06/05/2024 19:06Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Ký Hoàng Cơ Phục
寄黃幾復

Tác giả: Hoàng Đình Kiên - 黃庭堅

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Bắc Tống, Liêu
Đăng bởi hongha83 vào 12/04/2009 06:15

 

Nguyên tác

我居北海君南海,
寄雁傳書謝不能。
桃李春風一杯酒,
江湖夜雨十年燈。
持家但有四立壁,
治病不蘄三折肱。
想得讀書頭已白,
隔溪猿哭瘴溪藤。

Phiên âm

Ngã cư Bắc hải, quân Nam hải[1],
Ký nhạn[2] truyền thư tạ bất năng.
Đào lý xuân phong nhất bôi tửu,
Giang hồ dạ vũ thập niên đăng.
Trì gia đãn hữu tứ lập bích,
Trị bệnh bất kỳ tam chiết quăng[3].
Tưởng đắc độc thư[4] đầu dĩ bạch,
Cách khê viên khốc chướng khê đằng.

Dịch nghĩa

Tôi ở biển Bắc, bác ở biển Nam
Gửi nhạn đưa thư việc này không thể làm
Cảnh hoa đào mận trước gió xuân cùng uống rượu
Ngọn đèn trong đêm mưa trên giang hồ đã mười năm
Lo cho nhà chỉ có bốn bức tường không
Chữa bệnh không cần phải ba lần gãy cẳng tay
Nghĩ đến đọc sách đầu đã bạc
Cách khe nghe vượn khóc, chướng khí bốc bên khe

Bản dịch của Nguyễn Khắc Phi

Tôi ở Bắc Hải, anh Nam Hải
Cánh nhạn đưa thư chẳng đến thăm
Gió xuân lê đào một cốc rượu
Đêm mưa giang hồ đèn mười năm
Coi nhà nhưng chỉ bốn tường đứng
Chữa bệnh chẳng cần gãy tay nằm
Muốn đi đọc sách đầu đã bạc
Cách suối vượn gào chướng khí giăng
Bài này tuyển từ Sơn Cốc tập quyển 9, bản Tứ khổ toàn thư. Bấy giờ tác giả làm giám Đức Châu (nay thuộc Sơn Đông), nhớ đến bạn ở nơi xa nghìn dặm, cảm khái muôn phần, nên gửi thư tỏ bày nỗi nhớ. Tác giả thích dùng điển cố, bài thơ này có thể nói là “không một chữ nào không có gốc gác” song không cứng nhắc, có chỗ vì dùng điển cố linh hoạt khiến nội hàm câu thơ phong phú, lấy cũ làm mới, vận dụng việc xưa vào luật, nên bài này biểu hiện đầy đủ đặc sắc thơ của nhà thơ họ Hoàng. Hoàng Cơ Phục tên là Giới, người Nam Xương (nay thuộc Giang Tây), chơi với tác giả từ hồi niên thiếu, lúc này đang làm tri huyện Tứ Hội (nay thuộc Quảng Đông).

[1] Dùng hoá giải lời Sở Tử hỏi Tề Hoàn Công: “Quân xử Bắc hải, quả nhân xử Nam hải” (Nhà vua ở Bắc hải, còn quả nhân ở Nam hải - Tả truyện). Đức Châu và Tứ Hội đều ở bên biển, nhà thơ dùng Bắc hải, Nam hải thay vào, một là để từng chữ có xuất xứ, hai là đều dùng chữ hải càng tỏ ra xa nhau vời vợi biển trời mênh mang.
[2] Hán thư, Tô Vũ truyện có việc chân nhạn đưa thư, lại còn tương truyền nhạn đến Hành sơn thì dừng lại, đỉnh núi đó gọi là Hồi Nhạn phong, cho nên việc chân nhạn đưa thư không thành.
[3] Tả truyện, Định Công thập tam niên nói: “Tam chiết quăng tri vi lương y” (Ba lần gãy cánh tay biết là lương y). Ý nói một người khi đã bị gãy tay ba lần sẽ trở thành lương y vì người đó đã có nhiều kinh nghiệm chữa và chăm sóc bệnh nhân. Ở đây tác giả dùng chữa bệnh ví như việc điều khiển công việc đất nước. Cho là Hoàng Cơ Phục đã giỏi “chữa bệnh” tức là có tài trị quốc cứu dân không cần phải gãy tay ba lần.
[4] Ý nói đọc nhiều sách mà chỉ làm một chức tri huyện, chìm đắm mãi nơi đất phương nam nhiều sơn lam chướng khí, tỏ nỗi tiếc tài của bạn.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Đình Kiên » Ký Hoàng Cơ Phục