Trang trong tổng số 7 trang (67 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

letam

Gió vẫn “thổi” trên bức phù điêu

Tưởng nhớ hành động anh dũng hy sinh để cứu 370 cán bộ, du kích địa phương ẩn náu dưới hầm địa đạo thoát khỏi cái chết từ tay giặc, gia đình và xóm làng đã xây cho chị bức phù điêu hình măng mọc. Đó là lòng tri ân, hoài niệm về người con gái anh hùng ở dải cát ven sông Trường Giang.

“Chị Xáng tham gia cách mạng từ khi tuổi thanh xuân và đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng. Chiến công của chị trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tấm gương sáng để chúng ta học tập, noi theo. Bộ Công an đang hoàn tất thủ tục hồ sơ để truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chị”
(Chủ tịch UBND xã Bình Giang - ông Nguyễn Văn Anh)

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/KUX0_13693351_1.jpg
Bức phù điêu hình măng mọc Ảnh: H.P

May mắn sinh ra sau chiến tranh, nhưng những câu chuyện, hình ảnh, sự kiện, nhân chứng sống của một thời “vào sinh ra tử” luôn ám ảnh tôi. Và, tượng đài hoài niệm khắc ghi công nữ anh hùng Trương Thị Xáng (xã Bình Giang - Thăng Bình) đã thôi thúc tôi đi tìm những điều chưa kể hết của “sự thật lịch sử”. Tháng 7, đi trên nổng cát Bình Giang bỏng rát, gió, nắng xồng xộc lùa vào người. Trên “sa mạc” cát, những bụi xương rồng hoang dại phủ quanh miệng địa đạo Bình Giang, vốn dĩ ít người biết đến. Nhưng vẫn còn đây những vần thơ ngợi ca hình tượng nữ anh hùng Trương Thị Xáng mà người dân truyền khẩu, vẫn còn đây những nhân chứng cách mạng…

Lá chắn bảo vệ

Năm 1954, ông Trương Đáng (cha ruột chị Xáng) tập kết ra Bắc, để lại quê nhà người vợ trẻ vừa mới sinh con chưa đầy 2 tháng - em kế chị Xáng. Cùng với ông nội và mẹ, chị Xáng tham gia đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích; làm liên lạc đưa thư cho cơ sở cách mạng. Sau đó, chị được nhận vào lực lượng an ninh xã Bình Giang. Ngày 5-5-1964, quân dân xã Bình Giang nhất tề đứng dậy khởi nghĩa bắt bọn ác ôn. Vài ngày sau, địch tăng cường lực lượng vây chặt Bình Giang, càn quét xóm làng, bắt bớ những gia đình có người thân tập kết ra Bắc, tiêu diệt cơ sở cách mạng. Chúng bắt chị Xáng, hết tra tấn đến dụ dỗ để moi thông tin nhưng bất thành. Cuối cùng, chúng đành phải thả chị ra.


http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ct10.jpg
Vị trí miệng địa đạo.

Ngày 5-9-1964, quân và dân Bình Giang tiếp tục đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền ngụy tề. Nhằm đảm bảo bí mật cơ sở cách mạng, chính quyền, quân dân Bình Giang âm thầm đào địa đạo nuôi giấu cán bộ, cất giấu vũ khí, lương thực... Nhớ lại những ngày tháng trực tiếp tham gia đào địa đạo, bác Nguyễn Ngọc Trân (67 tuổi, trú thôn Bình Túy - xã Bình Giang) xúc động kể: “Ngày đó đào hầm trong điều kiện hết sức nguy hiểm, thường xuyên cảnh giác kẻ thù. Phải đào sâu 3m, xuyên qua các bụi tre. Tổng chiều dài địa đạo hơn một cây số. Đội thiếu nhi và nhân dân đào ròng rã nửa năm trời”. Theo bác Trân, miệng địa đạo chính bắt đầu từ nhà chị Xáng kéo dài đến khu vực gốc Cây Sanh. Ông Trương Văn Liệu - người từng ẩn náu dưới địa đạo trong những lúc địch càn quét - giờ đã tuổi cao sức yếu, nhưng khi kể về những ngày cùng ăn, cùng ở với du kích địa phương dưới hầm địa đạo, ông nhớ vanh vách. Nhớ đến đoạn chị Xáng hy sinh để giải cứu hàng trăm người mà mắt ông ngấn lệ.

Không từ bỏ âm mưu chiếm đóng Bình Giang, ngày 22-2-1965, Mỹ-ngụy tăng cường quân đổ bộ về tái chiếm. Địa đạo như lá chắn bảo vệ an toàn cho cán bộ và du kích địa phương. Chị Xáng cất giấu súng rồi cùng bà con trong xã đấu tranh hợp pháp với giặc, không cho chúng lục lọi khắp nơi. Nhưng chúng dùng chó béc-giê và phát hiện được miệng địa đạo trong vườn nhà chị Xáng. Chúng bắt dân làng phát rộng miệng địa đạo để có thể từ bên ngoài ném lựu đạn vào.


Cuộc giải cứu lịch sử

Dưới hầm địa đạo lúc này có đến 370 cán bộ và du kích địa phương. Họ đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không thể xông lên đánh địch, vì chúng bao vây vòng ngoài. Còn nằm im trong địa đạo là đồng nghĩa với cái chết vì trước sau gì giặc cũng ném lựu đạn xuống. Đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, bất thình lình, chị Xáng truyền tin yêu cầu bà con đào cầm chừng kéo dài thời gian để tìm cơ hội thuận lợi đưa du kích thoát khỏi vòng vây... Tuy nhiên, địch phát hiện được và dùng báng súng đánh đập dân làng dã man. Chị Xáng giả vờ đau bụng, mọi người bỏ cuốc, xẻng đến chăm sóc chị. Nhiều người đến năn nỉ bọn lính xin thuốc men. Lợi dụng lúc địch chủ quan, chị Xáng cùng “đội quân tóc dài” Bình Giang làm quen với hai tên lính gác miệng hầm và nắm được thông tin quan trọng rằng ngày mai, giặc sẽ tăng cường thêm lực lượng và xe bọc thép về Bình Giang để tổ chức đánh phá địa đạo. Chị nghĩ ra cách dùng “mỹ nhân kế” với một tên chỉ huy. Tên trung đội trưởng hút hồn trước vẻ đẹp và cách nói chuyện thân thiện của người thiếu nữ, bèn cho chị mượn đèn pin và tự do đi lại. Thừa lúc bọn lính đổi gác chủ quan, chị dùng đèn pin soi xuống lối ra của địa đạo và ám hiệu cho cán bộ, du kích lần lượt rời miệng hầm. Đến khi địch phát hiện, chị dũng cảm lao về hướng hỏa lực của giặc để cứu thoát anh du kích cuối cùng rời miệng hầm… Chị nằm xuống giữa lòng đất mẹ, với lòng tôn kính, tiếc thương vô hạn của dân làng. Chị nằm xuống trong độ tuổi trăng tròn, khi quê nhà còn bị quân thù giày xéo.

Năm 1996, người dân và dòng tộc đã góp tiền xây dựng miếu thờ và bức phù điêu, trong bia đá có ghi dòng chữ “Anh hùng Trương Thị Xáng đã anh dũng hy sinh để cứu sống 370 cán bộ cách mạng và du kích địa phương”. Huyện ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình đã làm hồ sơ đề nghị Nhà nước xét truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho chị Trương Thị Xáng. Trong khi đó, chính quyền và nhân dân xã Bình Giang cũng lên kế hoạch khai quật khôi phục địa đạo để bảo tồn giá trị lịch sử của nó.

Tôi rời dải cát Bình Giang khi nắng chiều hoang hoải. Từng cơn gió vẫn rì rào trên ngọn tre, lao xao quanh bức phù điêu hình măng mọc. Chị Xáng như vẫn còn đây, “ung dung” giữa lòng đất mẹ.

