Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Âm bản chiến tranh  

(tiếp theo và hết)

Đêm nay sao dài gấp nghìn lần cái đêm Luận cùng Hơ Miêng ân ái bên bờ suối. Có biết bao sự việc, gương mặt của thời máu lửa cứ ẩn hiện trong đầu anh. Cuộc gặp mặt các cựu chiến binh của trung đòan tăng - pháo kết hợp ở quân khu V thời chống Mỹ có thể sẽ đảo lộn cuộc sống của Luận những năm tháng sau này. Bảo gặp anh không còn vồ vập, suồng sã như mọi lần. Cái nhìn của Bảo hướng vào anh như thôi miên, nhiều ẩn ý khó đóan ra được. Thường thì trong các cuộc gặp mặt, lúc họp chung, Bảo ngồi im re, chỉ hào hứng tán bậy, chửi tục văng mạng khi vào tiệc rượu. Lần này Bảo đến trễ, nồng nặc hơi men, mắt đỏ vằn, dắt theo một bé gái chừng 13- 14 tuổi. Hội trường khi ấy đang nghiêm trang phát kỷ niệm chương và cuốn lịch sử pháo binh khu V. Trên hàng ghế danh dự, Luận được ngồi chung với mấy vị tướng và các thủ trưởng cũ nay đã về hưu, vinh danh lão thành cách mạng. Bảo bước vào, nhìn xóay vào Luận vài giây rồi quay sang cháu bé giới thiệu:

- Xin các thủ trưởng cũ, mới và anh em chiến hữu nhìn cho rõ, đây vừa là cháu nội vừa là cháu ngọai của trung đòan ta, chính xác hơn là của tiểu đòan pháo 105 ly anh hùng.

- Nói rõ và cụ thể xen nào, Bảo ơi!- Cả hội trường nhao lên.

- Thế là đủ, cần gì phải nói rõ. Thằng nào có con có cháu thì tự biết. Đau xót là ở chỗ tôi vừa cứu cháu Hơ Linh thóat khỏi ổ mại dâm tại thị trấn Hà Lam, thủ phủ huyện Thăng Bình. Cả bố lẫn mẹ cháu đều là giọt máu thuần chủng cách mạng của lính ta gửi lại trong trận đánh Quế Sơn năm 1972. Từ Hà Lam vào khu căn cứ của trung đòan ta chỉ có hơn 40 cây số theo quốc lộ 16E mà vợ chồng chúng nó sau 30 năm thống nhất, sống khổ như chó lợn nên cháu Hơ Linh mới ra nông nỗi này.

- Cậu lại phát biểu mất lập trường rồi, Bảo ơi ! Về chỗ ngồi đi cho hội nghị tiếp tục- Một thủ trưởng cũ ôn tồn nói.

- Ơ hay!...Thế nào là lập trường hở thủ trưởng? Nó là cái Đ gì mà làm khổ tôi đến mức bây giờ cái C cũng chẳng còn để lưu truyền nòi giống tổ tiên dòng họ? Sống thật với bản năng tính người, nói ra những sự khốn nạn là mất lập trường ư ? Này Luận! Cậu đang ngồi hàng ghế danh dự vì cậu đã lên quan, làm thứ trưởng một bộ quan trọng, hãy trả lời đi.

Luận cố tránh ánh mắt nhìn như moi tim, móc óc của Bảo. Anh xúc động rưng rưng, đứng dậy, bước khỏi hàng ghế danh dự, lại gần bạn, dìu Bảo về chỗ ngồi ở cuối hội trường. Thật lòng anh không muốn về lại chỗ cũ, nhưng ngồi gần Bảo và Hơ Linh lúc này thì anh không dám. Khỏi cần Bảo giới thiệu, chỉ mới thóang nhìn cô bé bước vào hội trường, anh đã nhận ra nét quen quen. Chẳng lẽ anh đã có con gái với Hơ Miêng. Chẳng lẽ Phát và Hơ Ngoan đêm ấy chỉ đủ sức một lần hoan lạc mà lại kịp có con trai với nhau. Chẳng lẽ mới 33 năm mà số phận đã ghép con anh, con Phát thành vợ chồng, sinh ra bé Hơ Linh. Trời ơi! Thật kỳ diệu và cũng thật khủng khiếp. Liệu Bảo có nhầm lẫn không và nếu đúng thì sẽ phải xử sự ra sao đây? Luận biết, từ ngày xuất ngũ, Bảo về quê Bát Tràng theo nghề ông cha, mở lò gốm mỹ nghệ. Mười năm lại đây, doanh nghiệp của anh phát đạt, nổi tiếng về nhiều sản phẩm xuất khẩu. Năm nào, đến dịp 30 tháng 4, anh đều về thăm lại chiến trường xưa, tặng địa phương vài chục triệu đồng. Sao Bảo không hề kể gì với Luận về Hơ Miêng và Hơ Ngoan…

Luận tìm về Bát Tràng không làm Bảo ngạc nhiên. Anh nắm tay bạn, giọng lanh tanh:

- Về rồi hả? Tao biết sớm muộn gì mày cũng về tìm tao hỏi chuyện. Về sớm thế này là tốt. Nhưng sao lại đi xe máy, không dùng ô tô Thứ trưởng đưa vợ con mày đi cùng ? Sợ hả ?

- Không, sợ thì không, hoang mang tí chút thì có.

- Sợ vợ nổi tam bành còn có lý, chứ hoang mang vì danh dự Thứ trưởng làm cái Đ gì cho tổn thọ.

- Không… Tao chỉ hoang mang vì liệu mày có nhầm không và cái chuyện tao với Phát làm đêm ấy mày biết từ bao giờ?

Bảo đấm nhẹ vào lưng Luận cười xả láng:

- Có thể mày không tin, nhưng tao biết tỏng mọi chuyện ngay từ đầu.

- Và mày im lặng giữ kín suốt những năm ở chiến trường ?

- Tố giác chúng mày ư, tao sẽ không bằng con chó ghẻ, bởi tao cũng thèm được như thế. Tao thấy hai thằng có ống nhòm chạy về một phía là đóan ra lý do, lính trinh sát rất nhậy cảm. Song phải làm nhiệm vụ trước đã. Tao đuổi theo một thằng thanh niên lóang cái là chộp được. Ngỡ tao là lính công hòa, tay dao, tay súng như sắp làm thịt mình, nó lạy như tế sao, thú nhận mình là du kích, khai ông ổng từng trận địa pháo để được tha mạng. Điên tiết, tao tống vào mõm nó mấy quả đấm thôi sơn, trói ghì vào gốc cây, chẳng thèm giải thích nữa. Xong xuôi, tao lộn trở lại hướng bờ suối. Giời ơi là giời ! Nhìn chúng mày làm tình với hai em giữa nơi hoang dã tao thèm rỏ nước dãi. Người tao như phát cuồng lên. Trong đêm tối, tao tưởng tượng ra từng động tác của chúng mày và khao khát. Nhưng nếu tao xông vào sẽ làm chúng mày mất hứng, đòi mần chung thì tao hóa thành đồ xúc vật…

- Vậy mà bấy lâu tao cứ ngỡ Phát chết rồi thì chuyện này của tao cũng chôn theo nó. Mày là ân nhân của tao, không biết lấy gì báo đáp.

- Không hẳn thế. Nếu tao tố giác, mày bị kỷ luật, có thể sẽ biên chế sang địa phương quân thì Hơ Miêng sẽ được có chồng, đâu đến nỗi khổ nhục về sau.

- Tại mày không cho tao biết sớm- Luận thở dài, mắt rớm lệ.

- Đừng quá buồn, tao cũng mới biết chuyện đời của Hơ Miêng, Hơ Ngoan thôi.

- Mày về thăm khu căn cứ thường xuyên đã 10 năm cơ mà?

- Nhưng chưa từng gặp hai nàng.

- Sao thế?

- Họ sống biệt lập trong rừng, bị tách biệt khỏi cộng đồng. Cái thằng du kích chết dấp, lạy tao như tế sao ấy từ lâu đã mê Hơ Miêng. Sau năm 1972, Quế Sơn giải phóng, nó được làm Chủ tịch xã. Biết Hơ Miêng có thai nó vẫn lẵng nhẵng chạy theo đòi cưới, bị nàng từ chối. Ăn không được thì đạp đổ, nó kết tội Hơ Miêng và Hơ Ngoan mất lập trường, ngủ với lính cộng hòa nên khai trừ khỏi Đảng và du kích, đầy họ vào sống trong rừng. Hai đứa trẻ lớn lên trong chiếc lán nhỏ bé giữa rừng, bên hai bà mẹ cô độc nên chúng thành vợ chồng rất sớm cũng là lẽ tự nhiên. Hơ Linh, cháu ngọai của mày ra đời trong hòan cảnh trớ trêu đó. Một gia đình ba đời tủi khổ vì ma ám lập trường, thì mình tao mất cái con C vì nó có là gì giữa cuộc đời này..

- Thằng Chủ tịch xã chó đểu, tao muốn băm vằm nó - Luận nghiến răng rít lên phẫn nộ.

- Thằng ấy đi tù vì tham ô đồ cứu tế đồng bào bị lũ lụt từ lâu rồi, không đợi mày phải ra tay. Giá như trước lúc ra Bắc, mày không sợ thứ ma ám lập trường, đi tìm Hơ Miêng!

- Mày bảo tao bây giờ phải làm gì?

- Cuối năm ngoái, tao vào khánh thành trường tiểu học do mình bỏ tiền tòan bộ ra giúp xã xây dựng, nghe nói có một cháu học sinh lớp 5 bỏ học, đi hoang, gia đình và nhà trường tìm kiếm gần một năm chưa thấy. Nghe chuyện về hòan cảnh Hơ Linh tao xúc động, đánh xe vào rừng tìm gặp bố mẹ nó, hóa ra số trời run rủi lại gặp cả Hơ Miêng và Hơ Ngoan. Giờ thì họ ổn rồi. Tao đã nhờ bạn bè tìm được Hơ Linh, xây một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn huyện làm cửa hàng cho họ kiếm sống. Mày chỉ cần đưa vợ con vào gặp họ nhận mặt con gái, con rể với cháu Hơ Linh là đủ.

- Nhưng tao muốn làm hơn thế.

- Cái đó tùy mày, nhưng đừng miễn cưỡng mà đắc tội mất “lập trường”với vợ con không biết chừng… Mày biết không, khi thằng Chủ tịch xã tuyên bố kỷ luật, hai nàng Hơ Miêng, Hơ Ngoan cùng nói: “Chúng tao theo cách mạng là thật cái bụng, đâu có lươn lẹo như mày. Chỉ có cái L của chúng tao là không biết lập trường của tổ chức tròn méo thế nào thôi. Ra tổ chức thì ra, vào rừng thì vào, chúng tao Đ sợ, chúng tao đi làm một kiếp người”. Tao nghe họ kể như nghe lời một triết gia vĩ đại. Cái sự thần thánh của cuộc chiến tranh giành độc lập, sách báo viết đã nhiều, đọc lên cũng sướng cái lỗ tai. Nhưng đó là dương bản của chiến tranh, lũ nhà văn, nhà báo mặc sức tô vẽ muôn hồng nghìn tía, tao Đ cần cái dương bản ấy. Cái phầm âm bản của chiến tranh chỉ có hai màu tối sáng, những thằng lính như tao với mày gậm nhấm đến hết đời. Chuyện của mày với Hơ miêng chỉ là mảnh vụn rất nhỏ của âm bản khổng lồ mà mấy mươi năm gậm đã hết đâu… .

* * *



Chia tay Bảo ra về, lòng Luận rối bời, the thắt. Anh phóng xe máy như điên, mặc cho số phận may rủi có thể sẽ ném thân xác anh vào gầm ô tô, càng hay, cho quên đi tất cả. Bảo nói, đã thắp nhang khấn vái, xin với Phát rồi, còn Luận. Liệu anh có thể nghe theo lời bạn, chấp nhận với số phận an bài, đừng phá vỡ tổ ấm gia đình đang hạnh phúc. Bảo muốn anh chỉ đưa vợ con vào Quế Sơn gặp mặt, nhận người rồi nhường hai bà Hơ Miêng và Hơ Ngoan làm vợ nghĩa tình để Bảo có con, có cháu như bao người bình thường khác. Đến con C của Bảo cũng bị chiến tranh tiện đứt mất thì lời đề nghị ấy là chân thành, hợp lý chứ đâu phải vì thương hại cho hoàn cảnh éo le của Luận. Nhưng anh vẫn thấy không thể… Anh muốn làm một thằng người cho đáng mặt người, sao đời lại xui khiến anh phải hành xử không hơn gì một con vật?... Luận không về nhà. Anh lang thang khắp Hà Nội, rồi tìm một khách sạn yên tĩnh ở ngoại ô trăn trở với điều thỉnh cầu của bạn…

VŨ NGỌC TIẾN


(Trích từ tập truyện "Rồng đá" của Nhà xuất bản Đà Nẵng)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất




I. Vị  tướng  già và  chàng  lính  trẻ

Gọi tiểu thuyết, nhưng đây lại là truyện thật mà tôi không hề hư cấu, bịa đặt. Chuyện xảy ra ở Đảo Chìm. Nhưng trước khi đến xứ Đảo Chìm, tôi muốn mời bạn đọc ghé qua một hòn đảo nổi. Lính Đảo Chìm gọi là Thủ đô Trường Sa. Thủ đô Trường Sa là một hòn đảo rất bé. Nó bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được. Đến nỗi, một nhà thơ đã phải thốt lên: “Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết”(*).


