Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
Trích tặng em nữa này:
Rượu và hoa
"...

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Đỏ mặt lên rồi chếnh choáng say.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai.
Chi Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau khúc khích cười.
..."
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

khongkhong

Cảm ơn chị.Đọc bài của chị em thấy vui lên rất nhiều.
Không hiểu sao mỗi khi đọc những gì chị viết cho em ,em lại thấy ấm lòng.Có lẽ đó là những chân tình đằm thắm mà chị đã dành cho em.Và được viết ra thành lời.Xin một lần nữa cảm ơn chị.
Em gái của chị.

Em cũng thích đoạn thơ dưới đây của ông:

Hôm qua dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy anh về đâu
Cánh buồm nâu cánh buồm nâu cánh buồm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ



(phần 5)

"Cô hái mơ" - hương đồng gió nội bay đi...  

(Ảnh Nguyễn Bính và Tô Hoài.Xin đăng ảnh sau)

"Cô hái mơ" là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không chính xác.

Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14, trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.

Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền, ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra, theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng tiên nâu.

Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.

Vì sao lại như thế?

Ta hãy đọc lại bài thơ Cô hái mơ để xem có điều gì lạ ở trong đó không.

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ


Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo. Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là

"Hội làng mở giữa mùa thu
Giời cao gió cả giăng như ban ngày"


hay là

"Thu sang trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi"
...

Ta thấy cái câu thơ "Khí trời lặng lẽ và trong trẻo" mới thật xa lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực:

Suốt giời không một điểm sao
Suốt giời mực ở nơi nào loang ra
Lửa đò chong cái giăng hoa
Mõ sông đùng đục canh gà le te


(Lửa đò)

Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Bính để chứng minh:

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong


(Xuân về)

Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: "Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao" và "Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật".

Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà  Cô hái mơ lại là một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này, nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác.

Ta hãy đọc tiếp khổ thơ thứ hai và ba:

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?

Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương


Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh "suối nước trong tuôn róc rách" và "hoa bên suối ngát đưa hương" là hai hình ảnh đã "hương đồng gió nội bay đi rất nhiều". Vì sao lại như vậy?

Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện, không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng?

Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật Tây:

Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa


Chửa về ư là lối nói người xứ quê của ông mà Nguyễn Bính vẫn quen dùng lâu nay.

Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy.

(Còn tiếp)...

Nguồn: Thanh Niên
ĐN st
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ



(phần 6)

Nỗi buồn ở xóm Ngự Viên

Huế là mảnh đất nhiều duyên nợ với Nguyễn Bính. Trên hành trình rong chơi, ông đã nhiều lần đến Huế. Vì thế có một số bài thơ hay được viết ra ở đây, trong đó nổi bật là hai bài thơ "Xóm Ngự Viên" và "Giời mưa ở Huế".

Xóm Ngự Viên nằm trong tập Mười hai bến nước, được xuất bản năm 1942, có thể nói là một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính, tuy nhiên nó lại ít được đề cập đến. Ở nơi có tên gọi xóm Ngự Viên ấy vốn là vườn Thượng Uyển, còn gọi vườn Ngự Uyển, là chỗ để vua cùng quần thần dạo chơi. Nhưng cho đến khi Nguyễn Bính tới đó vào tháng 9/1941 thì vườn Ngự Uyển chỉ còn là dấu tích. Thay vào đó là một xóm nghèo mọc lên:

Nhà cửa xúm nhau thành một xóm
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men
Mụ vợ bắc nam người tứ xứ
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen
Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa
Khúc "Hậu đình hoa" hát tự nhiên
Nhọc nhằn tiếng cú trong đêm vắng
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn


Mặc dầu nhà Nguyễn vẫn còn tồn tại, triều đình Huế vẫn còn vua - quan - hoàng hậu đủ cả nhưng đấy chỉ là hình thức. Ở xóm Ngự Viên lúc ấy Nguyễn Bính đã thấy cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến rồi:

Khoa cử bỏ rồi thôi hết Trạng
Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo
Dân thường qua lại lối đi quen


Những thành phần trong hoàng tộc đã trở thành kẻ bình dân như thế, thì thời thế đã quá đổi thay rồi. Nên vui hay nên buồn? Có lẽ đấy là quy luật của trời đất, con người không thể cưỡng lại được như mấy câu thơ sau đây của Tố Hữu viết về triều đại phong kiến cuối cùng ấy:

Ý chết đã phơi vàng héo úa
Mùa thu lá sắp rụng trên đường
Mơ chi ảo mộng ngàn xưa nữa
Cây hết thời xanh đến tiết vàng


 (Dửng dưng)

Tuy nhiên đối với Nguyễn Bính thì lại khác. Trong tâm tưởng của thi nhân, cảnh chiều tàn của chế độ vua quan ngàn năm ngự trị ấy đã gợi lên những nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Ở điểm này, Nguyễn Bính và Vũ Đình Liên đã gặp nhau. Vũ Đình Liên sau khi xem lễ Nam Giao vào năm 1936 ở Huế xong đã viết mấy câu thơ:

Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa
.

