07/05/2024 04:44Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Mạn thành kỳ 2 (Bác sơn hương tẫn ngọ song hư)
漫成其二(博山香燼午窗虛)

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 16/04/2007 20:29

 

Nguyên tác

博山香燼午窗虛,
懶性從來愛索居。
家有琴書兒輩樂,
門無車馬故人疏。
齏鹽隨分安衡泌,
湖海棲身憶釣魚。
與世漸疏頭向白,
東山日日賦歸輿。

Phiên âm

Bác sơn[1] hương tẫn ngọ song hư,
Lãn tính tòng lai ái tác[2] cư.
Gia hữu cầm thư nhi bối lạc,
Môn vô xa mã cố nhân sơ.
Tê diêm tuỳ phận an hoành bí[3],
Hồ hải thê thân ức điếu ngư.
Dữ thế tiệm sơ đầu hướng bạch,
Đông Sơn[4] nhật nhật phú quy dư.

Dịch nghĩa

Lò trầm hương đã cháy hết, cửa sổ buổi trưa để ngỏ
Tính lười trước nay vốn thích ở một mình
Nhà có đàn có sách thì con cháu vui
Ngoài cửa không có xe ngựa tức bạn bè xa
An phận muối dưa nơi cửa ngõ thô sơ, nước non rộng rãi
Nương mình chỗ hồ biển nhớ thú chài lưới
Dần bớt thân thiện với cuộc đời đầu tóc đã đốm bạc
Ngày ngày cứ nuôi ý về núi Đông Sơn chăng?

Bản dịch của Lê Cao Phan

Lò hương trưa lụn, cửa song hờ
Sống lẻ riêng mình, tính biếng ưa
Nhà có sách đàn, con cái thích
Ngõ không xe ngựa, bạn bè thưa
Muối dưa, nước suối, cài sơ cửa
Hồ biển câu, chài, nhớ tự xưa
Vừa lánh xa đời đầu đã bạc
Đông Sơn chốn ẩn muốn về ư?
[1] Đỉnh trầm có trang trí hình núi (Bác sơn) dưới có chứa nước sôi để hơi bốc lên hoà với hương trầm khỏi hại mắt.
[2] Nguyễn Trãi Toàn Tập phiên là sách, ở đây phiên là tác có lẽ hợp hơn, theo thành ngữ "ly quần tác cư" (lìa đàn ở một mình).
[3] Yên với cây tre ngáng cửa và suối nước. Hai chữ hoành bí là do hai câu thơ trong bài Hoành Môn (Kinh Thi):

Hoành môn chi hạ khả dĩ thê trì
Bí chi dương dương khả dĩ lạc cơ.
(Dưới cây ngáng ở cửa có thể nương thân được
Bên suối nước có thể vui mà quên đời).
[4] Một ngọn núi tại tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) nơi Tạ Ân, người có tiếng phong lưu đời Tấn ở ẩn. Tại miền Bắc Việt Nam cũng có núi Đông Sơn (theo sách An Nam Chí Lược của Lê Tắc).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Mạn thành kỳ 2 (Bác sơn hương tẫn ngọ song hư)