Tôi đã tới cái hòn đảo “Nói một chữ là hết” ấy. Nó chỉ là một vũng cát lờ phờ, to chừng một cái nong phơi thóc, vừa đủ chỗ để dựng một cái lều bạt dã chiến. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương cũng đã đến đây, đã ngủ một đêm trên hòn đảo này trong một chuyến đi tuần biển.

- Vất vả không, các cậu?

Tư lệnh hỏi một cậu lính trẻ, tóc đỏ quạch như tôm luộc, da đen cháy, người chắc nịch như một thỏi sắt đã tôi qua lửa. Cậu lính trẻ cười khì khì:

- Báo cáo bố, cũng tàm tạm thôi ạ!

- Ở đây thì mọi thứ đều thiếu thốn rồi. - Giọng Tư lệnh bùi ngùi - Nhưng cái gì cần nhất, cấp thiết nhất, các cậu cứ nói thẳng với mình. Bộ tư lệnh sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ các cậu.

- Thế bố cho con được nói thật nhé!

- Ừ, thì phải nói thật chứ! - Tư lệnh mỉm cười. - Chả lẽ tớ già thế này, còn lặn lội vượt sóng gió ra đây với các cậu, để rồi rốt cuộc, lại nghe các cậu nói dối à?

- Nhưng bố không được phê phán con lãng mạn cơ...

- Cái thằng! Tao còn lãng mạn hơn mày ấy!

Anh lính trẻ nhìn mái đầu bạc trắng của Tư lệnh, cười hồn nhiên:
- Thế thì, con đề nghị bố thế này nhé! Bận sau, nếu bố ra đảo, bố chịu khó giắt lưng cho chúng con vài cô gái...

Anh lính trẻ bỗng bối rối trước cái nhìn ngỡ ngàng của Tư lệnh. “Thì con đã vòi bố trước rồi, là bố phải tha thứ cho con, không được phê phán con lãng mạn”.

- Chúng mày muốn nghe hát hả? Muốn xem văn công hả?

- Không, không! - Anh lính bỗng luống cuống. - Con đâu dám có voi đòi tiên! Văn công xem ra xa vời quá! Chúng con chỉ muốn bố mang ra đây vài cô nuôi quân thôi! Các cô ấy chẳng phải hát hò gì. Chỉ mặc tấm áo phin trắng, cái quần lụa đen, đi phơ phất trên đảo, để chúng con ngắm, chúng con “chỉnh” mắt. Chứ mắt mũi chúng con, bố thấy đấy, sang vành hết cả rồi!..

Tư lệnh cười ha hả. Anh lính trẻ cũng cười. Chưa bao giờ tôi được nghe cuộc đối thoại kỳ lạ như thế. Sau đó, quả như niềm ao ước của anh lính trẻ, các cô gái lần lượt ra thăm đảo. Không phải cánh nuôi quân mà các cô văn công mặt hoa da phấn hẳn hoi. Trông cô nào cũng đẹp, cũng thơm phức và lộng lẫy như những nàng tiên cá. Các cô múa hát và khâu vá cho chiến sĩ. Nhiều anh áo quần còn mới nguyên, cũng bí mật xé ra, rồi nhờ các cô vá. Thế là từ đấy, lần nào Tư lệnh ra đảo, các chiến sĩ cũng được dự những bữa tiệc mắt linh đình. Nhưng đó là chuyện sau này, còn chiều ấy, ngồi bên Tư lệnh trên mặt cát nóng bỏng như rang, mặc dù mặt trời đã lặn xuống biển lâu rồi, anh lính trẻ quê xứ Nghệ thực sự coi Tư lệnh như một người đồng đội thân thiết. Anh lắc lắc đầu gối Tư lệnh:
- Bố thấy Vuơng quốc của chúng con thế nào?

Tư lệnh đưa mắt nhìn suốt rẻo cát trống trơn, rồi lại nhìn cái lều bạt dã chiến cứ hộc lên trong gió tựa hồ một con ngựa bất kham, đang lồng lộn như muốn rứt tung mấy sợi xích sắt căng ghì xuống đảo mà phóng đi cùng bầy gió hoang dã.

- Đẹp, nền nếp. Đúng quân phong quân kỷ. ở đây mà giữ được như thế này là tốt lắm rồi. - Giọng Tư lệnh bỗng bùi ngùi. - Tất nhiên là vất vả! Chúng mày rất vất vả! Tao biết! Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hoả của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu...

- Vâng, con hiểu! Con hiểu, bố ạ!

Tư lệnh ôm lấy đôi vai trần cháy khét nắng gió của người lính trẻ xứ Nghệ. Đôi mắt ông bỗng cay xè, ầng ậng nước. Anh lính trẻ cũng nắm chặt bàn tay xù xì thô ráp của Tư lệnh:

- Bố đừng lo! Chúng con ở đây quen rồi! Khổ mấy chúng con cũng chịu được! Nhưng đúng như bố nói đấy. Rất vất vả, cực nhọc. Nhiều lúc mệt quá, con liều nghĩ, hay là ta cứ tạm giấu quách đảo đi!

Tư lệnh ngạc nhiên:
- Giấu đảo à? Mày nói gì lạ thế? Giấu thế nào?

Anh lính trẻ vui vẻ:
- Bố cứ cho con mượn tạm cái xẻng. Chỉ ba tiếng là con giấu xong đảo thôi! Mà không đến ba tiếng đâu. Chỉ tiếng rưỡi đồng hồ là con xúc xong chỗ cát này cho xuống biển, đố kẻ thù nào nhìn thấy đảo, có muốn cướp đảo cũng chịu!

Tư lệnh cười vang, cười đến giàn giụa nước mắt. Rồi ông lóp nhóp đánh xuồng về tàu. Con tàu bấy giờ đang bập bềnh buông neo ngay bên ngoài mép san hô. Và thật bất ngờ, lát sau, ông trở lại với chiếc xẻng còn mới coóng.
- Đây! Xẻng đây! Không phải mượn đâu. Tớ tặng luôn cậu đấy để cậu giấu đảo!

Cứ tưởng anh lính trẻ sẽ lắc đầu quầy quậy. Nào ngờ anh vồ vập đón chiếc xẻng từ tay Tư lệnh. Và sáng sớm hôm sau, khi Tư lệnh đánh xuồng trở lại đảo thì thấy anh chàng đang cởi trần, sì sụp lặn ngụp cùng với chiếc xẻng của Tư lệnh. Nhưng anh không xúc cát đổ xuống biển, mà lấy cán xẻng khẽ bẩy từng tảng đá san hô chìm sâu dưới mấy mét nước, rồi lụi cụi khuân lên, đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay.

- Mày làm cái gì thế mày? Giấu đảo à?

- Dạ, báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ! - Anh lính cười khục khục, gương mặt nhấp nhoá nước. - Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi!

(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




II. Hòn đảo kỳ lạ


Cậu lính trẻ vỗ vai tôi, nói nhỏ:

- Tới đảo rồi. Anh chuẩn bị vào đảo nhé!

Tôi cuộn vội võng bạt. Rồi thì ớ ra, cứ ngỡ mình nghe nhầm. Nhưng con tàu đã quá quen sóng gió, luồng lạch biển cả này thì không thể nhầm được. Nó đang òng ọc buông neo. Sau lưng tôi, trên mặt boong ướt nhoẹt, ngổn ngang những xích sắt, thừng chão, mấy cậu lính trẻ đang nhí nhóp bơm cái xuồng cao- su. Tôi đưa mắt lục lọi bốn phía trời, vẫn chẳng thấy gì hết ngoài một đại dương nước đen ngầu, chảy vật vã dưới vòm mây hoang vu, khô héo. Đảo đâu?

- Kia kìa. Nó đấy! Chính cu cậu đấy!

Cậu lính nói khào khào, rồi vung tay, chỉ lên... lưng chừng giời. Ở đó, một đàn chim bay loạn xạ. Những con chim đen kít, trông như những nắm giẻ rách mà một gã tàng hình quái quỷ nào đó, cứ nhắm tịt mắt, rồi ném loạn xạ lên thinh không. Dưới bầy chim, biển đen sẫm ánh lên một dải nước xanh ệnh như màu lá mạ. Trên quầng xanh rờn rợn ấy, xập xoè một lều bạt. Cái lều hoang sơ, ngơ ngẩn như lều vịt mà ông chủ đãng trí nào đó đã bỏ quên trên cánh đồng đang cày vỡ. Mái lều trũng xuống vì phân chim. Những vệt phân lâu ngày trắng xoá. Những vệt phân tươi nâu sậm, lác đác có cả những vệt đỏ nhờ, trang điểm cho mái lều một vẻ đẹp sặc sỡ đến quái đản. Đảo đấy! Nó là cái dải nước xanh phơn phớt nằm dưới chân lều bạt. Thế mà trong sách báo, cả sách khoa học, sách địa lý dành cho giới học đường, người ta lại định nghĩa: Đảo là một khoảng đất nhô lên giữa biển khơi, bốn xung quanh là sóng gió, mây nước. Bịa! Toàn là bịa! Làm gì có chuyện hoang đường như thế, hả các nhà khoa học? Xin các ngài hãy nhìn một sự thật đang lồng lộng hiện ra ở phía trước mặt kia kìa! Cứ tưởng các vị lúc nào cũng chính xác, cũng tỉnh queo như sáo tắm. Ai dè các bố cũng mơ mộng, cũng nói rặt những chuyện tưởng tượng. Đã thế lại còn đàn sáo văn thơ...


III. Chim biển

Khi tôi lập cập bám thang dây leo được lên lều bạt, người mừng nhất, mừng ra mặt là một cậu lính trẻ mà sau này tôi mới biết là Hai. Trần Văn Hai, một thi sĩ lừng danh ở xứ đảo chìm. Hai trố con mắt thạch sùng nhìn tôi:

- Đúng ông anh thật à? Kinh nhỉ! Em không thể tưởng tượng được! Em cứ ngỡ ông anh khác kia. Ai ngờ lại xù xì thế này. Kinh thật!

- Kinh à?

- Vâng! Em nói ông anh đừng tự ái nhé! Trông ông anh cứ ùng ục như cái lão đào huyệt. Kinh bỏ bà! Thế mà trước đây, em cứ tưởng thi sĩ bao giờ người cũng mảnh mai, đôi mắt lúc nào cũng mơ màng, trầm uất và buồn thăm thẳm!

- Thì cậu cũng là thi sĩ mà cậu cũng có mảnh mai đâu nào?

- Em là thi sĩ đểu! Chúng nó gọi thi sĩ là gọi đểu đấy!

Hai bỗng đỏ bừng mặt. Cậu ta quẳng cái ba-lô của tôi lên tầng giường cao nhất, rồi khẽ xuýt xoa như húp phải bát cháo nóng:

- Anh nằm giường này nhé. Đây là cái giường của thằng Thiêm. Đồ đạc của nó kia. Anh quản luôn cho nó. Cứ coi như cái giường này của anh.

- Thiêm nó về phép à?

- Không! - Hai bùi ngùi. - Nó mất rồi anh ạ! Chắc chắn là mất rồi. Vì chúng em đã lặn lội tìm nó ròng rã hơn tháng trời mà vẫn chẳng thấy. Tội quá, vừa rồi cu cậu lại có thư mẹ. Bức thư nó mong mãi hôm qua mới đến. Nó cứ sợ bà cụ làm sao. Người già như ngọn đèn trước gió, chả biết thế nào. Chúng em vẫn chưa báo tin về gia đình. Bà cụ cứ mong nó về lấy vợ. Thiêm ơi, u đã rấm cho mày một đám rồi đấy. Nhà cũng có sẵn con lợn trong chuồng rồi. Mày cứ về là cưới thôi. Con đừng lo gì cho u. Ở nhà, u cũng còn mớ rau, nải chuối, cũng có đồng ra đồng vào. Con đừng gửi tiền cho u nữa. Nếu chính phủ có cho đồng nào thì con cứ bỏ vào cái hõng cột, tích lại mà cưới vợ, đừng gửi cho u nữa... Khổ, ở đây, tiền như giấy lộn, có dùng được vào việc gì đâu. Mà anh thấy đấy, làm gì có hõng cột...

Giọng Hai nghẹn lại. Đêm ấy, tôi không sao ngủ được, mắt cứ trân trân nhìn lên nóc bạt. Trên đó, chiếc ba-lô của Thiêm cứ đong đưa trong gió. Thỉnh thoảng, đôi đũa tre lại khua leng keng vào cái bát sắt sứt men. Vào những lúc như thế, Hai thường múc một bát nước ngọt đặt lên đầu giường, rồi lặng lẽ chắp tay, vái lên nóc bạt.

- Ông anh ra được đây là rất hay rồi. - Hai nói tuế toá, như muốn phá bầu không khí trầm lặng đang trùm khắp căn lều. - Cần gì, chúng em xin phục vụ đầy đủ. Bây giờ, ông anh là đại ca. Em chỉ là con tép. Có nhu cầu gì, xin đại ca cứ “quát” nhé! Em chiều tất! Chỉ cần đại ca sản xuất cho em một trăm bài thơ. Em sẽ bán dần cho chúng nó. Cứ là treo báo tường mệt nghỉ!

Chiều xuống dần. Mặt trời đã chìm khuất hẳn sau một bầu nước rùng rùng tím ngắt. Nhưng những đám mây vẫn còn bắt nắng, đi lừng lững trên đầu, rừng rực như những đám cháy lớn. Bầy chim biển đi kiếm ăn về. Chúng kêu oang oác quanh lều. Tiếng kêu hoang vu và tanh lợm mùi cá. Hai lẩm bẩm:

- Đêm nay lại mất ngủ vì bọn giặc trời này đây. Cứ là điếc tai nhức óc!

