29/03/2024 22:12Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phụng ký Hà Nam Vi doãn trượng nhân
奉寄河南韋尹丈人

Tác giả: Đỗ Phủ - 杜甫

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Thịnh Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 15/03/2015 10:55

 

Nguyên tác

有客傳河尹,
逢人問孔融。
青囊仍隱逸,
章甫尚西東。
鼎食分門戶,
詞場繼國風。
尊榮瞻地絕,
疏放憶途窮。
濁酒尋陶令,
丹砂訪葛洪。
江湖漂短褐,
霜雪滿飛蓬。
牢落乾坤大,
周流道術空。
謬慚知薊子,
真怯笑揚雄。
盤錯神明懼,
謳歌德義豐。
屍鄉餘土室,
難說祝雞翁。

Phiên âm

Hữu khách truyền Hà doãn,
Phùng nhân vấn Khổng Dung[1].
Thanh nang nhưng ẩn dật,
Chương phủ[2] thượng tây đông.
Đỉnh thực phân môn hộ,
Từ trường kế Quốc phong[3].
Tôn vinh đam địa tuyệt,
Sơ phóng ức đồ cùng.
Trọc tửu tầm Đào lệnh[4],
Đan sa[5] phỏng Cát Hồng[6].
Giang hồ phiêu đoản cát,
Sương tuyết mãn phi bồng.
Khiên lạc càn khôn đại,
Chu lưu đạo thuật không.
Mậu tàm tri Kế Tử[7],
Chân khiếp tiếu Dương Hùng[8].
Bàn thố thần minh cụ,
Âu ca đức nghĩa phong.
Thi Hương dư thổ thất,
Nan thuyết Chúc kê ông[9].

Dịch nghĩa

Có người khách đảm nhiệm chức vụ doãn ở Hà Nam,
Khoa trương rằng ông là Khổng Dung tái sinh.
Mang cái túi xanh sống đời ẩn dật,
Đội mũ chương phủ còn lang bang đây đó.
Nhà ông nấu cơm bằng đỉnh lớn để chia ra từng tiểu gia đình,
Trong chốn văn chương có thể theo kịp Quốc phong.
Khi phú quí vẫn trông chừng lúc tuyệt vọng,
Khi thung dung nhớ lại lúc bấn loạn.
Theo viên lệnh họ Đào đi tìm thú vui qua rượu thuốc,
Và cùng theo Cát Hồng đi luyện đan sa.
Mặc chiếc áo cụt đi đây đi đó,
Thân như cỏ bồng trải tuyết sương.
Vất vưởng trong quãng trời đất bao la này,
Cứ một lòng theo đuổi đạo thuật.
Thấy thẹn vì sai lầm khi biết đến Kế Đạt,
Thực sự sợ khi cười Dương Hùng.
Sợ thần linh trong cõi giới mù mờ,
Ca ngợi cái ý nghĩa đạo đức phong phú.
Nơi Thi Hương còn có chút nhà cửa đất đai,
Thấy khó mà nói về Ông Nuôi Gà lắm.

Bản dịch của Phạm Doanh

Có vị quan Hà Nam giữ chức,
Tôn xưng ông đích thực Khổng Dung.
Sống ẩn dật, túi rỗng không,
Đội mũ chương phù đi cùng đó đây.
Xưa cảnh nhà cơm đầy nấu vạc,
Chốn thơ văn gần được Quốc phong.
Khi sang, cảnh bấn trông chừng,
Thung dung nhớ bước đường cùng thuở nao.
Đem rượu thuốc kiếm Đào huyện lệnh,
Luyện thuốc tiên cầu cạnh Cát Hồng.
Áo ngắn đi khắp núi sông,
Tuyết sương thấm ướt cỏ bồng lênh đênh.
Lạc lõng trong cõi mênh mông rộng,
Đạo thuật kia vẫn gắng đi tìm.
Ngượng theo ông Kế sai lầm,
Dương Hùng chế nhạo lại đâm e dè.
Thần linh cõi mù mờ, kính lạy,
Đức nghĩa đầy xin hãy ca vang.
Nhà đất còn ở Thi Hương,
Khó mà theo kịp cái ông nuôi gà.
(Năm 742)

Nguyên chú: "Phủ tệ lư tại Yển Sư, thừa Vi công tần hữu phỏng vấn, cố hữu hạ cú, Vi tức Vi Tế" 甫敝廬在偃師,承韋公頻有訪問,故有下句,韋即韋濟 (Căn nhà nhỏ của Phủ tôi ở Yển Sư, nhân cụ Vi chợt có tới thăm, cho nên có câu cuối, Vi tức là Vi Tế).

[1] Khổng Dung (153-208), tự Văn Cử 文舉, người Khúc Phụ đời Đông Hán, là dòng dõi đời thứ 20 của Khổng Tử. Ông là một trong Kiến An thất tử. Thời Hán Hiến Đế làm tướng ở Bắc Hải, người đời gọi ông là Khổng Bắc Hải, sau bị Tào Tháo giết.
[2] Phục trang của học trò.
[3] Tên một phần trong Kinh thi.
[4] Đào Tiềm đời Tấn, thi nhân phái điền viên.
[5] Phương thuốc trường sinh bất lão.
[6] Người đời Tấn, vào núi La Phù (thuộc Quảng Đông) tu tiên, luyện thuốc. Đồn rằng khi ông chết, người ta liệm ông vào áo quan thì thấy nhẹ tênh, như chỉ có bộ áo không.
[7] Kế Đạt 薊達 tự Tử Huấn 子訓, một vị tiên. Theo Thần tiên truyện 神仙傳, ông là người Lâm Truy nước Tề (nay là Sơn Đông). Thời trẻ làm quan ở châu huyện, khi lớn tuổi theo đạo thần tiên, học phép trường sinh.
[8] Dương Hùng (53 tr.CN - 18 tr.CN), tự Tử Vân 子雲, một nhà văn học nổi tiếng thời Tây Hán, người Thành Đô. Thời trẻ ham làm phú, học theo Tư Mã Tương Như. Sau đổi hướng, viết kinh Thái huyền 太玄 (phỏng Kinh dịch), Pháp ngôn 法言 để sánh với Luận ngữ, theo Thương hiệt 倉頡 mà soạn ra Huấn toản 訓纂, theo Nghiêu châm 虞箴 mà soạn ra Châu châm 州箴.
[9] Huyện Yền Sư có đình Thi Hương. Theo truyện Chúc kê ông trong Liệt tiên truyện của Lưu Hướng đời Hán, Chúc kê ông người đất Lạc, sống ở Thi Hương, phía bắc núi nuôi gà hơn một trăm năm, gà có hơn ngàn con, đều đặt tên cho chúng. Chiều tối chúng đậu trên cây, ngày thì tản mát, muốn gọi tới chỉ cần kêu tên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Phủ » Phụng ký Hà Nam Vi doãn trượng nhân