19/04/2024 07:53Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Nhân tặng nhục
人贈肉

Tác giả: Nguyễn Khuyến - 阮勸

Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 04/04/2007 15:14

 

Nguyên tác

墳間人饜足,
歸來贈余肉。
贈余非畏余,
憐余獨曠腹。
徘徊為數辭,
持之掩面哭。
適此亂離逢,
兼之窮餓促。
子意一何慇,
余心原不欲。
公西衣輕裘,
庾釜且請粟。
范蠡乘輕舟,
牛羊且大畜。
彭澤方辭歸,
且栽三徑菊。
樂天方謫居,
且搆三間屋。
嘆余病而貧,
風塵太碌碌。
老矣無能為,
何以服不穀。
不食令人饑,
食之令人辱。
不食令人疲,
食之令人俗。
感子非王孫,
知我有鮑叔。
取之何傷廉,
無容適他族。
忽忽談相忘,
清風動孤竹。

Phiên âm

Phần gian nhân yếm túc,
Quy lai tặng dư nhục.
Tặng dư phi uý dư,
Liên dư độc khoáng phúc.
Bồi hồi vi sổ từ,
Trì chi yểm diện khốc.
Thích thử loạn ly phùng,
Kiêm chi cùng ngã xúc.
Tử ý nhất hà ân,
Dư tâm nguyên bất dục.
Công Tây[1] y khinh cừu,
Dữu phủ thả thỉnh túc.
Phạm Lãi[2] thừa khinh chu,
Ngưu dương thả đại súc.
Bành Trạch[3] phương từ quy,
Thả tài tam kính cúc.
Lạc Thiên[4] phương trích cư,
Thả cấu tam gian ốc.
Thán dư bệnh nhi bần,
Phong trần thái lục lục.
Lão hĩ vô năng vi,
Hà dĩ phục bất cốc.
Bất thực linh nhân cơ,
Thực chi linh nhân nhục.
Bất thực linh nhân bì,
Thực chi linh nhân tục.
Cảm tử phi Vương Tôn[5],
Tri ngã hữu Bão Thúc[6].
Thủ chi hà thương liêm,
Vô dung thích tha tộc.
Hốt hốt đàm tương vong,
Thanh phong động cô trúc.

Dịch nghĩa

Trong đám tế mộ ai nấy đều no nê,
Có người khi về, mang thịt tặng ta.
Tặng ta không phải vì sợ ta,
Mà là thương ta đói bụng.
Ta ngậm ngùi, nói được vài lời,
Cầm lấy miếng thịt, che mặt mà khóc.
Gặp lúc loạn ly như thế này,
Lại thêm sự đói kém bức bách.
Ý người rất ân cần,
Lòng ta không phải là không muốn.
Công Tây mặc áo cừu nhẹ,
Cũng còn phải xin từng hũ, từng chõ thóc.
Phạm Lãi rong thuyền chơi,
Cũng còn nuôi từng đàn trâu dê.
Bành Trạch khi từ quan về,
Cũng còn trồng ba luống cúc.
Lạc Thiên khi bị trích đi nơi xa,
Cũng phải làm ba gian nhà.
Than ôi! Ta đau ốm, nghèo túng,
Gặp lúc phong trần lại càng ươn hèn hơn ai!
Tuổi già không làm được việc gì,
Lấy gì mà chi dùng khi không có bổng lộc?
Không ăn thì người bị đói,
Ăn vào thì người bị nhục!
Không ăn thì người bị gầy,
Ăn vào thì ra con người tục!
Cảm lòng người, ta không được như Vương Tôn,
Biết ta, đời còn có Bão Thúc.
Ta nhận đây, tưởng cũng chẳng hại gì,
Lại không phải đi kêu nài cửa khác.
Chuyện trò chốc lát, hai bên cùng chợt quên đi,
Gió mát làm rung động cây trúc đứng một mình.

Bản dịch của Đỗ Ngọc Toại

Đám kia ăn uống no nê,
Có người đem miếng thịt về tặng ta.
Tặng ta đâu sợ ta mà,
Thương ta cái bụng thường là rỗng không.
Ngậm ngùi khôn ngỏ nỗi lòng,
Tay cầm, mặt cúi, ròng ròng lệ rơi.
Gặp khi loạn lạc tơi bời,
Lại thêm đói kém cho người khó khăn
Ơn người có ý ân cần,
Lòng ta đâu phải ngại ngần dịp may.
Tử Hoa ngựa béo cừu dày.
Cũng còn xin thóc hũ đầy hũ vơi.
Đào Chu thuyền lái rong chơi,
Trâu dê cũng vẫn chăn nuôi đầy đàn,
Uyên Minh khi mới làm quan,
Cũng ba luống cúc trồng bên cạnh nhà.
Lạc Thiên bị trích phương xa,
Cũng còn giùm được ngôi nhà vài gian.
Thương ta đau ốm, nghèo nàn,
Phong trần lại quá ươn hèn hơn ai.
Tuổi già, mình chẳng có tài,
Lấy gì chống đỡ những ngày gieo neo?
Không ăn, cái bụng đói meo,
Ăn vào, cái nhục mang theo bên người.
Không ăn, mình phải còm còi,
Ăn vào, mang tiếng con người bê tha.
Biết ta còn có Thúc Nha
Cảm người, đâu được như là Vương Tôn?
Âu đành nhận lấy còn hơn,
Kẻo đi cửa khác van lơn cũng rầy.
Chuyện trò chốc lát cùng khuây,
Gió thanh đâu bỗng rung cây trúc già.
Rút từ Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160), Quế Sơn thi tập (A.469).

[1] Tức Công Tây Xích, học trò Khổng Tử, làm quan. Khi ông được đi sứ nước Tề, bạn ông là Nhiễm Hữu xin Khổng Tử cấp thóc cho mẹ ông. Khổng Tử bảo cho 1 dũ (khoảng 1 hũ). Sau lại xin thêm, Khổng Tử bảo cho 1 dũ và nói thêm: “Xích kia đi sang Tề, cưỡi ngựa béo, mặc áo cừu nhẹ, ta giúp người thiếu, chứ không phụ thêm cho kẻ giàu”.
[2] Người thời Xuân Thu, theo giúp Việt vương Câu Tiễn hơn 20 năm, cuối cùng diệt được nước Ngô, được phong Thượng tướng quân. Thấy Câu Tiễn là người khó có thể vui chung trong thắng lợi, Phạm Lãi bỏ đi, thay đổi tên họ mà đến đất Đào, chuyên việc kinh doanh, trở thành cự phú, xưng là Đào Chu công.
[3] Tức Đào Tiềm.
[4] Tự của Bạch Cư Dị, đỗ tiến sĩ, làm quan trong triều, vì nói thẳng bị vua Đường ghét, đầy ra Giang Châu. Ở đây ông làm ba gian nhà tranh dưới chân núi Hương Lô trong dẫy Lư Sơn.
[5] Hàn Tín, đời Hán, khi còn hàn vi, đi câu kiếm ăn. Một lần bị đói được bà Phiếu mẫu cho cơm ăn. Tín nói: thế nào tôi cũng báo ơn bà. Bà nói: ta thương Vương Tôn nên mời ăn, có phải mong báo ơn đâu! Sau Hàn Tín giàu sang tạ ơn bà Phiếu mẫu 1.000 lạng vàng. Câu này tác giả muốn nói: ta cảm tạ cái hậu ý của người không được như Hàn Tín cảm tạ lòng tốt của bà Phiếu mẫu.
[6] Bão Thúc Nha, người đời Xuân Thu, bạn Quản Trọng, biết Quản Trọng có tài mà nghèo, khi cùng kinh doanh, được lời, thường nhường Quản Trọng phần hơn. Sau tiến cử Quản Trọng làm tướng quốc cho Tề Hoàn Công. Quản Trọng thường nói: “Cha mẹ sinh ra ta, nhưng biết ta, chỉ có Bão Thúc”.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Khuyến » Nhân tặng nhục