HỮU PHÚC
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

"Vận động viên" phi thường



TTO - Cậu bé 12 tuổi Callum Truscott, ở Cornwall, Anh khiến bạn bè và nhiều người xung quanh vô cùng ngạc nhiên khi trở thành cầu thủ xuất sắc trong nhiều môn thể thao dù bị mất cả hai chân.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/805/434805.jpg
Dù bị mất cả hai chân nhưng Callum Truscott vẫn rất siêng năng tập thể thao - (Ảnh: Mirror)

Vượt qua mặc cảm

Sinh ra không có chân nên ngay từ nhỏ, Callum Truscott phải học cách xoay xở với đôi chân giả. Không những không mặc cảm, cậu bé còn rất chăm luyện tập và có niềm say mê mãnh liệt với các môn thể thao. Callum Truscott thường không cho ba mẹ đưa đón đến trường bằng xe mà tự mình đi bộ. Thậm chí cậu còn không sử dụng thang máy mà leo lên cầu thang bằng đôi chân giả.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/807/434807.jpg
Callum Truscott không hề mặc cảm và luôn thể hiện hết mình khi thi đấu - (Ảnh: Thisiscornwall)

Chính vì sự siêng năng luyện tập này, mới 12 tuổi và với đôi chân không lành lặn, Callum Truscott vẫn chơi một cách khá điêu luyện bên cạnh các vận động viên bóng đá và bóng bầu dục. Mới đây, cậu bé vừa cùng đội bóng chày của trường lọt vào vòng chung kết quốc gia dành cho lứa tuổi dưới 13. Callum Truscott còn đánh bại các bạn cùng lớp ở môn bơi 1.500m thử thách sức chịu đựng trong 45 phút.

Không những vậy,Callum Truscott mạnh dạn đăng ký lớp học khiêu vũ. Cô Leeanne Spry, mẹ của Callum Truscott, chia sẻ: "Callum Truscott như được sinh ra để trở thành một vận động thể thao nhưng cháu đã phải cố gắng rất nhiều để làm được điều đó mà không có đôi chân. Thật may mắn, Callum Truscott chưa bao giờ thấy mặc cảm với đôi chân giả. Cháu sẵn sàng mặc quần ngắn mỗi khi ra sân bóng".

Ước mơ hồn nhiên

Callum Truscott cho biết: "Tôi rất mong có tên trong đội bóng của trường và được trở thành giáo viên thể chất. Vì thế tôi luôn cố gắng hết sức trong tất cả các môn thể thao”. Mọi nỗ lực của Callum Truscott biến ước mơ của cậu thành hiện thực. Callum Truscott đã có tên trong đội bóng đá của Trường Brannel ở St Austell, Cornwall. Cậu bé cũng luyện tập rất siêng năng trong môn bóng bầu dục nhưng vì lý do an toàn nên Callum Truscott không thể tham gia hết trận.

http://phienbancu.tuoitre.vn/Tianyon/Cache/Image/808/434808.jpg

Thầy hiệu trưởng Ray Bell cho biết những thành quả của Callum Truscott "thật sự đáng ghi nhận". Ông nói: “Ở Callum Truscott cho thấy sự quyết tâm của em để có được cuộc sống tự lập. Đây là kỹ năng sống rất cần thiết mà mỗi chúng ta cần hướng đến. Tôi rất tự hào về Callum Truscott và bộ phận giáo dục thể chất của nhà trường”.

Milo Bright, thầy giáo dạy thể dục của Callum, cho biết: “Khi những học sinh khác kêu ca vì lạnh hay bị đau chân, các em sẽ cảm thấy khích lệ nhiều hơn khi chứng kiến nghị lực phi thường của Callum”. Ngoài ra, Callum cũng không nhận được sự ưu đãi nào so với các học sinh khác. Cậu được đối xử như các học sinh bình thường.

THIÊN HƯƠNG (Theo Mirror và Thisiscornwall)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

GS Trần Văn Khê hy vọng "hậu sinh" sẽ "khả úy"

* THÙY ANNA thực hiện phỏng vấn



"Tôi rất quý trọng tuổi trẻ, nên có viết bài “Hậu sanh khả úy” và trong sự truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi đặt trọng tâm vào thế hệ trẻ, vì thế hệ này sẽ làm chủ đất nước Việt Nam", GS Trần Văn Khê tâm sự sau khi xuất bản cuốn tự truyện mới.

http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/thutrang7/thutrang7/10_giao1818.jpg



Ở tuổi 90, Giáo sư Trần Văn Khê còn đủ sức viết một cuốn sách mang tên: Tự truyện Trần Văn Khê – những câu chuyện từ trái tim. Một cuốn sách hứa hẹn nhiều sẻ chia, kì vọng của “bậc thầy” âm nhạc vào thế hệ trẻ… PV CAND có cuộc trò chuyện với Giáo sư Trần Văn Khê xung quanh sự kiện này.

- Thưa Giáo sư, tự truyện Trần Văn Khê - những câu chuyện từ trái tim có hứa hẹn cho độc giả một câu chuyện nhân văn, một tư tưởng lớn của một tài năng âm nhạc đã ở tuổi xưa nay hiếm?

- Câu chuyện từ trái tim không phải là một câu chuyện nhân văn, một tư tưởng lớn của một tài năng âm nhạc đã ở tuổi xưa nay hiếm, mà là những câu chuyện rất thường ghi lại những quãng đời khó khăn của tôi mà tôi nhờ quyết tâm vượt lên tất cả khó khăn đó.

- 12 câu chuyện của Giáo sư là một dòng chảy lịch sử của cuộc đời con người từ khi còn là một đứa trẻ mồ côi cho đến ngày nay, khi đã viên mãn với công danh và toàn gia hạnh phúc. Ông có thông điệp gì lớn muốn gửi tới độc giả khi kể câu chuyện cuộc đời khi đã 90?

- Tôi muốn gửi lại cho tuổi trẻ đôi lời nhắn nhủ để các bạn trẻ không nhụt chí trước cảnh khó, mà bao giờ cũng phải vươn lên để tìm lấy sự an nhiên tự tại trong đời.

- Trong cuốn tự truyện này, ông nhắc nhiều đến chiếc áo dài dân tộc, chiếc đàn, phương pháp dạy con bằng trái tim tỉnh táo và sự khiêm tốn là hạt ngọc tâm hồn. Tại sao ông lại chọn những vấn đề trên để nhấn mạnh trong cuốn tự truyện của mình?

- Tôi muốn nhắc lại cho các bạn trẻ thấy rõ chân giá trị của văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục và văn hóa nghệ thuật. Về đức tính con người, tôi thường nhắc nhở con tôi “Khiêm nhường nhắc trẻ từ bao thuở - Bền chí khuyên con đến suốt đời”.

- Đặc biệt trong cuốn tự truyện: “Trần Văn Khê – những câu chuyện từ trái tim” sẽ có món quà là “Tiếng hát, tiếng đờn của Giáo sư Trần Văn Khê qua thời gian”. Một Giáo sư ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn tâm huyết làm một cuốn sách có tựa đề “trẻ” và “hiện đại” như vậy, hẳn ông ưu ái cho giới trẻ nhiều?

- Tôi rất quý trọng tuổi trẻ, nên có viết bài “Hậu sanh khả úy” và trong sự truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm của tôi, tôi đặt trọng tâm vào thế hệ trẻ, vì thế hệ này sẽ làm chủ đất nước Việt Nam. Và có thể thực hiện được những lý tưởng, hoài bão của tôi mà tôi chưa đạt được.

- Theo Giáo sư, điều gì khiến âm nhạc truyền thống tuy “gần gũi” nhưng lại ngày một trở nên xa lạ với giới trẻ như vậy, thưa Giáo sư?

- Giới trẻ xa lạ với truyền thống vì những lý do lịch sử, tâm lý, kinh tế mà tôi đã phân tích rất rõ ràng trong bài "Căn bệnh mãn tính của âm nhạc truyền thống Việt Nam" đã đăng trên báo. Trong khuôn khổ của câu trả lời không thể nói đủ và rõ ràng tất cả các lý do.