Đấy là tâm trạng hoài cổ, thể hiện bằng sự tiếc nuối bâng quơ những vàng son quá khứ. Có điều những vàng son ấy thi nhân không hề can dự vào. Sự tiếc nuối không có lý do chính đáng nào để tồn tại, nhưng lòng người vẫn không ngăn được tiếc nuối. Tiếc cho thời đại vua chúa đã về chiều, những công tằng tôn nữ phải ngồi đan từng chiếc áo kiếm sống qua ngày, những khoa thi không còn để mà "Lòng Trạng lâng lâng màu phú quý". Tiếc không còn cảnh vua cùng hàng đoàn cung tần mỹ nữ dạo chơi trong vườn Ngự Uyển để mà:

Đức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên
Cung tần mỹ nữ ngời son phấn
Theo gót nhà vua nở gót sen


Ở đây ta thấy thêm một đặc điểm nữa đối với Nguyễn Bính mà lâu nay ta không để ý đến. Ta đã để sót một đặc điểm quan trọng đối với thơ Nguyễn Bính. Đó là chất hoài cổ mà nói rộng ra hơn là hoài vọng. Mỗi thi nhân, dù ít dù nhiều đều có một chút tình cảm đó trong con người nhưng ở Nguyễn Bính, tình cảm này hiện ra rất thường xuyên và đậm nét. Riêng ở đây, trong bài thơ này, tình cảm đó hầu như lai láng. Đó là một thứ sương khói bềnh bồng phủ lên lời thơ, khiến lòng người cô quạnh. Một thứ "buồn tàn thu":

Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên
Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng!
Giời đem hoa cỏ giả vườn tiên


Chúng ta thấy trong nhiều bài thơ, thông thường cái buồn đến ngay trong thực tại. Buồn vì lý do chia ly, buồn vì cảnh vật buồn... Chẳng hạn như cái buồn của Huy Cận trong câu thơ "Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế/Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường" hay là trong câu thơ của Lưu Trọng Lư "Chừ đây trăng nước não nùng/Chừ đây hoa cỏ bên sông rũ buồn"... Những nỗi buồn ấy có lý do rõ ràng. Nhưng ở đây thì lại khác. Ở đây cái buồn không đến từ ngay cảnh thực tại mà là vì "Khách du lần giở trang hoài cổ/Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên".

Ta thấy ở cái xóm Ngự Viên nghèo ấy, có lẽ không ai có thời gian để mà buồn nhiều vì mải kiếm kế sinh nhai. Chỉ có một mình thi sĩ của chúng ta ngồi tưởng tượng lại đủ thứ để mà buồn thôi:

Tay ai đấy nhỉ gieo cầu đấy
Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn
Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo
Có người đêm ấy khóc giăng lên
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc
Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?


Từ chỗ tưởng tượng ra như thế rồi thi sĩ buộc cái buồn vô cớ vào lòng mình:

Khách du buồn mối buồn sông núi
Núi lỡ sông bồi cảnh biến thiên...
Ngự viên ngày trước không còn nữa
Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên


Nguyễn Bính làm xong bài thơ Xóm Ngự Viên trong một buổi chiều quạnh hiu nào đó rồi viết treo lên vách để ngâm ngợi và Yến Lan khi đến Huế đã được đọc bài thơ trên vách nhà đó. Bài thơ có lẽ làm cho Yến Lan chạnh lòng và cũng khiến lòng ta ngẩn ngơ như vừa đánh mất cái gì. Lâu nay ta cứ nghĩ, chỉ có Vũ Đình Liên mới làm được và làm hay những câu thơ hoài cổ như vậy. Ta không ngờ rằng, với Xóm Ngự Viên, Nguyễn Bính hầu như đã chiếm cái vị trí ấy của tác giả Ông đồ. Cái cảnh chiều tàn trong Ông đồ của Vũ Đình Liên không thể làm bâng khuâng lòng người bằng cái cảnh chiều tàn ở xóm nghèo Ngự Viên này. Bởi đây mới chính là cảnh chiều tàn của chế độ phong kiến ngàn năm. Cả một vàng son rực rỡ đọng lại trong hình ảnh Tôn nữ ngồi đan áo bên đường, nghèo nàn hơn cả thường dân. Vua quan, quần thần, hoàng hậu, công chúa, trạng nguyên, cung tần mỹ nữ, những yến tiệc, những cuộc dạo chơi, lầu son gác tía, hoa cỏ vườn tiên, tất cả được tái hiện lại và rồi vụt tắt đi, để lại hiện ra một xóm nghèo xơ xác. Đó chính là xóm Ngự Viên:

Giậu đổ dây leo suồng sã quá
Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá
Xóm vắng rêu xanh những lối hèn


Xóm vắng này có lẽ ít ai chú ý đến nó. Vì nó chẳng là gì cả trong đời sống thực tại khi đó. Chỉ có một mình thi nhân của chúng ta đến đây "lần giở trang hoài cổ" để buồn và hôm nay để lại cho đời những vần thơ da diết ấy mà thôi.

(Còn nữa...)

Nguồn:Thanh niên
ĐNst
P/s: Các chữ in đỏ theo ĐN thì tác giả dùng chưa đúng, nhưng ĐN giữ nguyên bản.Loại sai này nhan nhản trên VTV và sách báo thời nay. Xin...lượng thứ!
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ



(phần 7)

Rong ruổi đất phương Nam

"Sống là sống để mà đi/Chuyến tàu bạn hữu, chiếc xe nhân tình" (Nửa đêm nghe tiếng còi tàu). Câu thơ "triết lý sống" đó của Nguyễn Bính trong bài thơ viết tặng Hoàng Tấn vào khoảng năm 1941 cho ta thấy rõ tâm trạng chung của ông cũng như của một lớp văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.

