Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Thái Thanh Tâm đã viết:
Mình đã xem đi xem lại đoạn Tổng thống Nga trao huân chương này. Tài năng và tình yêu của ông Thúy Toàn với nước Nga, văn hóa Nga, văn học Nga...thật đáng trân trọng. Chỉ hiềm một nỗi, ông Toàn khi bắt tay Tổng thống cúi người nhiều quá, trong khi về chiều dài cơ thể ông ấy đã thấp hơn Tổng thống Nga rồi. Những người khác lên nhận huân chương họ có làm vậy đâu. Sao nhiều người VN có tài năng, có cương vị, khi tiếp xúc với người nước ngoài cứ phải làm cho mình thấp xuống thế nhỉ ?
Em thì nghĩ, đó là đặc trưng của văn hoá thôi bác ạ, không phải là cố tình hạ mình thấp xuống. Giống như có nước thì theo phong tục, họ chắp tay trước ngực cúi xuống vái chào, có nước thì chỉ thẳng lưng đưa tay ra bắt... không thể lấy chung một chuẩn mà bảo ai khiêm nhường, ai hạ mình, ai vênh vác được bác ạ.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Tôi mở topic này theo sáng kiến của bạn Phạm Bá Chiểu nhằm thông tin tới các thành viên những cuộc thi viết đang diễn ra (thơ, truyện ngắn, tuỳ bút). Đồng thời giới thiệu những bài thơ được giải (văn xuôi có thể không đưa hoặc đưa sang chuyên mục "Văn học ngôn ngữ").

Mục đích để các bạn thành viên muốn có thể tham gia thi và tham khảo các bài viết được giải.

Bạn nào biết có cuộc thi viết đang diễn ra ở đâu thì ta cùng thông báo vào đây cho mọi người được biết.

Mong được các bạn hưởng ứng.

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


THÔNG BÁO

Hiện nay, ở diễn đàn nguyetvien.net đang có cuộc thi thơ xuân 2011.

Thời hạn nhận bài còn đến hết 15/2/2011.

Các bạn đọc thể lệ   Ở ĐÂY

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


THÔNG BÁO

Hiện nay, ở Tuổi Trẻ Online đang có cuộc thi viết tuỳ bút “Xuân hoài hương”

Thời hạn nhận bài còn đến hết 7/2/2011.

Tuy còn 5 ngày nữa hết hạn nhận bài nhưng vừa ăn tết vừa tranh thủ viết vẫn được. Chỉ cần nhịn chơi tết 1 tí thôi :)

Các bạn đọc thể lệ    Ở ĐÂY



Tôi biết được mấy cuộc thi nữa nhưng hạn nhận bài còn dài nên tôi thông báo sau. Bạn nào biết cứ đưa vào đây nhé
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Diễn đàn "Áo Trắng.vn" vừa công bố giải thi truyện ngắn và thơ xuân Tân Mão.
Sau đây là các tác phẩm được giải:

Giải nhất:
TỰ KHÚC
Trần Thanh Trúc

Có phải mùa xuân nào cũng ngọt lành không anh
Bờ cỏ sẽ xanh non, hoa rộ vàng trước cửa…?
Sao em nghe những héo mòn như chẳng thể mùa xuân nữa
Nhác trông một dáng hình quen thuộc cũng hoang mang…

Có phải xuân về trời đất sẽ hân hoan
Mà sao em chơ vơ giữa ngập tràn nắng đổ
Chợt nghe tiếng én gọi đàn đâu đó
Thảng thốt thương mình lạc lõng giữa mùa vui.

Em loay hoay giữa mắt biếc môi cười
Ôm kỷ niệm ắp lòng mà vòng tay trống hoác
Mùa đang lộng lẫy, sao thương yêu mình bệch bạc
Đành lòng ngậm ngùi…
Thả nỗi nhớ đi rong…

Ngoài kia ngày nắng đang ngọt dịu thắm hồng
Vòng xe qua phố đi tìm một nửa bình yên đã lạc về đâu đấy
Đã loanh quanh mãi những buồn phiền, nghi ngại
Đã loanh quanh hoài những ngày sương mắt ướt
Đã loanh quanh rồi…
Những ngày tóc rối phong phiêu…

Thầm gọi tên mình một ngày mắt gió trong veo…
Khi ánh xuân tươi đã tràn về rợp ngõ…


Giải nhì:
THÔI ĐÀNH KHÉP LẠI
Nguyễn Tường Thụy

Thôi đành khép lại chữ quen
Trót đưa ánh mắt nhìn em khác thường
Mùa xuân về rắc tơ vương
Cho nên mới thử nhớ thương một lần.