- Sao vậy? - Tôi ngạc nhiên.

- Vì ông anh mới ra, còn hơi người, nên chúng mới nhao đến làm tình làm tội. Mai, chúng sẽ “khinh” ông anh thôi!  

Tôi bàng hoàng. Chẳng lẽ ngày mai, mình không còn hơi người nữa ư?

Thế rồi đúng như lời tiên tri của Hai, hôm sau, bầy chim lảng xa dần, chúng bay chao chát ở phía cuối biển, nơi bãi đá ngầm ánh lên một dải nước xanh nõn. Nhưng đấy là chuyện của ngày hôm sau. Còn bây giờ, lũ chim nhao đến như dã thú. Chúng đánh võng quanh lều, cánh đập loạn xạ và kêu như xé vải. Những con chim cũng lạ. Mỏ khoằm. Chân có màng như chân vịt. Chúng có thể bay trên không như mây và bơi dưới nước như vịt. Hai cái chân thành hai cái bai chèo. Chúng chui vào lều, đẻ cả vào chăn lính. Những quả trứng to hơn trứng ngỗng, vỏ xanh nhờ, lấm tấm những chấm đen. Lính ta thu gom trứng lại, cho vào thùng phuy. Nếu không kịp ăn, chừng ngót tháng sau, những quả trứng đó sẽ tự nở. Chim con tự mổ vỏ trứng mà chui ra, không cần mẹ phải ấp.

Chim ở đây tỏ ra rất khinh người. Hình như chúng tưởng người cũng là một loại chim nào đó. Chúng đứng ngay trên giường người mà chải lông,  tỉa tót trang điểm nhan sắc. Có con còn gườm gườm nhìn người thương cảm, như nhìn bầy chim cánh cụt đã già khú ra rồi mà vẫn chửa biết bay.

- Tiếc ở đây, chẳng có hải âu. - Hai tỏ vẻ tiếc rẻ. - Trước đây đọc thơ văn, sách báo, nghe các nhà văn đàn sáo, em cứ tưởng hải âu là bạn của thủy thủ. Hoá nhầm! Hải âu chỉ là bạn của dân thuyền chài thôi. Ngoài khơi xa này, làm gì có hải âu. Hải âu chỉ bay ven bờ, cách bờ chừng trăm cây số là cùng. Vì thế, đối với cánh lính biển chúng em, hải âu là ngọn hải đăng báo hiệu đất liền. Nhìn thấy hải âu là ngửi thấy “mùi” đất liền rồi. Nếu không may, có phải hy sinh trên biển, được thấy bóng hải âu chớp qua mắt trước khi nước khép mặt thì mừng lắm, vì có thể hy vọng những mẩu xương tàn của mình sẽ được sóng táp vào đất liền...

Tôi thoáng rùng mình, chợt nghĩ đến Thiêm. Quả là ghê gớm thật! Có lẽ chẳng có cái chết nào dữ dội như cái chết của người lính biển. Chết rồi mà vẫn chẳng được yên. Cho dù chỉ còn một mẩu xương tàn thì mẩu xương ấy vẫn phải giằng co, vật lộn với sóng gió.

Tôi nhìn mống ra cửa lều bạt. Biển mù mịt sóng. Đúng là ở đây không có hải âu, chỉ toàn ó biển, một loại chim rất dữ tợn. Chúng có thể bay ngược chiều bão. Sợ nhất là khi mót đẻ, có con đỗ ệch cả xuống mái lều. Tấm bạt thùng xuống từng đám lõm chõm, nom quái dị như những nhũ đá trong các vòm hang cổ.

- Biến ngay! Đổ lầu của các bố bây giờ!

Hai giậm chân bành bạch trên sàn lều, rồi quát lên nóc bạt. Mấy “nhũ đá” bỗng rùng rình. Một quả trứng to cộ còn dính những vết máu, trượt lông lốc qua mái bạt, rồi rơi bóp xuống nước.

- Đú đởn lắm vào! Cút!

Hai lại quát lên mái bạt. Rồi cu cậu co tay, thụi tới tấp vào những cái bướu kỳ dị treo lủng lẳng trên đầu. Bị cú đánh bất ngờ, bầy chim kêu ré lên. Có con không kịp bay, rơi tuệch xuống biển. Chúng đập cánh quàng quạc trên mặt nước, rồi bay chéo qua cửa lều, phả vào mặt tôi một luồng gió hôi mù như hơi chó đẻ...


IV. Một xứ sở tự do

Ở hòn đảo này quanh năm bì bọp sóng gió. Ngày hai lần nước ộc cả vào lều. Bởi vậy, ở lều đảo này, lại còn có đảo trong đảo nữa. Đó là những khối giường sắt quét sơn trắng chống gỉ. Mỗi người lính “cố thủ” một khối giường. Có đến ba, bốn tầng giường xếp chồng lên nhau. Tầng cuối cùng chọc lên tận nóc bạt. Lính quen gọi là tháp Epphen. Đó là những kỳ quan thế giới vẫn chìm khuất trong bóng tối bí mật mà loài người còn chưa kịp phát hiện. Thoạt đầu, tôi ngạc nhiên. Sao lắm giường thế? Sau mới hiểu những tầng giường đó dùng cho một người lính chẳng nhiều nhặn gì. Bởi đó là giường chống sóng. Bình thường, sóng bạc đầu lao vèo vèo ngay dưới chân sàn. Thế rồi thủy triều lên. Thoạt tiên là tiếng sóng vỗ chóp chép vào các tấm thanh sắt gầm sàn như bầy lợn bú. Rồi ào một cái, nước ngập mặt sàn. Rồi tầng giường thứ nhất chìm nghỉm trong nước. Lính ôm chăn chiếu lên tầng hai, rồi tầng ba. Nước rút lại tụt xuống. Ai lười, ngại vận động thì cứ ngự luôn trên tận đỉnh giời. Tha hồ ngắm trăng sao mây nước. Nhưng ở đây, ít ngài ngự được ở trên đó lắm. Trên đó tưởng tĩnh, hoá ra lại động. Động bởi mùi phân chim đâu có chịu yên. Thế nên lính cứ trèo lên, tụt xuống hoài hoài. Quanh năm, da thịt ẩm sì. Bởi thế lính ít khi đóng bộ. Thường chỉ vận roỏng rẻng một cái quần đùi, có khi cứ nhông nhênh như thể bà mụ vừa mới nặn. Quần áo lại dính nhớp nháp, ẩm ướt suốt đêm ngày, hoá vướng víu, khó chịu. Mà quần áo là cái quái gì nhỉ? Hai bảo tôi:

- Quần áo là vật xa xỉ phẩm của xã hội, ông anh ạ! - Nói rồi, cu cậu cười tít mắt. - Mình “quàn” trong một đống vải là vì thiên hạ, chứ có phải vì mình quái đâu. Cứ tưởng quần áo là vật trang sức của riêng mình. Nhầm! Nó là đồ đạc của thiên hạ cả. Mà tức nhất đồ đạc của thiên hạ, nhưng thiên hạ lại bắt mình cứ phải suốt ngày đeo vác lỉnh kỉnh, nom ti tiện như cái gã bủn xỉn, lúc nào cũng lo sợ mất trộm. ở đây, chẳng có thiên hạ nào hết, nên mình lại nhẹ nhõm, lại hoá anh tự do.

Hai gườm gườm nhìn tôi, như nhìn một người ở ngoài hành tinh:

- Trông ông anh đai nịt lỉnh kỉnh, nom rất lạ mắt và buồn cười. Thật, trông ông anh buồn cười lắm ý. Cứ như người trung cổ. Hình như đại ca có khuyết tật gì đó, nên cứ phải che che đậy đậy, giấu giấu giếm giếm. Chứ văn minh hoàn thiện như chúng em đây, có ai khổ sở, rúm ró như thế bao giờ...

(còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




V. Nhà thơ của đảo


Nhàn cư vi bất thiện. Người xưa nói thế. Mà người xưa đã nói là cấm có sai bao giờ! Chính trị viên Thuận cũng có tầm nhìn và cách nghĩ sâu rộng chẳng thua kém người xưa. Chính anh cũng thấy ngại cái nhàn cư của lính, nhất là trong cái giang sơn Tổ quốc chỉ vỏn vẻn có mấy mét vuông lều này. Thế là anh nghĩ ra một việc để lính lúc nào cũng có cái mà bận rộn. ấy là làm báo tường. Cứ ba ngày một tờ báo. Lính chẳng sợ gì. Sóng gió. Cá mập. Bão biển. Rồi cả những âm mưu thôn tính của kẻ thù. Chấp tất! Chơi tất! Không có ngán đâu nhé! Lính chỉ sợ làm thơ thôi. Đối với cánh lính đảo đấy mới thật là một việc hãi hùng. Nhưng thói thường, giời đã sinh voi thì giời tất sẽ sinh cỏ!

Thì đấy, tự dưng ở hòn đảo này, lại nảy sinh một gã thi sĩ. Đó là Hai. Trần Văn Hai, một anh chàng bơi lặn như rái cá. Quê cu cậu nghe đâu ở cầu tõm Hà Nam, cái vùng quê quanh năm lụt lội. Cánh lính đồn rằng, Hai đẻ rơi dưới nước, nên cậu ta biết bơi trước khi biết bò. Chẳng biết hư thực thế nào. Chỉ thấy suốt ngày, Hai lặn ngụp bì bọp trong nước, dường như không ngâm nước không chịu được. Bởi thế, quanh năm, cậu ta cứ thông thênh như thể bà mụ vừa mới nặn. Tên cúng cơm là Hai. Ra đảo, cánh lính nối thêm cái đuôi thành thằng Hai ùm. Ở đây, ai tắm, nhảy xuống đảo cũng chỉ ùm một cái gọn nhẹ. Cậu ta lại làm luôn hai phát ùm ùm. Có điều, cái ùm sau lại to hơn cái ùm trước. Hãi thế!

Ấy là nói cái thời cậu ta vẫn còn hàn vi kia. Nghĩa là dạo còn chưa phát tiết thơ phú. Chứ bây giờ, nhờ có thơ, Hai phất lên thành chúa đảo rồi. Suốt ngày, cậu ngự trong cung cấm, là cái lều bạt bồng lai tiên cảnh này. Mọi việc tắm rửa đã có lính hầu hạ, việc chi phải nhảy ùm xuống đảo tắm như lũ trẻ trâu.

Số là, ba ngày phải có một tờ báo tường. Đấy là chiếu chỉ của chính trị viên Thuận. Nghĩa là cứ ba ngày, phải có chục bài thơ dán kín quanh cái thùng phuy neo ở cột lều. Mà thơ phú lại là công việc của tài năng. Mà tài thơ thì ở đây, giời lại chỉ dồn cho chàng Hai ùm. Hai có thể xuất khẩu thành chương, đọc vanh vách ra vần ra điệu. Hai có đến hàng trăm bài thơ lâm li về cái hòn đảo chẳng có gì này. Nói như Tư Xồm, anh chàng quản lý nước ngọt kiêm nhà bình luận thơ phú thì bài nào cũng tuyệt tác, nghe hay đến chảy nước tai.

Cũng vì có tài thơ như thế, nên thần dân của đảo cứ phải đến khấu đầu trước Hai, xin ngài Hai ùm nhón tay làm phúc, ban cho một bài thơ để dán lên báo tường. Tất nhiên đi xin chữ là phải có lễ. Khi tàu ra, nhu yếu phẩm tràn ngập lãnh thổ, tha hồ ấm chân răng, để nhận một bài thơ, người đi cầu chữ quý phải cúng cho Hai ùm một bao thuốc đầu lọc. Khi của nả cạn dần, thời tiết có cơ thất bát thì cũng phải một điếu thuốc một bài thơ. Tất nhiên Hai ùm chẳng ăn riêng cái gì bao giờ. Cậu ta đưa hết của nả, châu ngọc vào kho, là cái ba-lô bạc phếch gió biển, treo bùng biêng trên nóc lều. Thi thoảng Hai lại ban lộc cho dân chúng. Thì thế mới là vua chúa chứ! Ấy, cũng nhờ có ông vua Hai ùm mà châu báu, ngọc ngà luôn được điều tiết, không bị rơi vào thảm cảnh: Lúc no xôi chán chè, lúc mồm miệng trống huếch trống hoác như hang ếch mùa hạn. Tuy vậy ăn chơi vẫn phải tốn kém. Chỉ khổ cho những cậu đến xin chữ mà trong tay lại trắng lốc, chẳng có gì. Nhưng được cái, mấy cha đó cũng láu. Không ít cha còn vác cả chị gái, em gái ra để cầm cố cho Hai.

- Thật, tớ thề là em gái tớ xinh lắm. Tớ sẽ bảo nó thư cho cậu. Nhất định lần sau tàu ra, cậu sẽ có thư nó. Bao nhiêu vệ tinh vo ve quanh nó, tớ sẽ cho đi tàu ngầm hết. Nó là á hậu thanh lịch ở huyện tớ đấy!

Hai chỉ ụ ị cười. Con mắt đỏ kè như mắt thạch sùng liếc chéo cái hàm răng vẩu của Tư Xồm đang dẩu ra quảng cáo nhan sắc cô em ruột á hậu.

- Không! Không! - Tư Xồm vội đưa một tay che miệng, còn tay kia xua rối rít như đuổi ruồi. - Em gái tớ không giống tớ! Tớ thề là nó không hề giống tớ một tí tẹo nào!

