CÁ SẤU GHENA VÀ CUỘC HÀNH TRÌNH TÌM BẠN


Để khẳng định một nhà văn đích thực là nhà văn viết cho thiếu nhi, theo tôi, việc đầu tiên cần làm là quan sát các cậu bé cô bé phản ứng thế nào khi được nghe, được đọc tác phẩm của nhà văn ấy. Có được cuốn “Cá sấu Ghena và các bạn” - tác giả Eduard Uspenski (Nga)*, tôi đã thử đọc to lên một chương cho một cậu bé 5 tuổi và một người lớn. Người lớn có đôi chỗ nhíu mày không hiểu. Chẳng hạn, vì sao tra từ điển về con Báo mà phải bắt đầu tìm từ chữ cãi “G” (gầm) hoặc chữ cái V (vồ) chứ không phải là B (báo)!  Còn cậu bé thì quay ra giảng giải cho độc-giả-người-lớn ấy , một cách tự tin và hứng khởi. Tôi hiểu rằng, nhà văn đã bắt được “kênh” với độc giả nhỏ tuổi. Và “Cá sấu Ghena và các bạn” đích thực là một tác phẩm dành cho các em.

Câu chuyện kể về chú cá sấu châu Phi …50 tuổi đời có tên là Ghena, làm công việc đóng vai… cá sấu ở vườn thú. Chú rất cô đơn. Vì thế, một hôm nảy ra ý treo biển tìm bạn.  Chú viết thế này: “Một cá xấu trẻ 50 tuổi muốn tìm bạn…”. Và ngay lập tức, chú lần lượt được đón các bạn của mình. Họ trở thành nhân vật trong cuốn truyện dày 200 trang nói trên, đưa các em nhỏ vào một cuộc hành trình lớn và có lẽ, quan trọng vào bậc nhất đối với tuổi thơ, là cuộc hành trình kết bạn, gìn giữ tình bạn. Đó là một con vật kỳ lạ, nhìn vừa giống thỏ, vừa giống gấu, không ra chuột túi cũng chẳng ra chó con, một nhân vật mà khoa học chưa biết đến, có tên là Cheburashka, nằm trong thùng đựng cam đến từ một miền xa lắc. Đó là cô bé Galia nhân hậu, luôn bắt bẻ người ta nói đúng viết đúng. Đó là một cô khỉ làm việc ở rạp xiếc, mồm ngậm đủ các thứ đồ vật nho nhỏ đến nỗi ai hỏi cũng luôn phải cân nhắc gật hay là lắc cho hợp cảnh. Đó là chú hươu cao cổ buồn bã vì quá cao, chẳng ai chơi cùng. Đó là anh sư tử to khỏe cuối cùng cũng đồng ý kết bạn với chú chó Tobic bé tẹo. Đó là những cậu bé bị liệt vào dạng “hư”, con nhà tử tế và có đến 6 hay 8 điểm 2 trong một tuần, thèm được kết bạn với những chú bé bị nhiều điểm 2 hơn mình… Và đương nhiên, trong cuốn sách còn có những nhân vật làm điều xấu nữa, là mụ già  Sapokliac  và con chuột Lariska. Tôi không thể nói đó là những nhân vật phản diện, bởi chúng chính là hiện thân của cái phần hiếu động và ngốc nghếch không thể không có trong mỗi đứa trẻ. Mụ già đi gom... điều ác, vì muốn được nổi tiếng!!! Dùng súng cao su bắn vào chim bồ câu, té nước vào người qua đường, buộc dây vào ví tiền để bẫy mọi người... Đấy, đó là những điều ác, điều xấu mà mụ Sapokliac muốn làm! Nhân vật này luôn đứng nghiêng ngả ở ranh giới giữa sự sửa đổi bản thân cho ngoan hơn với lực hấp dẫn của những trò tai hại. Thật thú vị khi được cùng các em khám phá chính bản thân mình qua những câu chuyện nho nhỏ của cuốn sách. Các em nhìn thấy mình trong đó, cười những tật xấu của chính mình và vui vẻ đồng tình với những giải pháp mà nhà văn đưa ra để một đứa trẻ có thể tìm được bạn, giúp đỡ được mọi người và nhìn những lỗi lầm của người khác một cách nhân hậu.

Không đưa ra mục đích giáo dục một cách lộ liễu, không lên lớp, giáo điều, nhìn sự việc kiểu trẻ con, nói kiểu trẻ con, và giải quyết mọi việc cũng kiểu trẻ con, rất logic đối với lũ trẻ mà hoàn toàn bất ngờ đối với độc giả người lớn – đấy chính là nét độc đáo trong bút pháp của nhà văn Xô Viết chuyên viết cho trẻ em Eduard Uspenski!

Eduard Uspenski sinh năm 1937 tại ngoại ô Matxcơva. Ở Liên Xô cũ và LB Nga, các nhân vật do ông sáng tạo ra từ lâu đã đi sâu vào đời sống tinh thần của các em nhỏ, và không chỉ của các em. Chú bé Phiodor bỏ nhà đi cùng con chó và con mèo trong “Bác Phiodor, con chó và con mèo” (tác phẩm đã được Nguyễn Thị Kim Hiền chuyển ngữ, công ty Nhã Nam và NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2006), cá sấu Ghena, Cheburashka... đã xuất hiện trên các phim hoạt hình từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, sau này, chúng là nhân vật trong các clip quảng cáo, thậm chí là biểu tượng của đội tuyển Olimpic LB Nga trong một số Thế vận hội mùa đông những năm gần đây. Hai bài hát của hai nhân vật cá sấu Ghena và Cheburashka, do nhạc sĩ người Nga nổi tiếng Shainsky, tác giả bài “Nụ cười”, phổ nhạc theo lời thơ của Uspenski, đều được trẻ em đón nhận và yêu thích đã nhiều thập kỷ. Ở Việt Nam cũng vậy, chắc không ít người từng cất lời hát bài “Mừng sinh nhật” mà cá sấu Ghena từng hát:  "Vui xiết bao, mừng ngày sinh cùng cất tiếng ca, kèn trompete hòa vang véo von, nhạc bùng lên, son lá son ... Năm tháng trôi, thời gian đi ngày sao quá mau, mừng ngày sinh ánh dương bừng sáng lên, bóng đêm tan, sẽ tan dần".
Nhớ lại một thời, các bạn đọc nhí Việt Nam từng có trên tay những tác phẩm thiếu nhi với những câu chuyện nhỏ xinh, nhân hậu, dí dỏm của nền văn học Xô Viết, những “Timua và đồng đội” (A. Gaidar), “Marusia đi học” (E. Shvarts), “Vichia Maleev ở nhà và ở trường”, “Cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (N.Nosov)..., không khỏi cảm thấy bùi ngùi vì một thời gian rất dài đã có một khoảng lặng lớn trong việc tiếp tục giới thiệu nền văn học Xô Viết hoặc cập nhật những tác phẩm mới của Nga cho bạn đọc Việt Nam. Vì thế, lần này, cầm cuốn “Cá sấu Ghena và các bạn”, với tư cách là một người quan tâm đến văn học Nga nói riêng và văn học dịch dành cho thiếu nhi nói chung, tôi cảm thấy vui mừng. Lời Việt của cuốn sách sáng sủa, gần gũi, dễ hiểu với trẻ em Việt Nam, hình vẽ vui mắt - đây thực sự là một tặng phẩm quý mà những người tâm huyết với công tác dịch thuật và văn học thiếu nhi gửi tặng các em nhỏ nhân ngày 1-6 sắp đến.

Thụy Anh (TPCT)

(*): Dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền và Kiều Vân, công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."