Thôi đành khép lại chữ thân
Trót quen thì tránh, đừng gần gũi nhau
Kẻo ngày xuân chẳng dài lâu
Đò giang không thuận, sông sâu khó lường.

Thôi đành khép lại chữ thương
Trót thân xin chớ vấn vương, bồi hồi
Trái tim sao chẳng chịu lời
Em không xa lánh để rồi khổ theo.

Thôi đành khép lại chữ yêu
Trót thương, nào đã bao nhiêu ngọt lành
Cái hôm tôi để tang mình
Là hôm em liệm mối tình trái ngang.

Cầu Kiều ai bắc mà sang
Bên kia em lệ hai hàng, đơn côi
Bên này cô độc mình tôi
Làm sao có thể quen thôi bây giờ.


Giả ba:
ĐÁNH THỨC MÙA XUÂN
Lê Thị Hồng Nhi

Gió rượt đuổi nhau lay động những chồi duyên
Hát khẽ khàng: Xuân ơi xuân thức dậy
Vẫn lặng yên! Mùa chẳng buồn động đậy
Giấc đông chưa tròn, hạt xuân cố dây dưa!

Giọt nắng nghiêng mình rơi xuống giậu thưa
Vẽ bức tranh cỏ cây thay áo mới
Hót véo von, chim chuyền cành réo gọi
Mùa vẫn đơn côi, xuân lững thững chưa về

Mây thướt tha in đáy nước sông quê
Xanh nước, xanh mây, nụ trên cành chớm hé
Vạn vật hòa thơ: xuân ơi về nhé!
Cánh xuân non vẫn chìm giấc mộng dài

Mắt biếc vô tình áo đỏ bay bay
Để cho ai nhìn mặt trời lạc hướng
Theo nụ cười em hoa tươi mơn mởn
Rối mắt người dưng, xuân phơi phới chan hòa


Giải khuyến khích:
SẼ...
Nguyễn Văn Phúc

Sẽ có một ngày Mặt Trời thôi rực lửa
thôi đỏ hồng
thôi vàng rộm chiều thu
Là ngày em cùng mùa xuân chạy trốn
Quanh ta cõi thế mịt mù.

Sẽ có một ngày đêm rằm Trăng thôi sáng
thôi tròn xoe
thôi lóng lánh sắc màu
Chú Cuội buồn đau
Bỏ gốc đa già hải hồ phiêu bạt
Sẽ có một ngày con tim tôi tan nát
Là ngày em cùng mùa xuân buốt lạnh, xanh gầy.

Sẽ có một ngày Trái Đất ngừng quay
sông ngừng trôi
biển thôi dậy sóng
Sẽ có một ngày gió không còn xao động
mây ngừng bay
chim chóc hững hờ
Là ngày em thôi hết mộng mơ
Khi mùa xuân về ngang phố nhỏ.

Sẽ có một ngày không còn sắc xanh của cỏ
tim tím bằng lăng
đỏ thắm phượng buồn
Sẽ có một ngày anh hóa những tiếng chuông
những tiếng đàn thẳm sâu đơn độc
Sẽ có một ngày thêm người đàn ông khóc
Là ngày anh vuột mất em... giữa cuộc đời.

Sẽ có một ngày trên đôi môi
Thôi không cắn mùa xuân nồng nàn mơn mỡn.


Giải khuyến khích:
NỒNG NÀN XUÂN
Phạm Văn Ninh

Gót xuân mềm
Chạm vào lòng phố thênh thang
Những bước chân nhẹ nhàng như thiếu nữ
Đánh thức ngực xuân dậy thì

Chồi non ngỡ mùa buốt giá
Rúm mình trong sớm ban mai
Heo may trở về vội vã
Thềm loang những sợi nắng dài...

Đôi bàn tay nhỏ gói gọn mùa ký ức
Gượng gạo đôi má hồng
Cô gái nhà bên qua xuân này lấy chồng
Chắc hẳn có kẻ biết tin sẽ ngẩn người và khóc

Xuân về rối làn tóc
Én lạc bầy chao nghiêng cả khoảng trời lặng câm
Nụ tầm xuân thở dài chưa cởi vội tà áo
Sợ giọt sương khuya mơn trớn nát cánh hồng

Ngõ nhà ai đào khoe sắc ru êm
Khói chiều hun hút thơm nồng nàn mùi Tết
Nắng dịu dàng trên sông
Màu mắt ai lúng liếng…


Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


THÔNG BÁO

Tạp chí Văn nghệ quân đội đang có cuộc thi thơ lục bát

Các bạn đọc thể lệ    Ở ĐÂY
          
Thời gian nhận bài thi được kéo dài đến hết tháng 12/2011. Các bạn xem    Ở ĐÂY


Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngày thơ VN năm nay sẽ không còn ‘quậy’



Tại Ngày thơ Việt Nam 17/2 (rằm tháng Giêng) sắp tới, sân thơ Trẻ đổi tên thành sân thơ Hiện đại, dự định sẽ không có trình diễn hay sắp đặt đương đại phá cách như các năm trước mà 'tĩnh tâm' hơn.

Sân thơ Hiện đại nằm trong khuôn khổ Ngày thơ tổ chức tại Văn Miếu (Hà Nội) từ 8h30 ngày 17/2 Dương lịch (tức 15/1 Âm lịch). Khác với tên gọi sân thơ Trẻ mọi năm, sân thơ năm nay mang tên Hiện đại để mở rộng phạm vi cho các tác giả “không còn trẻ mà vẫn có suy nghĩ hiện đại” tham gia, theo lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Sân thơ này mang chủ đề "Blog Xuân 2011", gồm có 3 phần: sân khấu nơi các nhà thơ đọc thơ, không gian trưng bày 10 tấm poster tôn vinh các nhà thơ hiện đại nổi bật trong năm 2010 và cuối cùng là 10 thi quán nơi các nhà thơ trưng bày tác phẩm và giao lưu với công chúng.

http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2011/02/9296-ngay-tho-vn-nam-nay-se-khong-con-quay/xe_may.jpg
Thơ viết trên xe máy - tác phẩm sắp đặt của nhà thơ Lê Anh Hoài tại Ngày thơ Việt Nam 2010. Ảnh: Hoàng Hà.



Trong kịch bản chương trình, nhà thơ Vi Thùy Linh sẽ có tiết mục đọc thơ chung với nghệ sĩ Đào Anh Khánh tại sân khấu thơ Hiện đại. Thường thì sự kết hợp giữa hai nhân vật này sẽ mang lại những màn trình diễn độc đáo và gây xôn xao, nhưng theo nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng ban Nhà văn Trẻ của Hội Nhà văn, tiết mục của hai nghệ sĩ này cũng không phải trình diễn đương đại.

“Không nhất thiết hội thơ phải có trình diễn, sắp đặt. Các năm trước chúng tôi gợi mở cho công chúng biết rằng thơ có nhiều hình thức thể hiện”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói. “Nhưng về cơ bản thơ vẫn là đọc theo kiểu truyền thống. Năm nay, chúng tôi bàn với nhau nên lắng lại, tĩnh tâm lại cho sân thơ Hiện đại. Nói đùa với nhau là không quậy nữa, nhưng vẫn không đánh mất chất trẻ trung, sôi nổi, hiện đại”.

Bên cạnh đó, các gương mặt quen thuộc của Ngày thơ các năm như Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư, Phạm Vân Anh, Hữu Việt, Nguyễn Thúy Quỳnh, Mai Văn Phấn và Lò Cao Nhum cũng sẽ có mặt trên sân khấu thơ.

