07/05/2024 17:50Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lệ

Tác giả: Lý Thương Ẩn - 李商隱

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi Vanachi vào 11/07/2005 19:45

 

Nguyên tác

永巷長年怨綺羅,
离情終日思風波。
湘江竹上痕無限,
峴首碑前洒幾多。
人去紫臺秋入塞,
兵殘楚帳夜聞歌。
朝來灞水橋邊問,
未抵青袍送玉珂。

Phiên âm

Vĩnh hạng[1] trường niên oán ỷ la,
Ly tình chung nhật tứ phong ba.
Tương giang trúc[2] thượng ngân vô hạn,
Nghiễn thủ bi[3] tiền sái kỷ đa.
Nhân khứ tử đài[4] thu nhập tái,
Binh tàn Sở trướng[5] dạ văn ca.
Triêu lai Bá thuỷ[6] kiều biên vấn,
Vị để thanh bào[7] tống ngọc kha[8].

Dịch nghĩa

Suốt năm dài ở trong ngõ hẻm, oán giận lụa là,
Cả ngày mang mối tình ly biệt nhớ khi sóng gió thuở nào.
Trúc trên sông Tương giang có rất nhiều ngấn,
Trước bia trên núi Nghiễn rơi bao nhiêu nước mắt.
Người rời gác tía ra đi, mùa thu vào quan ải,
Tàn quân ở trướng Sở đương đêm nghe tiếng ca.
Buổi sớm ra cây liễu bên cầu trên sông Bá hỏi,
Đã chạm vào vạt áo bào xanh đưa tiễn ngọc kha chưa?

Bản dịch của Nhất Phiến Vân @www.vietkiem.com

Ngõ vắng năm dài oán áo xiêm,
Ly tình sóng gió nhớ ngày đêm.
Cành trúc sông Tương bao ngấn lệ,
Phiến bia núi Nghiễn mấy nỗi niềm.
Tử đài cất bước thu vào ải,
Sở trướng tan quân nhạc vẳng đêm.
Sớm mai sông Bá bên cầu liễu,
Đưa tiễn ngọc kha áo chẳng mềm.
[1] Nơi cung nữ bị thất sủng cư ngụ trong hoàng thành Trường An.
[2] Lấy điển tích hai người vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh sau khi vua Thuấn băng, tìm đến bên bờ sông Tương, nước mắt hai người khóc thấm vào những cây trúc bên bờ sông, từ đó trên thân trúc lốm đốm vết, gọi là trúc Tương phi.
[3] Núi Nghiễn Sơn, là nơi Dương Hỗ 羊祜 đời Tấn thường lên chơi. Ông là một vị quan tốt, được lòng dân chúng. Tấm bia này dựng lên ca ngợi công đức của ông. Sau khi ông mất, người đến thăm tấm bia này thường khóc, vì vậy gọi là Truỵ lệ bi 墜淚碑 (Bia rơi lệ).
[4] Chỉ việc Vương Chiêu Quân tây giá Hung Nô, rời tử đài (gác tía) đi ra đại mạc... về đại ý giống ý thơ của Đỗ Phủ trong bài Vịnh hoài cổ tích: “Nhất khứ tử đài liên sóc mạc, Độc lưu thanh trủng hướng hoàng hôn”.
[5] Lấy tích trận Cai Hạ, quyết định thắng thua Hán - Sở. Trong trận đánh này, Hạng Vũ thua trận và sau đó bị giết. Khi ấy Trương Lương sai quân Hán hát những bài ca nước Sở để uy hiếp và làm tan rã tinh thần quân Sở, kết quả là quân của Hạng Vũ bỏ trốn rất nhiều, Hạng Vũ say hát bài Cai Hạ ca trước khi tự vẫn.
[6] Sông Bá, một con sông ở Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, chảy vào sông Vị rồi đổ về Trường An. Ở đông thành Trường An, trên cầu này có cây cầu gọi là Bá kiều, là một cửa ngõ ra vào thành, và cũng là một nơi mà người ta thường đưa tiễn nhau. Người đưa thời đó cũng có tục bẻ nhành liễu để tặng người ra đi.
[7] Người học trò, chàng thư sinh.
[8] Chữ “ngọc kha” có hai cách hiểu: (1) tên một người con gái (2) ngọc kha là một thứ ngọc, còn gọi là bạch mã não, thường được dùng trang trí trên xe ngựa. Như vậy “tống ngọc kha” nghĩa là tiễn một người ra đi.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Lý Thương Ẩn » Lệ