- Trong CD, có vài ca khúc do chính Giáo sư phối khí, đệm đàn piano và hát. Dường như tuổi tác không thể trở thành "vật cản" đối với sức sáng tạo của người nghệ sĩ già?

- Trong CD không phải là những sáng tác của tôi làm trong lúc tuổi già, mà một phần lớn trong CD là tôi đàn và ngâm theo phong cách dân tộc, có một vài bản tân nhạc mà tôi tự đệm đàn piano để hát là những bản tôi đã ghi âm để làm kỷ niệm từ hai, ba chục năm trước. Tôi là một nhà nghiên cứu về lịch sử, một nghệ nhân về âm nhạc truyền thống, chứ không phải một ca sĩ tân nhạc, hay một nhà sáng tác nhạc.

- Nhân dịp ra sách, Giáo sư còn dự định kết hợp với First new, đơn vị phát hành cuốn sách trích số tiền bán sách trao tặng 10 suất học bổng cho sinh viên nghèo để củng cố niềm đam mê âm nhạc dân tộc trong thế hệ trẻ?

- Không phải chỉ lần này tôi mới nghĩ đến việc trao tặng 10 suất học bổng cho sinh viên nghèo, mà từ 20 năm nay, tự tôi bỏ tiền và sau này nhờ học bổng của GS Odon Vallet - hằng năm trao tặng cả tỷ bạc cho tất cả sinh viên và học sinh ưu tú trong tất cả các ngành, do GS Trần Thanh Vân và phu nhân Kim Ngọc phân phối - nên có được hằng năm gần 150.000.000 đồng để cho những học sinh nghèo mà có năng khiếu biểu diễn âm nhạc dân tộc.

- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này.


(Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi...vanhoa/2010/7/134080.cand
* Xem thêm tại: http://www.thanhnien.com..../20100718232948.aspx)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giáo Sư Trần Quang Hải: “Tôi đang nối gót ba tôi...”



Theo chân thân phụ là nhà âm nhạc học nổi tiếng Trần Văn Khê, GS Trần Quang Hải đã mang toàn bộ kho tư liệu về âm nhạc thế giới của ông về nước để tặng Viện Âm nhạc VN.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=436437
GS Trần Quang Hải biểu diễn đàn muỗng (Ảnh: Nga Linh)



1. “Khi biết tôi quyết định như thế ba tôi đã viết thư cho tôi, đại ý: ba không thể ra Hà Nội để tham dự hội nghị về âm nhạc lần này cũng như không tham dự buổi trao tư liệu của con cho Viện Âm nhạc VN, nhưng ba rất vui vì quyết định của con cũng như ba đã tặng toàn bộ tư liệu ba có cho Nhạc viện TP.HCM”.

GS Trần Quang Hải bắt đầu câu chuyện như thế khi nói về chuyến trở về VN lần thứ năm của mình sau đúng 60 năm sinh sống và làm việc tại Pháp. Ở tuổi 67, ông tỏ ra rất hạnh phúc và sung sướng khi nói về cha mình. Ông còn hãnh diện vì có mấy người bước vào tuổi như ông mà vẫn còn được gọi tiếng “ba” đầy yêu thương.

Nhìn bề ngoài hai cha con rất giống nhau, kể cả giọng nói. Là một trong bốn người con của GS Trần Văn Khê, ông Hải có nhiều điểm chung với thân phụ mình nhất. Hai cha con từng học chung một trường (Đại học Sorborne), cùng nghiên cứu về âm nhạc, cùng nặng lòng với vấn đề bảo tồn âm nhạc cổ truyền VN và sau khi rời nhiệm sở cả hai đều đóng gói tất cả những gì mình thu nạp được suốt cuộc đời rong ruổi khắp thế giới để tặng cho học sinh và nhà nghiên cứu ở quê nhà. Hai cha con đã cùng có một điểm dừng chân của cuộc đời.

2. GS Trần Quang Hải lấy trong túi ra những vật dụng rất đỗi giản dị nhưng đã gắn bó với ông suốt 60 năm qua, đó là cặp muỗng (thìa) bằng inox sáng loáng, là chiếc đàn môi của người Mông - những nhạc cụ đã theo ông đi khắp thế giới, mang lại niềm vui và cả sự ngỡ ngàng cho rất nhiều người. Với cặp muỗng và chiếc đàn môi, ông đã biểu diễn không biết bao nhiêu buổi và gặp được bao người Việt xa xứ sống ở Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bulgaria...

Âm nhạc, theo GS Hải, vượt qua mọi bất đồng ngôn ngữ; không có rào cản và khoảng cách nào, kể cả địa lý, sắc tộc, màu da và tôn giáo, ngăn được âm nhạc. Ông cho rằng âm nhạc không chỉ để giải trí mà gắn liền với đời sống con người. Ở một giai đoạn nào đó hoặc trong một trường hợp cụ thể nào đó sẽ có một thứ âm thanh hay giai điệu tác động mạnh mẽ đến cả cuộc đời mỗi người. Đối với những ai xa quê hương, âm nhạc cổ truyền chốn quê nhà sẽ mãi sống trong tâm khảm của họ.

Theo GS Hải, có thể ứng dụng âm nhạc cổ truyền vào nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn giúp người nói lắp (cà lăm) điều chỉnh hành vi bằng cách biến những câu nói thông thường thành giai điệu. Hoặc nhờ chiếc đàn môi mà người câm có thể giao tiếp được, hay những người bệnh tâm thần có thể trở về trạng thái bình thường khi nghe và hát những bài hát về một thời tươi đẹp của họ.

Ông kể: “Năm 1979 tôi đến Hà Lan tham dự một sự kiện về âm nhạc, tại đây tôi đã đến thăm một trại tâm thần có vài chục người Việt ở. Người quản lý trại cho biết những người tâm thần tại đây sẵn sàng tấn công bất kỳ ai. Nhưng sau khi tiếp xúc với họ qua những làn điệu dân ca, những bài tân nhạc, tôi đã nói chuyện được với họ. Hóa ra họ là những người lao động VN khi sang đây không còn được nói tiếng Việt, cũng không được giao lưu tiếp xúc một cách bình thường nên chỉ sau chừng một năm xa Tổ quốc họ đã phát điên”.

Sau cuộc gặp gỡ ấy trở về Pháp, tôi đã gửi sang trại rất nhiều băng cassette thu bài hát VN. Nửa năm sau có khoảng 1/3 số người Việt được ra trại, đến nay họ vẫn liên lạc với tôi và nói rằng chính nhờ những bài hát ấy mà họ đã được đánh thức lại cả một thời ký ức tươi đẹp ở quê nhà”.

Bằng kiến thức âm nhạc phong phú cũng như các nghiên cứu về âm thanh, cấu trúc của thanh quản, GS Hải có thể thay đổi giọng nói, thay đổi hình thái, sắc thái, âm vực từng câu nói: “Việc thay đổi giọng rất cần thiết trong diễn xuất. Nếu một diễn viên có thể nói được nhiều giọng với nhiều cung bậc khác nhau thì người được lợi chính là khán giả”.

3. Khi tham gia biên soạn từ điển nhạc cụ New Grove, GS Trần Quang Hải đã đưa vào hơn 200 loại nhạc cụ của VN với đầy đủ hình ảnh minh họa. Bằng cách này ông đã giới thiệu với thế giới lai lịch cũng như cách sử dụng, tính chất của từng nhạc cụ Việt. Thông qua các bài giảng và bài viết, ông giới thiệu với thế giới về âm nhạc truyền thống VN có lịch sử trải dài hàng ngàn năm. Thông thạo bốn ngoại ngữ, GS Trần Quang Hải đã và đang thu hẹp khoảng cách về âm nhạc truyền thống giữa VN và thế giới.

Nghiên cứu và sưu tầm tài liệu trong nhiều thập niên, đến hôm nay GS Trần Quang Hải mang về tặng Viện Âm nhạc VN một kho tài liệu gồm hàng ngàn cuốn sách, hàng ngàn tạp chí chuyên ngành và giáo trình, băng, đĩa CD, VCD, DVD tổng hợp đầy đủ nhất nền âm nhạc truyền thống thế giới với mong muốn duy nhất: những người nghiên cứu, các sinh viên ngành âm nhạc có thêm tài liệu tham khảo. Trong hàng ngàn cuốn sách ông tặng cho viện có những cuốn rất hiếm, chỉ thấy ở các viện nghiên cứu âm nhạc một số quốc gia.

Cái bóng của người cha có quá lớn, che khuất ông không? Có người đã hỏi GS Trần Quang Hải như thế. Khi mới sang Pháp học ở Đại học Sorborne, ông đã học đúng khoa cha mình từng học. Nhưng trong quá trình học ông chọn cho mình một lối đi riêng là nghiên cứu về âm nhạc dân tộc toàn thế giới. Ông đã đặt chân đến 70 quốc gia để nghiên cứu và giảng dạy về âm nhạc truyền thống. “Ba tôi và tôi chọn hai hướng đi khác nhau, tôi có đến 23 năm nữa để có tuổi bằng ba tôi bây giờ và để tiếp tục nghiên cứu về âm nhạc truyền thống. Suốt mấy chục năm qua và cho tới những năm kế tiếp của cuộc đời, tôi vẫn chứng tỏ được mình không bị bóng của cha mình che khuất” - ông Hải nói.

4. Thời gian 60 năm xa đất nước là 60 năm ông mang theo nếp sống Việt trong ngôi nhà tại Paris, mang theo hàng trăm món ăn Việt trên bàn ăn gia đình. “Bữa cơm thường có thịt kho nước dừa ăn với dưa hấu hoặc xoài. Ngày tết có bánh chưng bánh tét, Trung thu có bánh dẻo bánh nướng, mồng năm tháng năm có bánh trôi bánh chay... Tôi có một cô con gái sinh ra tại Pháp nhưng nói tiếng Việt rất trôi chảy”.

Ông bắt tay thân thiện và trò chuyện cởi mở với các nhân viên phục vụ khách sạn nơi ông ở, sẵn sàng biểu diễn đàn môi, đàn muỗng cũng như các kỹ thuật hát ngay tại quán ăn. Trông vị GS 67 tuổi thật nhanh nhẹn khi bước ra đường phố Hà Nội đang ùn ùn người và xe. Ông đang đi theo con đường của người cha: 10 năm trước đây, GS Trần Văn Khê cũng đã từ Pháp trở về định cư hẳn tại VN để tiếp tục làm công việc đã gắn bó cả đời là nghiên cứu, giữ gìn âm nhạc cổ truyền VN.

HOÀNG ĐIỆP (Tuổi Trẻ cuối tuần)

Trở về VN lần này, ngoài mục đích tặng tài liệu cho Viện Âm nhạc VN, GS Trần Quang Hải (thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế) còn tham dự hội nghị âm nhạc quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại VN với chủ đề “Âm nhạc dân tộc học” và “Âm nhạc học ứng dụng” do Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế tổ chức ở Hà Nội từ ngày 19 đến 29-7-2010.

Tại hội nghị, ông giữ vai trò chủ tọa trong một số chủ đề về VN và đóng góp tham luận “Phương Tây hóa và hiện đại hóa cồng chiêng của đồng bào cao nguyên Trung bộ VN”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lòng trắc ẩn đang bị thử thách

* KIM YẾN thực hiện



SGTT.VN - Có một phụ nữ đi khắp thế gian để học cách giúp người khuyết tật được sống đúng như một con người, đó là Võ Thị Hoàng Yến. Với bản lĩnh cương cường và một tình yêu cuộc sống mãnh liệt, chị từng đoạt giải Kazuo Itoga Memorial – giải thưởng tôn vinh những cá nhân ở châu Á – Thái Bình Dương có đóng góp nổi bật cho cuộc sống của người khuyết tật. Hoàng Yến đã vượt qua bao nghịch cảnh, để biến DRD trở thành một “doanh nghiệp xã hội” với ý nghĩa đẹp nhất của nó.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=110029
“Tôi muốn DRD là nơi chốn giúp người khuyết tật cùng nhau hát lên bài ca khát vọng”. (Ảnh: DRD)



Mỗi sáng thức dậy, điều gì thôi thúc chị nhất, để có thể tiếp tục chống đôi nạng gỗ, đi lang thang khắp mọi miền đất nước, gầy dựng và duy trì trung tâm Khuyết tật và phát triển (Disability Research and Capacity Development – DRD)?

Khi tôi lập DRD, nhiều người cho tôi… điên! Có người còn ái ngại: “Một người con gái yếu đuối, tật nguyền như em, lo cho bản thân chưa xong, còn bày đặt đàn đúm hội họp làm gì cho khổ?”… Nhưng tôi nghĩ muốn giúp người khuyết tật thì phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân với cộng đồng, và với chính mình, giúp cộng đồng và người khuyết tật nhận rõ quyền được sống, được đối xử bình đẳng.

Có ai hiểu người khuyết tật cô đơn và tuyệt vọng như thế nào, bởi họ nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Họ cũng là con người với tất cả khát khao được học tập, được làm việc và cống hiến, được yêu thương và có mái ấm riêng, được thụ hưởng các dịch vụ xã hội như thư viện, nhà hát, xe buýt, quán xá… Tôi muốn DRD là nơi chốn giúp người khuyết tật cùng nhau hát lên bài ca khát vọng. Ở đây, mỗi người khuyết tật sẽ thấy mình có một giá trị cá nhân sâu sắc và cuộc sống đẹp đẽ hơn chính là nhờ sự đa dạng, sự khác biệt – cái mà họ có thừa.

Kinh doanh với tinh thần xả thân vì cộng đồng, chị thực sự tạo ra một hiệu ứng lan toả rất đẹp trong giới doanh nhân…

Xét về lợi ích xã hội thì DRD có lời, nhưng về kinh doanh thì còn bấp bênh lắm, nhưng thật may mắn là không khí ở đây lúc nào cũng ấm cúng bởi những tấm lòng. Tôi quan niệm mỗi tác phẩm hội hoạ, mỗi bức tranh thêu, đến từng ly nước, từng món ăn ở đây đều phải đẹp, chất lượng, phục vụ tốt, giá cả cạnh tranh. Có như vậy người khuyết tật mới nhận ra giá trị của mình để có thể tự hào về bản thân. Tôi rất chú trọng khơi gợi tinh thần khởi nghiệp doanh nhân cho người khuyết tật. Một doanh nhân xã hội theo tôi phải hội đủ nhiều phẩm chất: người tiên phong, sáng tạo, liều lĩnh, dám đối diện với thử thách, bền chí, nhìn thấy cơ hội mà người khác không thấy… để làm kinh doanh vì mục đích cộng đồng. Làm kinh doanh tất yếu phải có lãi, nhưng với một doanh nghiệp xã hội, cái lãi lớn nhất chính là tạo ra những thay đổi trong thang giá trị cho xã hội.

Là “thủ lĩnh” của DRD, chị nghĩ gì khi những cộng đồng nhỏ như nhóm những người khuyết tật DRD và nhiều nhóm hoạt động phi lợi nhuận khác đang trở thành một lực đẩy lặng lẽ tác động lại xã hội, để gìn giữ và bảo vệ những giá trị đáng quý của cộng đồng?

Cộng đồng thực chất được tạo ra bởi những nhóm nhỏ, người khuyết tật có thể là những người xây dựng cộng đồng hiệu quả. Mục tiêu của DRD là nâng cao nhận thức của chính người khuyết tật và các thành viên khác trong cộng đồng về các vấn đề khuyết tật, xây dựng năng lực cho các cá nhân và các nhóm, tổ chức của người khuyết tật, để phát triển chuyên ngành công tác xã hội với người khuyết tật. Phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ từ bên ngoài sẽ làm mất đi lòng tự hào về mảnh đất mình đang sống, mà lòng tự hào là động lực của sự gắn bó và đóng góp cho cộng đồng. Phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ từ bên ngoài cũng tác hại rất lớn đến vấn đề phát triển bền vững. Nếu chúng ta bắt đầu từ những gì mà cộng đồng đã từng tự hào, những gì cộng đồng đang sẵn có rồi tìm cách phát triển chúng thì tiềm lực sẽ lớn dần lên, và những khó khăn sẽ nhỏ dần, nhường chỗ cho niềm tin mới, năng lực mới.