Các tác giả và xuất hiện ở không gian poster và thi quán bao gồm Nguyễn Phan Quế Mai (tác giả của Cởi gió), Vi Thùy Linh (Phim đôi - tình tự chậm), Nguyễn Khánh Toàn (truyện thơ lịch sử Con Hồng cháu Lạc), Mai Văn Phấn (Bầu trời không mái che, Hôm sau, Và đột nhiên gió thổi), Nguyễn Bảo Chân (Những chiếc gai trong mơ), Đoàn Văn Mật - Lữ Thị Mai (Giữa hai chiều thời gian, Giấc), Nguyễn Quang Hưng (Vườn ánh sáng).

Một thi quán thơ dịch sẽ trưng bày nhiều tác phẩm thơ dịch của năm 2010, trong đó có tập Olga Berggoltz của tôi của dịch giả Thụy Anh. Năm nay, nhiều tác giả trẻ đến từ Khoa sáng tác lý luận và phê bình văn học của Đại học Văn hóa (trước đây là trường Viết văn Nguyễn Du) cũng có mặt tại không gian trưng bày poster và khu vực thi quán.

Ngày thơ 2011 sẽ được tổ chức ở cả 3 miền, gồm Văn Miếu ở Hà Nội ngày 17/2; Kim Liên, Nam Đàn ở Nghệ An (quê Bác) ngày 14/2 và Bến Nhà Rồng ở TH HCM (nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước) ngày 16/2. Tại Văn Miếu, bên cạnh sân thơ Hiện đại tại sân nhà Thái Học, có sân thơ Truyền thống (sân thơ chính) tại Khuê Văn Các - Thiên Quang Tỉnh và sân thơ Thiếu nhi tại hồ Văn.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, cho biết một trong những điểm nhấn của Ngày thơ năm nay là các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011). Sẽ có triển lãm thư pháp, thơ Bác ở nước ngoài, triển lãm vườn tượng các nhà văn, nhà thơ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh.

Năm nay là năm thứ 9 Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Ngày thơ. Đây được coi là sự kiện lớn nhất của giới văn học trong nước, diễn ra vào rằm tháng Giêng hàng năm.

PHẠM MI LY  (E-Văn)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


THÔNG BÁO

Đài THVN cùng GPBank và Công ty CP Truyền thông Sunrise phát động cuộc thi sáng tác truyện ngắn "Quà tặng cuộc sống" nhằm tiếp nối sự thành công của chương trình cùng tên trên sóng VTV1.
 
Giải thưởng cao nhất 50 triệu đồng.          

Thời gian nhận bài thi đến ngày 30/5/2011.

Các bạn đọc thể lệ    Ở ĐÂY


Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Ngày thơ VN buồn tẻ ở cả hai miền



Không có màn trình diễn gây ‘sốc’, thiếu những phút ngẫu hứng giao hòa giữa tác giả - tác phẩm - độc giả, Ngày thơ diễn ra tại thủ đô và thành phố lớn nhất nước kém sôi nổi so với các năm trước.

Trong Ngày thơ tại Văn Miếu, Hà Nội, sáng 17/2, sân thơ Hiện đại (sân thơ Trẻ mọi năm) vẫn được chờ đón nhất với nhiều gương mặt nổi bật và được công chúng biết đến như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Phan Quế Mai…

Sân thơ Hiện đại năm nay chọn cách đọc thơ truyền thống. Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, nếu đọc thơ đơn thuần, không kết hợp trình diễn tức là đang dọn đường cho tiết tấu, giai điệu thơ có cơ hội bừng sáng.

Sự xuất hiện của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trên sân khấu đem lại màn trình diễn đúng nghĩa duy nhất tại Ngày thơ năm nay. Trong bài “Bất tận”, hai nghệ sĩ cùng “trốn” trong một tấm vải trắng đen rồi dần thoát ra và thực hiện nhiều động tác biểu cảm thể hiện ý tưởng của bài thơ. Đây cũng là tiết mục "đinh" của sân thơ Hiện đại.

Mặc dù vậy, năm nay công chúng dự sân thơ Hiện đại không đông bằng sân thơ Truyền thống, không kín đặc người đến nỗi không chen qua được.

Việc đổi tên sân thơ Trẻ thành sân thơ Hiện đại với ý định mở rộng đối tượng tham gia cũng không thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”. Vẫn là những gương mặt của năm trước xuất hiện trở lại. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm nay không thấy có nhà thơ “lão tướng” nào như Dương Tường năm 2008, cũng không có tiết mục mới mẻ như màn quấn giấy vệ sinh chép đầy thơ lên người như Dương Tường từng làm. Kiểu trình diễn như vậy có thể làm công chúng “choáng”, gây tranh cãi nhưng đó mới là cách gây hiệu ứng tốt.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trình diễn thơ cũng cần phải phong phú như thơ. Thơ có tứ tuyệt, lục bát, thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần, trình diễn cũng cần mở rộng theo kịp. sân thơ Hiện đại có nhà thơ Mai Văn Phấn, 56 tuổi, là gương mặt lớn tuổi nhất. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lứa tuổi nên đa dạng hơn nữa, có nhiều nhà thơ 60-70 hơn nữa. Bởi sân thơ Hiện đại dường như là nơi gánh trọng trách phá cách, tìm tòi, thể nghiệm cái mới trong trình diễn thơ.

Bên cạnh đó, sân thơ Thiếu nhi năm nay được Hội Nhà văn cho tổ chức tại hồ Văn, nằm phía bên kia đường Quốc Tử Giám nhìn từ cổng chính Văn Miếu. Tuy nhiên, không gian riêng và rộng hơn các năm không trở thành ưu thế mà lại tạo khó khăn cho đơn vị tổ chức là nhà xuất bản Kim Đồng. Theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, giám đốc nhà xuất bản, vị trí của sân thơ Thiếu nhi khiến công chúng gặp bất lợi khi phải băng qua lòng đường chật ních xe cộ. Đường Quốc Tử Giám và các tuyến đường xung quanh khá đông đúc trong suốt buổi sáng 17/2. Nhiều người còn không biết có sân thơ Thiếu nhi bên ngoài hồ Văn vì tưởng rằng không gian Ngày thơ gói gọn trong khuôn khổ Văn Miếu.

“Chỉ riêng trong Văn Miếu thôi mà cũng đã quá rộng, các sân thơ cũng diễn ra đồng thời nên không thể theo dõi hết được” là lời than phiền của nhiều độc giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (tác giả cuốn Sát thủ online) cho rằng, cách tổ chức của Ngày thơ khiến công chúng buộc phải lựa chọn giữa các sân thơ, khó có thể tham quan toàn bộ.

Đúng như ý định ban đầu, Ngày thơ năm nay tại Hà Nội không có màn trình diễn gây sốc nào. Khá đáng tiếc là sự trầm lắng này diễn ra trong thời điểm công chúng bắt đầu chấp nhận phá cách và háo hức mong đợi phá cách khi tới dự Ngày thơ.

Tại TP HCM, việc thiếu các sân chơi sôi nổi, vắng độc giả, chương trình diễn ra theo trình tự đều đều khiến Ngày Thơ mang không khí lặng lẽ và kém ngẫu hứng.

Với chủ đề “Từ thành phố này người đã ra đi”, bám sát kỷ niệm 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), Ngày Thơ lần IX tại TP HCM (diễn ra ở Bến Nhà Rồng, quận 4), mở đầu theo đúng khuôn nghi thức các năm trước. Tại sân khấu chính, sau bài phát biểu của ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, đúng 8h30, đại diện lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gióng những hồi trống mạnh mẽ, báo hiệu ngày của thi ca bắt đầu vào hội.

Các ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ như Cao Minh, Vân Khanh, Hồng Vân... lần lượt mang đến giây phút lắng đọng với màn hát, diễn ngâm bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung), Nam Quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Nguyên Tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh)...

9h, chương trình thơ - nhạc diễn ra với sự tham gia của nhiều gương mặt thi sĩ như: Trương Minh Nhựt, Lam Giang, Lê Tú Lệ, Từ Quốc Hoài, Trần Thị Khánh Hội, Tôn Nữ Thu Thủy... Cái nắng nóng chói chang, gay gắt của phương Nam khiến người dự dần thưa đi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đến 10h30 thưởng thức phần giao lưu của Sân thơ trẻ.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/68/57/ngaythotphcm1.jpg
Nhà ở quận Phú Nhuận, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi đón xe ôm đến Bến Nhà Rồng, quận 4 để không lỡ dịp thưởng thức không khí thơ ca. Ảnh: Anh Vân.



Chương trình Thơ trẻ năm nay do nhà thơ Phan Hoàng và Ngô Thị Hạnh viết kịch bản. Dịp này, Hội Nhà văn TP HCM giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ trẻ vừa được kết nạp vào hội, gồm: Trương Gia Hòa, Song Phạm, Trần Hoàng Nhân, Lê Thùy Vân, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang. Sau màn ra mắt, nhà thơ Gia Hòa và Thùy Vân đã "đội nắng" để đọc cho mọi người thưởng thức sáng tác mới của mình.

Có nhiều ý kiến khác nhau về không khí Ngày Thơ TP HCM. Theo chị Hồ Khánh Vân, giảng viên bộ môn Lý luận và phê bình văn học ĐH KHXH&NV, Hội nhà văn TP cho thấy sự cố gắng khi tổ chức hoạt động thu hút mọi người về với cội nguồn thi ca, văn hóa dân tộc. "Tuy vậy, qua các lần tham dự, tôi thấy hình thức tổ chức còn quá cũ, chưa toát lên chất sáng tạo của lĩnh vực thi ca, chưa có nhiều tương tác giữa độc giả - tác phẩm - tác giả". Cùng ý kiến, nhà thơ trẻ Lê Thùy Vân cho rằng, qua vài năm tổ chức, Ngày thơ vẫn cho thấy sự buồn tẻ, bó buộc và thiếu bay bổng trong cảm xúc.

Ngược lại, thi sĩ Phan Hoàng cho rằng, có lẽ có một sự hiểu nhầm khi cho rằng sân chơi thơ trẻ nói riêng và ngày thơ nói chung ở Sài Gòn diễn ra không sôi động. "Theo tôi, sân Thơ trẻ TP HCM sẽ không bao giờ sôi động vì bản chất của sáng tạo thi ca là sự lặng lẽ, thầm lặng. Người trẻ ngày nay bộn bề công việc nhưng vẫn cố gắng sáng tác, ra thơ đều đặn. Đến với ngày thơ, họ vẫn giữ được tinh thần thi ca, tinh thần nhân văn là điều rất quý".

Ngoài chương trình sân khấu, độc giả có thể dạo bước quanh các gian thơ của 15 CLB thi ca tại TP HCM. Cách thức trình bày gian thơ không nhiều sáng tạo, vẫn hình ảnh tre nứa, giỏ thơ, cây thơ quen thuộc. Có lẽ, điều luôn tươi mới chính là tình cảm của con người dành cho thơ. Ngồi nép một góc riêng tại gian thơ CLB quận 4, nhà thơ Dạ Thảo đọc to cho người bạn già của mình là nhà thơ Thanh Sử nghe một bài lục bát. Rồi cả hai gật gù tâm đắc như để cảm nhận câu thơ mình vừa đọc thấm vào gió, nắng buổi sáng mùa xuân trên Bến Nhà Rồng.

Một góc khác, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi, thong thả ngắm nghía các cây thơ, thỉnh thoảng ông dừng chân lại để đọc một đôi câu đối, sáng tác trên bức mành thư pháp. "Tôi từng dự Ngày Thơ ở Văn Miếu, Hà Nội. Nói chung, ngoài ấy sôi nổi, rôm rả hơn ở đây. Nhưng với tôi, có một ngày thế này để còn nhớ đến thơ là vui rồi", cụ Tú Nguyên nói. Tuy vậy, một nhà thơ không nêu tên chia sẻ với chút ngậm ngùi: "Độc giả của thơ chẳng thấy đâu. Toàn người trong giới sáng tác vui với nhau thôi".

15h chiều nay (17/2), tại TP HCM tiếp tục diễn ra buổi giao lưu Câu lạc bộ Thơ với sự tham gia của 15 CLB Thơ trên toàn địa bàn. 18h, ngày của thi ca khép lại.

