07/05/2024 03:15Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề hồng diệp
題紅葉

Tác giả: Tuyên Tông cung nhân Hàn thị - 宣宗宮人韓氏

Thể thơ: Ngũ ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Vanachi vào 10/11/2006 14:24

 

Nguyên tác

流水何太急,
深宮盡日閑。
殷勤謝紅葉,
好去到人間。

Phiên âm

Lưu thuỷ hà thái cấp,
Thâm cung tận nhật nhàn.
Ân cần tạ hồng diệp,
Hảo khứ đáo nhân gian.

Bản dịch của (Không rõ)

Nước ơi đừng chảy vội
Thâm cung rỗi ngày tàn
Tạ ơn lá hồng nhé
Mau đến chốn nhân gian.
Về bài thơ này, sách Văn khê hữu nghị của Phạm Thư có ghi một câu chuyện như sau: Thời Đường Tuyên Tông, thi nhân Lô Ốc về Trường An dự thi. Chàng bỗng nhiên đến bên bờ ngự câu (ngòi nước từ trong cung vua chảy ra), nhìn thấy một chiếc lá đỏ trên có đề một bài thơ, chàng liền vớt về, cất vào trong rương. Sau đó chàng lấy một người vợ họ Hàn, nguyên là cung nữ được cho rõ khỏi cung. Một hôm, Hàn Thị nhìn thấy chiếc lá đỏ trong rương, than rằng: “Ngày ấy ngẫu nhiên đề thơ trên lá rụng, theo dòng nước trôi đi, ai ngờ lại được cất ở đây”.

Đó là giai thoại “Thơ đề lá đỏ” nổi tiếng ở Trung Quốc. Về câu chuyện này, sách Thanh toả cao nghịBắc mộng toả ngôn cũng có ghi lại, nhưng triều đại, tên người, tình tiết đều có thay đổi.

Sách Tình sử (Phùng Mộng Long, người đời Minh soạn) cũng có ghi chuyện này, nhưng ghi là Đường Hy Tông và chàng thư sinh tên là Vu Hựu, còn thêm một đoạn: sau khi nhận ra chiếc lá đỏ, Hàn Thị lại làm một bài thơ Tạ hồng diệp:
Nhất liên giai cú tuỳ lưu thuỷ,
Thập tải u tư mãn tố hoài
Kim nhật khước thành loan phượng lữ,
Phương tri hồng diệp thị lương môi.
(Vài câu thơ đẹp theo dòng nước,
Mười năm thương nhớ mãi không phai.
Nay được xum vầy, loan sánh phượng,
Mới hay lá thắm mối manh tài).
Về sau “lá đỏ” (hay “lá thắm” trở thành điển cố chỉ chuyện tình duyên, hôn nhân. Trong Truyện Kiều, câu thơ:
Dầu khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
là dựa vào điển cố này và “xích thằng” (chỉ hồng) trong Tình sử.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tuyên Tông cung nhân Hàn thị » Đề hồng diệp