Nhưng ai mà tin được những nhan sắc mơ hồ lại còn xa khuất mấy tầng mây nước ấy. Thế là a lê... hấp! Không có của nả thì lấy mồ hôi, lấy sức lực cơ bắp ra mà đổi lấy vẻ đẹp tinh thần. Cánh lính trẻ lễ mễ, bì bọp lội xuống đảo, xách nước lên tắm cho Hai. Hai cứ việc nằm chềnh ềnh trên sàn lều, thậm chí cậu ta còn thượng cả cái thân hình kềnh càng như một con vích lên tận đỉnh giời, là cái tầng giường cao nhất, cho lính giội nước, kỳ cọ. Có tài sướng thế chứ! Lính cứ thi nhau thở phì phò như kéo bễ. Còn Hai thì vừa nghểnh đầu, ghểnh hết cả tứ chi của cái ngọc thể cho lính lau khô, vừa càm ràm cứ như bị oan ức lắm:

- Khổ! Thơ phú bây giờ rẻ rúng thế đấy! Ới cụ Tản Đà ơi là cụ Tản Đà! Chẳng phải ngày xưa chỉ có cụ khổ đâu! Nhà thơ chúng con bây giờ cũng hoàn cảnh lắm! Văn chương hạ giới đúng là rẻ như bèo...

VI. Bữa yến tiệc không thành

Gọi yến tiệc, nghe có vẻ linh đình, to tát quá. Thực tình đó chỉ là bữa trứng chim rán mà Hai ùm nhã ý chiêu đãi tôi, gọi là mừng “Đại ca ra đảo”, và cũng muốn đại ca hưởng chút đặc sản, là hương vị đặc biệt của xứ đảo chìm. Hai đập đến chục quả trứng, cho vào xoong quân dụng ngoáy tít như nấu bánh đúc, rồi đổ thêm nửa bát ớt, gọi là để khử tanh. Nhưng rốt cuộc, tôi vẫn không thể nuốt nổi những miếng trứng ram ráp, khô khỏng. Nếu không có mùi tanh sặc ói lên đến tận óc, có lẽ tôi đã tưởng mình xơi nhầm phải món... mùn cưa trộn với bột mỳ.

- Thôi được, “quên” món trứng chim đi, đại ca ạ! Em sẽ đãi đại ca một bữa cháo cá! Ông anh chén được cháo cá chứ?

Nói vậy, nhưng Hai lại tót lên tầng giường cao nhất, chọc một chân ra cửa sổ bạt, rồi véo von ca cải lương. Lời ca là cái dự báo thời tiết. Thì ở đây vẫn vậy. Hàng mấy tháng trời, báo chí mới đến nơi. Lính truyền nhau đọc. Đọc đi đọc lại đến thuộc làu cả tờ báo, rồi lúc buồn lại mang xã luận, mang cả cái dự báo thời tiết ra ca cải lương. Cái miệng Hai bành ra, giọng nhèn nhẹt:

- Hôm ( ý) nay

Trời nhiều mây

Thỉnh (a ) thoảng ( a ) có mưa

Tầm nhìn xa( ư) trên mười cây số


Tôi vỗ vào cột giường:

- Sao đã rên rẩm sớm thế. Đói à? Cho tớ hóng mát với nhé!

- Hóng mát thế nào? - Hai chõ đầu xuống. - Người ta đang lao động vất vả đây này! Lên đi, đại ca! Giúp em một tay với nhé!

Tôi đu thành giường, leo lên. Hai đang nằm ngửa tênh hênh trên tấm phản gỗ. Trông rất khiếp. Tôi vội lấy cái vỏ chăn đậy lên bụng cậu. Hai càu nhàu:

- Ông anh chỉ khéo vẽ, chỉ được cái lịch sự rởm. Vướng víu thế này thì còn làm được gì?

Hai hất cái vỏ chăn ra. Còn tôi thì kinh ngạc. Thoạt đầu, tôi tưởng Hai hóng mát. Hoá ra cu cậu đang câu. Mồi cá ném luôn xuống đảo, còn dây câu buộc vào các ngón chân. Cái chân trần chọc ra ngoài cửa sổ bạt của Hai thành một chiếc cần câu rất thính nhạy. Thỉnh thoảng, Hai lại oằn người, kêu oái lên một tiếng như vừa bị ai cấu véo. Ấy là lúc cá cắn. Hai co người rất nhanh túm sợi dây câu. “Không nhanh, nó tiện đứt ngón chân như bỡn đấy, đại ca ạ!” Hai xuýt xoa nói như phân bua. Sợi dây câu chạy loằng ngoằng trên mặt nước, vẽ ra những đường nét rối loạn. Hai co người giật mạnh. Rồi hẫng “phựt”. Con cá đã bị mập bớp. Một cái đầu cá đỏ nhoét máu run bần bật trên sàn lều nhấp nhoá ánh đuốc. Con mắt cá trừng trừng lồi ra như vẫn còn chưa hết kinh hoàng, rồi nổ đóp một tiếng khô khỏng. Cũng do sự thay đổi đột ngột của áp suất không khí, hầu như con cá nào nhô khỏi mặt nước cũng bị nổ mắt như vậy. Thế là mất toi cả món mắt cá.

- Tiên sư lũ cướp biển. Láo!

Hai đập rầm rầm vào vách bạt, rồi quát xuống đảo, vẻ dậm doạ. Nhưng rồi suốt đêm ấy, Hai chỉ câu được một đống đầu cá nhoe nhoét máu. Con cá nào cũng bị lũ mập thiến mất một nửa. Có khi tham quá, mập mắc câu luôn. Thế là lại phải giằng co với mập. Một cuộc giằng co quyết liệt. Gặp con mập to quá, Hai phải chặt dây câu cho con mập phóng đi, vì không thể lôi thằng cướp biển đó lên sàn lều được. Đành phải để nó tẩu thoát. Nhưng trước khi mở lượng khoan hồng, “tha bổng” cho con mập, Hai cũng phải quần cho cu cậu một phen nhễ nhại. Hai ghì sợi dây câu vào cọc sắt cột lều, nới ra cho cu cậu giãy giụa rồi lại thít chặt, kéo con mập vào thật gần, thật gần. Đoạn, Hai chổng đít, sõng lưng phóng thẳng một luồng tức giận xuống biển. Mặt nước rực một quầng lân tinh xanh lét.

- Toi chưa con! Chết chưa con! Bận sau thì chừa nhé! Đừng có ghẹo bố nhé!

Hai rít lên sảng khoái. Nhưng con mập đã biến mất, để lại một khoảng nước lạnh ngắt. Sợi dây câu lao thun thút xuống biển, rồi lặn hút trong màu nước tối rợn, âm u...

(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




VII. Cô tiên trên đảo

Vâng, đúng như vậy đấy. Cô là Tiên giáng thế. Nghe đồn cô đẹp lắm. Mái tóc dài óng ả. Da trắng nõn. Cô đi tới đâu là ở đó xao động. Chàng trai nào nhìn thấy cô, cũng ngẩn ra, rồi sững sờ như hoá đá, còn đá lại bồn chồn, lại rạo rực, lại muốn hoá thành người, thành một chàng trai, để cô lé mắt đến. Nói tóm lại, cô đúng là một nàng Tiên, Trời giáng xuống trần. Bởi thế, cô có cái tên cũng rất trần thế - Tương. Trần Thị Tương. Nhưng một người con gái đẹp như thế không thể lại là Thị Tương được. Thị Tương có khác gì Thị Nở. Nghe cứ ghê cả răng. Thi sĩ Hai ùm quyết định đặt lại tên cho cô là Mộng Tương. Thế rồi cả đảo gọi cô là Mộng Tương. Phải vậy chứ! Người trong mộng cơ mà.

Mộng Tương là con gái đầu lòng của chính trị viên Thuận. Cũng mới chỉ láng máng có thế, cánh lính trẻ đã tíu tít “tranh thủ” bố Thuận, kiếm chỗ “buông neo” cho đời bớt lênh đênh rồi. Chính trị viên Thuận khoái lắm. Thế ra có con gái cũng hay. Vậy mà thằng cha nào lại bảo ở cái thời này, đẻ con gái không bằng con trai. Rõ thật ngu như bò! Thuận tủm tỉm cười. Nụ cười nửa vời, chỉ khẽ thoảng một chút ở bên mép, nhưng vẫn có sức mạnh của một ông bố vợ tương lai. Chả thế, đám lính trẻ xun xoe anh ra mặt. Rồi chẳng biết từ bao giờ, họ đã chuyển “thủ trưởng” lên ngạch “bố” một cách ngọt xớt. Cả hòn đảo tranh nhau gọi chính trị viên Thuận bằng bố. Chỉ duy nhất có một người không chịu chấp nhận. Đó là Tư Xồm. Ngay từ hôm đầu, khi Hai ùm cứ một điều “bố Thuận”, hai điều “bố Thuận”, Tư đã thấy có gì khấp khểnh. Bởi Thuận trẻ quá, trẻ đến nỗi, cứ theo lời Tư thì cái mặt vuông vức của cậu ta còn có phần “cũ” hơn gương mặt “bố” Thuận.

Nói thế, không có nghĩa Tư là anh lính già. Nếu so tuổi thì cậu ta chỉ đáng em út của đảo. Nhưng lạy giời, Tư lại được trời phú cho bộ râu sum suê giàu có. Hồi còn ở đất liền, bộ râu chỉ khẽ thoảng một vệt xanh mờ, khiến khuôn mặt cậu ta lúc nào cũng âm âm như bị ám khói. Nhưng ở đây, dưới vòm trời âm u, không tiếng gà, không bóng trẻ, người ta dần quên đi những cái dáng ong óng đầy huyền bí của các cô gái. Người ta cũng quên luôn cả vẻ trai tráng của chính mình. Bộ râu của Tư cũng bị bỏ quên, nên tha hồ bành trướng. Chúng tranh nhau mọc. Sợi xỉa ra. Sợi quặp vào, nom xùm xoè nghiêng ngửa như chùm rễ dại trắng phếu cặn muối vểnh ra ngoài lợi nước. Tư như trẻ, lại như già. Một bộ mặt hoang vu rất khó xác định niên đại. Bởi thế cậu ta không thể có đủ sự dũng cảm để nhún mình xưng “con” trước một người thanh mảnh, tịnh không hề có một sợi râu. Mặc dù mái tóc thưa mềm của Thuận cũng đã có sợi vẩn lên, xâm xâm như bọt sóng. Nhưng trông anh vẫn chỉ như người trạc tuổi ba mươi. Có lẽ anh trẻ nhờ nước da mịn và mỏng. Nước da ấy dường như không bao giờ ăn nắng, cứ chín ửng lên như da con gái dậy thì. Một người như thế lại là bố tiểu thư công nương xinh đẹp, một nàng tiên giáng thế. Hừ! Cũng khó mà có thể tin được!

Nhưng dẫu Tư không tin thì tiểu thư công nương Mộng Tương cũng vẫn trở thành người thân của cả hòn đảo. Chỉ tiếc chẳng có ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiều diễm của nàng. Có lẽ cũng vì thế mà nàng càng trở nên lung linh, kỳ ảo. Ngày nào cánh lính trẻ cũng nhắc đến nàng, vanh vách kể về nàng, cứ như họ đã từng quen nàng từ lâu lắm. Thoạt đầu, chính trị viên Thuận còn lắc đầu quầy quậy. Bố láo! Mấy cái thằng quỷ sứ nhà giời! Thuận tìm mọi cách lảng tránh. Nhưng cũng như thể tình yêu. Kẻ trốn chạy thường vẫn bị săn đuổi. Thuận bị “săn” tới tấp. Chỗ này “bố vợ”, chỗ kia “bố vợ”. Đảo cứ cồn lên như có đám mổ bò. “Láo toét! Em nó còn bé lắm. Chúng mày phải để cho nó lớn đã chứ!” Thuận dủm dỉm cười, nhưng khoé mắt lại ầng ậng nước. Anh không ngờ cô con gái rượu của mình lại trở thành niềm vui cho cả hòn đảo, nơi tưởng chẳng có gì để mà vui thú. Rồi Thuận cũng quen dần với trò chơi đó của lính.

- Thôi, chúng mày ngủ đi! Khuya rồi đấy! Đêm nay đứa nào gác? Thằng Hai à? Gác cho cẩn thận nhé! Lớ ngớ là tao mách em Tương đấy!

Thuận trở về đài chỉ huy đảo. Anh bước oai phong như một ông bố vợ thực thụ. Sương biển xuống tê tê. Phía sau lều bạt, biển bục lên một đám cháy lớn. Trăng đang mọc. Vài con ó biển giật mình, kêu oang oác trên thinh không mung lung mờ mịt... Cánh lính đảo không ai ngủ được. Loanh quanh thế nào lại quay về chuyện em Tương. Ngày nào cũng chuyện em Tương. Đến nỗi dần dần Tư Xồm, một anh chàng vốn đa nghi cũng đâm ra hoang mang. Hay là có cô gái như thế thật nhỉ? Mà đúng là có cô gái như thế thật. Dường như cô không còn ở trong chuyện huyền thoại của lính nữa mà đã xuất hiện thực sự trên hòn đảo này rồi. Chả thế mà tự dưng, hòn đảo bỗng như đổi khác. Nhiều anh chàng cục mịch cũng đột ngột trở thành đỏm dáng. Đến cả thi sĩ Hai ùm, người quanh năm vẫn khinh trời nước bằng tấm thân tồng tềnh bà mụ nặn, giờ cũng “quàn” trong một bộ cánh diêm dúa mỗi khi có việc phải đến chỗ bố Thuận. Có chàng lính mò được con ốc nón, cũng hì hụi gọt giũa, kỳ cạch làm thành cái bình hoa, rồi rón rén đến chỗ bố Thuận, nhờ bố chuyển tặng em Mộng Tương.

Thế rồi, đột ngột thư Tương tới đảo. Ôi chao! Phải nói đó là một ngày náo nhiệt, chộn rộn. Lần nào tàu ra, đảo cũng như ngày hội. Huống hồ chuyến tàu này lại có thư của tiểu thư công nương. Nhưng thật oái oăm. Bữa đó biển động. Trời tối mù mịt. Sóng nổi trắng như mây. Tàu không cập mạn được, cũng không buông nổi neo. Sóng chồm cả lên nóc đài chỉ huy. Con tàu đành cắt sóng, chồm chồm lượn quanh đảo. Chẳng có cách chi chuyển được hàng vào, mà cánh lính thì không thể “nhịn” thêm được. Phải cho anh em “ngửi” chút đất liền chứ! Tư Xồm nhảy phắt ra cửa lều, cởi cái áo yếm, phất lên trên không, rồi quay tròn ba vòng. Ấy là tín hiệu để ngoài tàu mở máy hai oát.

- Thế nào hở các bố? “Đứt neo” hoàn toàn à?

- Chịu! “Đứt” trăm phần trăm rồi! “Phới” thôi. Không thể vào gần được đâu! Sóng nó dồi vào bãi san hô thì chỉ có tan xác pháo.

- Thế thì chuyển thư đi! - Tư Xồm quát vào ống nói. - Chúng tớ không “nhịn” thư được, hiểu chưa!

Đám thủy thủ trên tàu đành phải bóc từng bức thư, đọc qua máy thông tin hai oát. Đến lượt thư của bố Thuận thì cả đảo nháo nhác. Cánh lính trẻ tíu tít châu quanh cái máy thông tin đã vặn to hết cỡ.

- Cái gì? - Hai ùm gào vào ống nói. - Đọc đi! Đọc lại đi! Đọc lại xem nào! Thư em Mộng Tương phải không?

- Không phải Mộng Tương. Trần Thị Tương! Tương cà mắm muối đây nhé!

- Khỉ! Mấy thằng phải gió! Đừng có láo lếu. Đọc đi!

- Bố ơi, con nhớ bố lắm. Nhưng con không khóc nhè như mẹ đâu. Hôm nào đài báo bão ở Trường Sa là mẹ lại khóc đấy. Con không khóc. Mẹ bảo, con cứ ngoan là bố sẽ về...

- Cái gì?

- Con cứ ngoan là bố sẽ về. Nghe rõ chưa? Dạo này con ngoan lắm. Con không quấy mẹ, cũng không gác chân lên cổ mẹ nữa. Hôm nào bố về, bố nhớ mua cho con ba quả bóng bay như của cái Tèo. Mí nữa đêm ngủ, con không còn đái dầm nữa đâu bố ợ...

- Ô hay, cái thằng này... Mày... mày... Bố láo! Ông thì cho một chưởng bây giờ... - Hai ùm vung tay tuyên bố. - Mấy thằng toàn xuyên tạc. Chúng nó trêu bọn mình. Thôi, tắt máy!

- Không, không đâu. Anh em đọc đúng đấy. - Chính trị viên Thuận kêu lên. - Thư con Tương thật đấy! Nó vẫn hay đái dầm mà...

- Ơ kìa, bố Thuận! Trời ơi, bố làm sao thế? - Tư Xồm buột miệng gọi chính trị viên Thuận bằng bố. - Làm sao lại có chuyện như thế được? Không! Không!..


(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)



VIII. Người lính gác Đảo Chìm

 
Mãi đến sâm sẩm tối, biển mới lặng dần. Nhưng những đám mây xám đục vẫn tướp táp bay trên nóc đài chỉ huy. Chật vật mãi, con tàu mới buông được neo. Giờ thì nó chỉ còn lảo đảo, ngật ngưỡng trên sóng như người vừa mới ốm dậy, vẫn chưa hết váng vất. Nhưng đám lính trẻ đã tỉnh queo như sáo tắm. Họ ùa cả ra tàu. Xuồng chật thì lóp ngóp bơi bộ. Bức thư của tiểu thư công nương Mộng Tương lập tức được chuyền tay khắp lượt đám trai trẻ. Hoá ra tụi lính tàu không bịa. Tiểu thư vẫn còn đang đái dầm. Hai ùm cười sùng sục:

- Hay! Tha hồ là tương lai!

- Tương lai cái khỉ gì!

- Thì em Tương càng trẻ chứ sao? Cậu thích gái già à?

Rồi Hai ùm toác miệng ứng tác luôn hai câu thơ mà cu cậu rất lấy làm khoái chí: Tội gì mê gái đảm đang - Chúng ta chờ lấy cháu ngoan Bác Hồ. Này! Đứa nào muốn lọt vào mắt cháu ngoan Bác Hồ thì phải có phiếu bé ngoan của bố Thuận nhé. Con xin đăng ký làm bé ngoan đây!

Thế là đám lính trẻ lại vây lấy bố Thuận. Xứ đảo chìm nhộn nhạo như một vườn trẻ. Tư Xồm có vẻ buồn. Cu cậu không tham gia cuộc vui, chỉ nhếch mép cười gượng gạo. Khi Hai đánh xuồng về lều bạt thì Tư đã lên giường nằm. Chẳng biết nghĩ ngợi gì mà cậu chàng cứ trằn trọc mãi, thỉnh thoảng lại đưa tay gãi bụng sồn sột. Căn lều bạt hoang lạnh không một ánh lửa. Trong đêm, trông nó rờn rợn như hang động người tiền sử. Bầy chim biển chao chát quần lượn trên nóc lều. Không biết trở trời hay sắp có bão mà chúng lại về hành hạ thế này? Hai thấy mắt díp lại. Mấy đêm thức trắng đợi tàu. Giờ người cứ bẫng lẫng. Hai chọc chọc báng súng vào tấm lưng to bè như mai vích của Tư Xồm. Cái thằng lạ thật! Có gì mà phải đai nịt lỉnh kỉnh thế này. Tối mò còn làm đỏm. Chỉ tổ cho rệp chim nó rúc. Thảo nào cu cậu gãi khiếp thế. Hai càm ràm:

- Vô lý thật! Thằng được ngủ thì cóc ngủ được. Thằng không được ngủ thì lại buồn ngủ trĩu mắt. Này, thằng khỉ, gác hộ tao chút. Khi nào mày buồn ngủ thì trả lại tao. Tao sẽ làm cho mày hai bài báo tường. Được chưa? Bây giờ ngồi ôm súng nhớ em là tuyệt nhất đấy! Lúc nào buồn ngủ thì đánh thức tao nhé!

Hai ghệch khẩu súng lên thành giường, rồi chui luôn vào chăn. Trước khi cất tiếng ngáy như sấm, cậu ta còn dậm doạ:

- Này, nhớ gác cho cẩn thận! Tư lệnh ra đấy. Bố già rất hay chơi cái trò bất ngờ đột nhập đảo. Lần trước ông cụ đã “cạo” thằng Thiêm một mẻ tơi bời đấy!

Chuyện ấy xảy ra cách đây đã mấy tháng rồi. Đêm đó đến ca Thiêm gác. Nhưng mấy ngày liền trằn trọc chờ tàu ra, giờ thì mệt quá, cu cậu ghệch súng vào lan can lều bạt, rồi cứ ngồi gục thế mà ngủ. Ngủ như chưa bao giờ được ngủ. Ngoài mép san hô, tàu đang chiếu phim. Cánh lính đảo dồn hết lên boong xem phim. Con tàu cũng không xa căn lều. ánh sáng của ngọn đèn trên nóc đài chỉ huy còn rập rềnh rọi qua cửa sổ bạt soi rõ từng tấm chăn rách của lính. Làm sao có thằng địch nào dám lẻn vào đảo. Thiêm biết vậy nên cứ yên tâm đánh thẳng một giấc đến sáng. Khi mở mắt, thì quái lạ, khẩu súng AK của cu cậu đã không cánh mà bay. Thiêm tìm khắp không thấy. Lính mất vũ khí thì toi rồi. Kỷ luật là cái chắc. Mà không khéo còn phải ra hầu toà án binh nữa. Bụng Thiêm cồn cào như lửa đốt. Trong lúc đang bối rối như thế thì Tư lệnh Giáp Văn Cương đánh xuồng vào. Vừa thấy Thiêm, ông hỏi ngay:

- Mày mất súng phải không? Tao nhặt được đấy. Súng tao cất ở ngoài tàu kia kìa! Ra đó mà nhận!

Thiêm nhảy lên mừng rỡ. Hoá ra đêm qua, Tư lệnh đột nhập đảo, thấy Thiêm ngủ khò trong lúc trực chiến, ông quyết định thu súng mang ra tàu. Phải cảnh cáo cu cậu thôi. Không thể khác được. Gương mặt Tư lệnh thoáng buồn rượi.

- Lính tráng gì mà lạ. Canh gác kiểu ấy thì chỉ cần một thằng người nhái vớ vẩn cũng chiếm được đảo!

- Con mệt quá, bố ạ! Mấy hôm vừa rồi không ngủ được!

- Mệt thì sao không báo đơn vị để thằng khác gác thay cho. Có ai bắt người ốm làm việc đâu?

- Con xin lỗi bố...

- Mày cũng như con cháu tao thôi. Nỡ lòng nào mà tao đày đoạ chúng mày. Nhưng khổ nỗi đây lại là Tổ quốc. Tổ quốc thì không thể bỏ được! - Tư lệnh cười buồn. - Nếu mày thấy làm lính mệt quá thì vào đất liền làm Tư lệnh, để tao gác thay cho. Mày làm được Tư lệnh không?

Thiêm bàng hoàng trước câu hỏi đột ngột của Thượng tướng Giáp Văn Cương. Làm sao con làm được Tư lệnh? Thiêm cười gượng gạo. Thượng tướng ứa nước mắt. Giọt nước mắt của một ông già ngót bảy mươi tuổi khiến Thiêm bủn rủn chân tay.

- Con xin lỗi bố!

- Thôi, ra tàu mà nhận súng đi!

Tư lệnh bỗng quát to, như để giấu nỗi xúc động. Có lẽ thằng bé cũng chỉ bằng tuổi ông khi ông mới nhập ngũ, mới tham gia trận đánh đầu tiên ở chân đồi A1 Điện Biên Phủ. Cái tuổi ấy đang khoẻ ăn, khoẻ ngủ. Nó có vứt súng đi thì cũng chẳng có gì lạ. Ông định cứ để mặc cho thằng bé tìm kiếm bã bời ra đã rồi sẽ gặp nó sau, để ít ra cu cậu cũng thấy sợ mà chừa cái thói đểnh đoảng chết người ấy đi. Nhưng rồi ông lại lo cậu ta tưởng súng rơi xuống biển, lại lao xuống biển mò thì khổ nó mà cũng nguy hiểm nữa. Thế là không kìm được, vừa rạng sáng, ông đã đánh xuồng vào.

Bây giờ thì Thiêm đã thành người thiên cổ rồi. Không biết rảnh xương tàn của cậu ta trôi dạt về đâu? Biển cả mênh mông mù mịt thế này.

Tất cả chỉ tại cái lũ ó biển chết tiệt! ở những hòn đảo lớn, bầy chim giũ xuống cát hàng triệu triệu con rệp. Ngày nóng, lũ rệp lặn sâu dưới cát. Đêm xuống, đảo nguội dần thì chúng ngoi lên, rồi cứ nhè lính mà đốt. Đốt rất ngọt, không đau đớn gì, nhưng sau đó thì ngứa. Ngứa khắp người. Da thịt mẩn đỏ, rồi mưng mủ. Lính không biết chạy đâu cho thoát rệp. Họ như bầy chim cánh cụt, không có lông bao phủ, che chắn, nên bầy rệp tha hồ mở đại tiệc trên da thịt lính. Tổng cục Hậu cần đã cử một đoàn bác sĩ ra đảo, chỉ làm mỗi một việc là tìm cách diệt rệp chim. Thuốc phun chưa tới được mặt cát thì những trận gió biển cấp 5, cấp 6 đã cuốn bay sạch. Đảo chìm không có cát, rệp lặn vào chăn chiếu, biến chăn chiếu thành hang ổ kiên cố. Mấy đêm liền, lính đảo không ngủ được. Thiêm đem chăn xuống biển giặt. Rồi một đợt sóng bất ngờ ào đến, cuốn chiếc chăn ra xa. Thiêm nhào theo vớt. Nước chảy rất xiết. Thấy Thiêm chới với bên mép san hô, Tư Xồm vội lao ra. Rồi Tư Xồm cũng bị sóng cuốn nốt. Thế là Hai ùm nhảy xuống cứu bạn. Nhưng rồi ngay lập tức, con cá kình ấy cũng lại bị biển nhấn chìm. Đảo khẩn cấp báo động. Tàu trực chiến rú còi, rồi tức tốc cắt sóng tìm những người bị nạn. Chật vật mãi đến gần nửa đêm, cánh thủy thủ mới tìm vớt được Hai ùm và Tư Xồm. Còn Thiêm thì chẳng thấy đâu cả. Có lẽ cậu ta bị sóng quật vào đá ngầm, rồi mắc lại ở một hốc đá nào đó. Mấy ngày sau cũng không tìm thấy xác.