Pham Mi Ly - Anh Vân  (VN-Express)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Nguyệt Thu cũng xin đóng góp cùng các bạn một số tin thơ về các hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Việt nam tại Thừa Thiên Huế - qua những bài viết được lấy nguồn từ website của Hội LH VHNT tỉnh TT Huế và một số chứng kiến ít ỏi của NT...


Một vài cảm nhận về Ngày thơ Việt Nam tại Huế



Photo: Từ Nguyễn



Không sôi nổi, tấp nập như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và một số địa phương khác nhưng Ngày thơ ở Huế vẫn để lại những ấn tượng khá tốt đẹp trong lòng những người yêu thơ.


           Đầu tiên là buổi nói chuyện "Hạnh phúc trong thơ" vào ngày 12(âm lịch) tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán của học giả Cao Huy Thuần. Buổi nói chuyện đã thu hút hàng trăm người đến nghe. Gần hai tiếng đồng hồ, bằng cách trình bày từ tốn nhưng khá hấp dẫn, học giả Cao Huy Thuần đã giúp người nghe phần nào hiểu được gốc gác và nội hàm của khái niệm hạnh phúc. Những phát hiện của học giả Cao Huy Thuần về hạnh phúc trong thơ Xuân Diệu và Huy Cận khá lý thú. Buổi nói chuyện diễn ra trong không khí ấm cúng, thân tình. Diễn giả và người nghe cùng nhau thảo luận, trao đổi để làm sáng tỏ một số  vấn đề chung quanh quan niệm thế nào là hạnh phúc và hạnh phúc trong thơ.
    
              Sáng 14 (âm lịch), như hàng năm, Tạp chí Sông Hương tổ chức đi Viếng mộ Thi nhân. Hành trình năm nay có thêm một địa điểm mới đó là lăng mộ nhà thơ Phùng Quán ở xã Thủy Dương - quê hương nhà thơ. Buổi chiều là buổi sinh hoạt thơ của câu lạc bộ  Hương Giang.  Cụ Bạch Văn Quế năm nay đã  94 (cụ sinh 1917) vẫn nhờ con cháu đưa đến nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh để trình bày một số bài thơ mà cụ vừa sáng tác.Câu lạc bộ ra mắt Tuyển tập thơ 30 năm Hương Giang khá bề thế. 17g. 30, ngày 14 (âm lịch), tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (cách thành phố Huế 6 km) diễn ra Đêm thơ Thiền thời Lý – Trần. Những bài thơ thiền nổi tiếng của các Thiền sư Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác… được các nghệ sỹ ngâm theo lối cổ trong một không khí hết sức trang nghiêm, thanh tịnh, trầm lắng. Các câu lạc bộ ở các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà… đều tổ chức những sân chơi riêng của mình.
      
           Điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam ở Huế là đêm thơ Đồng vọng Thi ca được tổ chức vào 17g 30, ngày 15 (âm lịch) tại Lầu Tứ phương Vô sự - Đại nội Huế, do nhà thơ trẻ Hải Trung (con trai nhà thơ Hải Bằng) biên soạn kịch bản. Tiếng thơ đồng vong từ quá khứ đến hiện tai với những bài thơ nổi tiếng viết về Huế của các tác giả  Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Hàn Mặc Tử, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải, Trần Quang Long, Hồng Nhu… qua giọng ngâm của các nghệ sỹ Bạch Hạc, Phong Thủy, Kim Liên…xen với trò chơi Thả thơ vốn là một thú chơi tao nhã ở cung đình Huế thời nhà Nguyễn. Đêm thơ đã được Đài TRT truyền hình trức tiếp.


             Huế là xứ Thơ, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Huế với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và mang phong cách riêng của người Huế: thanh tao, nhẹ nhàng , sâu lắng. Tin rằng Ngày thơ Việt Nam năm sau ở Huế sẽ được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng,  phong phú và thu hút được nhiều người tham gia hơn nữa.

Nguồn: Mai Văn Hoan
http://vanhocnghethuat-tthue.org.vn/TinTuc1/?f=TinTuc1〈=vn&q=8661&qTL=4
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối