05/05/2024 15:55Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Yên trung tặng Tiền biên tu Bỉnh Đắng
燕中贈錢編修秉鐙

Tác giả: Cố Viêm Vũ - 顧炎武

Thể thơ: Thất ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thanh
Đăng bởi hongha83 vào 17/08/2014 15:48

 

Nguyên tác

一別秦淮將廿載,
天涯垂老看猶在。
斷煙愁竹泣蒼梧,
禿筆悽文來漲海。
燕市雞鳴動客輪,
九門馳道足黃塵。
相逢不見金臺侶,
但說荊軻是酒人。

Phiên âm

Nhất biệt Tần Hoài tương nhập tái,
Thiên nhai thuỳ lão khan do tại.
Đoạn yên sầu trúc[1] khấp Thương Ngô[2],
Thốc bút thê văn lai trướng hải[3].
Yên thị kê minh động khách luân,
Cửu môn[4] trì đạo[5] túc hoàng trần.
Tương phùng bất kiến Kim Đài lữ[6],
Đãn thuyết Kinh Kha[7] thị tửu nhân[8].

Dịch nghĩa

Xa nhau ở Tần Hoài gần hai chục năm
Già còn gặp nhau ở miền chân trời
Khói lạnh trúc buồn khóc Thương Ngô
Bút mòn văn buồn từ trướng hải đến
Chợ Yên gà gáy xe khách lên đường
Qua trì đạo ở kinh đô bụi nhuốm vàng
Gặp nhau không thấy bạn Kim Đài
Chỉ để cho Kinh Kha là khách say

Bản dịch của Lê Xuân Khải

Gặp Tần Hoài hai mươi năm sắp
Nơi chân trời già lại gặp nhau
Thương Ngô khói lạnh trúc sầu
Bút mòn văn tủi đến đầu biển Nam
Xe khách bon chợ Yên gà gáy
Bụi bết vàng đường trẩy Cửu Môn
Đài vàng khách gặp chẳng còn
Kinh Kha lại bảo gã mòn mỏi say
Tiền Bỉnh Đắng là người Đông Thành, An Huy, học trò của Hoàng Đạo Chu, từng làm Hàn lâm viện biên tu dưới triều Quế vương nhà Minh. Sau khi Minh mất, ông đi tu, đi khắp thiên hạ. Năm 1673, tác giả gặp lại Tiền Bỉnh Đắng ở Bắc Kinh, nên có bài thơ này.

[1] Chỉ trúc đốm ở Tương Nam.
[2] Theo truyền thuyết, vua Thuấn mất ở Thương Ngô, hai bà phi khóc ở Động Đình, nước mắt nhỏ vào trúc thành đốm. Câu này ám chỉ Quế vương Long Vũ Nam Minh bị hại ở Thinh Châu, vương hậu nhảy xuống nước tự tận.
[3] Chỉ Nam Hải. Cả câu ám chỉ Tiền Bỉnh Đắng làm Hàn lâm biên tu ở phủ Quế vương Quảng Đông.
[4] Đây chỉ Bắc Kinh. Thời Minh Thanh, ngoại thành Bắc Kinh có chín toà cửa.
[5] Tần Thuỷ Hoàng từng đắp trì đạo (đường) từ kinh sư đến các nơi. Đây chỉ các đường lớn từ Bắc Kinh thông đi các nơi.
[6] Dùng điển Yên Chiêu Vương xây đài bằng hoàng kim để cầu người hiền tài vào thời Chiến Quốc.
[7] Mượn để chỉ Tiền Bỉnh Đắng.
[8] Cuối Minh, khi đảng hoạn quan hoành hành, Tiền Bỉnh Đắng từng xỉ nhục chúng. Bọn này không dám chạm vào chính khí của ông, đành phải gọi Tiền là tửu nhân (gã say) cho qua chuyện.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Cố Viêm Vũ » Yên trung tặng Tiền biên tu Bỉnh Đắng