưng, là chuyện muôn thuở,
Cõi bờ chia hợp, vừa tròn mười hai năm.
Gõ cửa ải, ném ngọc bích, không phải ý nguyện của ta,
Nực cười thay, [ta như] cánh bèo trôi nổi theo sóng.

Bản dịch của Đỗ Ngọc Toại

Núi cao, bắc nhất Tống Tinh,
Biển nam đẹp nhất là thành Phú Xuân.
Quạt cờ năm trước dời chân,
Gươm đàn nay lại có lần tới đây.
Hưng vong thường lệ xưa nay,
Cõi bờ phân hợp mới đầy mười năm.
Bon chen ta vốn vô tâm,
Lênh đênh bèo nổi mây chìm lạ sao?
[1] Nguyên chú: Ngọn núi ở Thái Nguyên.
[2] Ở Thừa Thiên Huế.
[3] Nguyên chú: Năm Kỷ Hợi (1779), hiệp đồng kinh lược ở núi Tống Tinh. Năm đó, Ngô Thì Nhậm lên Thái Nguyên xem xét việc khai thác mỏ bạc.
[4] Nguyên chú: Năm Giáp Ngọ lấy được đất Thuận Hoá, năm Bính Ngọ mất đất Thuận Hoá. Tháng 10 năm Giáp Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774), Hoàng Ngũ Phúc theo lệnh Trịnh Sâm cho quân vượt sông Gianh đánh chiếm đất Thuận Hoá và làm đại Trấn thủ ở Phú Xuân. Năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Hưng thứ 47 (1786), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Hữu Chỉnh vượt đèo Hải Vân đánh chiếm Thuận Hoá, rồi tiến thẳng ra Thăng Long diệt họ Trịnh.
[5] Huệ Vương nước Sở được viên ngọc bích của họ Hoà rất quý, vua Tần muốn đem 15 thành đổi ngọc. Lạn Tương Như, mưu sĩ của Huệ Vương xin đem ngọc đi. Thấy ngọc, Tần Vương muốn lấy không. Tương Như đã dùng mưu đoạt lại ngọc toan đập vỡ. Vua Tần sợ mất ngọc bèn đồng ý đổi thành. Thấy rõ dã tâm của vua Tần, Tương Như tìm cách đem ngọc về. Ở đây ý nói việc đi sứ đổi đất vốn không phải là bản ý của tác giả.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Lãng ngâm