Là thạc sĩ về phát triển con người, theo chị, giá trị sống nào là quý giá nhất? Để nuôi dưỡng điều đó, nhà trường cần phải làm gì?

Chỉ có tình yêu thương mới giúp con người vượt qua được chính mình. Giới trẻ bây giờ mất phương hướng, lạc lõng, nhưng khổ nhất là mất niềm tin. Trăn trở của cô Nguyễn Thị Oanh cũng là trăn trở của riêng tôi, trường học của chúng ta cần có nhân viên xã hội thực thụ để sẵn sàng giúp các em giải toả mọi ưu phiền. Ngoài việc học tập, các em phải đối mặt với rất nhiều vấn đề của cuộc sống như đói nghèo, ma tuý, bị bắt nạt, lạm dụng tình dục, gia đình tan vỡ… Nhân viên xã hội chuyên nghiệp sẽ giúp các em vượt qua những khó khăn ấy và học tốt hơn.

Đối với học sinh cuối cấp trung học, còn có những chương trình chuyển giai đoạn, giúp các em bước vào môi trường sống lớn hơn, với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ hơn như vào đại học, học nghề, hoặc đi làm kiếm sống… Ở các nước, không chỉ trong trường học, mà cả bệnh viện, cộng đồng đều có nhân viên xã hội.

Với chị, giá trị sống nào bị thử thách nhiều nhất?

Lòng tin. Lòng tin giống như một vốn xã hội, đang bị “thất” vô cùng. Mối quan hệ giữa con người và con người phải được xây dựng trên cơ sở niềm tin, nhưng bọn trẻ luôn cảm giác bị phản bội, không được lắng nghe, bị quay lưng, và không còn tin vào ai nữa. Một lần, cách đây cũng lâu rồi, tôi xin được 100 chiếc xe lăn cho người khuyết tật, lo nhất của tôi là làm sao có tiền chuyên chở tới cảng. Một chị ở tổ chức quốc tế đã hứa giúp số tiền ấy. Thế là tôi lặn lội khắp các miền quê để tìm ra những người cần xe lăn nhất. Nhưng khi xong xuôi rồi thì chị ấy trở mặt, nói là đâu có hứa hẹn gì với tôi.

Lần đầu tiên tôi oà khóc vì cảm giác mình đang phản bội lại lòng tin của 100 con người. Tôi cầu cứu khắp bạn bè, vận động mua được 15 chiếc xe trong nước, nhưng vẫn còn đó món nợ đau lòng là hai trong số 100 người đó đã mất trước khi nhận được xe lăn. Đó là một em bé bại não, nhà rất nghèo, mẹ em chỉ mong có được chiếc xe lăn để đưa con ra đồng; và một bà cụ già nằm liệt giường chỉ mong có ngày được nhìn thấy bầu trời…

Có hai bằng đại học (kinh tế và ngoại ngữ), tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học hành vi tại đại học Kansas, Hoa Kỳ với khoá luận xuất sắc, từng nhận giải thưởng của nhiều tổ chức quốc tế về hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng người khuyết tật Việt Nam, và đang là giảng viên đại học Mở TP.HCM… chị đã trải qua những gian khổ như thế nào trong cuộc chinh phục tri thức?

Cơn sốt bại liệt từ khi mới hai tuổi đã đẩy tôi vào một góc tối tưởng chừng không gượng dậy nổi, nhưng trong tôi luôn có một tình yêu cuộc sống mạnh mẽ. Nhưng chính thái độ của những người bên ngoài mới làm tôi cảm nhận mình là người khuyết tật. Điều đó làm tôi đau, càng nỗ lực học thật giỏi. Ngôi trường làng cách nhà hai cây số, hằng ngày tôi phải đi bộ đến trường, phải chịu đựng sự chế giễu của bạn bè, có đứa còn ác miệng gọi tôi là Quách Hoè vì dáng đi tập tễnh, nhưng tôi gan lì lắm, chẳng khóc bao giờ.

Đau đớn nhất với tôi là tấm bằng cử nhân kinh tế và bằng A Anh văn cũng không giúp tôi xin được việc làm. Tôi chạy khắp nơi gần như tuyệt vọng, may sao một công ty liên doanh nhận tôi vào chức kế toán trưởng. Khấp khởi mừng, nào ngờ ngày đầu tiên đi làm, ông giám đốc trốn biệt, chỉ sai thư ký nói với tôi rằng hãy về đi, vì công ty đang có sự thay đổi, sẽ báo lại sau! Thì ra khi phỏng vấn, ông không nhận ra tôi là người khuyết tật.

Sau cú sốc đó tôi mất ngủ mấy tháng trời. Tôi nghĩ rất nhiều, phải làm gì đó không chỉ cho mình, mà cho cả người khuyết tật. Những ngày học ở Mỹ đã cho tôi một cái nhìn mới. Đề tài khoa học “Giúp phát triển kỹ năng vận động và biện hộ cho sinh viên khuyết tật” của tôi được ngân hàng Thế giới mời báo cáo tại trụ sở chính của ngân hàng Thế giới ở Washington D.C hè 2004.

Sau khi ra trường, nhiều lời mời gọi hấp dẫn cho tôi ở Mỹ, nhưng tôi vẫn quyết định trở về và lập DRD. Tôi nghĩ sống quan trọng là phải có niềm tin và biết nắm lấy cơ hội. Với người làm công tác xã hội, càng phải tin vào con người, vào cuộc đời.

Chị suy nghĩ như thế nào về sự giàu có, sự cho đi mà không cần nhận lại?

Bạn bè hồi học chung đại học Kinh tế giờ gặp lại ai cũng giàu có, riêng tôi vẫn… vô sản, nhưng các bạn ấy lại “ganh tị”, bảo tôi là giàu có nhất. Tôi nghĩ giàu có phải đi đôi với hạnh phúc, làm được điều tốt đẹp cho mọi người.

Tôi cũng đã từng bị đồng tiền hành hạ, nhất là khi những dự án cho người khuyết tật phải ngưng giữa chừng vì hết tiền tài trợ. Chính vì thế tôi muốn DRD trở thành công ty tồn tại hàng trăm năm, để con cháu mình được cống hiến cho cộng đồng một cách bền vững. Muốn thế, chắc chắn phải rất mệt mỏi, và có khi rất đau lòng, vì lần đầu tiên khi các em bước ra đời mà bị vùi dập, bị phản bội, dễ dẫn đến tuyệt vọng lắm. Đào tạo cho các em một nghề, nhưng quan trọng hơn là giúp các em có cái nhìn tích cực về cuộc sống, để các em vững chãi bước vào đời. Phải vững chãi, tự tin, mới có thể làm giàu, và biết cho đi.

Ở các nước, ngành khoa học ứng dụng phân tích hành vi giúp cho việc phát triển nhân cách con người, phát triển cộng đồng. Người ta chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực với nhau thật lòng, còn ở ta chậm vì ít ai biết chia sẻ. Lòng trắc ẩn, lòng từ bi của con người đang bị thử thách rất lớn bởi sự thực dụng. Chúng ta đừng đổ lỗi hết cho nhà trường; nhưng trong gia đình, khi giáo dục con cái, chúng ta luôn sợ con mình bị thiệt thòi, nên chỉ chăm bẵm cho cá nhân, ít dạy con quan tâm đến người khác, khiến bản thân các em tính toán ngay từ nhỏ, làm sao mở lòng ra được. Giáo dục ban đầu mà ích kỷ như thế thì các em đâu còn tin vào lòng tốt, và làm sao đem lòng tốt đến với mọi người.

Âm nhạc cũng là “vũ khí đắc lực” của DRD. Làm thế nào để chị gìn giữ tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống mạnh mẽ như thế?

