21/04/2024 03:08Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Thăng Long kỳ 1
昇龍其一

Tác giả: Nguyễn Du - 阮攸

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 13/07/2005 17:27

 

Nguyên tác

傘嶺瀘江歲歲同,
白頭猶得見昇龍。
千年巨室成官道,
一片新城沒故宮。
相識美人看抱子,
同遊俠少盡成翁。
關心一夜苦無睡,
短笛聲聲明月中。

Phiên âm

Tản lĩnh[1] Lô giang[2] tuế tuế đồng,
Bạch đầu[3] do đắc kiến Thăng Long.
Thiên niên cự thất thành quan đạo,
Nhất phiến tân thành[4] một cố cung.
Tương thức mỹ nhân khan bão tử,
Đồng du hiệp thiếu tẫn thành ông.
Quan tâm nhất dạ khổ vô thuỵ,
Đoản địch thanh thanh minh nguyệt trung.

Dịch nghĩa

Núi Tản sông Lô bao nhiêu năm vẫn thế,
Đầu đã bạc rồi mà lại thấy Thăng Long.
Những ngôi nhà đồ sộ ngày xưa nay đã thành đường cái quan,
Dãi thành mới làm mất cung điện xưa.
Các mỹ nhân ngày trước giờ đã có con bồng,
Các bạn hào hiệp thuở xưa giờ đã thành ông.
Suốt đêm nghĩ ngơi, thao thức không ngủ,
Văng vẳng nghe tiếng sáo trong ánh trăng.

Bản dịch của Quách Tấn

Núi Tản sông Lô vẫn núi sông
Bạc đầu còn được thấy Thăng Long
Nghìn năm cự thất thành quan lộ
Một giải tân thành lấp cố cung
Người đẹp buổi xưa đều bế trẻ
Bạn chơi thưở nhỏ thảy thành ông
Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận
Địch thổi trăng trong tiếng não nùng
Từ đời Lý, kinh đô Việt Nam đóng tại Thăng Long. Thăng Long 昇龍 nghĩa đen là rồng hiện lên. Đến đời Nguyễn, Gia Long đóng đô tại Huế, và đổi chữ Thăng Long là rồng hiện thành chữ Thăng Long 昇隆 là thịnh vượng. Nhưng trong văn thơ, cổ nhân vẫn viết chữ theo tên cũ Thăng Long là rồng hiện.

[1] Núi Tản Viên, một ngọn núi nằm ở Ba Vì, Hà Tây. Vì núi cao, lúc nào cũng có mây phủ như cái tán nên gọi tên như vậy. Trên núi có đền thờ Tản Viên sơn thần thờ thần Sơn Tinh.
[2] Sông Lô. Con sông nhỏ ở tả ngạn sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy theo hướng TB-ĐN vào nước ta ở Thanh Thuỷ, thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Chiều dài tổng cộng 470 km. Đoạn chảy trên đất Trung Quốc có tên là sông Bàn Long. Đoạn chảy trên lãnh thổ nước ta dài 275 km qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang rồi đổ vào sông Hồng ở thành phố Việt Trì (Phú Thọ), còn có tên là Thanh Giang (vì sông Lô nước trong nên có tên như vậy).
[3] Nguyễn Du mới ba mươi tuổi đã bạc đầu và dùng chữ này để nói về mình trong rất nhiều bài thơ trong Thanh Hiên thi tậpNam trung tạp ngâm. Nhưng chữ “bạch đầu” trong bài này nói về tuổi già. Nguyễn Du rời Thăng Long lúc nhà Lê mạt (1789), vua Lê chạy sang Trung Quốc, lúc ấy Nguyễn Du mới 25 tuổi. Đến khi Gia Long lên ngôi (1802) Nguyễn Du từ Hà Tĩnh ra Thăng Long làm quan. Lúc ấy Nguyễn Du 37 tuổi. Đến khi vâng mệnh đi sứ Trung Hoa (1813), Nguyễn Du đến Thăng Long một lần nữa. Bài thơ này làm lúc ra Thăng Long để sang Trung Quốc. Lúc đó Nguyễn Du đã gần ngũ tuần. Cho nên mới nói “Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long”.
[4] Một dải thành mới. Thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê ở về phía tây bắc Hà Nội. Năm 1805, Gia Long hạ lệnh phá bỏ thành cũ, xây thành mới nhỏ hơn thành Thăng Long trước, và nằm ngay ở chỗ cung điện cũ của các triều trước.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Du » Thăng Long kỳ 1