Bởi vì bắt đầu từ năm 1940 trở đi, thời thế đã có những dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi lớn. Nhưng thay đổi theo hướng nào thì không phải ai cũng nhận ra được. Sự ngột ngạt khó chịu khiến người ta muốn thoát ra khỏi nơi chốn quá quen thuộc của mình. Sinh kế chỉ là một. Phần còn lại là ước muốn tự giải thoát mình khỏi sự bế tắc trong tư tưởng.

Với Nguyễn Bính, ngoài tâm trạng chung đó ra, ông còn là một nhà thơ thèm đi từ trong máu thịt. Ông muốn đi, muốn đến, muốn lang thang khắp đất trời:

Nửa đêm nghe tiếng còi tàu
Ngày mai ta lại bắt đầu ra đi
Sông ngang núi trái quản gì


(Nửa đêm nghe tiếng còi tàu)

Vì thế vào tháng 9/1943, Nguyễn Bính cùng Tô Hoài, Vũ Trọng Can rủ nhau làm chuyến "hành phương Nam". Đây là chuyến đi thứ hai của Nguyễn Bính nhưng với Tô Hoài thì là chuyến đầu tiên. Trước đó, vào khoảng năm 1939 Nguyễn Bính đã đến Sài Gòn, lê gót ở Chợ Quán, Đa Kao rồi về Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long.

Đến Sài thành trong một chuyến tàu chiều ngơ ngác, "nhà văn của những chú dế mèn" đã cảm thấy choáng ngợp khi nhìn cảnh "người ăn uống rào rào như tằm ăn rỗi" ở cái bùng binh trước chợ Bến Thành. Tuy thế ba chàng văn thi sĩ vẫn quyết tâm "kiếm ăn lương thiện". Nhưng cuối cùng phải chia tay nhau, hai chàng văn sĩ xuôi về Bắc, chỉ còn một mình Nguyễn Bính ở lại. Là vì thật ra không có máu giang hồ cũng khó mà lăn lóc nơi xứ người.

Giang hồ còn lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta
Biển tiền, ôi biển bao la
Mình không bẩn được vẫn là tay không


(Thôn Vân)

Mấy câu thơ này Nguyễn Bính viết tặng Bùi Hạnh Cẩn trong một lần chia tay người bạn thơ đồng thời là người anh em cô cậu, nhưng nó cũng nói lên tâm trạng của ông trong nhiều cuộc chia tay với các bạn hữu văn nghệ khác như Tô Hoài, Vũ Trọng Can.

Tuy vậy ở lại Nam Kỳ, Nguyễn Bính cũng không phải đến nỗi là "giang hồ còn lại mình tôi". Ông được nhiều anh em văn nghệ sĩ đón nhận thật chân tình. Lại viết báo, làm thơ để kiếm sống như thời kỳ ở Hà Nội. Sài Gòn từ khá lâu đã dần vươn lên để trở thành một trung tâm văn hóa của phía Nam, không thua kém Hà Nội là mấy. Vì thế nên nhiều văn nghệ sĩ đất Bắc tìm thấy ở đây đất dụng võ. Trước đó Tản Đà, Ngô Tất Tố cũng đã từng bỏ đất Bắc vào Sài Gòn - cái nơi mà Nguyễn Bính nhận xét là "Kinh kỳ bụi quá xuân không đến" (Xóm dừa) - kiếm sống bằng nghề viết lách.

Nguyễn Bính đến ở với các bạn hữu trong một căn nhà thuê bằng gỗ nhỏ lợp ngói ở khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, TP HCM ngày nay. Căn nhà có vườn hoa cùng cây ăn trái bao bọc chung quanh. Nguyễn Bính thích thú đặt tên cho nơi ở này là Lan Chi Viên. Từ khi Nguyễn Bính đến ở, nhiều anh em văn nghệ thường ghé chơi vườn nhỏ Lan Chi để chuyện trò về văn chương, thế sự. Ngoài ra, còn có một số sinh viên học sinh yêu mến Nguyễn Bính, tác giả Lỡ bước sang ngang, cũng thường xuyên lui tới.

Vào thời gian đó, thơ Nguyễn Bính là một thứ thời thượng của báo chí. Nhiều tờ báo muốn có thơ ông để đăng. Có một lần chủ nhiệm tờ Dân Báo thông qua một người đặt Nguyễn Bính viết một bài thơ để đăng vào số đặc biệt. Đó là bài Xóm dừa. Bài thơ không thuộc loại quá đặc sắc như một số bài thơ đã dẫn tuy nhiên nó lại liên quan đến một câu chuyện thú vị, cho ta thấy một phần tính cách của Nguyễn Bính. Hoàng Tấn cho biết, khổ thơ thứ hai của bài thơ này nguyên gốc Nguyễn Bính viết như sau:

Ở mãi kinh kỳ với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền


Khổ thơ này, khi đem đến tòa soạn thì ông chủ nhiệm không đồng ý. Là vì hai câu thơ cuối có vẻ ám chỉ. Ông đề nghị sửa hai câu này nhưng Nguyễn Bính nhất định không chịu sửa. Căng thẳng xảy ra. Nhưng bởi tờ báo đã lỡ quảng cáo trong số đặc biệt sẽ có bài thơ của Nguyễn Bính, nên nếu rút bài thơ ra thì không được mà để như thế cũng không ổn. Người môi giới "bán thơ" cho Nguyễn Bính là Tế Xuyên, vốn cũng là anh em văn nghệ chơi thân với nhau, phải đến thuyết phục mãi thì Nguyễn Bính mới chịu sửa lại khổ thơ này.

Ở Lan Chi Viên mãi cũng cảm thấy chán. Căn bệnh thèm đi lại nổi lên. Cũng như thời kỳ ở Hà Nội vào những năm 1936-1939, Nguyễn Bính cũng chỉ muốn xem Sài Gòn như là một "đại bản doanh" để từ đó thực hiện những chuyến đi ra các vùng xa như Đông Nam Bộ hoặc Tây Nam Bộ mà thôi. Nguyễn Bính cũng đã làm vài chuyến loanh quanh Sài Gòn rồi. Có lúc đi vài ba ngày, có lúc đi cả tuần mới về lại chỗ trọ. Một hôm Nguyễn Bính nhận được một phong thư từ xứ Hà Tiên gửi đến Lan Chi Viên. Đó là thư của thi sĩ Đông Hồ, mời Nguyễn Bính về miền đất cuối cùng đất nước để thăm chơi. Vài hôm sau, Nguyễn Bính khăn gói lên đường.

Tại Hà Tiên, Nguyễn Bính bắt tay vào sáng tác một trường ca, lấy cảm hứng từ cô cháu gái của Mộng Tuyết. Chẳng rõ thế nào mà nửa đường đứt gánh, Nguyễn Bính vội vã bỏ xứ Hà Tiên, bỏ luôn trường ca đang dang dở, ai cản thế nào cũng không được. Theo nữ sĩ Mộng Tuyết thì trường ca lấy tên một loài cây là Thạch sương bồ, Nguyễn Bính đã viết được đến mấy trăm trang. Có lẽ do nhân vật gợi nên cảm hứng cho ông là cô cháu gái của nữ sĩ Mộng Tuyết đỏng đảnh sao đó khiến ông không còn cảm hứng để viết tiếp. Kể lại chuyện này, nhà thơ Mộng Tuyết vẫn lấy làm tiếc.

Từ giã Hà Tiên, Nguyễn Bính lại quay về Lan Chi Viên để tiếp tục làm thơ viết báo. Và những vần thơ hay lại tiếp tục ra đời để ngày nay còn lại với chúng ta.

(Còn nữa...)

Trần Đình Thu
(ĐNst từ Thanh niên)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ



(phần 8)

"Hành phương Nam" - bài thơ hay cuối cùng

Nguyễn Bính và gia đình Đông Hồ - Mộng Tuyết tại Hà Tiên.
(ĐN sẽ post ảnh sau)

"Hành phương Nam" là bài thơ duy nhất của Nguyễn Bính làm theo thể loại hành. Ta không rõ Nguyễn Bính làm bài thơ này trong trường hợp nào. Có lẽ ông sáng tác bài này trong thời gian ở Lan Chi Viên chăng? Đáng tiếc là người có thể trả lời được câu hỏi này là Hoàng Tấn thì đã mất từ lâu.

Thời kỳ ở Hà Nội, Nguyễn Bính chơi thân với Thâm Tâm và Trần Huyền Trân. Thâm Tâm, nhà thơ bậc thầy về thể loại hành, vào năm 1940 hoặc có thể sớm hơn nữa, có sáng tác một bài hành nổi tiếng là bài Tống biệt hành. Trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Bính, với các văn thi sĩ bạn bè, chỉ có mình Thâm Tâm là người có thể gây ảnh hưởng ít nhiều lên phong cách sáng tác của ông mà thôi. Theo tài liệu của Hoài Việt thì tiếp theo sau Tống biệt hành, Thâm Tâm có sáng tác thêm một số bài hành nữa cũng rất hay như Can trường hành, Vọng nhân hành vào năm 1944. Có lẽ điều này đã kích thích Nguyễn Bính thử sức với một thể thơ không quen thuộc lắm với ông chăng? Tuy vậy Hành phương Nam lại là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Bính. Ta hãy đọc lại khổ thơ đầu của bài thơ này:

Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua, én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay


Nỗi niềm cô đơn buồn tủi khi xuân về tết đến vốn là nỗi niềm cố hữu lâu nay của Nguyễn Bính. Ông đã từng thể hiện tình cảm này trong rất nhiều bài thơ khác mà điển hình nhất là bài Xuân tha hương. Ta còn nhớ những câu thế này trong Xuân tha hương:

Chén rượu tha hương! Trời! Đắng lắm!
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông
Chiều qua ngồi ngắm hoàng hôn xuống
Nhớ chị làm sao nhớ lạ lùng


Lúc viết bài Hành phương Nam này cũng như nhiều bài thơ hoài cố hương khác, chắc hẳn là Nguyễn Bính đang say rượu. Qua nhiều tài liệu khác nhau ta có thể tin điều này. Bản chất con người Nguyễn Bính, do tính nghệ sĩ quá lớn của mình, nên rất yếu mềm và luôn cảm thấy cô đơn. Hoàng Tấn có kể một câu chuyện rất đặc biệt về việc sáng tác thơ của Nguyễn Bính. Một đêm nọ ở Lan Chi Viên, sau cuộc nhậu mọi người đều ngủ say sưa, chỉ còn lại một mình Nguyễn Bính. Quá nửa đêm, khi Hoàng Tấn giật mình thức giấc vẫn thấy Nguyễn Bính ngồi bên bàn. Ông vừa làm thơ và uống rượu một mình, vừa ôm mặt khóc rưng rức. Hóa ra là ông đang hồi tưởng lại quá khứ. Con người Nguyễn Bính là như vậy. Sống với quá khứ là một trong những đặc điểm của ông. Cho nên ta không lạ gì khi Nguyễn Bính viết mấy câu thơ nỗi lòng như thế này trong bài thơ:

Tâm giao mấy kẻ thì phương Bắc
Ly tán vì cơn gió bụi này
Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy


Hành là một thể thơ cổ, vào thời kỳ này không còn nhiều tác giả sử dụng để sáng tác nữa. Tuy nhiên thể thơ này có thể chuyển tải được những tình cảm bi tráng với giọng thơ đôi lúc rất hào sảng. Nhờ vậy mà Hành phương Nam mới lột tả hết được cái "chất Nguyễn Bính":

Lòng đắng sá gì muôn hớp rượu
Mà không uống cạn mà không say
Lời thề buổi ấy cầu Tư Mã
Mà áo khinh cừu không ai may


Nguyễn Bính thuở nhỏ học chữ Nho. Ông đọc nhiều thơ Đường, thông thuộc nhiều điển tích Tàu. Bởi thế một số bài thơ ông sử dụng điển tích Tàu rất nhuần nhuyễn và hay. Chẳng hạn trong bài Hành phương Nam này:

Kinh Kha giữa chợ sầu nghiêng chén
Ai kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay?
Mơ gì ấp Tiết thiêu văn tự
Giầy cỏ gươm cùn ta đi đây


Về mặt tình cảm, ta thấy tâm tưởng của Nguyễn Bính nhiều lúc như muốn thả trôi về một thời đại xa xưa nào đó. Một thời đại mà ở đó có vua có quan có những cung tần mỹ nữ. Một thời đại mà ở đó có những tráng sĩ dũng cảm lên ngựa tuốt gươm như Kinh Kha, Nhiếp Chính, có những người sẵn sàng giúp đỡ kẻ sĩ như Mạnh Thường Quân. Thế giới đó làm ông ngây ngất. Nếu như Hàn Mặc Tử thả hồn mình vào chốn trăng sao để quên thực tại thì Nguyễn Bính lại tìm về một thời xưa xa nào đó để ẩn dật. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của thơ Nguyễn Bính.

Lúc này có lẽ là vào quãng thời gian 1943-1944. Nguyễn Bính đã lăn lóc ở rất nhiều vùng đất khác nhau - "lăn lóc có dư mười mấy tỉnh" như ông nói trong bài thơ Giời mưa ở Huế. Cuộc đời ông đã trở nên dày dạn sương gió rồi. Ông đã là một con người của công chúng, tiếng tăm nổi như cồn nhưng éo le thay cuộc sống cơm áo gạo tiền hằng ngày vẫn làm ông mệt mỏi. Điều mâu thuẫn này thường đến với nhiều người tài như vậy. Cũng vì cơm áo nên nhiều người không thoát ra được vòng luẩn quẩn:

Người giam chí lớn vòng cơm áo
Ta trí thân vào nợ nước mây


Ở chỗ này, ta nhớ lại Nguyễn Vỹ với bài thơ Gửi Trương Tửu. Nguyễn Vỹ đã viết mấy câu thơ nổi tiếng:

Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương
Và nhìn chúng mình hì hục viết
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết


Nguyễn Bính không nói bỗ bã như Nguyễn Vỹ nhưng tâm tư của ông thì cũng như vậy. Và rồi cũng như Nguyễn Vỹ, ông lại dùng rượu để quên buồn phiền:

Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
Đã đẩy phong yên lộng bốn trời
Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!


Lại uống rượu! Nếu có người nào chịu khó đi đếm những lần Nguyễn Bính nhắc đến rượu ở trong thơ chắc sẽ gặp được nhiều lắm. Có lẽ cả trăm lần ông dùng từ rượu:

Chị ơi! Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng


(Xuân tha hương)

Hôm qua còn sót hơn đồng bạc
Hai đứa bàn nhau uống rượu say


(Giời mưa ở Huế)

Nhưng mộng mà thôi mộng mất thôi
Hoa tàn rượu ế ấy tình tôi


(Hoa với rượu)

 ...

Nhưng ngồi giữa chợ để "uống say mà gọi thế nhân ơi" cũng thật là thú vị. Tiếc là Nguyễn Bính không chịu kết lại bài thơ ở đây để ông còn ngồi uống rượu mãi giữa chợ mà ông lại viết thêm một khổ nữa:

Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà người cả tiếng cười
Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi!
Ngươi sang bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi…


Có vẻ như ông đã quá say.

(Còn nữa..)

Trần Đình Thu
(ĐN st.)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

.

Nguyễn Bính - thi sĩ giang hồ



(phần cuối)

Chia tay dòng thơ lãng mạn

Ngôi mộ Nguyễn Bính trong vườn nhà ông.
(xin post ảnh sau)

Như đã nói, Nguyễn Bính "hành phương Nam" lần này là lần thứ hai. Theo tài liệu của Hoàng Tấn, chuyến đi lần này của Nguyễn Bính, cùng với Tô Hoài và Vũ Trọng Can là do Hoàng Tấn thay mặt Báo Hạnh Phúc để mời Nguyễn Bính vào Sài Gòn tham gia làm báo.

Nhưng khi vào tới nơi, báo vẫn chưa lo xong giấy phép, vì thế Nguyễn Bính bị rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên sau khi Nguyễn Bính rong chơi một thời gian rồi về lại Lan Chi Viên, thì Báo Hạnh Phúc đã có giấy phép. Vì vậy Nguyễn Bính đã có việc làm ổn định, có lương tháng. Và Nguyễn Bính hăng say lao vào viết. Hầu như số báo nào của tờ Hạnh Phúc cũng đều có thơ của Nguyễn Bính. Đó là vào khoảng năm 1944.

Đường phố Sài Gòn vào lúc này đã tràn ngập lính Nhật. Tuy nhiên quân đội Nhật cũng đã bắt đầu có những biểu hiện cho thấy đang lo lắng về cục diện chiến tranh. Vào giữa năm 1944, Hồng quân Liên Xô hầu như đã đẩy lùi toàn bộ quân Đức ra khỏi biên giới. Quân Nhật cũng đang bị thua đậm ở Thái Bình Dương. Chủ nghĩa phát xít đang đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Ở Đông Dương, quân Nhật không muốn những tin tức này lan truyền rộng rãi. Vì thế máy thu thanh của mọi nhà đều bị buộc phải kê khai và mang đến Sở Bưu điện để xử lý kỹ thuật nhằm không thể bắt được làn sóng các đài nước ngoài. Trong khi đó, máy bay của quân đội Đồng Minh hằng ngày hoạt động ầm ĩ trên bầu trời Sài Gòn.

Bất ngờ một hôm, Báo Hạnh Phúc bị niêm phong và lính Nhật canh gác dày đặc tòa soạn. Nhà in cũng bị quân Nhật tịch thu. Nguyễn Bính lại rơi vào tình cảnh thất nghiệp một lần nữa. Ông lo lắng bàn với mọi người nên kiếm nơi hẻo lánh để ở và tránh xa Lan Chi Viên, vì nơi đây quá gần chỗ quân Nhật đóng quân, sợ chiến tranh xảy ra sẽ cháy thành vạ lây. Và thế là chỉ ít hôm sau mọi người đã dọn khỏi Lan Chi Viên. Nguyễn Bính phải tạm biệt một nơi chốn nhiều kỷ niệm. Vào thời kỳ này, nhóm anh em văn nghệ của Nguyễn Bính đã quen biết với Nguyễn Oanh, một người thợ giày mà sau này mới biết đó là Bí thư Thành ủy Sài Gòn đang hoạt động bí mật ở nội thành.

Năm 1944 nặng nề trôi qua. Bom của quân đội Đồng Minh cũng đã bắt đầu rơi xuống đường phố Sài Gòn. Chợ Bến Thành, Thị Nghè, Cầu Kho... bị trúng bom, hàng nghìn thường dân vô tội thiệt mạng. Người Sài Gòn bắt đầu ùn ùn kéo nhau đi tản cư. Nguyễn Bính cũng có mặt trong những dòng người tản cư ấy. Nguyễn Bính lên vùng Trảng Bom thuộc Đồng Nai bây giờ. Ở lại vùng rừng núi Trảng Bom một thời gian, thấy yên lại trở về Sài Gòn. Chuyến xe lửa mà Nguyễn Bính đi hôm đó khi về tới Thủ Đức thì có còi báo động. Hành khách bỏ tàu chạy tán loạn. Bom nổ, người chết ngổn ngang. Nguyễn Bính cũng bị một miểng bom trúng vào gót chân. Về tới Sài Gòn bạn bè phải chăm sóc thuốc men hàng tháng trời mới khỏi.

Đêm mùng 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Tuy nhiên mọi việc vẫn không có gì thay đổi, mặc dầu Nhật hoàng đã tuyên bố sẽ giúp cho nền độc lập của các dân tộc ở Đông Dương. Rồi tin tức Việt Minh nổi dậy đã lan truyền khắp nơi. Sài Gòn như ngồi trên một đống lửa. Một hôm, Nguyễn Bính báo tin cho bạn bè biết là mình sắp đi Hậu Giang. Mọi người hỏi mục đích chuyến đi thì Nguyễn Bính cười úp mở: "Bí mật quân sự". Theo Hoàng Tấn thì hình như Nguyễn Bính được Nguyễn Oanh giao cho một việc gì đó. Thế là mọi người tổ chức buổi tiễn đưa Nguyễn Bính "qua sông Dịch". Tiệc tổ chức khá đông vui. Lại đọc thơ tặng nhau. Có lẽ đây là lần cuối cùng Nguyễn Bính ngâm nga những vần thơ lãng mạn với bạn bè.

Căn cứ theo tài liệu của Bảo Định Giang và Hoàng Tấn thì trong chuyến đi về Hậu Giang để lo chuyện "bí mật quân sự" ấy, Nguyễn Bính đã ghé vào Mỹ Tho. Tại đây ông đã gặp Bảo Định Giang. Thật ra trước lúc đi, Nguyễn Bính cho biết là ông cần phải ghé Mỹ Tho và yêu cầu có ai quen người nào ở Mỹ Tho thì giới thiệu giùm. Hoàng Tấn đã giới thiệu Xuân Diệu, là người mà Hoàng Tấn đã quen biết từ lúc ở Hà Nội. Xuân Diệu lúc này đang làm Tham tá Sở Thương chính Mỹ Tho. Nhưng khi đến đó Nguyễn Bính không gặp được Xuân Diệu. Vì vậy ông đành phải tìm đến làm khách Hội Khuyến học tỉnh Mỹ Tho. Bảo Định Giang là ủy viên thường trực hội khuyến học của tỉnh kiêm phụ trách thư viện nên thường tiếp các vị khách là văn nghệ sĩ nổi tiếng ghé thăm. Nguyễn Bính đến đây, trọ trong một khách sạn hạng tồi. Bảo Định Giang đã phải đôn đáo chạy lo cho Nguyễn Bính ăn ở. Một mình không lo nổi, Bảo Định Giang phải nhờ các vị mạnh thường quân lo giùm. Một bữa quá túng, Bảo Định Giang tìm đến tiệm hút thuốc phiện gặp một vị bác sĩ vốn có tiếng là mê văn chương. Sau khi nghe trình bày, vị bác sĩ nhờ Bảo Định Giang đến khách sạn mời Nguyễn Bính lại tiệm thuốc phiện chuyện trò. Đêm đó ba người nằm dài trong tiệm, Nguyễn Bính vừa đọc thơ vừa trò chuyện với vị bác sĩ hào hoa. Sáng ra trước lúc chia tay, vị bác sĩ không quên tặng cho Nguyễn Bính một món tiền tiêu. Về đến khách sạn, Bảo Định Giang và Nguyễn Bính đem tiền ra đếm thử. Hai người kinh ngạc với số tiền biếu khổng lồ. Lúc đó tiền ăn cơm tháng suốt cả năm của Bảo Định Giang chỉ tốn có ba mươi sáu đồng mà vị bác sĩ lại biếu Nguyễn Bính đến bảy trăm đồng, tức là nếu để ăn cơm không thôi phải được gần hai chục năm. Như thế để thấy được sự mến mộ tài năng văn chương của người đời đối với Nguyễn Bính lớn đến chừng nào.

Rời Mỹ Tho, Nguyễn Bính tiếp tục đi sâu hơn về phía miền Tây Nam Bộ. Khi chính phủ của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lên nắm quyền ở Nam kỳ thì Nguyễn Bính đã đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Vì thế nhà chính trị này đã làm một việc thật bất ngờ là treo giải thưởng một ngàn đồng Đông Dương cho ai thuyết phục được Nguyễn Bính quay trở lại Sài Gòn hoặc nếu Nguyễn Bính tự quay lại thì cũng được nhận số tiền như thế. Ông Thinh còn cho máy bay rải truyền đơn khắp nơi và bắc loa kêu gọi mời thi sĩ Nguyễn Bính quay về thành. Tuy nhiên Nguyễn Bính đã đi sâu vào vùng kháng chiến. Từ đây cho đến năm 1954 ông hoạt động cách mạng cho đến lúc được tập kết ra Bắc. Ông mất tại quê nhà Nam Định vào năm 1966, trong một buổi chiều giáp tết, khi chơi xuân ở nhà người quen. 58 tuổi, ông ra đi như câu thơ ông viết:

Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi


(Nhạc xuân)


Trần Đình Thu

(ĐN st từ Thanh niênvà giới thiệu)
Cảm ơn Ngocanhonline đã động viên để ĐN "gõ" bài.
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

THƠ – TẾT NHỚ NGUYỄN BÍNH
Trần Mạnh Hảo


(CHẾT TRONG NGHÈO ĐÓI GIỮA NGÀY TẾT NĂM BÍNH NGỌ ( 29 tết 20/01/1966, không có ngày 30)

LỜI DẪN : Đã 46 năm kể từ chiều 29 tết ( không có ngày 30) năm Bính Ngọ 1966 nhà thơ Nguyễn Bính đã chết trong nghèo đói, bệnh tật tại nhà ông lang Hứa ( Đỗ Văn Hứa – bút danh Tân Thanh). Về cái chết của Nguyễn Bính, có một số bài báo nói khác, cho rằng Nguyễn Bính chết no, chứ không phải chết đói như bọn “diễn biến hòa bình” xuyên tạc. Mấy chục năm trước, tôi ( TMH) có gặp ông lang Hứa tại tư gia nhà thơ Vũ Quốc Ái ở Nam Định. Ông lang Hứa làm thơ, bút hiệu Tân Thanh kể rằng : sau 1958 Nguyễn Bính bị đuổi về quê vì làm báo “ Trăm Hoa”. Báo này do nhà nước cho Nguyễn Bính làm, học theo phong trào trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng bên Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Nguyễn Bính về quê làm nhân viên hợp đồng sửa bản in cho ty văn hóa Nam Định nên đói khổ lắm. Năm 1966, cơ quan ty văn hóa Hà Nam Ninh sơ tán lên huyện Lý Nhân, nên Nguyễn Bính hay đến nhà ông lang Hứa ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý ( một người mê thơ Nguyễn Bính) tá túc. Tết đến, không có tiền, Nguyễn Bính tới nhà ông Hứa mượn đỡ chút tiền về cho bà Lai ( là vợ) và cháu Hùng mới ba tuổi có chút tiền ăn tết. Bà Lai làm nghề đan len nuôi chồng con nên rất cực. Trưa 29 tết ( tức ngày 30 tết) Bính Ngọ, Nguyễn Bính do đói quá, lại làm tí rượu, chóng mặt, ra bờ ao nhà ông Hứa rửa mặt, rơi xuống ao. Ông Hứa và người nhà vớt Nguyễn Bính lên bờ. Nhà thơ thổ huyết , tắt thở. Gia đình vội cáng ông lên bệnh viện huyện cho khỏi liên lụy…Nguyễn Bính mất khi mới 48 tuổi.
Trong ba bài thơ dưới, có nhắc đến tên các bài thơ, tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính : “Lỡ bước sang ngang”, “ Nước giếng thơi”, “Đêm sao sáng”, “Hành phương Nam”…
                      
          NGUYỄN BÍNH
Thi sĩ Nguyễn Bính (tên thật là Nguyễn Trọng Bính )1918-1966

BÚT ĐÀO HUYỆT GIẤY MÀ CHÔN MÌNH DẦN
Trần Mạnh Hảo

Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn
Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mùng tơi
Mượn mưa phùn xỉa tăm chơi
Nửa đêm gió bấc rít hơi thuốc lào
Trăm hoa dễ được hoa nào
Về xem bướm hoá thi hào vườn dâu
Về xem cái kén mọc đầu
Ruột gan rút hết từng câu nhân tình
Tài cao đẩy thấp phận mình
Vỉa nồi niêu vẫn còn kinh hề mồi
Thơ không thể đổ vào nồi
Ngắm mình trong nước giếng thơi hết hồn
Đêm sao sáng cạn hoàng hôn
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần
Một đoàn bươm bướm đưa chân
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ...

T.M.H.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Thái Thanh Tâm đã viết:

BÚT ĐÀO HUYỆT GIẤY MÀ CHÔN MÌNH DẦN
Trần Mạnh Hảo

Cái thời Nguyễn Bính nguồn cơn
Vẫn đôi bướm ấy đến vờn mùng tơi
Mượn mưa phùn xỉa tăm chơi
Nửa đêm gió bấc rít hơi thuốc lào
Trăm hoa dễ được hoa nào
Về xem bướm hoá thi hào vườn dâu
Về xem cái kén mọc đầu
Ruột gan rút hết từng câu nhân tình
Tài cao đẩy thấp phận mình
Vỉa nồi niêu vẫn còn kinh hề mồi
Thơ không thể đổ vào nồi
Ngắm mình trong nước giếng thơi hết hồn
Đêm sao sáng cạn hoàng hôn
Bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần
Một đoàn bươm bướm đưa chân
Hai hàng lục bát khiêng phần mộ thơ...
Tự cảm về cái chết của Nguyễn Bính

Chết như Nguyễn Bính còn may
Nhiều nhà thơ chết tan thây, mất dòng
Thơ cùng người thảy tiêu vong
Tìm hoài trên thế gian không có gì.
Thôi thì đi cũng là đi
Chẳng cần thiết nữa lâm ly thế nào.
Sống nên giữ tiếng thanh cao
Chết rồi bẩn thỉu nháo nhào đất đen
Sống mà nghe tiếng chê khen
Chết rồi cả tiếng dế mèn cũng không.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

phuongcacanh

Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa
Cây cam cây quít cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa.

Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân ?
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
Người đi trẩy hội tóc phơi trần.

Đường mát da chân lúa mát mình
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
Gò cao đứng sững trâu bềnh bụng
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình.

Núi lên gọn nét đá tươi màu
Xe lửa về Nam chạy chạy mau
Một toán cò bay là mặt ruộng
Thành hàng chữ nhất trắng phau phau.

Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lững mù sương phảng phất mưa.

1958

Nguồn: Quang Huy, Tuyển tập thơ chọn lọc - Thơ Nguyễn Bính, NXB Văn hoá Thông tin, 1996  

Tôi không có Tuyển tập thơ chọn lọc của NB (1996). Nhưng tôi có TTNB(1986) có ảnh chụp bút tích NB viết bài thơ này. Tôi thấy bài này có mấy cái sai sau:
1- "Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân ?" Câu này không thể có giấu hỏi vì đây không phải là một câu hỏi và trong bản gốc (bút tích) cũng không có giấu hỏi.
2- "Gò cao đứng sững trâu bềnh bụng". Trâu bềnh bụng là sai vì chỉ nên dùng từ bềnh khi con trâu này chết chương bềnh lên, còn trâu ăn no thì người ta nói là no kềnh no càng. Vậy ở đây câu thơ phải là: (Gò cao đứng sững trâu kềnh bụng)
3- "Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ" Cả bài thơ tác giả cho chúng ta thấy không khí thời tiết thật sảng khoái dễ chịu (ấm) (mát) nếu dùng từ lạnh ở câu này thì thật vô duyên vì nó mâu thuẫn với nội dung bài thơ. Đây phải là từ lạch. Vì ở đây tác giả muốn nói đến bãi lạch bờ dâu nó cùng họ với những con mương, con rạch, con kênh... con lạch.
4- "Lơ lững mù sương phảng phất mưa." phải là LƠ LỬNG MÙI sương phảng phất mưa. Nếu dùng từ Lơ lững mù sương thì cũng lại rất vô duyên! Vì những câu thơ trên NB viết "Núi lên gọn nét đá tươi màu". Ông muốn chỉ ra rằng trời mưa nhưng vẫn không bị mù như sương (vẫn có thể nhìn thấy màu của đá trên núi). Người ta chỉ ngửi thấy mùi sương lơ lửng chứ không thể nhìn thấy sương mù. Có lẽ chữ mùi và chữ mù trong bút tích của NB khó phân biệt và độ thẩm thơ của người viết lại chưa cao nên đã có những sự nhầm lẫn này.
Mời mọi người đọc bài của tôi đã đăng trên báo ANBG ở đây:
http://phuongcacanh.blogt...t.net/?page=1&paged=2
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối