05/05/2024 01:02Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hồi 12

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 30/06/2005 11:13

 

Chốn hoa nguyệt sa cơ, Bình Khang ôm hận!
Tính phong lưu quen thói, duyên đẹp mưu se.
(Câu 1275-1366)


1275. Khách du[1] bỗng có một người
Kỳ Tầm[2] họ Thúc, cũng nòi thư hương
Vốn người huyện Tích, châu Thường[3]
Theo nghiêm đường[4] mở ngôi hàng Lâm Chuy
Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi
1280. Thiếp hồng[5] tìm đến hương khuê gởi vào
Trưởng tô[6] giáp mặt hoa đào
Vẻ nào chẳng mặn, nét nào chẳng ưa?
Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió, càng mưa càng nồng!
1285. Nguyệt hoa, hoa nguyệt não nùng
Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
Lạ gì thanh khí lẽ hằng[7]
Một dây một buộc, ai giằng cho ra?
Sớm đào[8], tối mận[9] lân la
1290. Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng[10]
Dịp đâu may mắn lạ đường!
Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê
Sinh càng một tỉnh mười mê
Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân
1295. Khi gió gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc[11] rượu, câu thần nối thơ[12]
Khi hương sớm[13], khi trà trưa[14]
Bàn vây[15] điểm nước, đường tơ hoạ đào
Miệt mài trong cuộc truy hoan[16]
1300. Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình
Lạ cho cái sóng khuynh thành[17]
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi
Thúc Sinh quen thói bốc rời[18]
Trăm nghìn đổ một trận cười như không!
1305. Mụ càng tô lục, chuốt hồng
Máu tham hễ thấy hơi đồng[19] thì mê

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu[20] lập loè đâm bông
Buồng the phải buổi thong dong
1310. Thang lan, rủ bức trướng hồng tẩm hoa
Rõ màu trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên[21]
Sinh càng tỏ nết càng khen
Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường[22]
1315. Nàng rằng: Vâng biết lòng chàng
Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu
Hay hèn lẽ cũng nối điêu[23]
Nỗi quê[24] nghĩ một hai điều ngang ngang
Lòng còn gửi áng mây vàng[25]
1320. Hoạ vần, xin hãy chịu chàng hôm nay.
Rằng: Sao nói lạ lùng thay!
Cành kia[26] chẳng phải cỗi này[27] mà ra?
Nàng càng ủ dột thu ba[28]
Đoạn trường lúc ấy dở mà buồn tênh:
1325. Thiếp như hoa đã lìa cành
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi
Chúa xuân[29] đành đã có nơi
Ngắn ngày thôi chớ dài lời mà chi!
Sinh rằng: Từ thuở tương tri[30]
1330. Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non[31]
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.

Nàng rằng: Muôn đội ơn lòng
Chút e bên thú[32], bên tòng[33] dễ đâu
1335. Bình Khang[34] nấn ná bấy lâu
Yêu hoa, yêu được một màu điểm trang
Rồi ra lở phấn phai hương
Lòng thêm giữ được thường thường mãi chăng?
Vả trong thềm quế[35] cung trăng
1340. Chủ trương đã có chị Hằng[36] ở trong
Bấy lâu khăng khít dải đồng[37]
Thêm người, người cũng chia lòng riêng tây[38]
Vẻ chi chút phận bèo mây[39]
Làm cho bể ái[40], khi đầy khi vơi
1345. Trăm điều ngang ngửa vì tôi
Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
Như chàng có vững tay co[41]
Mười phân cũng đắp điếm cho một vài
Thế trong[42] dầu lớn hơn ngoài[43]
1350. Trước hàm sư tử[44] gửi người đằng la[45]
Cúi đầu luồn xuống mái nhà
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng[46]
Ở trên còn có nhà thông[47]
Lòng trên trông xuống biết lòng có thương?
1355. Xá chi liễu ngõ hoa tường[48]
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh!
Lại càng dơ dáng dại hình
Đành thân phận thiếp, nghĩ danh giá chàng
Thương sao cho vẹn thì thương
1360. Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng.
Sinh rằng: Hay nói đè chừng
Lòng đây, lòng đấy, chưa từng hay sao?
Đường xa chớ ngại Ngô Lào[49]
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta
1365. Đã gần chi có đường xa
Đá vàng đã quyết, phong ba[50] cũng liều.
[1] Khách đi chơi, đi du lãm.
[2] Tên của họ Thúc, theo truyện Thanh tâm tài nhân thì Kỳ Tầm là tên tự của Thúc Sinh.
[3] Huyện Tích, châu Thường: tức huyện Vô Tích, phủ Thường Châu, thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
[4] Tức cha. Cha tính nghiêm nghị, mẹ tính hiền từ, nên người ta gọi cha là “nghiêm đường”, “nghiêm phụ”, mẹ là “từ mẫu”, “từ thân”.
[5] Do chữ “hồng tiên”, thứ thiếp hồng gửi thăm người đẹp. Hương khuê: phòng hương, phòng ở của phụ nữ, tục xưa phụ nữ hay dùng hương thơm, nên gọi là “hương khuê”.
[6] Do chữ lưu tô trưởng, thứ màn có tua kết bằng lông chim năm sắc.
[7] Lẽ thường như thế.
[8, 9] Đào, mận: nói bóng sắc đẹp của người con gái.
[10] Chỉ sự đồng tâm gắn bó với nhau.
[11] So chữ chước, rót rượu mời nhau.
[12] Nối câu thơ, do chữ “liên cú” một lối chơi của các tao nhân mặc khách thời xưa, thường hai người, hoặc nhiều người nối lời nhau làm chung một bài thơ.
[13, 14] Hương sớm, trà trưa: xông hương buổi sớm, uống trà buổi trưa.
[15] Bàn cờ vây. Trung Quốc có hai lối chơi cờ: vi kỳ tức cờ vây, tượng kỳ tức cờ tướng.
[16] Theo đuổi sự vui chơi.
[17] Chỉ cái liếc nhìn của người đàn bà đẹp.
[18] Tiền rời cứ bốc từng nắm mà chi, không cần đếm là bao nhiêu, ý nói vung phí không tiếc tiền.
[19] Tức mùi tiền bạc. Thời xưa, tiền tiêu đúc bằng đồng, nên nói “đồng” tức là tiền.
[20] Hoa lựu khi nó nở trông đỏ chói như lửa chỉ cảnh mùa hè.
[21] Ý nói Kiều có một thân thể đầy đặn xinh đẹp.
[22] Tức lối thơ ngữ ngôn luật (luật năm chữ) hay thất ngôn luật (luật bảy chữ), mỗi bài tám câu, năm vần, theo đúng niêm luật bằng trắc. Lối này có từ đời Đường, nên gọi là luật Đường.