Tôi là người ham vui. Hồi nhỏ có bao nhiêu tiền cũng để dành mua sách hết. Cuốn sách khiến tôi khóc nhiều nhất là Vô gia đình. Sách mở ra cho cô bé bên con đường đầy bụi đỏ cả một chân trời. Mê âm nhạc, tôi tự học đàn, học hát, học nhiếp ảnh, quay phim… và còn viết báo, làm thơ… Có những lúc quá mệt mỏi, tôi ngồi lặng lẽ trong nhà nghe nhạc. Nghe nhạc cũng là một cách học, học sự đẹp đẽ. Nhờ thế mà tôi dễ cảm thông hơn với mọi người.

Chính tình yêu thương của gia đình và những khó khăn trên đường đời đã làm cho bản lĩnh của tôi mỗi ngày một sắt lại. Tôi nhớ mãi hình ảnh của má đêm đêm thức bóp chân cho tôi bên ánh đèn cầy với đôi mắt đau đáu lo âu. Tình yêu thương của má khiến tôi không thể làm điều gì sai trái, không thể phản bội lòng tin của mọi người, biết mở lòng ra với người khác. Khi người ta có tình yêu, sẽ muốn san sẻ thật nhiều.

Chị đã tìm thấy tình yêu cho riêng mình chưa?

Tôi vốn là người lãng mạn, nên cũng ao ước tìm một nơi yên ả để sống, sáng tác, nhưng mình không chịu được khi thấy mọi người cần mình, và rồi lại đối đầu với áp lực, lại cuốn theo. Tôi yêu thích cuộc sống vì mọi người, và tôi tin mọi vấn đề đều luôn luôn có giải pháp (cười hạnh phúc).
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

           Thủ khoa ở chợ

Ở chợ Bắc Trà My, câu chuyện của các bà, các chị mấy ngày qua bắt đầu bằng cái tin thằng Huy “bún” đậu thủ khoa đại học. Mắt ai cũng lấp lánh tự hào vì cuối cùng thằng bé của chợ đã được vinh danh.

Thằng bé của chợ

Chị bán rau củ ở ngay đầu chợ Bắc Trà My tạm rời sạp hàng, nhiệt tình chỉ dẫn đường đi dích dắc đến “nhà” của thủ khoa Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đình Huy ngay trong lòng chợ. Dường như chị không muốn giấu giếm một điều rất tự nhiên rằng, bất kỳ ai ở chợ này cũng có quyền tự hào về cậu bé này. Đường vào chợ loằng ngoằng lối, “nhà” của Huy thực sự khó tìm khi khuất lấp sau dãy ki ốt tối om. Huy với tay bật công tắc. Bếp ăn, giường tủ, bàn ghế, phòng ngủ, góc học tập... lộ ra, chen chúc trong khoảng không gian chưa đầy 8m2 . Khó có thể tin rằng, khoảng không gian hẹp như thế lại là nhà của hai mẹ con Huy trong suốt mấy chục năm trời mưu sinh ở chợ. Huy hồn nhiên nói: “Chợ chính là nhà rồi đó. Đây là căn nhà thứ hai từ lúc em theo mẹ, căn nhà hồi trước là cái lều dựng giữa chợ để mẹ bán bún rồi hai mẹ con tá túc luôn ở đó”. Còn “căn nhà” bây giờ nói là nhà nhưng thực ra là ki ốt nhỏ dùng để chứa hàng ở chợ, mẹ con Huy thuê lại mỗi tháng 200 nghìn đồng làm nhà ở.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/hs.jpg

Nguyễn Đình Huy bên góc học tập của mình.

Từ năm học lớp 1, Huy đã theo mẹ lên chợ Bắc Trà My tìm kế mưu sinh. Gánh bún của mẹ đã cưu mang  để Huy thành chàng thủ khoa đại học như bây giờ. Huy khoe về góc học tập tự chế trong ki ốt như “một giang sơn đầy lãng mạn” song như một lò bánh mì hầm hập nóng, như một thư viện đầy kiến thức mà chẳng khác một ổ chuột eo hẹp, cao chưa đầy một thước. Nơi được ví von “phải gập 2 khúc cái đứa cao 1m70 như Nguyễn Đình Huy mới có thể nhét vừa chiều cao”. Nhưng ở đó, Huy miễn nhiễm với mọi tiếng ồn của chợ để tập trung vào mỗi giờ học bài, mặc cho tiếng máy may nhà bên cạnh kêu rào rào, mặc cho mồ hôi chảy như suối. Cứ như thế, cái gác lửng ọp ẹp chia làm 2 căn phòng mẹ và con trai đã gom góp đầy đặn cho Huy thành tích học tập cao ngất, đến đỉnh là thủ khoa Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh với số điểm 28, trong đó môn hóa 10 điểm tròn.

Kỳ lạ là kết quả mơ ước này chẳng làm bất kỳ ai ở xóm chợ Bắc Trà My ngạc nhiên. Với họ, đó là chính là điều hiển nhiên cho mỗi ngày họ nhìn thấy thằng bé Huy phụ mẹ bưng từng tô bún ở chợ khi nó mới vào lớp 1.


Ước mơ chênh vênh

Năm 7 tuổi, Huy nhớ mình đang nâng niu giấc mơ chuẩn bị vào lớp 1 thì ba mẹ chia tay nhau. Theo mẹ từ Thăng Bình lên Bắc Trà My, Huy bắt đầu những tháng ngày làm thằng bé ở chợ. Những biệt danh Huy “chợ”, Huy “bún” cũng theo Huy đến trường. Không nhớ rõ mình đã trải qua tuổi thơ cơ cực như thế nào, Huy chỉ in đậm trong ký ức về căn lều liêu xiêu giữa chợ của hai mẹ con chỉ chực gió mạnh là sụp tan tành. Ngay từ lúc còn bé xíu, Huy đã như một người đàn ông trưởng thành, phải bán buôn đỡ đần cho mẹ từ tờ mờ sáng.


http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/hs1.jpg

Huy giúp mẹ chuẩn bị bán hàng lúc tờ mờ sáng.                                 Ảnh: A.T

Hằng ngày, Huy phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chọn thịt tươi, cạo lông heo, lóc thịt và khiêng một nồi nước lèo to tướng. Rồi làm chân chạy bàn cho khắp cả chợ mỗi buổi sáng nếu  không trúng vào buổi học. Huy làm tất tần tật mọi việc, cùng mẹ chạy ăn từng bữa. Trong tính toán của hai mẹ con chỉ đủ cho những bữa cơm, tập vở, tiền học và chưa bao giờ thừa ra một đồng lẻ dành dụm ước mơ về một căn nhà. Em kể: “Mỗi ngày mẹ bán chừng 5 - 6 ký bún, dư được khoảng 60 - 100 nghìn đồng. Nhưng lúc nào mẹ cũng nói phải cố gắng mà đậu đại học, bao nhiêu mẹ cũng cố gắng tìm cách xoay xở”. Huy đậu đại học rồi, mọi thứ lại cứ thừa ra đó những nỗi lo thiếu hụt.  Mẹ: Thiếu cho con một tấm áo mới ngày đi học xa; Con: thiếu cho mẹ người đỡ đần mỗi sớm mai dọn hàng ở chợ. Chị Nguyễn Thị Thúy Hòa (mẹ của Huy) day dứt: “Chỉ sợ con không đủ yên tâm về mẹ để mà đi học. Cực khổ bao nhiêu cũng cứ phải ráng cố gắng lo cho con dù biết là khó khăn”.

Thủ khoa Đại học Ngân hàng nhưng Huy chọn Đại học Y Dược với số điểm 26 để bắt đầu cho giấc mơ ngày đi  học xa. Bởi đơn giản trong Huy còn đó ký ức về những ngày mẹ nằm bệnh liệt giường không tiền mua thuốc, không tiền ăn, còn căn bệnh mất ngủ, đau nhức của mẹ mỗi đêm em nằm học bài nghe mẹ thao thức. Ngày đi học không xa nữa mà những gì dành dụm được cho chuyến hành trình của chàng thủ khoa Nguyễn Đình Huy chỉ là ước mơ và những lo toan.

