30/03/2024 06:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Tặng Khúc Phụ Khổng
贈曲阜孔

Tác giả: Nguyễn Thực - 阮實

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Nguyễn Đông Ngạn vào 11/04/2010 00:38

 

Nguyên tác

曾因旅貢帝庭中,
何幸征途睹鉅公。
醉德遠情方戀戀,
登程客興已匆匆。
清光兩處一輪月,
和煦三春萬斛風。
一見不嫌相愛好,
芝蘭氣味本來同。

Phiên âm

Tằng nhân lữ cống đế đình trung,
Hà hạnh chinh đồ đổ cự công.
Tuý đức viễn tình phương luyến luyến,
Đăng trình khách hứng dĩ thông thông.
Thanh quang lưỡng xứ nhất luân nguyệt,
Hoà hú tam xuân vạn hộc phong[1].
Nhất kiến bất hiềm tương ái hảo,
Chi lan[2] khí vị bản lai đồng.

Dịch nghĩa

Nhân từ xa đến dâng lễ cống tại chốn đế đình,
May mắn làm sao trên đường lại gặp được ông.
Say sưa về đức khiến tình người phương xa phải quyến luyến,
Lên đường rồi, cảm hứng của khách vẫn còn canh cánh.
Trong sáng hai miền quê chung soi một vành trăng,
Hoà ấm ba xuân với muôn hộc gió.
Một lần gặp mặt chẳng ngại ngùng gì, vẫn yêu mến nhau,
Như hương vị cỏ chi hoa lan đều sẵn giống nhau mùi thơm.

Bản dịch của (Không rõ)

Ngày dâng cống vật bước vào sân,
May mắn cho thần gặp đại nhân.
Quyến luyến tình xa càng trọng đức,
Đường về khách vắng vẫn tri âm.
Trăng tròn sáng cả hai nơi ở,
Gió mát êm đềm mát ba xuân.
Gặp gỡ một lần ưu ái mãi,
Chi lan thơm ngát tỏa xa gần.
Khúc Phụ: là làng quê của Khổng Tử, thời thượng cổ là đất nước Lỗ, về sau thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Thế kỷ 17, Nguyễn Thực đi sứ nước Minh có gặp và quen thân với một vị họ Khổng cũng quê ở Khúc Phụ. Người này hẳn là hậu duệ xa đời của Khổng Tử. Qua lời thơ, tỏ rõ Nguyễn Thực rất kính trọng và quyến luyến nhân vật này.

[1] Tiên Nho thường ca ngợi nhân cách và đạo đức của Khổng Tử nhu hoà, hiền dịu như “trăng trong gió mát”. Ý câu thơ này mượn gió xuân để nói lên phong thái người họ Khổng này có những nét ảnh hưởng Khổng Tử.
[2] Là hai thứ cỏ quý có hoa thơm ngát. Sách “Gia ngữ” chép lời Khổng Tử có câu: “chơi với người tốt như vào nhà có mùi thơm cỏ chi cỏ lan”. Ở đây tác giả tặng thơ cho người họ Khổng ở Khúc Phụ dùng chữ “chi lan” thật là thích hợp và có dụng ý.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Thực » Tặng Khúc Phụ Khổng