28/04/2024 08:36Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thuỷ Liên đạo trung tảo hành
水連道中早行

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 06/12/2013 23:17

 

Nguyên tác

悲莫悲兮行道難,
草頭露宿犯衰顏。
百年古道皆成壑,
一帶平林不見山。
多病一身供道路,
五更殘夢續鄉關。
偶逢歸客向余話,
昨歲朝天乍放還。

Phiên âm

Bi mạc bi hề[1] hành đạo nan,
Thảo đầu lộ túc phạm suy nhan.
Bách niên cổ đạo giai thành hác,
Nhất đới bình lâm[2] bất kiến san.
Đa bệnh nhất thân cung đạo lộ,
Ngũ canh tàn mộng tục hương quan.
Ngẫu phùng quy khách hướng dư thoại[3],
Tạc tuế triều thiên xạ phóng hoàn.

Dịch nghĩa

Không gì buồn hơn là đi đường khó khăn,
Gối cỏ ngủ ngoài sương phạm tới sắc mặt suy tàn.
Một trăm năm đường cũ đều thành hang vũng,
Một dải rừng bằng phẳng mênh mông, không thấy núi.
Một thân nhiều bệnh dâng cho đường lộ,
Năm canh tàn mộng tiếp tục thấy cổng làng.
Tình cờ gặp một người đang trên đường về nói cho ta biết,
Năm ngoái triều đình chợt tha cho về nhà.

Bản dịch của Đàm Giang

Thương cho đi đường nhỏ gian nan
Cỏ ngập sương phơi sắc phai tàn
Trăm năm đường cổ thành ngòi lạch
Núi đâu chẳng thấy, phẳng rừng bằng
Một thân nhiều bệnh trải đường xa
Canh năm tàn mộng nhớ quê nhà
Tình cờ gặp khách nghe kể chuyện
Năm trước chầu vua nay được về
Thuỷ Liên ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trước kia có tổng Thuỷ Liên, không biết có phải nhà thơ tả chặng đường thuộc tổng ấy không.

[1] Lấy ý từ Cửu ca 九歌 của Khuất Nguyên 屈原: “Bi mạc bi hề sinh biệt ly, Lạc mạc lạc hề tân tương tri” 悲莫悲兮生別離,樂莫樂兮新相知 (Không có gì buồn hơn là sống mà ly biệt nhau, Không có gì vui hơn là mới quen biết nhau).
[2] Trong bài thơ chép chữ lâm là tới. Nghi sai. Tạm thay chữ lâm là rừng cho thông nghĩa. Lý Bạch 李 白 trong bài từ Bồ tát man 菩薩蠻 có: “Bình lâm mạc mạc yên như chức, Hàn San nhất đái thương tâm bích” 平林漠漠煙如織,寒山一帶傷心碧 (Rừng xa mờ mịt khói như dệt, Một dải Hàn San, màu xanh biếc thương tâm).
[3] Trong bài thơ chép là “trà thoại”, không có nghĩa. Nghi là dư thoại.
[] Quan ở kinh đô được bổ ra ngoài.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Thuỷ Liên đạo trung tảo hành