Suốt một tuần liền, cái chết đột ngột của Thiêm thành bầu không khí nặng nề trùm khắp hòn đảo. Đến cả tháng sau cũng vẫn thế. Bởi ở đây, ngày dài lê thê, đêm lại ngắn choặn. Nhiều khi chưa kịp chợp mắt cho khuây thì đã sáng mất rồi. Bữa nay cũng vậy. Chưa đầy bốn giờ, mặt trời đã hắt nắng lên tận nóc bạt. Nắng rọi qua cửa sổ. Nắng toả từ dưới mặt nước lên. Chính những luồng nắng rừng rực ấy đã đánh thức Hai dậy. Hai dụi mắt nhìn ra cửa bạt. Rồi bàng hoàng. Ai như Tư lệnh Cương? Mà đúng là Thượng tướng Giáp Văn Cương. Ông già đang ôm AK ngồi trước cửa lều. Mái tóc xổ bạc trắng.

- Ối chết, sao, sao lại thế này?

Hai thảng thốt kêu lên, rồi nhảy ào xuống sàn lều.

- Thằng Tư đâu rồi thủ trưởng?

- Tư nào?

- Tư Xồm! Cái thằng cu gác đêm qua ấy mà!

- Chẳng có Tư nào cả. Chính cậu đã trao gác cho tớ.

Hai sửng sốt nhìn Tư lệnh. Chết chửa, hoá ra là bố già. Mà sao bố đột kích đảo sớm thế, lại nằm ngay trên chính cái giường của Tư Xồm. Ừ, mà quả thật lúc đó, mình cũng ngờ ngợ vì bộ quân phục nghiêm chỉnh quá, nhưng lại nghĩ chắc cậu chàng muốn làm đỏm trước mặt bố Thuận nên mới “quàn” trong bộ cánh diêm dúa như thế. Ai ngờ bố già! Thảo nào đêm qua, chim biển bay loạn xạ trên nóc bạt. Vậy mà tại sao lúc ấy mình lại không nhận ra nhỉ?

- Bố tha tội cho con! Chết thật! Con cứ tưởng thằng Tư. Có lẽ đêm qua nó ngủ lại ngoài tàu mà con thì lại không để ý. Con thành thật xin bố xá tội..

- Tội lỗi khỉ gì! - Tư lệnh cười hiền hậu. - Cậu là lính. Tớ cũng là lính. Cậu gác mấy năm trời còn được. Tớ gác mỗi một đêm thì nào có bõ bèn gì!


(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




X. Tiếng còi tàu đột ngột

Bây giờ thì chính trị viên Thuận đã chính thức trở thành ông bố vợ của cả hòn đảo. Cánh lính trẻ đều đồng loạt gọi anh bằng bố. Chỉ có Tư Xồm thi thoảng - vào những lúc tỉnh táo nhất - có tính toán chi li hạ anh xuống một bậc thành anh phó bố vợ. Bởi lẽ tiểu thư công nương Mộng Tương hiện giờ vẫn còn đang ở cái tuổi đái dầm. Nhưng cánh lính gọi anh bằng bố quen rồi. Cứ nhí nháu thế lại vui, lại gần gụi, ấm áp như trong một gia đình. Ở xứ đảo chìm mà không bố bố con con thì hoang lạnh quá, man di mọi rợ quá, còn biết lấy gì ra làm văn vẻ. Thế là chính trị viên Thuận nghiễm nhiên trở thành ông bố, mặc dù nếu tính tuổi quân, anh còn thua cả cậu lính trẻ nhất đảo có bộ râu quai nón mà đám lính ở đây vẫn quen gọi là Tư Xồm. Thuận mới nhập ngũ đầu năm 1979. Ấy là năm chiến tranh biên giới nổ ra ở cả hai đầu đất nước. Nhiều người lính đã phục viên, giờ lại tái ngũ. Thuận không phải lính cũ. Anh chuyển sang quân đội trong một đợt tổng động viên. Suốt những năm chống Mỹ, anh là thuyền trưởng tàu đánh cá Hạ Long. Bao nhiêu năm trời vật lộn với sóng gió, Thuận quen từng luồng lạch trên biển, thông thạo đến mức chỉ cần nhìn mây, anh biết được thời tiết nắng gió, ngửi mùi nước bốc lên vào lúc tinh mơ là phán đoán được luồng cá đi trong ngày. Một mình Thuận đã thành một cái Đài khí tượng di động. Khi người ta hiểu được biển cả thì biển cả không còn là nỗi bí hiểm đe doạ nữa. Đối với Thuận, dường như chẳng có gì bất ngờ. Mọi việc xảy ra đều đã được báo trước, đã treo sẵn trong trời mây, sóng nước kia rồi. Chỉ con người kiêu ngạo và lười nhác không thèm để ý đến thiên nhiên nên mới không biết mà thôi.

Thuận rất mừng khi vào quân đội, anh lại được về Bộ tư lệnh Hải quân, lại trở lại con tàu, ra canh giữ một hòn đảo nhỏ. Thế là người của biển vẫn không rời xa biển. Suốt một tháng ròng nằm chờ ở nhà khách Bộ tư lệnh, Thuận lần xuống thư viện, tìm những cuốn sách, những bài báo viết về Trường Sa để nghiên cứu, tìm hiểu. Anh biết Trường Sa là vùng đảo cát hoang dã. Thiên nhiên rất dữ dằn. Cát Trường Sa cũng rất đặc biệt. Nó chính là đá san hô tan ra. Bởi vậy, cát mặn và sắc. Dường như không cây nào chịu được. Ngay cả dừa và phi lao, từng quen với gió mặn, vậy mà đến Trường Sa cũng lụi dần, rồi cháy táp, đến nỗi có cảm giác chỉ cần đánh rơi một đốm tàn thuốc là chúng có thể cháy bùng lên thành những ngọn đuốc lớn. Ở quần đảo bão tố này, chỉ có hai loại cây còn lay lắt sống được. Thực chất đó là loài cây dại mà lính gọi là cây Phong ba và cây Bàng quả vuông. Nhưng chả lẽ Trường Sa lại chỉ có thế thôi ư? Người ta có thể cải tạo được thiên nhiên không? Cứ có đất là sẽ có tất cả. Thuận cho khuân xuống tàu, mang ra đảo mấy chục bao đất, một cân hạt rau và một con lợn đã có chửa sẵn. Với số đất ấy, trộn với cát và phân lợn, anh có thể nuôi được mấy vạt rau. Rồi trong tương lai, Trường Sa phải có được những vườn khoai, vườn đỗ, rồi đàn lợn đàn gà. Nghĩa là có một cuộc sống bình thường, như mọi miền quê nghèo nhất trên trái đất.

Ra đến đảo, Thuận mới biết cái ước mơ giản dị ấy chỉ là chuyện hoang đường. Hòn đảo còn chưa có cả cát mặn. Nó vẫn chìm sâu trong nước. Theo cách tính của các nhà khoa học Hải Quân, phải một trăm năm nữa, dải đá san hô ấy mới nhô lên khỏi mặt nước biển để trở thành một hòn đảo bình dị. Nghĩa là phải một trăm năm nữa, hòn đảo mới chính thức ra đời. Thuyền trưởng Nguyễn Hoà nhìn Thuận, cười hô hố:

- Này ông Thuận ạ, ta cuốc bố nó cái nóc đài chỉ huy kia ra mà gieo rau!

Thuận dủm dỉm cười. Nụ cười như muốn bảo: “Thì hãy cứ đợi đấy”. Ba ngày sau, có tàu ra đảo Sinh Tồn, Thuận gửi tặng cánh lính biển ngoài ấy mấy bao đất và gói hạt rau. Còn con lợn chửa thì anh giữ lại. Cứ như lời anh thì chỉ non tháng nữa là cô nàng sẽ “mãn nguyệt khai hoa”. Nhưng rồi ngay hôm sau, cũng vì sóng dồi lắc dữ quá, con lợn mửa mật xanh mật vàng và nửa đêm thì cô nàng chuyển dạ đẻ. Đẻ non. Chỉ có thế mà thành một sự kiện trọng đại. Cánh lính đảo ào hết lên boong. Trên đó, y sỹ Hà Huy đang lúi húi khoác áo choàng trắng, làm “bà đỡ” bất đắc dĩ. Còn nhớ dạo tháng Mười năm ngoái, Huy đã lập được một kỳ tích mà không ai có thể ngờ được: Cậu ta đã cứu Thiêm thoát căn bệnh hiểm nghèo. Bữa đó cũng vào tầm nửa đêm như thế này, Thiêm bỗng đau bụng dữ dội. Đau đến vã mồ hôi, đến phát điên, phát dại. Thiêm nhay nát cả góc chăn mà cơn đau ở vùng thắt lưng vẫn không dịu ngớt.

- Có lẽ đau ruột thừa rồi!

Huy bàng hoàng kêu lên. Nếu ở đất liền, thì chỉ cần một ca phẫu thuật đơn giản. Nhưng ở đây lại không đơn giản như thế. Bởi đảo chìm bấy giờ chưa có bác sĩ, mới chỉ biên chế đến cấp... y tá. Chính trị viên Thuận đã điện về Bộ tư lệnh, điện cả ra đảo Sinh Tồn và những hòn đảo lân cận. Nhưng nếu nhanh, bác sĩ có tới được cũng phải mất hai ngày.

- Nguy lắm! Cậu chắc chắn là chết. Ruột thừa vỡ thì đến bố bác sĩ cũng không cứu được. - Huy nói thẳng với Thiêm. - Cậu toi là cái chắc rồi. Muốn thoát chết chỉ còn duy nhất một cách là mổ. Mà mổ thì khả năng thoát chết cũng chỉ có 0,01%. Nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào tớ. Mà tớ thì... chưa từng mổ bao giờ...

Thế rồi rốt cuộc, Thiêm đành phải bám lấy sự sống với niềm hy vọng chỉ có 0,01%. Cậu cắn răng ký vào biên bản mổ, chấp nhận mọi sự rủi ro. Cánh lính trẻ trói chặt Thiêm vào chiếc giường sắt chống sóng, lấy nước muối sát trùng và Huy đã mổ cho Thiêm bằng... lưỡi dao cạo râu. Khi tàu cập được đảo thì mọi việc đã xong, Các bác sĩ chỉ còn làm mỗi việc: Sát trùng và khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Ca mổ đã thành công. Nếu có chút sơ suất thì lại là chuyện sơ suất thẩm mỹ. Vết mổ không hề đẹp. Lẽ ra chỉ nên chích một chút thì Huy kéo ra đến... gang tay. Cậu ta đã mổ Thiêm như mổ... một con gà!

Sau ca mổ bất đắc dĩ ấy, Huy được lệnh về đất liền, theo học một lớp y sĩ cấp tốc. Bây giờ thì cu cậu đã trở thành một thầy thuốc chính hiệu, không còn là anh y tá chỉ mới biết tiêm, biết bôi i-ốt và phát thuốc cảm cúm xuyên tâm liên, một thứ thuốc ai uống cũng được. Huy nghe tim, bắt mạch, chẩn đoán bệnh. Bệnh nào thuốc ấy. Nói như thi sĩ Hai ùm, bây giờ Huy đã là người sang của thiên hạ. Người sang trông tướng mạo cũng khác. Nói năng thì đàng hoàng, đi đứng cũng ra tấm ra món. Chính trị viên Thuận rất yên tâm khi người sang của thiên hạ làm “bà đỡ” cho cơn vượt cạn của con lợn ỉ ở đảo chìm.

- Đấy, các cậu cứ ngẫm mà xem. - Thuận cười -Đây không còn là chuyện vặt vãnh đâu nhé! Lợn đẻ ở đảo chìm tự thân nó đã có một ý nghĩa rất sâu sắc...

- Vâng, đúng thế đấy, bố Thuận ạ! - Hai đón lấy ý chính trị viên. - Con lợn của ta đã làm được một việc phi thường, là chứng minh cho thế giới biết rằng, đảo chìm không phải là một xứ sở hoang dã, mông muội. Đảo chìm đã có sự sống.

- Hoan hô!

- Hoan hô thì phải vỗ tay đi chứ! Đề nghị đồng chí Tư Xồm mở đại tiệc bằng cách cấp thêm cho anh em mỗi người một ca nước ngọt, uống ngay tại trận...

- Không được! - Tư Xồm kêu lên. - Không thể cấp phát vô nguyên tắc như thế được! Lợn đẻ chứ có phải các cậu đẻ đâu. Tớ sẵn sàng chi cho con lợn hai lít nước ngọt nếu có lệnh của bố Thuận.

- Này, anh em tin cậu, bầu cậu làm quản lý, chứ không phải làm cái thằng bủn xỉn, vắt cổ chày ra nước đâu nhé!

- Thay ngay quản lý đi!

- Bầu lại quản lý đi!

- Không được đảo chính, gây lộn xộn!

- Thôi được rồi, tớ đồng ý mở đại tiệc. Nhưng đại tiệc tiết kiệm, không ảnh hưởng đến ngân sách đảo. Đề nghị chi cho lợn một lít rưỡi nước ngọt để nấu một nồi cháo bồi dưỡng đẻ. Còn tất cả chúng ta mặc quân phục. Không đứa nào được cởi truồng!

- Nhất trí hoàn toàn!

- Hoan hô!

Hàng chục ngọn đuốc rần rật bùng lên. Lửa reo ù ù trong gió biển. Con tàu tức tốc được nhổ neo, lượn ba vòng xung quanh đảo chìm. Sau đuôi tàu, biển rực một vùng lân tinh sáng choá. Trong đêm, nom nó quái dị và kỳ vĩ như một dải Ngân Hà đang cháy.

Và khi con lợn con đầu tiên còn nhớp nháp ướt vừa nho nhoe tòi ra khỏi bụng mẹ thì Hai ùm đã lậng cậng chạy lên đài chỉ huy. Rồi một lúc sau, đảo chìm đột ngột vang lên một hồi còi chào nồng nhiệt:

- Ù... ủ... oà...

- Ù... ủ... oà... oà... oà...

- Oà... oà... ủ... oà...

(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi-ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)



X. Nàng An Ta Ra Mê Na

Gọi nàng An Ta Ra Mê Na, có lẽ bạn đọc tưởng đó là một Hoa hậu Hoàn vũ, một diễn viên điện ảnh quốc tế hay người đẹp thời trang nào đó. Nhưng không, đấy chính là công dân đảo chìm, một nàng lợn ỉ xinh đẹp ra đời vào đúng cái đêm lịch sử đáng ghi nhớ ấy. Chị em nàng đông lắm, gồm mười hai sinh linh. Tất cả đều có tên hẳn hoi. Tên do Hai ùm đặt. Nghe sang trọng lắm. Mà cũng phải thế thôi. Đã là công dân thì đều bình đẳng trước vầng nhật nguyệt. Dân đảo chìm cơ mà. Không thể cứ quê mùa chân đất mắt toét mà phải đàng hoàng, sang trọng, có tầm cỡ quốc tế.

Từ ngày có thêm các công dân ấy, lính đảo chìm như có con mọn. Do đẻ non, lại phải chống chọi với sóng gió, bà mẹ lợn mất sữa. Thế là có bao nhiêu sữa hộp, cánh lính đều đục ra, dành hết cho lợn. Rồi sữa hết, lại hì hụi nấu cháo, nghiền cháo ra làm sữa cho lợn bú. Nhưng rồi chẳng có cái gì nằm yên được trong bụng lợn. Chúng nôn thốc nôn tháo. Khi không còn gì để nôn nữa thì chúng lả ra như những cái dãi khoai rồi theo nhau héo hàng loạt. Thoạt tiên là con lợn khoang đầu đàn, rồi đến bầy em nó và cuối cùng là bà mẹ lợn. Chỉ trong ba ngày, xứ đảo chìm đã phải chịu đến hơn chục cái tang lợn. May mà còn một sinh linh. Và cũng chỉ duy nhất có mỗi sinh linh ấy sống sót. Đó chính là con lợn cái bé bỏng, em út của cả đàn, mà Hai gọi là nàng An Ta Ra Mê Na.

Cho đến tận bây giờ, cánh lính biển vẫn không hiểu vì sao An Ta Ra Mê Na lại có một sức sống dẻo dai bền bỉ như vậy. Ngay cả những hôm động biển, sóng quật cấp 8 cấp 9, nhiều thủy thủ nằm bẹp dưới sàn tàu, hoặc vịn thành giường nôn thốc nôn tháo thì An Ta Ra Mê Na vẫn lón cón chạy chơi trên boong. Cô nàng dường như chẳng coi sóng gió ra gì. Những lúc như thế, cô nàng lại ăn khoẻ. Ăn rất ngon miệng. Mà nào có phải cháo, sữa hay sơn hào hải vị gì. Toàn cơm thừa canh cặn của lính. Đến nỗi Tư Xồm đâm ngờ vực: “Này, không khéo nó không phải lợn đâu. Nó là con hồ li tinh đấy. Nghĩa là lợn hoá thành tinh. Trông cứ ghê bỏ mẹ. Rồi không khéo có ngày nó ăn thịt cả chúng mình”.

Nói nghe đến phát khiếp. Nhưng chẳng ai tin. Cánh lính biển lại thấy quý An Ta Ra Mê Na. Từ ngày có cô nàng, hòn đảo luôn vui nhộn. Thỉnh thoảng lính lại bơi ra tàu, chơi với An Ta Ra Mê Na. Thì còn có việc gì để mà làm nữa cơ chứ. ở những hòn đảo cát, dẫu sao còn có cát để vầy. Suốt ngày, lính đào khoét công sự. Đào sâu đến ngang bụng.  Sáng hôm sau, gió lại lấp cát xuống. Rồi sau một đêm nữa, cát đã san phẳng lỳ. Chẳng còn thấy chiến hào đâu nữa. Đảo trở lại thời hoang sơ nguyên thuỷ của nó. Rồi lính lại hì hụi làm con dã tràng moi vét cát lên. Cứ như thế quanh năm kéo co với gió. Một trò chơi bất tận. Không có người thắng, cũng chẳng có kẻ thua. Mệt mà vui. Vì dẫu sao cũng còn có việc để làm. Còn ở đây thì có việc gì? Suốt ngày bó gối nhìn trời nước. Chán thì lại lần ra tàu. Con tàu trực chiến thực chất cũng chỉ là một hòn đảo nổi, hòn đảo di động. Rốt cuộc cũng vẫn lại quanh quẩn thế thôi. Bởi vậy, có An Ta Ra Mê Na, hòn đảo cũng đỡ tẻ. Lính có thêm bao nhiêu việc làm. Bế cô nàng đi tắm. Dạy cô nàng tập bơi. Rồi chải lông. Rồi bắt rệp. Rồi tỉa tót, trang điểm cho cô nàng. An Ta Ra Mê Na đã quen dần đám lính đảo, có thể đùa giỡn với bất kì người lính nào. Nhưng xem chừng, cô nàng có vẻ thân Hai hơn, có lẽ vì Hai thích những trò nghịch ngợm. Hai hào phóng tặng nàng cái áo mới nguyên. Anh chàng còn xẻ ra, tỉ mẩn khâu lại thành bộ cánh mới vừa khíp với tấm thân tròn ủng của nàng. Hai chít được cả eo lưng cho nàng. Trên cổ nàng, Hai còn đính thêm một cái dải yếm, như trang phục của một thủy thủ thực thụ. Bây giờ thì cô nàng cũng diêm dúa, cũng xúng xính quân phục Hải quân, chẳng kém gì cánh lính cựu ở đảo chìm. Hai còn tập cho nàng đi bằng hai chân sau. An Ta Ra Mê Na có vẻ rất khoái khi được Hai túm chân trước, dắt đi. Nàng dặt dẹo lê từng bước theo Hai. Rồi từ đấy, hầu như chiều nào trên boong tàu, người ta cũng thấy nàng cùng Hai lậng cậng nhảy điệu va xi lô với lời ca nghe vừa lạ tai, vừa thật là kỳ quái:

- Va- xi- lô

Cà ri cứ oà tồ tồ

Cha cha cha

ở đây có cha con ta

Này trời mây, này nước non đẹp thay

Chẳng ai biết được chúng ta đang

ở đây

Va- xi - lô

Cà ri cứ oà tồ tồ

Cha cha cha

Chẳng ai hơn cha con ta...



XI. Cuộc biểu diễn không sân khấu

Hai ùm bảo tôi:

- Anh Khoa ạ, nói thật với đại ca, em đọc không được nhiều. Ở đây làm gì có sách mà đọc. Biết được cuốn nào thì cũng là hồi còn trong đất liền. Nhưng những truyện kể về lợn mà em đọc được thì chẳng có truyện nào tử tế. Trong bộ Tây du ký, anh chàng Trư Bát Giới chỉ là gã ngu si đần độn và phàm tục. Trong truyện dân gian của ta, có con lợn bị giết thịt, khi chết xuống âm phủ, cậu chàng tìm đến vua Diêm Vương kiện về cái chết oan ức của mình. Rồi cậu kể rất tỉ mỉ. Đầu tiên là bị chọc tiết. Rồi cạo lông. Rồi xả thịt ra, ướp hành tỏi, cho vào chảo rán, phi cho thơm lừng. Thế là vua Diêm Vương kêu ầm lên: “Thôi thôi, đừng có kể nữa nhé. Kẻo tao thấy thèm quá!” Thế có khổ cho con lợn không! Còn ngoài đời, con lợn chẳng được coi là cái quái gì cả. Mỗi khi tỏ ra khinh miệt một ai đó, người ta lại rủa: “Cái thằng ngu như lợn!”. Hoặc “Cái lão bẩn như lợn!”. Thế thì oan cho con lợn quá! Thực ra lợn đâu có bẩn, mà nó cũng chẳng ngu. Thậm chí, nó còn rất thông minh nữa kia. Nó biết tất cả mọi chuyện đấy. Chỉ mỗi tội là nó không nói được tiếng người thôi. Mà tiếng của nó thì loài người lại không thể hiểu được. Lấy ai phiên dịch bây giờ? Thế mới khổ.

Hai khẽ xuýt xoa, vẻ thương cảm. Rồi như để chứng minh cho sự thông minh, sạch sẽ của con lợn, Hai ngửa cổ gọi, giọng ngân nga như hát:

- An ta ra mế...ê...ê... na...a...a...

Có tiếng lạch cạch sau trục neo. Rồi con lợn khoang lậng cậng chạy ra. Toàn thân nó gói kín trong bộ quân phục lính thủy. Trông rất ngộ nghĩnh.

- Ra chào bác Khoa đi, con!

Hai vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau. Tôi giãy nảy:

- Ối thôi thôi! Tớ là không có anh em bác cháu gì với lợn đâu nhé!

- Thế thì chào nhà thơ đi. Nào, bắt đầu nhá. Em... chào... nhà... thơ...!

Hai lại kéo dài giọng. Con lợn bỗng nhảy cỡn lên, đứng chấp chới bằng hai chân sau, rồi nó quay tròn nửa vòng, soài hai chân trước về phía tôi, chúi rạp đầu xuống mặt boong, điêu luyện và yểu điệu như một diễn viên xiếc trên sân khấu.

- Tuyệt vời! - Hai reo lên, rồi lại vỗ tay. - Tiếp tục biểu diễn nhé. Tiết mục thứ hai: nhào lộn. Nào bắt đầu. Một - Hai - Ba...

Con lợn lăn mấy vòng trên boong tàu. Lăn bên phải, lăn bên trái, rồi nằm ngửa trên mặt boong, giơ cả bốn chân lên trời vẫy vẫy. Cánh lính trẻ vỗ tay rôm rốp. Con lợn có vẻ càng khoái tợn. Nó nhảy cỡn lên, loạng choạng đứng bằng hai chân sau, rồi nó ngoẹo cổ, nhếch mép. Trông rất ngộ nghĩnh và quái đản. Hai bảo đấy là nụ cười bí hiểm. Nụ cười La Giô-công.

Hai bế xốc con lợn lên, rồi quay tròn mấy vòng, vừa quay vừa nhảy lò cò. Tư Xồm lắc đầu quầy quậy:

- Điên hết rồi!

- Xem con lợn cũng vui đấy chứ!

- Vui cái khỉ gì! - Tư Xồm lẩm bẩm bảo tôi. - Anh hãy nhìn lại chúng đi. Rõ là một lũ rồ dại. Lợn thì loè xoè quần áo mớ bảy mớ ba. Người lại cởi truồng nồng nỗng. Thật chẳng còn ra cái thể thống gì!

(Còn tiếp)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




XII. Sóng gió không từ biển

Tư Xồm thực sự khó chịu với con lợn. Khó chịu từ rất lâu rồi. Đối với Tư, chẳng có nàng An Ta Ra Mê Na nào cả. Nó chỉ là một con lợn bắng nhắng. Một con đười ươi đã hoá thành tinh, luôn quấy nhiễu, gây mất trật tự, làm lộn xộn cả đảo chìm. Muốn trở lại yên ổn, chỉ còn một cách là giết quách nó đi. Tư Xồm đã nhiều lần đề nghị chính trị viên Thuận cho anh em một bữa cải thiện. Hai ùm lại càu nhàu: “Đúng là thằng bần tiện! Việc gì mà phải thịt lợn! Không có con lợn thì còn biết lấy gì ra làm văn vẻ. Thằng cha xung khắc với lợn, vì nó cầm tinh con hùm! Hùm nào thấy lợn mà chẳng muốn vồ. Cu cậu thèm thịt lợn cũng phải!”

Nói thế thì thật oan cho Tư. Tư đâu có phàm tục như vậy. ở đây khem khổ quen rồi. Tư cũng đã quen với sự thiếu thốn. Cậu ta sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bất cứ ai. Đồ đạc, vật dụng tư trang của Tư, ai cần, cứ việc lấy dùng. Tư không hề tắt mắt, tư túi. Chính vì thế, cánh lính đảo mới tin Tư, mới bầu Tư làm quản lý, canh giữ cả một kho nước ngọt của đảo. Sáng nào Tư cũng phát nước ngọt cho lính. Mỗi người hai gáo sắt. Mỗi gáo là một lít. Tư đong nước ngọt thiện nghệ đến mức không hề rớt ra ngoài một giọt nhỏ. Thoạt đầu, phi nước ngọt để ngay trên mặt boong, chỉ đậy cái nắp sắt bình thường. Nhưng rồi có đận, chỉ sau một đêm, thùng nước ngọt tự dưng cạn đến trơ cả đáy. Kiểm tra, thấy thùng không rò rỉ. Vậy thì nước ngọt biến đâu? Tư ngờ lắm. Cậu bí mật kiểm tra thì thấy trong ba-lô thằng lính nào cũng có một cái ống nhựa. Nước ngọt bay qua đấy chứ còn đâu nữa. Đêm, đợi Tư ngủ say, cánh lính bò lên boong hút trộm. Như thế có khác gì rồng cuốn. Tư chốt béng nắp sắt bằng cả một cái khoá Việt-Tiệp to đùng. Thỉnh thoảng, cậu lại đáo qua, lấy tay vỗ vào phi nước, nghe tiếng vỗ, biết nước còn hay đã “bay hơi”. Tư ghét con lợn là ghét cái thói đỏng đảnh rởm đời của nó. Ở đây, lính còn phải tắm nước biển, uống nước biển, độn thêm nước biển để nấu cơm. Có chút muối, cơm cứ chuồi chuội còn nguyên cả lõi gạo. Bát cơm rời rông rổng. Chẳng hạt nào dính với hạt nào, ăn sậm sật, chát xít. Lính tráng còn phải sống như thế vậy mà con lợn cứ “đụng” chút nước mặn là đi ỉa tồ tồ. Rõ thật con nhà lính, tính nhà quan. Lại phải thửa một suất riêng cho lợn, quá bằng chăm người ốm. Đã vậy, mỗi ngày còn phải chi thêm cho nó bốn lít nước ngọt nguyên chất nữa để làm suất uống. Bốn lít nước bằng tiêu chuẩn của hai thằng lính biển chứ có ít đâu. Một ngày bốn lít. Mười ngày bốn mươi lít. Một tháng một trăm hai mươi lít. Một năm là tấn rưỡi nước ngọt. Ối giời đất ơi! Như thế nó đâu phải là lợn. Nó là con giặc cái, là cái máy ngốn nước ngọt rồi!

Phải tiêu diệt con lợn thôi. Không còn cách nào khác. Tư Xồm lại nài nỉ chính trị viên Thuận. Thuận cười điềm đạm:

- Mình hiểu thiện chí của cậu, là muốn tiết kiệm nước ngọt dành hết cho anh em. Nhưng nếu chỉ vì chuyện nước ngọt mà giết mất con lợn thì uổng quá. Hay là ta giải quyết thế này: Phần nước ngọt phải chi cho lợn, cậu cứ trừ luôn vào tiêu chuẩn của mình. Thế được không?

Tư Xồm ngồi nghệt ra. Lại đến cả thế nữa! Đã loại trừ con lợn là để dành nước ngọt cho lính, bây giờ suất nước ngọt hư hao ấy lại dồn hết vào một người, mà người đó lại là bố Thuận, người đứng đầu cả hòn đảo? Ai dám làm thế cơ chứ. Rốt cuộc, chẳng có gì xảy ra. Con lợn vẫn lăng xăng, nhắng nhít. Mỗi ngày, bốn lít nước ngọt vẫn phải chi cho nó. Tư bực lắm mà chẳng có cách nào trừ khử được con ôn vật.

Thế rồi, thật bất ngờ, một vận may đã đến với Tư. Vâng! Phải nói đúng là một vận may, vì trước đó Tư đâu có nghĩ tới. ấy là khi con lợn đến kỳ động đực, xứ đảo chìm mới thật sự lộn xộn. Nếu lợn đực thì thật đơn giản. Chỉ nháy mắt là Huy thiến xong. Nhưng lợn cái thì chịu. Cu cậu chẳng biết lách mũi dao vào đâu. Đêm xuống ngột ngạt. Buồng thủy thủ nóng hầm hập như cái lò nướng bánh mì. Cánh lính trẻ đành kéo nhau lên boong, nằm ngả ngớn hóng gió. Đêm, con lợn cứ chịn cái đít ướt nhoét và tanh lòm vào mặt lính.

- Ơ cái con này, láo nhỉ! Mặt ông chứ có phải là cái bờ tường của nhà mày đâu!

- Cút ra ngay!

- Ông thì cho một chưởng bây giờ! Cút!

Nhưng con lợn còn biết gì nữa? Nó như đã hoá điên, hoá dại. Rồi nó cuống cuồng nhảy bổ cả xuống biển. Thế là cả hòn đảo nháo nhác. Tàu rúc còi báo động. Bao nhiêu đèn pha trên tàu đều được huy động, rọi loà loà xuống mặt biển. Những gã bơi giỏi nhất của đảo đã được sung vào đội cứu nạn. Mãi đến nửa tiếng sau, Hai ùm mới lóp ngóp ôm con lợn leo lên mặt boong. Cả người và lợn đều run bần bật. Tảng sáng, Tư Xồm đã đập cửa buồng chính trị viên.

- Vào đây, có chuyện gì thế cậu?

Chính trị viên Thuận ôn tồn hỏi. Anh biết Tư đến vì việc gì rồi. Anh cười:

- Lại chuyện con lợn phải không? May mà còn tìm được. Đêm qua biển cũng lặng...

- Nhưng không thể nuôi được nó đâu, thủ trưởng ạ! Trước sau rồi cũng mất thôi.

- Mình nghĩ là qua kỳ động đực, con lợn sẽ trở lại trạng thái bình thường. Chẳng có gì phức tạp đâu.

- Tôi nói thực điều này, thủ trưởng đừng giận nhé. Tôi có cảm giác thủ trưởng không hề thương lính. Thậm chí thủ trưởng coi tính mạng lính chẳng còn ra cái gì, có khi không bằng cả một con lợn!

- Cậu nói gì lạ thế? Hả? Cậu vừa nói gì? - Thuận nóng bừng mặt.

- Thì đó, thủ trưởng ngẫm coi. Nếu đêm qua có cá mập thì anh em sẽ ra sao nào? Chả lẽ chỉ vì một con lợn nhép mà phải đổi đến mấy mạng lính ư?

Thuận bàng hoàng trước câu nói cứ tỉnh bơ của Tư Xồm. Biết chính trị viên đã núng thế, Tư dịu giọng:

- Tôi biết thủ trưởng quý con lợn, quyết giữ gìn con lợn cũng là vì anh em thôi. Quả thật ở hòn đảo này, có con lợn cũng vui. Nó như niềm giải trí. Nhưng lợi bất cập hại. Thủ trưởng đừng nghĩ tôi cáu bẳn với con lợn chỉ vì mấy ngụm nước ngọt. Ai đi so đo miếng ăn với con lợn làm gì. Nhưng tôi nghĩ là ta khó mà nuôi được nó. Đến kỳ động đực nguy hiểm lắm. Cứ nghĩ đến đêm qua là tôi thấy rùng mình. Vùng biển này đâu phải không có cá mập...

- Thôi, cậu đừng nói nữa. Đủ rồi! - Thuận cắt ngang lời Tư Xồm - Để cho mình cân nhắc thêm chút nữa đã. - Thuận khẽ thở dài. - Ừ, mà không khéo đến phải thịt con lợn thật!
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đảo chìm

Tiểu thuyết mi ni của Trần Đăng Khoa

Phần thứ nhất

(tiếp theo)




XIII. Chuyện trên boong

Thế là số phận của con lợn đã được định đoạt. Sự việc diễn ra nhanh quá. Nhanh đến nỗi ngay cả Tư Xồm, người chủ mưu bày đặt ra cái chuyện này, cũng còn thấy ngạc nhiên, không ngờ nó lại diễn ra đơn giản đến như vậy. Còn đám lính trẻ thì bàng hoàng, sửng sốt vì không thể tin bố Thuận lại có quyết định đột ngột như vậy. Hai ùm và Tư Xồm gườm gườm nhìn nhau như hai kẻ thù địch. Hai ùm biết sự việc bắt đầu từ đâu. “Chắc mày lại ton hót gì với bố Thuận, phải không?” Hai hỏi bộp Tư Xồm. Tư thủng thẳng: “Thì tốt nhất cậu cứ tìm bố Thuận mà hỏi!” Chính trị viên Thuận chỉ mủm mỉm cười. Nụ cười có gì như là gượng gạo: “Thôi, cũng đừng băn khoăn nữa, Hai ạ! Tao thấy thằng Tư nó nói đúng đấy. Không thể nuôi được con lợn đâu. Tao cũng không muốn giết con lợn. Nhưng chẳng còn có cách nào!” Thế là toi rồi, An Ta Ra Mê Na ơi! Bây giờ thì không còn ai cứu được em nữa rồi! Hai bỗng ứa nước mắt. Chính cậu cũng không ngờ mình lại có lúc yếu đuối đến mức buồn cười và dớ dẩn như vậy. Không khí thật nặng nề. Hòn đảo như đang đứng trước một tai hoạ không thể tránh khỏi.

Nhưng rồi sự việc cũng chóng qua đi. Vì dẫu sao nó cũng chỉ là một con lợn như bao con lợn khác. Vậy thì có gì mà phải vân vi. Cánh lính trẻ lại háo hức trước niềm vui mới. ấy là bữa liên hoan sẽ tổ chức vào ngày mai. Kể cũng hay. Đã lâu lắm rồi, đảo chưa có được bữa ăn tươi. Suốt đêm, hầu như cánh lính trẻ không ngủ. Họ tíu tít bàn nhau nên ngả những món gì. Thịt lợn luộc chấm muối ớt thì dễ rồi. Nhưng chả lẽ tiệc lại chỉ có mỗi món như thế? Bày đặt thêm cũng khó. Vì ở đây, chẳng có gì khác ngoài muối và ớt khô. Giả cầy thì không có riềng. Tiết canh lại thiếu lạc. Hay quạt thêm tí chả nướng? Ừ phải rồi! Có lẽ phải thêm món chả nướng nữa mới xôm trò. Đấy, cánh lính cứ thế mà âm i, mà ríu rít. Con lợn dường như cũng linh cảm thấy nỗi bi thảm đang đến mỗi lúc một gần, nó lậng cậng chạy hết xó này đến xó khác, cọ lưng vào chân người này, dũi mõm vào tay người kia. Hình như cô nàng đang cố tình xun xoe nịnh bợ để lấy lòng mọi người. Nhưng nịnh bợ xun xoe gì thì cũng cứ chết!

Trên mặt boong, chảo nước làm lông đã sôi sùng sục. Huy đang quèn quẹt mài dao. Hai ùm nằm liệt trong lều bạt. Cậu ta định bụng không lên boong. Hay gì cái trò thịt lợn mà phải xem. Nhưng rồi không hiểu sao, cậu ta lại thấy bứt rứt, không thể nằm yên được. Chẳng biết sự thể sẽ ra sao? Hai ùm bật dậy, lao bóp xuống biển, bơi ra tàu. Trên mặt boong, cánh lính kéo đến đông nghịt. Con lợn đã bị lột hết quần áo, bị dằn ra sàn tàu.

- Này, phải tìm đúng tia máu hẵng chọc tiết. Chọc mà nó không chết là phải tội đấy!

- Thôi! Tao hoá kiếp cho mày, để mày làm kiếp khác sướng hơn nhé!

- Đưa cái giẻ ướt đây! Thế, được rồi!

Huy lấy cái giẻ, lau đi lau lại cổ lợn cho sạch để tiết đỡ bẩn. Rồi lấy mũi dao gạt lông lợn để chọn điểm thích hợp nhất kết liễu đời con vật. Nhưng khi mũi dao vừa chạm vào cổ lợn, thì con lợn lật mình nằm ngửa ra, rồi đưa cả bốn chân lên trời vẫy vẫy rối rít. Hai ùm kêu ầm lên:

- Này, nó chọc tiết mày đấy, tưởng đùa à mà còn làm trò?

Con lợn lại ngoẹo một bên cổ, nhếch mép như là cười, một nụ cười ngô nghê và bí hiểm mà Hai vẫn quen gọi là nụ cười La Giô-công. Rõ ràng là cô nàng vẫn tưởng cánh lính đùa cợt, nên lại tiếp tục diễn trò. Rồi cô nàng lại nhảy cỡn lên, quay nửa vòng, rồi vục mõm xuống, choãi hai chân về phía trước như động tác chào lạy. Huy ngẩn người nhìn con lợn. Đám lính cũng bàng hoàng nhìn nhau. Con lợn vẫn biểu diễn, vẫn tiếp tục làm trò. Xưa nay, nó vẫn quen như vậy. Và cho đến tận giây phút này, con lợn vẫn là niềm vui của cả hòn đảo. Vậy thì nó có tội tình gì mà người ta nỡ giết nó? Ngày nào, nó cũng phải chịu sóng gió như lính. Ăn cơm thừa canh cặn của lính. Có tốn chút nước ngọt thì đáng là bao? Vậy mà chỉ vì tí nước ấy, người ta nỡ giết nó ư? Huy vứt toạch con dao vào đống dây neo:

- Thôi, đứa nào chọc tiết lợn thì chọc nhé, còn tớ thì tớ chịu!

Cánh lính cứ đùn đẩy nhau. Chẳng ai cầm nổi con dao chọc vào cổ lợn, kể cả Tư Xồm. Buổi chiều, người ta lại thấy Hai ùm dắt con lợn bước lậng cậng trên mặt boong. Giọng Hai ùm sừng sộ:

- May mà bố Thuận đã ân xá. Chỉ tí tẹo nữa thì đời mày tàn rồi! Tàn là tàn thế nào? Là nó chọc tiết mày đấy. Chọc là chọc vào cái cổ này này. Rồi nó ăn thịt mày. Nhai tóp tép. Rồi mày sẽ thành cứt. Thành cứt mà đã yên được à? Mày sẽ trôi lềnh bềnh trên biển. Rõ chưa? Rồi mày lại nằm trong bụng cá. Mày đi lang thang khắp các gầm trời. Thế mà lại còn nhe răng ra cười à?

Hai ùm lại tung con lợn lên, quay một vòng. Rồi lại túm hai chân trước của con lợn, nhảy điệu nhảy quen thuộc với lời ca rất đỗi kỳ quái:

- Va- xi- lô

Cà ri cứ oà tồ tồ

Cha cha cha

ở đây có cha con ta

Này trời mây, này nước non đẹp thay

Chẳng ai biết được chúng ta đang

                                    ở đây

Va- xi- lô

Cà ri cứ oà tồ tồ

Cha cha cha

Chẳng ai hơn cha con ta...


(Còn tiếp một kỳ nữa)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 26 trang (259 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [15] [16] [17] [18] [19] [20] [21] ... ›Trang sau »Trang cuối