28/04/2024 21:30Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Xi hiêu 1
鴟鴞1

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 19/12/2006 20:49

 

Nguyên tác

鴟鴞鴟鴞、
既取我子、
無毀我室。
恩斯勤斯、
鬻子之閔斯。

Phiên âm

Xi hiêu, xi hiêu
Ký thủ ngã tử
Vô hoại ngã thất
Ân tư cần tư
Dục tử chi mẫn tư.

Dịch nghĩa

Cú vọ, cú vọ!
Mầy đã bắt chim con của ta rồi.
Thì chớ phá cái ổ của ta,
Với long thương yêu và ý ân cần dầy dặn
Ta đã nuôi đứa con ấy, thật đáng tội nghiệp!

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Cú vọ ơi! Cú vọ ơi!
Con ta mầy đã bắt rồi còn chi.
Ổ ta, chớ phá đi mầy hỡi!
Bao tình thương mến với ân cần,
Dưỡng nuôi tội nghiệp bao ngần!
Chú giải của Chu Hy

Chương này thuộc tỷ. Làm ra lời của chim nói để ví với mình.

Xi hiêu 鴟鴞: con chim hưu lưu, cú vọ, loài chim dữ, hay bắt chim con khác mà ăn.
Thất (nhà) 室: chim gọi cái ổ của mình.
Ân 恩: tình ái thương yêu, cần, dốc chí dầy dặn. dục, dưỡng nuôi.
Mẫn (đọc mân cho hợp vần) 閔: ưu lo

Vũ vương nhà Chu thắng nhà Thương, khiến người em là Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ coi chừng nước của Vũ Canh, con vua Trụ. Khi Vũ vương băng, Thành vương lên nối ngôi. Chu Công làm tướng cho Thành vương, hai vị Quản Thúc và Thái Thúc lấy danh nghĩa của Vũ Canh làm phản, lại phao lời nói xấu khắp trong nước rằng: Chu Công sẽ làm hại ấu chúa. Cho nên Chu Công phải đi chinh phạt ở phía đông trong hai năm, mới bắt được Quản Thúc và Vũ Canh giết đi, mà Thành vương vẫn biết biết ý của Chu Công. Chu Công mới làm bài thơ này gởi cho Thành vương, mượn việc con chim thương cái ổ của nó, rồi gọi con cú vọ mà nói rằng: Cú vọ, cú vọ! Mầy đã bắt chim con của ta, thì chớ phá cái ổ của ta. Với lòng thương yêu và ý đôn hậu của ta đã nuôi dưỡng đứa con ấy, thành thật là đáng xót thương tội nghiệp. Nay mầy đã bắt nó rồi, thật quá ác độc, huống chi lại còn phá cái ổ của ta nữa hay sao? Nói như thế là để ví với Vũ Canh đã làm hư Quản Thúc Tiên và Thái Thúc Độ rồi, thì không thể nào lại còn phá nhà Chu của ta nữa vậy.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Xi hiêu 1