10/05/2024 10:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kinh thu
驚秋

Tác giả: Tiết Phùng - 薛逢

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi tôn tiền tử vào 19/12/2020 21:58

 

Nguyên tác

露竹風蟬昨夜秋,
百年心事付東流。
明霜義分成虛話,
阜俗文章惜暗投。
長笑李斯稱溷鼠,
每多莊叟喻犧牛。
五湖煙水盈歸夢,
蘆荻花中一釣舟。

Phiên âm

Lộ trúc phong thiền tạc dạ thu,
Bách niên tâm sự phó đông lưu.
Minh sương[1] nghĩa phận thành hư thoại.
Phụ tục[2] văn chương tích ám đầu[3].
Trường tiếu Lý Tư xưng hỗn thử[4].
Mỗi đa Trang Tẩu dụ hy ngưu[5].
Ngũ Hồ yên thuỷ doanh quy mộng.
Lô địch hoa trung nhất điếu chu.

Bản dịch của phanlang @www.tvvn.org

Ve đêm rồi kêu sương đám trúc,
Nước xuôi đông tâm sự trăm năm.
Nghĩa cao khiết cũng thành rỗng tuếch,
Cả văn chương đẹp phải lỡ lầm.
Cười Lý Tư lõi đời chuột bẩn,
Khen Trang Chu bàn cúng trâu đâm.
Mộng trở về Ngũ Hồ khói nước,
Giữa hoa lau một mái câu dầm.
[1] Sương trắng sạch, chỉ người, việc cao khiết.
[2] Cao thượng hơn thói thường.
[3] Tức “minh châu ám đầu” 明珠暗投, lấy tích từ Lỗ Trọng Liên - Trâu Dương liệt truyện 魯仲連鄒陽列傳 chép trong Sử ký, ám chỉ người hiền đức có tài nhưng không được trọng dụng.
[4] Con chuột bẩn, nói về chuyện Lý Tư, thừa tướng nước Tần. Khi trẻ Lý Tư làm tiểu lại ở quận, nhìn thấy ở nơi ông làm việc có con chuột ăn đồ bẩn trong nhà xí, vì chỗ nầy nhiều người ra vào nên rất sợ người và chó. Nhưng khi vào trong kho thóc ông thấy con chuột ở nhà kho tha hồ ăn lúa, to mập hơn mà không sợ bị người và chó đuổi. Lý Tư nghĩ con người hiền tài hay kém cỏi chỉ nhờ vào ngoại cảnh nơi mình xuất xử như những con chuột kia, từ đó Lý Tư lấy việc trên làm phương châm hành động suốt cuộc đời.
[5] Trâu bò thuần một màu dùng để giết thịt cúng tế. Tích Lão Trang liệt truyện 老莊列傳 chép trong Sử ký, Trang Chu 莊周 (Trang Tử) được Sở Uy Vương 楚威王 nghe có tài mời đến để làm việc, hứa sẽ phong tướng. Trang Chu nói với sứ giả về con trâu dùng để tế lễ, con vật được nuôi nấng vỗ béo với mục đích để giết thịt, ví con vật đó như mình và các quan tướng dưới quyền của Sở Uy Vương, nên không nhận chức, chỉ muốn sống đời tự do không bị ai bó buộc.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tiết Phùng » Kinh thu