DOÃN HOÀNG - ANH TRÂM
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Chàng trai chơi dương cầm bằng chân



TTO - Xuất hiện trong chương trình China's Got Talent, thí sinh 23 tuổi Lưu Vĩ đến từ Bắc Kinh (Trung Quốc) dù bị mất đôi tay nhưng đã khiến cả ban giám khảo lẫn những khán giả có mặt tại đây xúc động trước màn trình diễn bản Mariage D'amour bằng chân vô cùng tuyệt vời.



Lưu Vĩ đã trình diễn bản Mariage D'amour lừng danh của nghệ sĩ piano Richard Clayderman bằng những ngón chân uyển chuyển của mình. Sau khi bản nhạc kết thúc, ban giám khảo và các khán giả trong trường quay đều không giấu được xúc động. Tất cả đều đồng loạt đứng dậy vỗ tay.

Năm 10 tuổi, Lưu Vĩ bị mất cả hai tay sau khi bị điện giật do chạm phải dây điện cao thế. Mặc dù vậy, Lưu Vĩ là người rất lạc quan. Trong cuộc phỏng vấn với tờ Shanghai Daily, Lưu Vĩ cho biết ban đầu anh đã khóc rất nhiều và luôn tự nhủ với mình rằng đó chỉ là một ác mộng, phải “tỉnh dậy để thoát khỏi cơn ác mộng này”.

Dần dà, anh không còn cảm thấy buồn phiền nhiều vì những gì đã xảy ra trước đây và tự an ủi mình rằng nó đã là vận mệnh.

Lưu Vĩ cho biết: “Tôi không biết tại sao mọi người luôn nghĩ rằng cuộc sống của tôi như vậy là rất đau khổ vì không có tay. Thật sự tôi là một chàng thanh niên rất hạnh phúc, đang sống trong một cuộc sống đầy màu sắc, giống như những người trẻ khác”.

Năm 18 tuổi, Lưu Vĩ quyết định sẽ trở thành nhạc sĩ và bí mật chơi piano. Anh đã kiên trì tự học một mình sau khi cô giáo dạy đàn của anh bỏ cuộc vì cho rằng không thể nào chơi piano bằng chân được.

“Đối với những người rơi vào hoàn cảnh như tôi chỉ có hai lựa chọn. Hoặc là từ bỏ giấc mơ của mình và đó là cách dễ dàng nhưng sẽ khiến người ta chết vì tuyệt vọng. Hoặc là chiến đấu để sống mà không cần đôi tay”- Lưu Vỹ chia sẻ.

Thí sinh Lưu Vỹ đã được chọn vào vòng trong của cuộc thi China's Got Talent.

THIÊN HƯƠNG (Theo Shanghaiist và Sky)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam


               Kỳ nhân viết bằng chân động viên người chán sống


Sau giờ nghỉ trưa ngày 19/5 vừa qua, nhiều công nhân, nhân viên của công ty Phú Sĩ Khang , Thâm Quyến, Trung Quốc đổ ra ngoài thư giãn với chút thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi thì được chứng kiến một màn biểu diễn ngoạn mục ở ngay chân cầu, một “kỳ nhân” đang viết thư pháp bằng chân!

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/Ky-nhan-viet-bang-chan-dong-vien-nguoi-chan-song_Tin180_com_001.jpg
Người đàn ông có nghị lực phi thường và tấm lòng cao cả một mực không cho phóng viên báo đài biết danh tính của mình.

Một người đàn ông bị cụt cả hai tay, dấu ấn của một tai họa khủng khiếp nào đó vẫn không át được nụ cười và niềm lạc quan của anh. Sau khi nghe tin ở công ty này 5 tháng đầu năm 2010 có 9 người nhảy cầu tự vẫn do áp lực công việc, cuộc sống, anh đã quyết định tìm đến và viết tặng những nhân viên ở đây mấy bức thư pháp cổ vũ tinh thần.
Hành động của anh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của công nhân, nhân viên Phú Sĩ Khang. Rất nhiều người vỗ tay ủng hộ nhiệt liệt và chen chân vào xin một bức thư pháp của anh, anh đều vui vẻ đề tặng.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/Ky-nhan-viet-bang-chan-dong-vien-nguoi-chan-song_Tin180_com_002.jpg
Người đàn ông cụt hai tay đang trổ tài viết thư pháp bằng chân.

Người đàn ông đã cụt cả 2 tay ấy cho biết, vài năm trước anh làm đầu bếp cho một nhà hàng ở Bắc Kinh. Một lần nhà hàng này bị nổ bình gas khiến anh bị thương rất nặng, mấy lần phẫu thuật mới cứu được tính mạng, nhưng hai cánh tay dập nát phải cắt bỏ. Những ngày nằm trên giường bệnh, chứng kiến cảnh hai người đầu bạc phải chăm kẻ đầu xanh, anh đã khóc.

Sinh con ra, nuôi con khôn lớn nên người thật chẳng dễ dàng gì, dù có bị mất hai cánh tay nhưng dù sao vẫn còn được sống. Nghĩ vậy, anh trở nên vui vẻ, lạc quan và bắt đầu luyện viết bằng chân để làm chỗ dựa tinh thần và vợi bớt nỗi đau trong tâm hồn cha mẹ đã già.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/Ky-nhan-viet-bang-chan-dong-vien-nguoi-chan-song_Tin180_com_003.jpg
Anh muốn nhắn gửi những thanh niên bi quan, muốn từ bỏ cõi đời hãy vực lại sống để đền đáp công ơn của cha mẹ.

Sự cố gắng của anh đã được đền đáp, không những tìm thấy niềm vui mà nhờ những tác phẩm được viết lên bằng bàn chân ấy đã giúp anh trả được toàn bộ chi phí nằm viện điều trị.
Biết chuyện liên tục có 9 công nhân tự vẫn, người đàn ông này rất buồn, họ còn hạnh phúc hơn anh rất nhiều nhưng sao lại lựa chọn cho mình ngõ cụt ấy. Làm con trước phải đền ơn sinh thành, bao nhiêu công lao cha mẹ còn chưa đền đáp mà tự chấm dứt cuộc đời mình là đại bất hiếu.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/Ky-nhan-viet-bang-chan-dong-vien-nguoi-chan-song_Tin180_com_004.jpg
Người viết bằng chân lúc còn lành lặn chưa bị cụt tay.

Nghĩ vậy, anh quyết định phải làm một điều gì đó, bằng chính hành động, chính trải nghiệm cuộc đời mình để chia sẻ, cổ vũ các bạn trẻ vượt qua những khó khăn, áp lực trong cuộc sống.


                                          ST
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields



RẠNG DANH NƯỚC VIỆT: Trưa nay 19-8, giải thưởng Fields - được xem là giải "Nobel Toán học" - đã chính thức được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao cho giáo sư Ngô Bảo Châu của Việt Nam. Hàng triệu người Việt vỡ òa hạnh phúc.

Đúng 10 giờ 30 giờ Ấn Độ ngày 19-8 (tức 12 giờ 55 phút theo giờ VN), tại Trung tâm Hội nghị quốc tế thành phố Hyderabad, hơn 4.000 nhà toán học, quan khách và đại diện nhiều phái đoàn ngoại giao đã có mặt để tham dự phiên khai mạc toàn thể.   


http://muctim.com.vn/article/media/2010/8-19/39515//baochau2(1).jpg

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao giải cho giáo sư Ngô Bảo Châu
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nỗi buồn từ “sự kiện Ngô Bảo Châu”

* THANH TÙNG
(CAND Online)



Một trong những đóng góp lớn nhất của GS Ngô Bảo Châu cho dân tộc là anh đã chứng minh một cách thuyết phục Việt Nam có những trí tuệ có khả năng đạt tới đỉnh cao của thế giới. Vậy những trí tuệ ấy ở đâu trên đất nước và trong những lĩnh vực khác?

