18/04/2024 03:20Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đoạn 6 (Hưu kỳ thiên tải hạ)

Tác giả: Lê Tín

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 13/08/2017 14:33

 

Hưu kỳ thiên tải hạ[1]
Nguyệt lệnh[2] tứ dương xuân[3]
Lễ nhạc bách niên tu miếu điển[4]
Thăng bình nhất khúc tụng thần công[5]
Ngự tiền ngào ngạt hương xông
Phượng quanh tịch múa hoa lồng chén bay
Miếu Chu[6] văng vẳng tâu bày
Thiều[7] xưa chín khúc[8], tung[9] ngày[10] tiếng ba
Ngày xuân, xuân yến, xuân ca[11]
Bốn dân mưa huệ[12], trăm nhà gió huân[13]
Rồi từ đó nhờ ân cấp túc[14]
Tiếng quản huyền[15] nô nức nhân gia
Năm năm mở tiệc xướng ca
Đào dâng hai chữ tam đa[16] mừng làng
[1] Gặp dịp tốt nghìn năm.
[2] Tên một thiên trong sách Lễ ký chép mệnh lệnh hành chính trong 12 tháng.
[3] Tháng xuân có 4 hào dương - chỉ tháng 2, ý cả câu nói theo Nguyệt lệnh, tháng 2 là tiết xuân, khí dương đang thịnh.
[4] Theo lễ nhạc từ trăm năm trước để sửa sang phép tế tự nơi đền miếu.
[5] Hát một bài hát ca ngợi cảnh thái bình để tán dương công đức của thần.
[6] Xem chú thích ở Đoạn 1.
[7] Tên một khúc nhạc của vua Thuấn. Đức Khổng Tử từng khen nhạc này là tận thiện tận mỹ, ý ca tụng vua Thuấn. Nhạc Thiều là điệu nhạc của thời trịnh trị.
[8] Bản trong Nhật Tảo xã thần tích chép là “khúc chín”.
[9] Tung hô 3 tiếng. Ở đây chỉ việc chúc thần, tấu nhạc tế thần.
[10] Trong Thi văn Việt Nam của Hoàng Xuân Hãn chép là “rày”.
[11] Xem chú thích ở Đoạn 3.
[12] Ân huệ như mưa tưới thấm khắp dân chúng.
[13] Gió huân lấy điển từ khúc ca của vua Thuấn có câu: “Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uấn hề” (Gió nam ấm áp chừ, có thể giải được nỗi bực giận của dân ta). Gió huân là gió hoà ấm nhưng cũng để chỉ nhân chính của nhà vua, ý nói muôn nhà đều được hưởng ân huệ, sống hoà vui.
[14] Xem chú thích ở Đoạn 3.
[15] Ống sáo và dây đàn. Đây chỉ chung âm nhạc.
[16] Ba thứ nhiều: nhiều phúc, nhiều lộc, nhiều thọ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lê Tín » Đoạn 6 (Hưu kỳ thiên tải hạ)