[23] Nối đuôi con điêu. Điêu là một loài chuột ở rừng núi miền lạnh, đuôi to, lông dài đến một tấc, màu vàng hoặc đen tía. Đời Hán, theo quan chế, các quan hầu cận vua đều đội thứ mũ có cắm đuôi con điêu làm ngù. Đến đời Tần, Triệu Vương Luân cướp ngôi Huệ Đế, phong quan tước cho bọn tôi tớ, mỗi khi triệu hội, ngồi đẩy những người đội mũ đuôi điêu, nên người thời ấy đã chế giễu “Điêu bất tức, cầu vĩ tục” (Đuôi điêu không đủ, lấy đuôi chó nối vào). Người sau nhân chữ “cẩu vĩ tục điêu” (nối điêu) để chỉ sự việc gì có tính chất học đòi. Chữ “nối điêu” ở đây là lời Kiều tự khiêm về việc hoạ lại thơ Thúc Sinh.
[24] Nỗi lòng nhớ quê hương.
[25] Nói ý nhớ nhà, do câu thơ cổ “Tần Trung đa bạch vân, Thục trung đa hoàng vân, cố tư gia giả vị chi cư hoàng vân” (Đất Tần nhiều mây trắng, đất Thục nhiều mây vàng, cho nên nhớ nhà gọi là nhớ mây vàng).
[26, 27] Cành kia, cỗi này: chỉ Kiều và Tú Bà. Thúc Sinh tưởng Kiều là con đẻ của Tú Bà.
[28] Sóng mùa thu, chỉ con mắt (nói con mắt trong suốt như suối mùa thu).
[29] Người chủ vường xuân, chủ hoa xuân, đây chỉ Thúc Sinh. Câu này ý nói Thúc Sinh ở nhà đã có vợ rồi.
[30] Hiểu biết nhau thông cảm với nhau.
[31] Sông núi tức lời thề nguyền kết làm vợ chồng.
[32, 33] Thú: là “thú thiếp”, lấy vợ lẽ, chỉ bên Thúc Sinh; tòng: là “tòng lương”, trở về lương, tức bỏ chỗ lầu xanh để trở về, đi lấy chồng, chỉ bên Kiều. Hai bên cùng gặp nhiều khó khăn.
[34] Đời Đường, ở kinh thành Trường An, gần cửa Bắc, có một xóm gọi là Bình Khang cho kỹ nữ ở, sau nhân dùng làm danh từ chỉ chung xóm kỹ nữ.
[35] Thềm điện quế. “Dâu đương tạp trở” chép: Trên mặt trăng có cây quế tiêu, cao năm trăm trượng, do đó, khi tả mặt trăng, người ta thường dùng chữ điện quế, cung quế.
[36] Chị Hằng Nga, người chủ trương trong điện quế, nói bóng vợ cả Thúc Sinh.
[37] Dải đồng tâm.
[38] Chữ người chỉ Kiều, chữ người dưới chỉ Thúc Sinh.
[39] Nói thân phận trôi nổi bất định như bèo mặt nước, mây trên không.
[40] Bể ân ái, tức tình yêu vợ chồng.
[41] Cái tay co vững. Kiều nói nếu chàng có cứng tay, tức có quyền lực đối với vợ cả.
[42, 43] Trong, ngoài: chỉ vợ cả và Thúc Sinh. Theo lễ giáo xưa: “Nam tự ngoại, nữ tự nội” (Đàn ông trong coi việc bên ngoài, đàn bà trông coi việc trong nhà). Ý Kiều nói nếu thế lực vợ cả lớn hơn thế lực chàng.
[44] Đời Tống, Trần Tháo, hiệu Long Khâu cư sĩ, hay nói chuyện đạo Phật, vợ là Liễu thị, tính dữ tợn mà cả ghen, mỗi khi Tháo thết tiệc tân khách, có ca kỹ, thì ở trong nhà, Liễu thị lấy gậy đập vào vách, hò hét, khách phải giải tán. Tô Thức, bạn Tháo, viết mấy câu thơ đùa: “Thuỳ tự Long Khâu cư sĩ hiền, Đàm không thuyết hữu dạ bất miên, Hốt văn Hà Đông sư tử hồng, Trụ trượng lạc thủ tấm mang nhiên” (Ai giỏi như Long Khâu cư sĩ, Nói những thuyết không, thuyết có, đếm không ngủ, Bỗng nghe sử tử Hà Đông rống lên, Tay rơi gậy chống, lòng bàng hoàng).
[45] Những loài dây leo (chính nghĩa là dây bim, dây tơ hồng) dây dùng như chữ cát đằng dây bìm, ví với phận lẽ mọn.
[46] Một số cố lão ở Nghệ Tĩnh thuộc hai chữ đầu câu này là Dấm vùi hay Nhúm vùi. Ý nói lửa bếp vùi âm ỉ cháy (chỉ thói ghen tuông) còn khó chịu hơn cả lửa hồng.
[47] Nhà thung, đọc chệch ra, tức nhà xuân, do chữ xuân đường chỉ bố Thúc Sinh.
[48] Nói ví gái lầu xanh như liễu bên đường, hoa đầu tường, ai vin ai hái cũng được.
[49] Nước Ngô (Trung Quốc), nước Lào (Ai Lao) tác giả dùng nghĩa bóng. Ý nói đừng nghĩ ngợi xa xôi, quanh quẩn làm gì.
[50] Sóng gió, chỉ sự bất trắc xảy ra.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Hồi 12