“Trong những chuyện buồn nho nhỏ thì chuyện buồn to nhất liên quan đến hai ông bạn thân... Có bao kỷ niệm riêng thì các bạn đã phơi lên báo nên chúng khô mất hết cả rồi. Đừng vì một niềm vui bột phát mà làm mất đi những gì quí nhất” GS Ngô Bảo Châu đã viết như vậy sau khi nhận giải thưởng Fields. Có lẽ đó không chỉ là nỗi buồn riêng của anh.

Như thường lệ, giới truyền thông lại làm dấy lên một làn sóng thông tin về GS Ngô Bảo Châu, nhân vật được coi là hấp dẫn độc giả nhất trong thời gian vừa qua. Tất cả những thông tin về anh được thu gom một cách triệt để nhất, cho dù đó là chuyện công việc, chuyện cá nhân hay một câu chuyện vu vơ bất kỳ có thể thu hút sự chú ý của công chúng. Về mặt nghề nghiệp, quá trình này cũng không khác gì việc tạo ra hình ảnh một kẻ giết người máu lạnh mang tên Nguyễn Đức Nghĩa. Trong khi đó, điều làm nên sự ưu tú của GS Ngô Bảo Châu, Bổ đề cơ bản Langlands thì lại vượt xa khả năng trí tuệ của các nhà báo và công chúng. Người hiếm hoi đặt câu hỏi về ý nghĩa của công trình này thì lại là một người nước ngoài, Joe với một bài báo trên Dantri.com.vn.

Tuy nhiên, cả xã hội đã bị cuốn vào làn sóng truyền thông đó. Chắc chắn trên đất nước Việt Nam, không nhiều người biết đến Bổ đề Langlands cũng như có khả năng hiểu và đánh giá đúng ý nghĩa của công trình này. Cái duy nhất chúng ta có thể đánh giá được, đó sự danh giá của giải thưởng Fields.

Việc GS Ngô Bảo Châu giải quyết được Bổ đề Langlands đã xảy ra từ trước nhưng việc này chỉ trở thành làn sóng với truyền thông Việt Nam khi anh đạt được một cột mốc về danh vọng. Như thế, về cơ bản, công chúng đã bị cuốn hút bởi sự hào nhoáng của vinh quang thay vì chân giá trị của trí tuệ. Và thay vì chỉ ra sự vượt trội của GS Ngô Bảo Châu trên con đường khoa học, người ta tìm kiếm những chi tiết trong các sự kiện và đời sống cá nhân, những chi tiết mà người nào cũng có.

Sự tự hào tràn lan trên các mặt báo, trong những phát biểu mang tính cá nhân cũng như tập thể. Chúng ta có quyền đó không? Để giải quyết câu hỏi này, trước hết phải rõ ràng với chính mình con đường nào đã tạo nên sự ưu tú của Ngô Bảo Châu.

Ví như chúng ta có một mảnh đất quanh năm chỉ xây được những khối nhà 2,3 tầng. Khi mảnh đất đó vào tay người khác, họ xây lên những lâu đài tráng lệ. Liệu chúng ta có nên tự hào về lâu đài đó không? Đã có rất nhiều những tài năng toán học xuất hiện trên đất nước nhưng chỉ có một mình GS Ngô Bảo Châu đạt tới tầm cao của nhân loại. Những cái tên lừng lẫy một thời như Lê Bá Khánh Trình… giờ đã về đâu trong cuộc sống?

Một trong những đóng góp lớn nhất của GS Ngô Bảo Châu cho dân tộc là anh đã chứng minh một cách thuyết phục Việt Nam có những trí tuệ có khả năng đạt tới đỉnh cao của thế giới. Vậy những trí tuệ ấy ở đâu trên đất nước và trong những lĩnh vực khác? Nền văn học với quá nhiều chất liệu không có lấy một tác phẩm đáng kể. Nền giáo dục thì đã thử nghiệm hàng chục năm trên các thế hệ học sinh rốt cuộc vẫn chưa định dạng được con đường cho mình. Nền nông nghiệp thì lạc hậu tới mức không có vắc xin phòng chống nổi một đợt dịch bệnh tai xanh ở lợn để dịch cứ lan tràn từ địa phương này qua địa phương khác rồi trở thành đại dịch.

Với thế giới, GS Ngô Bảo Châu đã mang lại một tri thức mới mẻ. Tuy nhiên, với dân tộc, anh chỉ gợi lại những nỗi buồn xưa cũ. Chúng ta đã từng có những con người vĩ đại. Triết gia Trần Đức Thảo, một trong những triết gia vĩ đại của thế kỷ với “Phương pháp hiện tượng học của Husserl”, “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”, “Nguồn gốc ngôn ngữ” và “Ý thức triết học đã đi đến đâu”. "… một con người siêu việt của Việt Nam đã đành, mà còn đáng cho nền văn hóa Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại" - (Lời giáo sư Nguyễn Đình Chú trong một bài viết của ông). Sách triết của Trần Đức Thảo đã xuất bản khắp châu Âu. Viện Hàn lâm Đức đã muốn mời ông sang để trao đổi về vấn đề con người, về Heghen…

Giáo sư vật lý thiên văn Nguyễn Quang Riệu, người được thế giới đánh giá là một trong những bộ óc ưu tú nhất của nhân loại trong lĩnh vực đã luôn hướng về quê hương. Ông đã từng xin tài trợ để xây dựng một cung thiên văn tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên theo lời ông, dự án đó đã không trở thành hiện thực do các thủ tục hành chính của thành phố Hà Nội…

Trên thế giới còn rất nhiều những nhà khoa học Việt Nam như thế. Dù họ không đạt tới đỉnh cao như GS Ngô Bảo Châu nhưng đều là những người có tài năng xuất chúng. Những con người mang dòng máu Việt Nam nhưng trí tuệ đã được vun đắp bởi các dân tộc khác trên thế giới và những trí tuệ đó cũng đang cống hiến cho những dân tộc khác trên thế giới. Đó là một nỗi đau chứ không thể là một niềm tự hào.

Khi GS Ngô Bảo Châu nổi lên như một hiện tượng, Viện Toán học đã công bố một mức đãi ngộ vượt khung nếu anh về làm việc. Đó là thu nhập khoảng 5 triệu một tháng. Đó không chỉ là cái nghèo về vật chất. Đó còn là cái nghèo trong khả năng đánh giá một tài năng trong bối cảnh thế giới phẳng. Không bàn về những đại học đang mời GS Ngô Bảo Châu, chỉ một doanh nghiệp trong nước cũng sẵn lòng tặng anh một biệt thự. Có thể trong đó có mục đích PR hay những mục đích khác nhưng nó cũng thể hiện việc doanh nghiệp có khả năng đánh giá rất đúng tầm vóc của một con người. Ở mặt này, doanh nghiệp đang “giàu” hơn nhà nước rất nhiều.

Trong một lần nói chuyện, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường Viện Công nghệ Sinh học nói một công trình khoa học thực hiện trong 2 năm thì đến gần 1 năm là lo chuyện giấy tờ hóa đơn sổ sách. Mà đó đâu phải là những việc của những nhà khoa học.

Trong nước không thiếu những người tài nhưng thực sự họ đang mơ ước có được một cơ chế làm việc khoa học cho những nhà khoa học. Từ cơ chế đó, họ mới có thể tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi năng suất, mới có thể tạo vắc xin phòng dịch, tạo thuốc chữa bệnh… Những điều đó không quá phức tạp như việc chứng minh Bổ đề Langlands. Nó không tạo ra niềm hân hoan nào quá lớn nhưng lại mang lại sự ổn định và no ấm cho cuộc sống hàng triệu người nông dân trên đất nước.

Trở lại với nỗi buồn của GS Ngô Bảo Châu. Niềm vui bột phát rồi sẽ qua đi rất nhanh. Quan trọng nhất là trả lời cho câu hỏi điều gì quý giá nhất? Chúng ta đang gìn giữ và tạo điều kiện như thế nào cho những điều quý giá nhất ấy để vượt lên những hào nhoáng vinh quang tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống từng con người?
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 7 trang (67 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối