16/04/2024 22:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề Hà hiệu uý “Bạch vân tư thân”
題何校尉白雲思親

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 09/09/2005 19:34

 

Nguyên tác

庭闈一別歲花深,
愛慕人皆共此心。
客裡看雲情易切,
公餘披卷意難禁。
家山孰不懷桑梓,
忠孝何曾有古今。
持此贈君還自感,
詩成我亦淚沾襟。

Phiên âm

Đình vi[1] nhất biệt tuế hoa thâm,
Ái mộ nhân giai cộng thử tâm.
Khách lí khán vân[2] tình dị thiết,
Công dư phi quyển ý nan câm.
Gia sơn thục bất hoài tang tử[3],
Trung hiếu hà tằng hữu cổ câm (kim).
Trì thử tặng quân hoàn tự cảm,
Thi thành ngã diệc lệ triêm khâm.

Dịch nghĩa

Từ khi cách biệt cha mẹ, đã nhiều năm qua
Tình yêu mến, người ta đều cùng một tấm lòng đó
Nơi đất khách trông mây, tình dễ tha thiết
Xong việc công, mở sách, cảm xúc khó cầm
Tình quê hương, ai chẳng nhớ cây dâu cây tử
Lòng trung hiếu có bao giờ phân biệt xưa và nay
Cầm bài này tặng ông, lại tự thấy cảm động
Thơ làm xong, ta cũng nước mắt ướt vạt áo

Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Cách xa cha mẹ những năm ròng
Thương mến, người ta một tấm lòng
Đất khách trông mây, tình thắm thiết
Việc xong giở sách, cảm khôn cầm
Xưa nay đều một niềm trung hiếu
Sông núi cùng là nỗi nhớ mong
Cầm tặng bài thơ nghe tức tủi
Làm xong nước mắt cũng tuôn dòng.
[1] Sân và nhà trong. Chỉ nhà cha mẹ, cũng dùng để gọi cha mẹ. Bản Đào Duy Anh chép là 庭圍.
[2] Danh tướng Địch Nhân Kiệt 狄仁傑 đời Đường (Trung Quốc) đi đánh giặc xa, thấy mây trắng trên núi Thái Hằng mà nhớ đến cha mẹ và nói “nhà cha mẹ ta ở dưới kia kìa”.
[3] Cây dâu, cây thị, chỉ quê cha đất tổ. Chỗ làng sinh ra mình gọi là “tử lí” 梓里 hay “tang tử” 桑梓. Kinh thi có câu: “Duy tang dữ tử tất cung kính chỉ” (Nghĩ đến cây dâu và cây thị tất phải cung kính). Ý nói hai cây này do cha mẹ trồng lên, người con có hiếu phải kính trọng. Trong bản dịch chúng tôi để tử phần (cây tử, cây phần) tả nơi quê hương, cũng theo ý nghĩa trên. Tại Trung Quốc ngày xưa có tục trồng hai loại cây này ở cổng làng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Đề Hà hiệu uý “Bạch vân tư thân”