Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vanachi

Mình (tự nhận :p) là một người khá quan tâm đến từ ngữ, chính tả và ngữ pháp tiếng Việt. Nên muốn mở ra chủ đề này để cùng thảo luận chút. Thơ ca gắn liền với ngôn ngữ mà. Trong tiếng Việt, chỉ cần để ý chút sẽ thấy có rất nhiều chuyện thú vị đáng để bàn. Thực ra tiếng Việt có nhiều vấn đề hơn ta tưởng.

Về từ ngữ:
- Những từ dùng sai nghĩa
- Những từ cổ
- Từ vay mượn
- Từ Hán Việt hay thuần Nôm ?
- Nguồn gốc những từ mới sáng tạo: chảnh, sến, chuối,...

Chính tả:
- Chữ i hay y ?
- Bỏ dấu trên nguyên âm nào ?
- Gi/d/r ? <--- nhiều từ không dễ đâu :-)
- ay hay ây ?
- x hay s ?
- Những lỗi chính ta thường gặp
- Chính tả khi dùng máy tính: bỏ dấu, dấu câu, dấu cách,...

....

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tự mở hàng cái vậy! Đầu tiên xin gửi mấy chữ mà hiện tượng dùng nhầm rất phổ biến. Mấy từ này ngày xưa có thảo luận ở bên TTVN rồi, giờ mình ghi lại thôi.

- chính kiến: từ này nghĩa đúng là "ý kiến của một ai đó về chính trị", nhưng bây giờ nhiều người lại dùng thay cho nghĩa của từ "chủ kiến" (ý kiến riêng của cá nhân).

- vị tha: nghĩa đúng là "vì người khác", ngược với từ "vị kỷ" (chỉ vì mình). Nhưng nhiều người lại dùng với nghĩa là "bao dung, độ lượng".

- cứu cánh: nghĩa là "cuối cùng", nhưng lại được dùng là "biện pháp cứu giúp tình thế".

- hỗ trợ: giúp đỡ lẫn nhau, có qua có lại, giống với từ "tương trợ". Bây giờ từ này lại được dùng là giúp đỡ theo một chiều thôi.

- yếu điểm: nghĩa đúng là "điểm quan trọng", nhưng lại được dùng như nghĩa của từ "điểm yếu".

Những từ trên đây đều là từ Hán Việt. Hiện tượng dùng nhầm có lẽ là do có âm giống hoặc gần giống một từ nào đó trong chữ Nôm nhưng mang nghĩa khác.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Mãi hay mại ?

Trong tiếng Hán quan thoại, mãi là mua, mại là bán. Nhưng tại sao lại thường nói "khuyến mại" mà không phải "khuyến mãi" ?
Nguyên nhân của nó không đơn giản như vậy.

Nếu xét đúng ra thì là "khuyến mãi", đó là chữ đúng. Nhưng "khuyến mại" cũng không sai, vì nó là âm Quảng Đông (cantonese). Nguyên trước đây, ở Sài Gòn-Chợ Lớn người Hoa sinh sống buôn bán rất nhiều, và hầu hết đều là người Quảng Đông, Quảng Tây hoặc lân cận. Nói đến đây chắc mọi người hiểu rồi :p

PS: không biết ai còn nhớ câu "mại lơ, mại lơ" ko nhỉ, hồi bé hay nghe :D
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Topic này hay quá! Vào vỗ tay một cái chứ giờ chị phải đi ngủ, nhưng mà thấy hay quá hì hì. Chắc lão Lan thể nào cũng bỏ cái xe cà tàng ở gốc cây mà vào đây ;)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Tiếng Việt có 6 hay 8 thanh ?

Ngày trước trong chủ đề "Luật thơ" mình đã đặt vấn đề này ra rồi, giờ chỉ xin đưa ra một số điều để chứng minh thôi. Trước hết xin nói rằng ta không nên căn cứ vào chính tả để phân biệt số thanh, vì 2 lý do:
- Thứ nhất, chính tả chữ Quốc ngữ đang dùng ra đời mới được khoảng 1 thế kỷ, mà tiếng nói của ta đã có từ rất lâu rồi. Như vậy không thể dùng cái có sau để suy ra cái có trước được.
- Thứ hai, chính tả chữ Quốc ngữ của ta hiện nay đang có một số bất cập, mà đây chính là một. Cụ thể hơn, bất cập ở đây là, có những chữ cùng âm với nhau nhưng lại dùng chữ cái khác nhau để viết, ví dụ từ "ươn ướt" thì hai chữ trong đó cùng âm với nhau, nhưng một chữ dùng n, chữ kia lại dùng t.

Mình xin nêu ra một số minh chứng...


1. Phát âm:
Ta có thể sắp xếp các thanh từ thấp tới cao như sau:
- cặp t và n: ượt ượn ưởn ườn ươn ướn ưỡn ướt, hụt hụn hủn hùn hun hún hũn hút
- cặp ch và nh: tạch tạnh tảnh tành tanh tánh tãnh tách, chịch chịnh chỉnh chình chinh chính chĩnh chích
- cặp m và p: hập hậm hẩm hầm hâm hấm hẫm hấp, bẹp bẹm bẻm bèm bem bém bẽm bép
- cặp c và ng: hoạc hoạng hoảng hoàng hoang hoáng hoãng hoác, khạc khạng khảng khàng khang kháng khãng khác

Các thanh này lần lượt được gọi như sau:
- Trầm nhập thanh (.)
- Trầm khứ thanh (.)
- Trầm thượng thanh (?)
- Trầm bình thanh (`)
- Phù bình thanh (không dấu)
- Phù khứ thanh (')
- Phù thượng thanh (~)
- Phù nhập thanh (')

Chú ý là không phải chữ nào cũng xếp được vào 4 hệ thống ở trên, mà chỉ những chữ có chữ cái tận cùng đã ghi trong 4 cặp đó. Những chữ còn lại, ta chỉ có thể liệt kê được 6 thanh (hai nhập thanh không tồn tại). VD:
- nạo nảo nào nao náo não
- đạ đả đà đa đá đã
Rõ ràng những chữ này, bạn không thể tăng hoặc giảm thanh xuống được nữa khi phát âm (hãy thử xem).

Như vậy, từ đây cho thấy tiếng Việt có 8 thanh, nhưng không phải tất cả các âm đều có 8 thanh, mà một phần có 6 thanh.

2. Từ láy (láy âm)
Đây cũng là một căn cứ tốt để thấy sai sót trong hệ thống chính tả của ta đang dùng. Trong tiếng Việt có rất nhiều từ láy âm chỉ có thể giải thích bằng thuyết 8 thanh mà thôi: ươn ướt, hun hút, tanh tách, chình chịch, hâm hấp, bèm bẹp, hoang hoác, khang khác,...

3. Nói lái (nói ngược)
Trong tiếng Việt có trò chơi nói ngược, chắc ai cũng đã từng thử qua. Nói ngược có nhiều kiểu, nhưng trong đó có kiểu là đổi âm và phụ âm 2 từ cho nhau để tạo ra 2 từ mới nghe rất vần với 2 từ cũ. Ví dụ: trả lời -> lởi trà, làm thơ -> thờ lam,...

Nhưng ai chơi trò này cũng biết một điều là, không phải cặp chữ nào cũng áp dụng được quy tắc đó. VD: thống nhất. Nếu ta đổi "thống nhất" thành "thất nhống" thì khi đọc không còn thấy vần với nhau nữa. Tuy nhiên, nếu một người chơi tốt trò này (nghĩa là chơi nhiều thành quen mồm) có thể đọc "thống nhất" rồi phát âm ngược lại ngay thành "thấn nhốc" và nghe rất đúng. Và tất nhiên là điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chỉ có thể được giải thích bằng thuyết 8 thanh, vì n và t ở cuối âm vốn là một, c và ng ở cuối âm vốn cũng là một.


Tất nhiên những nghiên cứu về ngữ âm không thể chỉ đơn giản như vậy. Ở đây mình chỉ muốn nêu ra những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tiếng Việt có 8 thanh mà thôi. Và sai lầm trong chính tả chính là ở chỗ, người ta chỉ dùng 6 dấu thanh thay vì phải dùng 8 mới đủ, nghĩa là dấu nặng (.) và dấu sắc (') bị dùng 2 lần cho những chữ cùng một âm.

Để rõ ràng hơn, bạn có thể tưởng tượng là tiếng Việt có thêm 2 dấu thanh nữa, mình tạm dùng là ä và å (chỉ là vấn đề ký hiệu) thay cho trầm nhập thanh và phù nhập thanh. Khi đó ta sẽ viết như sau:
- hoäng hoạng hoảng hoàng hoang hoáng hoãng hoång
- tänh tạnh tảnh tành tanh tánh tãnh tånh
- ...
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Một số từ hay nói sai
(Nhân tiện đang nghĩ tới thì post nốt ko mai lại quên mất :)))

- sáp nhập: hay bị nói sai thành sát nhập. "Sáp" trong tiếng Hán là cắm vào (vd cắm hoa vào bình).

- mạn tính: hay bị nói sai thành mãn tính. "Mạn" trong tiếng Hán là chậm, từ từ. Bệnh mạn tính: bệnh phát từ từ.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phụng vũ cửu thiên

Em thấy từ "mãi" và "mại" chả có gì sai cả. Theo trong "Đại từ điển tiếng Việt của Bô Giáo Dục và Đào tạo phối hợp với nhà xuất bản Văn hoá - thông tin cùng Fahasa ấn hành" thì từ khuyến mại và khuyến mãi có nghĩa như nhau. Khuyến mua và khuyến bán đều như nhau cả.

Người mua mua nhiều thì người bán cũng bán nhiều, đều tích cực. Xét theo logic của Aristotle thì đâu có sai.

Em còn một trường hợp này nữa. Mọi người xem nó có mắc cười không. Khi bị bệnh, người ta bảo là đi khám bác sĩ.

Người ta đến bệnh viện để bác sĩ khám chứ có phải để khám cho bác sĩ đâu. Nói năng nghe ngược đời ghê !
Ta chẳng muốn làm một mặt trời đỏ
Ôm hết mộng ngày
Ta chẳng muốn làm một ánh trăng bạc
Thâu hết đêm say
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Về mại và mãi, hãy đọc kỹ lại bài viết của anh ở trên, đã nói rõ là không từ nào sai cả. 2 chữ đó nếu xét trong tiếng Hán thì là khác nhau, nhưng đồng thời nó lại là âm đọc của cùng một chữ (mua) trong tiếng Hán và tiếng Quảng Đông.

Còn từ khám như trên, thực ra phải hiểu là "đi khám ở chỗ bác sĩ" nhưng người ta nói tắt. Khám ở đây là nội động từ chứ không phải ngoại động từ, và bác sĩ không phải bổ ngữ cho khám.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cammy

Ơ! Em tưởng là hai từ này đọc khác nhau chứ anh? Một cái dùng thanh ba một cái là thanh bốn (theo phiên âm tiếng Trung - Hồi đó em cũng võ vẽ vài từ! Em cũng không biết là tiếng Trung em học là loại gì, nhưng một cái thanh ba, một cái thanh bốn), với lại nghĩa của nó cũng khác nhau, nên không thể dùng như nhau được. Chỉ trong trường hợp đặc biệt là khuyến mại và khuyến mãi nó mới có thể thay được cho nhau thôi!
Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Trời, lại phải viết lại lần thứ 3. Anh bảo chữ kia là từ tiếng Quảng Đông (cantonese) mà, chứ có bảo tiếng phổ thông (mandarin) đâu.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (405 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối