08/05/2024 23:57Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

“Người anh em cùng kiếp nạn thi ca...”
“Брат по песенной беде…”

Tác giả: Marina Svetaeva - Марина Цветаева

Nước: Nga
Đăng bởi Decembrina Nguyễn vào 21/01/2024 16:27

 

Nguyên tác

Брат по песенной беде —
Я завидую тебе.
Пусть хоть так она исполнится
— Помереть в отдельной комнате! —
Скольких лет моих? лет ста?
Каждодневная мечта.
* * *
И не жалость: мало жил,
И не горечь: мало дал.
Много жил — кто в наши жил
Дни: всё дал, — кто песню дал.
Жить (конечно не новей
Смерти!) жилам вопреки.
Для чего-нибудь да есть —
Потолочные крюки.

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Người anh em cùng kiếp nạn thi ca —
Tôi ghen với anh rồi đấy.
Ít nhất thì được xảy ra như vậy
— Chết trong phòng riêng của mình! —
Bao năm đời tôi? Liệu có đến một trăm?
Ước mơ ngày ngày nung nấu.
* * *
Không hề tiếc: sống trên đời quá ít,
Không đắng cay: cho đi chẳng đủ nhiều.
Thời chúng ta ai cũng sống đủ lâu
Đã cho đời khúc ca là đã cho tất cả.
Sống trên đời (không mới hơn cái chết)
Dòng chảy trong huyết quản xá gì đâu.
Cái móc treo trên trần vốn tồn tại từ lâu
Để dùng làm gì đó, phải không nào.
1926

Marina Svetaeva làm quen với Sergei Esenin vào khoảng cuối 1915 đầu 1916 ở Petrograd, khi Esenin tới thăm Leonid Kannegisser, nhà thơ trẻ gốc Do Thái, một người quen chung của cả hai người. Được biết, em gái Anna Izriadnova, người vợ không giá thú đầu tiên của Esenin, là Serafima Izriadnova và Marina Svetaeva đều có họ với nhà Nazaretsky ở Ivanovo. Và như thế, hai nhà thơ thuộc Thế kỷ bạc của thi ca Nga có rất nhiều điểm chung. Họ cùng quen biết và chịu ảnh hưởng của các nhà thơ lớn nhất thời bấy giờ như A. Blok, A. Akhmatova, A. Belyi, V. Mayakovsky, B. Pasternak… mà mỗi cái tên trong số đó đều là huyền thoại. Họ cùng đọc thơ của mình trong những salon thi ca nổi tiếng nhất.

Hình tượng và số phận Esenin khiến Svetaeva trăn trở đến cuối đời, dù họ quen biết nhưng không hề thân thiết. Có thể, bà đã dự cảm thấy kết cục bi thương của chính mình. Vào tháng 10-1920, Esenin bị Cheka (cơ quan an ninh Nga) truy lùng và bị giam 8 ngày, khi vừa trốn thoát anh đã đến tìm Marina Svetaeva tại nhà riêng. Con gái Svetaeva nhớ lại, Esenin vừa bước qua ngưỡng cửa đã xin ăn không hề ngại ngùng. Họ còn gặp nhau thoáng qua một lần nữa vào năm 1922 ở Berlin, khi Svetaeva đã lưu vong, còn Esenin thì đi vòng quanh thế giới trong chuyến đi trăng mật đầy ồn ào và sóng gió cùng Isadora Duncan. Anh diện bảnh và xuất hiện một cách ngỗ ngược trong một quán cà phê, nơi Svetaeva và con gái đang ngồi mà không nhận ra bà. Đó cũng là lần cuối cùng họ gặp nhau.

Tháng 6-1925, trong một lá thư gửi B. Pasternak, Svetaeva viết: “Tôi không tin tưởng ở anh ta, cũng không có trăn trở gì. Tôi luôn cảm thấy sống như Esenin thật dễ dàng”. Thời gian đó quả thật anh sống rất phong lưu, thơ viết ra được các báo giành đăng, bản thân anh thì uống rượu như hũ chìm và toàn gây rắc rối. Một trong những khía cạnh bi thảm của Esenin là nguồn sức lực và năng lượng dồi dào không biết trút đi đâu cho hết. Ngay khi nghe tin Esenin tự vẫn, Svetaeva viết: “Anh ấy chết vì lẽ gì? Chả vì gì cả... Sự trống rỗng đôi khi vẫn tràn đầy âm thanh. Đó là Esenin.” Sau cái chết của Esenin chưa đầy một tháng, vào tháng giêng 1926, Svetaeva đã dự tính viết một bài thơ – cầu hồn cho anh. Bà viết thư cho Pasternak xin các dữ liệu về cuộc đời Esenin. Nhưng các tư liệu mà Pasternak gửi cho không giúp gì được Svetaeva trong công việc. Bà chỉ viết được những câu thơ riêng lẻ:
Người anh em cùng kiếp nạn thi ca —
Tôi ghen với anh rồi đấy.
Ít nhất thì được xảy ra như vậy
— Chết trong phòng riêng của mình! —
Bao năm đời tôi? Liệu có đến một trăm?
Ước mơ ngày ngày nung nấu.
Như chúng ta đã biết, Esenin chưa từng có một căn phòng riêng thuộc sở hữu của mình. Cả đời anh trôi qua trong những nơi chung chạ. Ước mơ có một căn phòng riêng của Svetaeva cũng không thành sự thật. Cuộc đời bà cũng kết thúc trên một cái móc treo, có điều không phải trong căn phòng khách sạn sang trọng như Esenin, mà trong một túp lều.

Phần tiếp theo của bài thơ là những câu thơ chủ đề tự vẫn:
Không hề tiếc: sống trên đời quá ít,
Không đắng cay: cho đi chẳng đủ nhiều.
Thời chúng ta ai cũng sống đủ lâu
Đã cho đời khúc ca là đã cho tất cả.
Sống trên đời (không mới hơn cái chết)
Dòng chảy trong huyết quản xá gì đâu.
Cái móc treo trên trần vốn tồn tại từ lâu
Để dùng làm gì đó, phải không nào.
Rồi khi đã thoát ra khỏi sự quẩn quanh với chủ đề này, Svetaeva viết về Esenin, năm 1932: “Tôi nghĩ rằng anh đã sinh ra muộn mất 10 năm. Giá mà sinh ra sớm hơn, thì hẳn là nhân dân đã ca tụng Esenin chứ không phải là Demian Bednyi”. Chủ đề tự vẫn và Esenin còn trở lại trong thơ Svetaeva khi Mayakovsky tự bắn vào ngực mình tháng 4-1930. Bà viết bài thơ Tưởng nhớ Mayakovkyi, trong đó hình dung về cuộc gặp mặt giữa hai kẻ tự vẫn nổi tiếng ở thế giới bên kia… để rồi hơn mười năm sau đó bà đã gặp lại cả hai người.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Marina Svetaeva » “Người anh em cùng kiếp nạn thi ca...”