21/05/2024 15:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Quan Đình người ở quê ta

Tác giả: Khuyết danh Việt Nam

Thể thơ: Lục bát; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 05/09/2020 08:14

 

Quan Đình người ở quê ta,
Khí thiêng hun đúc sơn hà Hồng Lam.
Vốn là dòng dõi họ Phan,
Tiếng thơm Đông Thái đồn vang khắp miền.
Tài cao từ thuở thiếu niên,
Đã gồm văn võ lại hiền xưa nay.
Vua ban chức Ngự sử đài,
Phụng công thủ pháp[1] đêm ngày chăm lo.
Triều quan từ nhỏ đến to,
Ngài đều hặc tấu không cho hỗn hào.
Nước nhà đang buổi nhôn nhao,
Ngoài đường có giặc, trong sao lăng loàn.
Giận thay mấy kẻ quyền gian,
Thay vua đổi chúa coi thường nhân luân
Quan Đình vốn trọng nghĩa nhân,
Thanh thiên bạch nhật ngài phân tỏ tường.
Rằng nay giữa chốn miếu đường,
Mưu toan phế lập luân thường ra chi.
Tự quân[2] chưa có tội gì,
Mà đem phế lập vậy thì có nên.
Quan Tướng[3] nổi giận xung thiên,
Đã toan trảm quyết nhãn tiền cho coi.
Nhưng rồi lại nghĩ xa xôi,
Trọng gương nghĩa khí, thương người đởm trung[4].
Truyền cho giáng chức hoàn dân,
Quan Đình khi ấy lui chân ra về.
Quê hương cách trở sơn khê,
Tin nhà vội báo ngài về cư tang[5].
Mấy năm mến cảnh xóm làng,
Càng nhìn lại chốn miếu đường càng đau.
Phải là gỗ đá chi đâu,
Chí cao vẫn rắp mưu sâu những ngày.
Đến năm Ất Dậu[6] vừa hay,
Trấn Bình súng nổ, giặc Tây chiếm thành.
Tan hoang phố xá, miếu đình,
Quân gia vất vả, dân tình bơ vơ.
Cháy nhà mặt chuột mới trơ,
Quận Tường[7] sớm đã thừa cơ đầu hàng.
Bám phường tả đạo cho an,
Mặc quân với quốc, mặc làng với dân.
Một mình quan Tướng ân cần,
Thua được sự thường, phải giữ lòng trung.
Xe loan đành nhuốm bụi hồng,
Vua quan lúc ấy một lòng quyết đi.
Vượt qua mấy nẻo trùng vi,
Đèo cao núi thẳm quản gì gian lao.
Cần Vương xuống hịch ruổi sao[8],
Phải lấy máu đào đền đáp giang sơn.
Anh hùng thảo dã, thâm sơn,
Phải ra mà giúp quân vương hội này.
Quan tướng nghĩ được chước hay,
Liền cho lệnh chỉ vời ngay quan Đình[9].
Cầm tay ký chú đinh ninh,
Tòng vong hộ giá sự mình phải lo.
Còn như xây dựng cơ đồ,
Phất cờ tụ nghĩa phải nhờ cậy ông.
Tước ban Tể tướng sơn trung,
Quan Đình khi ấy vui lòng đảm đương.
Trở về giữa chốn quê hương,
Nằm gai nếm mật lo lường quốc gia.
Hương Khê non nước bao la,
Giang sơn riêng hẳn một toà cõi Nam.
Mười tám quân thứ rõ ràng,
Suốt từ Thanh Hoá đi sang Quảng Bình[10].
Trong tay mấy vạn tinh binh,
Đã trừ quân đạo, lại bình quân Tây
Trăm họ hớn hở đêm ngày
Tụng công đức ấy ví tày mẹ cha.
Bảo nhau của cải đem ra
Gửi lên sơn trại gọi là quân lương.
Quan Đình tâm vẫn chí cường,
Đêm đêm trằn trọc tính đường thế công.
Bảo cùng Cao Thắng đổng nhung,
Quân Tây nó có thần công rất màu.
Súng ta có đọ được đâu,
Làm sao chế được mới hầu hơn thua.
Khen thay Cao Thắng tài to,
Lấy ngay súng giặc về cho lò rèn.
Đêm ngày tỷ mỷ mở xem,
Lại thêm có cả Đội Quyên[11] cũng tài,
Xưởng trong cho chí trại ngoài,
Thợ rèn các tỉnh đều mời hội công.
Súng ta chế được vừa xong,
Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay.
Bắn cho tiệt giống quân Tây,
Cậy nhiều súng ống phen này hết khoe.
Các tướng mưu lược cũng ghê,
Đội Văn, quản Đạt, đứng kề Lãnh Chanh.
Hồng Lam mặc sức tung hoành,
Đánh đồn tỉnh Nghệ, phá thành Nam Giang[12].
Bắt sống tuần phủ Đinh Quang,
Giết Trương Quang Ngọc hết đàng theo Tây.
Vận trời còn bĩ khi nay,
Để cho xa giá lọt tay kẻ thù
Trời Nam gió bụi mịt mù,
Quan Đình ngài vẫn giữ cờ không nao.
Hồng Lam tỏ mặt anh hào,
Văn thân bốn cõi trông vào một ta.
Thua cơ Tây phải cầu hoà,
Sai Hoàng Cao Khải tiến thơ thuyết hàng.
Quan Đình sắt đá bền gan,
Lại xui Tây tặc phải thời tiến binh.
Sao không biết hổ với mình,
Hỏi rằng chức tước hiển vinh nỗi gì?
Mang danh khoa mục làm chi,
La Giang[13] một nước mà chia đôi dòng.
Hoàng Cao nhục nhã đã xong,
Nguyễn Thân đâu cũng vào vòng khuyển nô.
Lại cùng Tây tặc mưu mô,
Người Nam lại phá cơ đồ nước Nam.
Tử sinh liều giữa chiến tràng,
Thương thay Cao Thắng nửa đàng mệnh chung.
Anh hùng vẫn giống anh hùng,
Há đem thành bại luận trong cao dày
Quan Đình như gãy cánh tay,
Nghĩ tình thủ túc đêm ngày xót thương.
Nguyễn Thân lập kế tuyệt lương,
Chia binh các ngả chặn đường quân ta.
Quan Đình nhuốm bệnh tháng ba,
Thương thay Ngũ Trượng sao sa chí kỳ[14].
Vụ Quang huyết chiến vừa khi
Mấy ngàn lính Pháp xác thì chặt sông.
Trong quân chưa kịp hạ công
Quan Đình phút đã xe rồng lên tiên.
Bàng hoàng thương nỗi con đen,
Chim non mất mẹ vẹn toàn được sao.
Sông dài biển rộng trời cao,
Sử xanh còn với anh hào dài lâu.
Nguyễn Thân hèn hạ xiết đâu,
Đốt thây làm thuốc nhồi đầu hoả mai.
Gian tà đắc chí mấy hơi,
Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương.
Quan Đình giữ tiết cương thường,
Vẫn còn hương hoả từ đường dài lâu.
Bình Tây ai dựng cờ đầu,
Hồng Lam danh tiếng về sau còn nhiều.
Dặn con, dặn cháu mọi điều,
Vè này phải thuộc cho nhiều mới hay.
Đây là bài vè kể chuyện Phan Đình Phùng khởi nghĩa đánh Pháp, do PGS. Ninh Viết Giao (Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Nghệ An) sưu tầm và công bố.

[1] Theo phép công mà giữ gìn lề lối.
[2] Vua kế vị, chỉ vua Dục Đức.
[3] Chỉ Tôn Thất Thuyết. Khi Phan Đình Phùng đứng lên đàn hặc việc phế lập Dục Đức, Tôn Thất Thuyết định ra lệnh chém ông, nhưng thấy ông là người ngay thẳng, có tài nên lại thôi, cách chức quan và cho về làng.
[4] Can đảm và trung thành.
[5] Ý nói vừa lúc đó có tin báo ở quê nhà bà mẹ qua đời, ông phải về cư tang.
[6] Ngày 1-7-1885, giặc Pháp nổ súng vào Trấn Hải đài còn gọi là Trấn Bình đài rồi đồn Mang Cá. Sáng ngày 5-7-1885, quân ta tấn công đồn Mang Cá. Nhưng đến khi nghe De Courcy tiến vào thành thì sau 3 giờ hỗn chiến, quân ta thất bại.
[7] Tức Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường. Khi Hàm Nghi xuất bôn, Nguyễn Văn Tường đem vua và tam cung tạm lánh ra Khiêm Lăng rồi ra Quảng Trị. Đến đây Nguyễn Văn Tường trở lại Phú Xuân, nương nhờ giám mục Caspar. Việc đó nhiều người cho là Tường đầu hàng. Gần đây có ý kiến xét lại hành động ấy của Nguyễn Văn Tường.
[8] Ở nơi hành tại này, Hàm Nghi xuống hịch Cần Vương và hịch được truyền đi rất nhanh.
[9] Chỉ Tôn Thất Thuyết lúc này nghĩ đến một người có tài đức có thể Cần Vương cứu nước là đình nguyên Phan Đình Phùng. Mấy câu tiếp theo là lời của Tôn Thất Thuyết nói với Phan Đình Phùng.
[10] Đây nói những ngày Phan Đình Phùng ra Bắc về, ông tập hợp được nhiều tướng tá ở các phủ, huyện, tỉnh, và liên hiệp với cả nghĩa quân ở Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình. Cứ mỗi nơi đóng quân của một đề đốc, lãnh binh hay tác vi, gọi là một quân thứ. Bài này nói có 18 quân thứ, nhưng theo Lịch sử Nghệ Tĩnh tập I thì chỉ có 15 quân thứ.
[11] Tên là Lê Quyên, người làng Nội Diên, nay là xã Đức Diên, huyện Đức Thọ.
[12] Chưa rõ đánh đồn tỉnh Nghệ là đồn nào, ở đâu và thành Nam Giang là thành nào.
[13] Con sông trước làng Đông Thái. Một nước mà chia đôi dòng, ý nói Hoàng Cao Khải và Phan Đình Phùng người cùng một làng mà bên theo giặc bên trung với vua với nước, quyết chí đánh giặc.
[14] Dẫn tích Gia Cát Lượng mưu việc nhà Tây Thục không thành, mất ở gò Ngũ Trượng để ví với Phan Đình Phùng cũng như Gia Cát Lượng.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khuyết danh Việt Nam » Quan Đình người ở quê ta