Trang trong tổng số 45 trang (441 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

DNH

Thơ Đinh Nho Hoàn:

ĐỘ NHỊ HÀ KHIỂN ĐỀ
Chu phiếm tân xuân áp vãn hàn
Giang đình yến bãi độ giang can
Thiên hương nặc thấu thiên trùng thủy
Bích luyện bình phô thập lý lan
Quế trạo lan tương sơ thí hiểm
Thần trung tử hiếu lợi bài nan
Hoa tường cao yết công thành nhật
Hí phỏng tiền tân đái tiếu khan.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Bản dịch nghĩa của U Cốc Khách:

\CẢM HỨNG ĐỀ THƠ KHI VƯỢT SÔNG NHỊ HÀ
Trong mùa xuân mới, thuyền lướt đè cái lạnh muộn màng;
Sau khi kết thúc tiệc ở đình ven sông thì vượt qua bờ sông.
Hương trời cho thấy xuyên qua nghìn tầng nước,
Dải lụa biếc (con sông) trải ra mười dặm sóng.
Chèo quế sào lan lần đầu tiên thử thách nguy hiểm,
Niềm trung của bề tôi, cái hiếu của người con có lợi trong việc giải trừ khó khăn.
Đến ngày thành công (trỏ về), cột buồm hoa dương cao
Lại đến thăm chơi bến cũ ngắm nhìn cùng với nụ cười.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Bản dịch thơ của DNH:

Bản dịch 1:

Thuyền lướt như đè lạnh cuối đông
Rời đình, tan tiệc, vượt sang sông
Hương trời lan rộng muôn trùng ngát
Lụa nước trải dài chục dặm trong
Thoát hiểm, chống chèo từng thử thách
Vượt nguy, trung hiếu giữ bền lòng
Ngày về, dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thỏa ước mong
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

Bản dịch thơ của DNH;;

Bản dịch 2:

Thuyền lướt đầu xuân, rét muộn chờ
Giang đình tan tiệc, vội rời bờ
Hương trời xuyên thấu ngàn trùng thẳm
Sóng nước lan xanh chục dặm mờ
Chèo lái qua nguy từng thử thách
Hiếu trung vượt khó có thời cơ
Cột buồm hoa điểm ngày về lại
Vui ngắm sông xưa, bến vẫn chờ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

CẢM NHẬN KHI ĐỌC TẬP 6 "THƠ ĐƯỜNG HÀ NỘI".

Kính thưa các vị đại biểu,
Kính thưa các thi huynh, thi hữu!
Được sự chấp thuận và hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, năm nay Câu lạc bộ thơ luật Đường cuả chúng ta đã cho ra mắt tập 6 "Thơ Đường Hà Nội" do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin phát hành. Cuốn sách đã phản ánh tương đối đầy đủ các sự kiện quan trọng của năm 2014.
Vì thời gian có hạn, tôi chỉ xin điểm qua một vài nét về tập thơ này để chúng ta cùng thưởng thức.
Là thơ Đường Hà Nội, nên chủ đề đầu tiên cần bàn là thành phố vì hòa bình, ngàn năm văn hiến, nhất là năm nay chúng ta kỉ niệm lần thứ 60 ngày giải phóng Thủ đô. Xin nêu ra đây một số bài thơ ca ngợi truyền thống hào hùng, danh lam thắng cảnh, nét thanh lịch đầy trí tuệ của người Tràng An, như "Thăng Long thành" của Phí Đình Trụ (p. 38), "Thăng Long nhân kiệt" của Dương Xuân Tấn (p.422), "Thăm Văn miếu" của Nguyễn Chí Công (p.45), "Thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm" của Nguyễn Đình Sơn (p.611), "Thoáng gợn Tây hồ" của Hà Đình Chung (p.39)...
Đặc biệt, nhiều nhà thơ đã viết về Xứ Đoài với núi Tản, chùa Thầy, Tây Phương, Suối Ngà...
Dưới ngòi bút của thi sĩ, trăng sao, cây cỏ cũng có hồn:
"Bát ngát rừng cây cơn gió hát
Mênh mang ngọn sóng mảnh trăng cười"
(Bài "Cảnh đẹp Xứ Đoài" của Xuân Hồng, p.7).
Đương nhiên, Hà Nội là trái tim của Tổ quốc thân yêu, nên không thể thiếu những bài ca ngợi quê hương đất nước, truyền thống quật cường, thưởng thức cảnh đẹp khắp mọi miền, từ Cao Bằng, Điện Biên, Tam Đảo, đến Huế, Đà Lạt, Đèo Ngang, Phú Quốc, v.v.
Đứng trước phong cảnh thơ mộng, tâm hồn thi sĩ ngây ngất, hòa quyện mình vào vạn vật thiên nhiên, gửi nỗi lòng theo sóng gió, như bài "Du xuân" của Đặng Phụ (p. 37):
"Hàng dương xào xạc lá bay vèo
Khúc nhạc ru hồn gió cuốn theo".
Hay bài "Sang thu" của Xinh Xinh (p.517):
"Sông thương con nước triều dâng vợi
Biển nhớ thân tàu lặng sóng khơi".
Nhiều thi huynh, thi hữu đã viết những vần thơ cháy bỏng nói lên lòng yêu nước và tình cảm đối với hải đảo, đối với các chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc. Cô hàng xóm coi người ra đảo xa là ra tiền tuyến:
"Được tin lính đảo sắp lên đường
Cô gái bên nhà thoáng vấn vương". ("Vấn vương" của Trương Mai, p.19).
Đúng là tình cảm của người hậu phương đối với tiền tuyến:
"Em nối tin yêu vào biển nhớ
Cùng anh giữ mãi chủ quyền ta"
("Gửi xuân đến Trường Sa" của Đỗ Thị Hòa, p. 12).
Một chủ đề lớn của tập thơ là tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gắn liền công lao của Đại tướng với chiến tích của dân tộc ta đã đánh thắng những tên đế quốc xâm lược to, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ, mà năm 2014 kỉ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử này. Xin nêu ra một vài bài làm ví dụ: "Đại tướng trong lòng dân" của Kiều Bích Liên (p.93), "Suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp" của Lê Văn Mai (p.152), "Tiếc thương" của Nguyễn Văn Cạnh (p.470), "Chiến thắng Điện Biên Phủ" của Chương Phú (p.421), "60 năm chiến thắng Điên Biên" của Trịnh Thu Loan (p.247)...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ. Đại tướng đã từng nói, nếu không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có Võ Nguyên Giáp. Trong tập 6 "Thơ Đường Hà Nội" có nhiều bài ca ngợi Hồ Chủ tịch, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như "Bác Hồ" của Nguyễn Văn Tâm (p.613), "Sáng mãi tên Người" của Lê Thị Hảo Yến (p.466)...
Nhân dân và lịch sử đã tôn vinh Bác Hồ là người cha, Đại tướng là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm nay chúng ta kỉ niệm lần thứ 70 ngày thành lập đội quân anh hùng đó và 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Trong số các vị ngồi đây, nhiều người là cựu chiến binh, là bộ đội Cụ Hồ và đề tài này luôn được các nhà thơ khai thác, như "Một thuở Trường Sơn" của Nguyễn Xuân Đồng (p.27), "Nhớ đồng đội" của Quang Sáng (p.22)...
Nhiều thi huynh, thi hữu đã chọn chủ đề hướng về cội nguồn, về Đất Tổ, tri ân các anh hùng dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước, như "Hùng Sơn linh địa" của Hồ Văn Thiện (P.38), "Truyền thống" của Phương Nga (p.95)...
Đa số hội viên Câu lạc bộ thơ Đường Hà Nội là người cao tuổi, ngoài những bài viết về tuổi già sống vui, khỏe, có ích, vẫn có nhiều vần thơ tươi trẻ, tràn trề yêu đời, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Các cụ cũng "Tương tư" (Nguyễn Văn Gối, p. 483); tình yêu vẫn cháy bỏng, vẫn ga lăng, lãng mạn, mơ mộng, hào hoa, biết bày tỏ nỗi lòng một cách kín đáo, tế nhị. Hãy đọc "Gửi người tình Kinh Bắc" của Nguyễn Văn Thụ (p.163). Mối tình duyên trong truyền thuyết cũng được nhắc đến với "Mưa ngâu" của Hà Vọng (p.164) và "Ngân hà" của Trần Thế Hào (p.20).
Tình yêu luôn gắn liền với gia đình, tế bào của xã hội, gắn liền với người phụ nữ. Đã có những bài ca ngợi người mẹ, người vợ, người chị, người em, như bài "Tình mẹ" của Nguyễn Đình Nụ (p. 42). Với tư tưởng trọng nam khinh nữ còn khá phổ biến trong xã hội, Lý Lan Phương đã viết những câu thơ rất bình dị và dí dỏm trong bài "Nhà có hai con gái" (p.255):
"Chấy rận hai cô con gái rượu
Rể thi nhau nịnh đến là vui".
Tóm lại, toàn bộ tập 6 "Thơ Đường Hà Nội" toát lên tính nhân văn sâu sắc, từ lòng yêu nước nồng nàn, quyết tâm bảo vệ biển trời quê hương, ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc, kính yêu lãnh tụ, các anh hùng dân tộc, tình yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, yêu đời, đến những câu chuyện rất đời thường, như "Hút thuốc lào" của Nguyễn Duy Cách (p.267), "Tâm sự cái răng đau" của Lê Tuyển (p.221). Rất đời thường và cũng rất thâm thúy.
Thơ Đường là sâu sắc, nhiều khi thâm thúy, mượn cảnh để nói về đời, lên án những thói hư tật xấu, tiêu cực trong xã hội, ca ngợi đức tính trung thực, bảo vệ thuần phong mỹ tục, phẩm chất trong sáng, cao đẹp của người Hà Nội, của người Việt Nam. Ta hãy xem một vài ví dụ: "Vịnh cây thông" của Lý Trần Thuần (p.631), Vịnh bút, Vịnh mèo, Vịnh muỗi của Phạm Xuân Lăng (p.190), "Thay ngôi" của Trần Văn Tráng (p.161), "Vua đi cày" của  Nguyễn Vũ Trọng (p.218) và nhiều bài khác.
Trong tập 6 cũng có nhiều bài thơ họa: Tự họa, họa thơ của nhau, họa thơ các thi hào nổi tiếng, như Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan...
Chúng ta thấy có nhiều kiểu chơi thơ trong cuốn sách này, như độc vận, thủ vĩ ngâm, khoán thủ, khoán tâm, tiệt hạ, yết hậu, trường cú, v.v; những thú chơi đầy trí tuệ, có thể nói là bác học, như thuận nghịch độc, đặc biệt thơ ngũ độ thanh chỉ có thể áp dụng trong tiếng Việt, vì tiếng Việt có 6 thanh, còn tiếng Trung chỉ có 4 thanh. Nhưng, để sáng tác một bài thơ ngũ độ thanh hay thuận nghịch độc cần phải tư duy chu đáo, không thể dễ dãi, bên cạnh việc tuân thủ luật chơi, vẫn cần thiết coi trọng nội dung và nghệ thuật. Có như vậy mới dám nói đến "trí tuệ" hay "bác học", tránh cho bài thơ thiếu tính logic, lủng củng, có những câu thơ tối nghĩa hoặc vô nghĩa.
Trong tập thơ có khá nhiều bài tứ tuyệt nhị thủ, có cả đa thủ. Điều cần bàn, có khi phải tranh luận để cho thơ của chúng ta được hoàn chỉnh hơn:
- Nếu tứ tuyệt đa thủ không liên hoàn có được coi là thơ luật Đường không? Các chuyên gia cho rằng, thơ tứ tuyệt đa thủ không liên hoàn thì dù có đúng niêm luật, cũng không phải là thơ luật Đường, mà là thơ mới, bắt đầu thịnh hành từ thời tiền chiến cho đến nay, với những nhà sáng tác thơ mới tiêu biểu như Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử và cả Tố Hữu, v.v.
Đương nhiên, một cuốn sách gần 650 trang với hàng trăm tác giả khác nhau, không thể không có những khiếm khuyết, cần rút kinh nghiệm. Nhiều bài thơ còn chung chung, hình thức, chưa sâu sắc, tính nghệ thuật chưa cao. Điều dễ nhận thấy là, nhiều cặp thực và luận chưa đối nhau, hoặc đối nhau không hoàn chỉnh, chỉ đối được nửa câu, có cặp không đối ý, phổ biến nhất là không đối từ, có bài không đối cả ý và từ.
Chúng ta tin tưởng rằng, những năm sau, Câu lạc bộ sẽ cho ra mắt các tập thơ hay hơn, chất lượng hơn, tính nhân văn sâu sắc hơn, tính nghệ thuật cao hơn, xứng đáng là Câu lạc bộ thơ Đường của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Xin chúc các thi huynh, thi hữu luôn vui khỏe, sáng tác thơ càng ngày càng hay, chúc cho Câu lạc bộ của chúng ta ngày càng phát triển.
Không bao lâu nữa năm mới sẽ đến, xin kính chúc các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt!
Xin chân thành cám ơn!
Tiến sĩ Đinh Nho Hồng
Phó CN thường trực CLB thơ luật Đường Hà Nội
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

TÍNH NHÂN VĂN TRONG THƠ ĐINH NHO HOÀN

Các nhà ngoại giao thời phong kiến thường là những học giả uyên thâm, hay chữ, hiểu biết rộng. Chắc chắn họ đã sáng tác nhiều thơ trên đường đi sứ. Chúng ta được biết đến 132 bài thơ Đường luật và cổ phong chữ Hán trong tập "Bắc hành tạp lục" do Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) sáng tác năm 1813 (Quý Dậu), khi ông dẫn đầu phái đoàn sang Trung Quốc (1813 - 1814). Đó là một trong những trường hợp rất hiếm mà các nhà ngoại giao ngày xưa còn để lại. Do nhiều lí do khác nhau, ngày nay chúng ta được thưởng thức rất ít những tác phẩm nguyên vẹn như vậy của các sứ giả thời xưa. "Mặc Ông sứ tập" của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1671 - 1715) là một trong những tập thơ hiếm hoi còn để lại đến ngày nay.
Một điều ngẫu nhiên là, năm 2015 kỉ niệm lần thứ 250 ngày sinh của Nguyễn Du và 300 năm ngày mất của Đinh Nho Hoàn.
 Những bài đầu tiên trong "Mặc Ông sứ tập" (nay được xuất bản với nhan đề "Mặc Trai sứ tâp") của Đinh Nho Hoàn cũng như thơ Nguyễn Du trong "Bắc hành tạp lục" đều sáng tác lúc sứ bộ rời Thăng Long lên đường và kết thúc bởi những bài viết khi đang còn trên đất Trung Hoa, nhưng khác nhau là Nguyễn Du vẫn về đến quê nhà, còn Đinh Nho Hoàn đã mất nơi đất khách.
Phần lớn thơ văn của các sứ giả đều ghi chép những điều trông thấy, những cảm nghĩ dọc đường, về nhân tình thế thái, mà phần lớn được sáng tác khi lưu du bằng đường thủy trên đất Trung Hoa. Do điều kiện lịch sử và hoàn cảnh khác nhau, nên tư duy và giọng văn của "Mặc Ông sứ tập" khác xa "Bắc hành tạp lục". Nguyễn Du là một bậc tài ba hiếm có, thơ văn xuất chúng, với những tác phẩm mang tư tưởng nhân văn sâu sắc, nghệ thuật siêu việt, được người đời thán phục, thế giới ca ngợi. Sống trong hoàn cảnh đất nước loạn ly, lòng người tráo trở, xã hội biến loạn khôn lường, bản thân gặp nhiều uẩn khúc, mâu thuẫn dày xé với chính mình, với ngọn bút sắc sảo và tâm hồn đầy cảm xúc, nhạy bén, giọng thơ của Nguyễn Du trong "Bắc hành tạp lục" u trầm, bế tắc, lo nghĩ sự đời, nhiều lần nhắc đến mái tóc bạc, đưa ra những tiếng thở dài thương cảm cho cuộc đời gian truân, như thân phận cuả nàng Kiều tài sắc vậy.
Cũng với tâm hồn nghệ sĩ, thơ Mặc Trai Đinh Nho Hoàn cũng mang đậm tính nhân văn, thể hiện ở tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước và đặc biệt, ông luôn nhắc đến lòng trung hiếu. Đi đến đâu ông cũng hòa mình vào thiên nhiên. Trong thơ Đinh Nho Hoàn, núi sông, cây cỏ cũng có hồn. Mỗi nơi đi qua, ông đều để lại các bài thơ với những nét chấm phá sắc sảo tài tình, tả cảnh, tả người, bình phẩm, cảm nghĩ về các danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa, nhân vật lịch sử và truyền thuyết, ghi lại những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ, đàm đạo, ngâm vịnh, xướng họa với những người bạn, các vị khách, các quan chức đón tiếp dọc đường. Thơ ông triết lí sâu sắc, nhưng không khô khan, giàu hình ảnh, có những câu rất sinh động. Chỉ xin dẫn ra đây một vài ví dụ, như ông đã viết hai câu thực để tả núi Quân Sơn gồm 12 ngọn giữa hồ Động Đình trong bài "Đề Quân Sơn":
Thập nhị phong phù nga mẫn kháo
Tam thiên trúc đốt ngọc lang can.
Dựa theo bản dịch nghĩa của nhà nghiên cứu Hán Nôm, Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ trong cuốn "Mặc Trai Sứ Tập", xin tạm dịch thơ như sau:
Một tá non xanh đầu mĩ nữ
Ba ngàn trúc đỏ ngọc lang can.
Khi ngắm núi Quân Sơn vào sáng sớm, Mặc Trai đã viết hai câu kết trong bài "Quân Sơn hiểu vọng":
Nhất bích thanh minh tiên kháo dục
Trâm kê tân chỉnh ngọc vô hà
Xin mạn phép dịch như sau:
Ngọc bích long lanh, tiên nữ tắm
Nõn nà xiêm áo mới cài xong.
Hay câu kết trong bài "Quá Vu Hồ huyện, đề Vọng Phu ky", khi miêu tả hòn đá Vọng Phu ở huyện Vu Hồ sau cơn mưa, nhà thơ đã ví von rất sinh động:
Thấp ngân tà thảo số hành thư
Xin tạm dịch:
Mấy làn cỏ rạp đọng sương
Thành bao ngấn nước như hàng thư ai.
Trong bài viết này tôi xin không đi sâu vào phân tích các bài, các câu thơ mô tả rất tài tình, mà trong thơ Mặc Trai có rất nhiều bài, nhiều câu như vậy. Tôi muốn nói nhiều đến tính nhân văn trong thơ ông, thể hiện ở lòng trung hiếu, tình yêu quê hương đất nước, nghĩ đến dân, lòng thương xót những người nghèo khó, lam lũ.  
Lòng hiếu trung, tình yêu đất nước, nỗi nhớ quê nhà canh cánh luôn được nhắc đi nhắc lại trong thơ Mặc Ông.
Bài "Quá Ô Man tư quốc cảm tác" có hai câu kết:
Trung hiếu nhất đan năng kiện ngã
Lệnh môn tảo vãn tấu hồi thiều
Xin dịch là:
Trung hiếu một lòng tăng sức khỏe
Cổng thành vang nhạc, sứ về triều.
Đó cũng là nỗi khát khao, mong mỏi của Đinh Nho Hoàn trong suốt chặng đường đi.
Ngay khi mới rời bến Nhị Hà lên đường chuẩn bị sang đất khách quê người, ông đã nghĩ đến ngày trở về trong bài "Độ Nhị Hà khiển đế":
Hoa tường cao yết công thành nhật
Hi phỏng tiền tân đái tiếu phong.
Nguyễn Nam Long (Bút danh U Cốc Khách) dịch là:
Đến ngày thành công (trở về), cột buồm hoa dương cao
Lại đến thăm chơi bến cũ, ngắm nhìn cùng với nụ cười.
Theo bản dịch nghĩa đó, tôi xin tạm dịch thoát như sau:
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thỏa ước mong.
Thuyền sứ đã rời xa bến Nhị Hà, ông lại thoáng nhớ đến từng cây thị, cây dâu thân thuộc ở quê nhà qua câu thơ sau đây trong bài "Hồi tưởng độ Nhị Hà nhật, nhân tác":
Lậu ấp tử tang tài nhất niệm
Tạm dịch là:
Làng xóm thị dâu còn thấp thoáng.
Đến Lạng Sơn, lòng ông vẫn hướng về kinh đô Thăng Long:
Ky hoài hống động ức Tràng An (Trong bài "Quá Thành Đoàn").
Xin dịch là:
Tha hương lòng dạ hướng Tràng An.
Vâng mệnh vua đi sứ, nhưng đến cửa ải, tâm trạng nặng nề của ông được thể hiện trong bài "Quá quan thượng":
Thế cơ vô dị diệc vô nan
Vạn lý hàm tiên cảm dị nan
Nhân bách niên thân đa khổ nhật
Quá quan nhất nhật thập phân nan.
Tạm dịch như sau:
Thế thời lúc dễ lúc gian nan
Vâng mệnh mang thư chẳng dám than
Suốt cả đời người bao cực nhọc
Ngày qua cửa ải thật chiên truân.
Bài "Quá Thái Bình thành" có câu:
Vân khan thiên ngoại tường nam điểu
Xin dịch:
Trời Nam xa thẳm, chiều chim liệng.
Bài thất ngôn bát cú "Mộ bạc Tương Tư châu, nhân cảm đề" có những câu luận và kết với hình ảnh ví von độc đáo và tâm tư  nhớ quê nhà sâu lắng:
Yên gian thụ hữu song cù ảnh
Nhạn ngoại hương vô nhất tự thư
Duẩn mỹ tuyền cam trăn lật tục
Tiều sơn vân hạ niệm ngô lư.
Xin dịch thơ:
Trong khói cây như ria mép rậm
Ngoài tầm nhạn vắng bức thư xa
Măng ngon suối ngọt quê xanh thắm
Nhớ núi Tiều Sơn, nhớ mái nhà.
Xa nhà, xa Tổ quốc, lúc nào ông cũng nghĩ đến dân, đến quê hương đất nước. Bài "Đề Bình Lạc Ấn Sơn đình" có hai câu kết:
Đăng lâm bất thị tòng ngô dục
Ngô ức ngô dân thả niệm dân
Xin dịch:
Đâu phải lên lầu do thích thú
Mà vì chạnh nghĩ đến dân mình.
Tuy là một nhà nho phong kiến, nhưng Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn luôn thông cảm với người lao động nghèo khó, nông dân vất vả, thương người vú già lưng còng v.v... Ông cho rằng, người làm quan muốn yên dân, cai quản được dân thì phải biết lo nghĩ cho dân. Trong bài "Quá Quý huyện", ông viết:
Cam đường âm bạc khủng vô tình
Xin tạm dịch:
Dưới bóng cam đường nghĩ tới dân.
Với hai câu kết trong bài "Quá Ngô Châu thành", nhà thơ tỏ ra bất bình trước tình trạng bất công:
Mãn thành nha phủ đôi kim cẩm
Lục dã dân cao khủng vị khô
Tạm dịch thơ:
Bạc vàng nha phủ đầy tràn
Mồ hôi chưa ráo đồng làng xóm quê.
Trong bài "Quá Hán Dương đề Hán Khẩu phố", ông so sánh tình trạng phân chia giàu nghèo và thương xót người nông dân một nắng hai sương:
Phú thương cầu cát tri hà hứa
Thùy mẫn nông phu thích cốt hàn
Xin phép được dịch thoát như sau:
Nhà giàu ăn trốc ngồi trên ngất trời
Nông dân cũng một kiếp người
Nghèo nàn đói rét có ai thương cùng.
Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn trân trọng cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, lên án thói tham nhũng, hối lộ. Điều đó thể hiện trong bài "Quá Tương Đàm kinh Bao Da miếu đế":
Thiên tài hà thanh khai tiếu xỉ
Nhất hào quan hối viễn Diêm La
Nhi tôn mạc thán vô điền địa
Y Phó viên lâm hữu kỉ xa.
Xin tạm dịch như sau:
Đá vạn thu cười dưới đáy sông
Tham quan chớ dại gặp Bao Công.
Cháu con đừng trách không vườn đất
Y, Phó có đâu lắm ruộng đồng.
Ông đem tấm gương của những vị đại thần nổi tiếng liêm khiết bên Trung Hoa là Y Doãn, Phó Duyệt để giáo dục các thế hệ mai sau và răn dạy những người làm quan.
Đinh Nho Hoàn là một người con có hiếu. Ba tuổi mồ côi mẹ. Ngày dỗ mẹ (17 tháng 7) ông lại đang lênh đênh trên đường, chỉ biết khóc mẹ qua bài thơ "Thất nguyệt thất thập nhật ngộ mẫu thân kị nhật cảm tác":
Khả lân tam tuế thất huyên đường
Hiếu cảm kim triêu hựu dị hương
Lữ thứ thống vô tam điện giả
Bồng song khấp tận nhất chi hương
Vân noa mã thủ gia hà tại
Lệ thấp chinh khâm  ý bội thương
Độc biến Lục Nga hôn tự mộng
Trung quân hoặc diệc hiển thân phương
Ông Đinh Nho Quỳ, tộc trưởng họ Đinh Nho ở Hương Sơn nói, ông rất cảm động và tâm đắc khi đọc bài thơ này. Xin được dịch thoát như sau:
Mẹ mất lên ba thật đáng thương
Sáng nay kính nhớ, vẫn trên đường
Xa nhà vái vọng không li rượu
Bên cửa khóc tàn một nén hương
Đầu ngựa mây nhòa, quê khuất nẻo
Vạt tà lệ đẫm, cảnh thê lương
"Lục Nga" ngâm hết chừng đang mộng
Chữ hiếu trong trung một lẽ thường.
Ngay khi mới lên đường, chưa qua biên giới, ông đã có hai bài thơ trình lên Đặng Thiếu phó với tình cha con. Hai bài thơ có đầu đề "Ức Trung dũng Thiếu phó Đặng Tôn đài hồi thi trình thượng". Đồng thời, ông cũng viết bài  thơ "Ức nhũ mẫu kí dữ đồng niên Thái bộc tôn đài" gửi bạn đồng niên để tỏ lòng thương nhớ người vú nuôi.
Với những câu đề và kết sau đây, nhà thơ đã nhớ đến vú già:
Ba ba lão nhũ ỷ môn quyền
Tự cách vân quan nguyệt kỷ viên
......
Phản bố bất như phi điểu loại
Bàng giang không thán Tử Dư hiền
Tạm dịch như sau:
Vú già tóc bạc tấm lưng còng
Đằng đẵng xa quê những tháng ròng
......
Nào sánh chim con nuôi mẹ được
Tử Dư, thán phục để trong lòng.
Mặc Trai nhắc đến Tử Dư, một người nổi tiếng có hiếu với mẹ, như là tấm gương sáng để noi theo.  
Trong bài thứ nhất trình Đặng Thiếu phó, ông đã viết những câu thơ:
Nghĩa kiêm phụ tử Đẩu Sơn tề
Bất thí Băng Hồ dữ Nhị Khê
......
Đản nguyện sinh hoàn bồi khoản tịch
Vô tâm phận ngoại bộ sa đê.
Xin tạm dịch:
Non cao vời vợi nghĩa cha con
Nguyên Đán, Phi Khanh tựa Đẩu, Sơn
......
Đợi lúc trở về cùng dạo bước
Ngồi hầu bên chén rượu chờ mong.
Bất kể ở đâu, lúc nào, lòng ông luôn canh cánh mong ngày bình yên trở về.
Bài "Quá Ô Man than" cũng có câu:
Uy vũ huân cao khung nhưỡng tại
Ôn linh tiểu sứ kiện sinh hoàn
Nghĩa là:
Uy vũ đất trời còn đó cả
Sứ xin mạnh khỏe trở về nhà.
Trớ trêu thay, điều đó không đến với Mặc Trai.
Lòng hiếu thảo của Đinh Nho Hoàn luôn được gắn liền với trung quân. Câu kết trong bài thơ nhớ đến ngày dỗ mẹ cũng nói lên điều đó:
Trung quân hoặc diệc hiển thân phương
(Trung quân cha mẹ được vinh quang).
Khi thuyền sứ đỗ lại Nam Ninh, ông đã làm những bài thơ tỏ nỗi lòng mình, trong đó có câu:
Hoàn tưởng ngô nhân sinh vũ nội
Trung quân hiếu phụ lưỡng đương vi
Xin dịch:
Trộm ngẫm sinh ra trong vũ trụ
Phải làm con hiếu với tôi trung.
Ban đêm đỗ thuyền bên bến sông, nghe tiếng gà gáy, tâm tư của ông vẫn là:
Trung quân hiếu phụ ngô nhân sự
("Hiếu trung phận sự mãi trong đời". Bài "Bạc Đông tân dịch dạ văn thôn kê, tự cảm").
Ngay trong hai bài đầu tiên của "Mặc Trai Sứ tập", nhà thơ đã nhấn mạnh đến trung hiếu, tỏ lòng nhớ vua. Sau đây là hai bài thơ đó:
Độ Nhị Hà khiển đế
Chu phiếm tân xuân áp vãn hàn
Giang đình yến bãi độ giang can
Thiên hương nặc thấu thiên trùng thủy
Bích luyện bình phô thập lý lan
Quế trạo lan tương sơ thí hiểm
Thần trung tử hiếu lợi bài gian
Hoa tường cao yết công thành nhật
Hí phỏng tiền tân đái tiếu khan
Theo bản dịch nghĩa của Nguyễn Nam Long, xin dịch thơ như sau:
Thuyền lướt như đè lạnh cuối đông
Rời đình, tan tiệc, vượt sang sông
Hương trời lan rộng muôn trùng ngát
Lụa nước trải dài chục dặm trong
Thoát hiểm, chống chèo từng thử thách
Vượt nguy, trung hiếu giữ bền lòng
Ngày về dương cột buồm hoa thắm
Thăm lại bến bờ, thỏa ước mong.
Khi đến trạm Lã Côi, ông viết bài "Quá Lã Côi trạm", nhớ những buổi cùng các quan tùy tùng theo vua tuần thú, ngâm vịnh:
Tiều phong tình vọng nhất loa khai
Dịch tử phi truyền dĩ Lã Côi
Lưỡng ngạn thiều hoa hồng lữ điếm
Bán giang hàn nguyệt bạch đồng ngôi
Tăng gia lương nạp bằng lê vãng
Cổ miếu minh cầm nhiễu thụ lai
Bôi tưởng long loan tuần hạnh nhật
Thiên tài tân phủ các xao thôi
Theo bản dịch nghĩa của nhà nghiên cứu Hán Nôm, Phó Giáo sư Ngô Đức Thọ trong cuốn "Mặc Trai Sứ tập", tôi xin phép được dịch thơ:
Lạnh se, đỉnh núi hắt tia trời
Lính trạm báo dừng tại Lã Côi
Cờ xí hồng tươi, ca nhạc rộn
Buồm thuyền trắng xóa, ánh trăng soi
Áo vàng sư cụ rong từng bước
Miếu cổ chim đàn hót mọi nơi
Nhớ lúc phò vua tuần khắp chốn
Lời thơ trau chuốt vịnh thiên thời.
Thuyền đến Ngô Châu vào Tết Đoan Ngọ, ông đã làm thơ bày tỏ nỗi lòng của mình:
Nhân phùng ngũ ngũ phiếm linh bồ
Thư kiếm trì khu độc tráng cư
Ngọ nhật ngọ niên bồi ngụy khuyết
Kim niên kim nhật bạc Ngô Châu
Ái ưu hữu mộng huy hoàn phiếm
Ky lữ vô môn thiếp ngãi phù
Trượng nghĩa chính lăng thiên lý khí
Hoàn thiêu kê thiệt vọng tung hô
Xin được dịch:
Song ngũ kết cỏ linh bồ
Thành thuyền thả nổi để cho trôi dòng
Sách, gươm hùng tráng tâm hồn
Ngày ngọ năm ngọ khuyết cung vào chầu
Hôm nay thuyền đến Ngô Châu
Thương dân yêu nước quạt nào rời xa
Đất khách không cửa không nhà
Xa xôi biết dán lá bùa vào đâu?
Lòng thành nghĩa chính chí cao
Gọi gà nướng lưỡi vái chào quê hương.
Nhân ngày sinh của vua (19 tháng 5), ông đã viết hai bài thơ chúc thọ, trong đó có những câu:
Trung ái nhất xoang thiên lí nguyệt
Tử viên kiều vọng đạt thiên minh
Xin tạm dịch:
Trung quân trăng chiếu dặm ngàn
Nhớ vua nhớ nước muôn vàn chờ mong.
"Trung quân ái quốc", trung thành với vua là yêu nước. Cũng như bao nhà nho khác thời bấy giờ, Đinh Nho Hoàn đã thể hiện lòng yêu nước của mình như vậy, nhất là trong hoàn cảnh chu du trên đất nước người.
Các bài thơ còn lưu lại hiện nay của Đinh Nho Hoàn chắc chỉ là một phần nhỏ so với số lượng thơ ông đã sáng tác trong suốt cuộc đời của mình. Rất may là chúng ta còn được thưởng thức một bộ hoàn chỉnh những bài thơ ông sáng tác trên đường đi sứ sang Trung Quốc mà nhà ngoại giao Đinh Nho Liêm và các cộng sự đã giới thiệu 93 bài trong cuốn "Mặc Trai sứ tập" và đó cũng là những bài thơ cuối cùng của Đinh Nho Hoàn.
Không bao lâu nữa sẽ kỉ niệm ba trăm năm ngày mất của Đinh Nho Hoàn (1715 - 2015), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh quê hương ông kết hợp với dòng họ Đinh Nho dự định sẽ tổ chức hội thảo về Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, nhớ đến một vị quan thanh liêm, một nhà ngoại giao, một nhà thơ với tư tưởng nhân văn sâu sắc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Kinh thưa hội nghị,
Hôm nay tôi được Ban Tổ chức Hội thảo phân công phát biểu về đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là một đề tài rất rộng lớn, thật là khó đối với tôi. Bản thân tôi vốn là cán bộ khoa học - kỹ thuật, không làm công tác chính trị, nên e rằng nhiệm vụ này sẽ quá sức mình. Tôi chỉ xin nêu lên một vài ý kiến trong phạm vi hiểu biết của bản thân. Phần lớn nội dung của bài phát biểu này được lấy từ các tài liệu tham khảo, bất cứ ai cũng có thể đọc được, có chỗ nào tôi hiểu sai, mong được lượng thứ.
Điều tôi tâm đắc nhất là, với lòng tự hào dân tộc, chúng ta phải nhận thấy sự lan tỏa của phong cách Hồ Chí Minh trên thế giới. Đồng thời, chúng ta đều biêt rằng, với lí luận sắc bén, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa các thành tố chủ yếu trong đạo đức Cách mạng.
Có thể nói, đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức Việt Nam được đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trong thực tế, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ bàn nhiều nhất đến đạo đức. Bản thân cuộc đời của Người là tấm gương sáng chói về đạo đức Cách mạng, là sự kết hợp nhuần nhuyễn truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với tinh hoa của đạo đức nhân loại, từ phương Đông sang phương Tây, hình thành nền đạo đức mới – đạo đức Hồ Chí Minh.
Không những nhân dân Việt Nam, mà thế giới cũng thừa nhận sự trong sáng, cao cả của đạo đức Hồ Chí Minh.
Hồ Chủ tịch đã đi nhiều nơi trên thế giới, kể cả với cương vị là nhà lãnh đâọ cao nhất của một quốc gia, tiếp xúc với đủ các thành phần, với nhiều giới chức. Người không lạ gì cuộc sống sang trọng, kiểu cách của quan chức nhiều nước, nhưng Người luôn sống giản dị, tiết kiệm. Các bài nói và viết của Người thường ngắn gọn, dễ hiểu, gần gũi với quần chúng, không khoa trương, kiểu cách, mà ý tứ lại vô cùng sâu sắc. Cố Tổng thống Chi-lê Agienđê sau lần gặp Hồ Chủ tịch đã xúc động nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lịch sử…Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại đi liền với nhau như vậy”.
Nhà báo Mỹ Hamberstam viết: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn luôn mặc quần áo đơn giản nhất. Cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo, một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có lễ phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái tính giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông. Ông không cố tìm cho mình cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân, với lịch sử”.
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, cũng như trong các tác phẩm, các bài nói, Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh rằng, đạo đức là gốc, là nền tảng của người Cách mạng. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã đề cập đến “Tư cách của người Kách mệnh”. Năm 1947, trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã đề cập đến những nội dung của đạo đức Cách mạng là: “Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”, phát triển từ thuyết “Ngũ thường” (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), nhưng đã mang nội dung mới. Đến bài viết cuối cùng của mình là “Di chúc”, Hồ Chủ tịch vẫn nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức Cách mạng, thật sự “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, phải đào tạo những người kế tục xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người luôn nhấn mạnh đức và tài phải đi đôi với nhau.
Những chuẩn mực của đạo đức Cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân, phải yêu thương con người, phải có tinh thần quốc tế trong sáng. Người đặc biệt nhấn mạnh đến cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, coi đó là những phẩm chất nền tảng của đạo đức Cách mạng.
“Cần” theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, không lười biếng, ỷ lại, coi lao động là nguồn sống, là hạnh phúc, thiêng liêng. Đồng thời, Người cũng chỉ ra rằng, làm việc phải có kế hoạch, sáng tạo, có hiệu quả, có năng suất cao, phải có ý chí vươn lên.
“Kiệm” là tiết kiệm, cả về vật chất, tiền bạc và sức lao động của nhân dân và của chính mình, không hoang phí, xa xỉ, phô trương hình thức. Tiết kiệm là phẩm chất cần phải có của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những người có trách nhiệm quản lí, nắm giữ cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, vật lực của Nhà nước và nhân dân, quý từng đồng tiền hạt gạo của dân, giữ gìn và sử dụng có hiệu quả tài nguyên của đất nước.
“Liêm” là không tham địa vị, không tham tiền tài, không chiếm của công thành của riêng, không tham ô nhũng nhiễu, quan liêu, lãng phí, hối lộ, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình, không sách nhiễu nhân dân. Hơn nữa, chỉ bản thân mình liêm chưa đủ, mà còn phải vận động mọi người cùng thực hành liêm.
“Chính” là quang minh chính trực, sống và làm việc quang minh chính đại, phải thẳng thắn, phải thường xuyên tu dưỡng, tự sửa mình làm tăng điều tốt, giảm điều xấu, trung thực, chân thành đoàn kết, giúp đỡ mọi người, không dối trá, lừa lọc, nịnh nọt.
Tóm lại, cần, kiệm, liêm, chính là “siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng”.
Người cũng nhấn mạnh rằng, cán bộ phải liêm, chính  trước, làm kiểu mẫu cho cấp dưới và nhân dân noi theo, vì "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Cán bộ cấp càng cao thì tác dụng gương mẫu càng quan trọng, đặc biệt là nói phải đi đôi với làm. Phải thực hành dân chủ thực sự, nghĩ đến dân, vì dân, không được coi thường quần chúng, cửa quyền, tự cho mình là trên hết, muốn biến báo thế nào cũng được.
Hồ Chí Minh đã nêu lên mối quan hệ biện chứng giữa các khái niệm “cần”, “kiệm”, “liêm” và “chính”:
Cần phải đi đôi với kiệm. Nếu cần mà không kiệm, thì làm bao nhiêu cũng hết. Ngược lại, nếu không cần, thì lấy gì để mà kiệm. Cần và kiệm như hai chân của người ta vậy. Những người không kiệm, sống xa hoa, hoang phí, thì phải tìm cách xoay xở, sinh ra tham ô, giả dối, ắt sẽ không liêm, không chính. Có cần, kiệm, mới có liêm. Cần, kiệm là cơ sở, điều kiện để thực hiện chữ liêm. Hồ Chủ tịch nói: “Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm là dân tộc mạnh về vật chất, mạnh về tinh thần, là dân tộc văn minh, tiến bộ”. Có cần, kiệm, liêm mới chính. Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính.
Cần, kiệm, liêm, chính là điều kiện quan trọng để thực hiện chí công vô tư. Ngược lại, nếu thực sự chí công vô tư, một lòng vì dân, vì nước thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.
“Chí công vô tư” là một lòng vì lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc. Người nói: “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”. Thực hành chí công vô tư là phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau nhằm tạo nên những yêu cầu thống nhất trong phẩm chất đạo đức của một con người. Đó là điều cần phấn đấu mãi mãi.
Nói đến đạo đức Hồ Chí Minh để học tập, noi gương, làm theo không phải là dễ, như hoàn cảnh hiện nay thì càng gian nan hơn. Nhiều khi, người ta chỉ nói vậy, chứ đâu có làm vậy.
Ngày nay, mặt trái của kinh tế thị trường thường được nhắc đến, coi đó là lí do nổi bật khiến "một bộ phận" cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, sa sút về phẩm chất đạo đức. Vậy "một bộ phận" đó là những ai? Chiếm tỉ lệ bao nhiêu? Có người nào dám gạt bỏ họ ra khỏi những cương vị đang nắm để cho xã hội trong sạch hơn không và "một bộ phận" đó sẽ càng ngày càng ít hay ngược lại?
Nói về tỉ lệ phần trăm thì khó lắm. Ví dụ, năm vừa qua Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã đưa ra một con số rất cụ thể, có cả số lẻ hẳn hoi về tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam. Tỉ lệ đó rất thấp, chỉ 1,84%. Thật là một con số lí tưởng! Hiếm có quốc gia nào trên thế giới đạt được, kể cả những nước có công ăn việc làm lí tưởng nhất. Cũng hiếm có nước nào mà suốt ngày người ta đi lại nườm nượp trên đường phố, kể cả giờ hành chính, không hiểu họ làm nghề gì. Một anh xe ôm nói với tôi rằng, chắc là phải tính cả các nghề trộm cắp, cướp dật, lừa đảo, cò mồi, bảo kê, đánh bạc, cá độ, chơi hụi, giết người, đâm thuê chém mướn, cướp của, buôn lậu, buôn bán ma túy... tất tần tật vào nữa thì may ra tỉ lệ thất nghiệp mới tàm tạm thấp được. (Ngân hàng Thế giới công bố: 62% lực lượng lao động của Việt Nam dễ bị tổn thương).
Con số 1,84%  cũng chỉ là một ví dụ nhỏ mà mọi người đều dễ dàng nhận thấy được. Đó không những là thói thích thành tích, mà như một phương tiện thông tin đại chúng đã công khai đưa ra câu hỏi là con số ấy có phải để làm vừa lòng ai đó không? Đó có phải là vấn đề đạo đức không?
Tóm lại, học tập đạo đức Hồ Chí Minh, noi theo, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là để duy trì, bảo tồn đạo đức Việt Nam, để cho xã hội Việt Nam ổn định, ngày càng phát triển.
Học tập để tự rèn luyện là cần thiết. Phê bình, tự phê bình cũng cần thiết. Nhưng muốn cho người ta không dám sa sút về đạo đức thì điều cốt lõi là phải cùng nhau tạo ra cơ chế cần và đủ để ngăn chặn những tính xấu, kiềm chế lòng tham vốn sẵn sàng nẩy sinh ở con người, khi có điều kiện.
Đến đây, tôi xin kết thúc bài tham luận của mình. Chúc cuộc hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin chân thành cám ơn!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

CÁC TÊN GỌI KHÁC NHAU CỦA THƠ ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM
(Trích bài "Sáng tỏ một danh xưng" của Hoài Yên)

Từ đời nhà Tùy và đầu đời nhà Đường bên Trung Hoa, các thi nhân đã làm thơ 7 chữ gọi là Cổ phong. Lúc ấy chưa có niêm luật quy định.
Đến Tống Chi Vấn đỗ tiến sĩ đời Cao Tông (650 - 683) và Thẩm Thuyên Kỳ đỗ tiến sĩ đời Võ Hậu (684 - 705) mới hoàn chỉnh luật thể thơ thất ngôn bát cú mà chúng ta đang dùng ngày nay.
Để phân biệt, người ta gọi thơ cũ là những bài Cổ phong, hay còn gọi là Cổ thể; thơ mới là những bài viết theo cách của Tống Chi Vấn, Thẩm Thuyên Kỳ và gọi là Cách luật, Luật thi hay Tân thể.
Như vậy, thơ luật Đường xuất xứ từ thời nhà Đường có tên gọi đầu tiên là Thất ngôn cách luật hay Luật thể.
Khi du nhập vào Việt Nam, tên đầu tiên được gọi là Luật thi.
Một thời gian sau, cổ nhân ta chỉ gọi là Thi, ví dụ "Ức Trai thi tập", "Thanh Hiên thi tập", "Quốc âm thi tâp", "Bạch Vân Quôc ngữ thi tâp".
Sau khi phong trào Thơ mới thắng thế ở Việt Nam với một trong những người đi tiên phong là nhà thơ Lưu Trọng Lư, thì những bài Luât thi được đổi tên lần thứ ba, bị gọi là "Thơ cũ" và hoàn toàn lép vế.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Luật thi ở Việt Nam hồi sinh với một tên mới được dùng rộng rãi là Thơ Đường luật.
Nhưng, bản thân cụm từ "Thơ Đường luật" là lai ghép giữa hai ngôn ngữ Việt và Hán, nên lần thứ 5 Luật thi được đổi tên thành Thơ luật Đường.
Trước đây, hai từ "thơ Đường" hay "Đường thi" chỉ để nói về thơ của các tác giả đời Đường bên Trung Hoa.
Nhưng khoảng trên dưới mươi năm gần đây, Luật thi ở Việt Nam đã được đổi tên lần thứ sáu, xã hội đang có xu hướng càng ngày càng rộng rãi chỉ dùng 2 từ "thơ Đường" để nói về những bài thơ viết theo thi luật đời Đường. Hai từ "thơ Đường" được dùng phổ biến trên sách báo, tạp chí, trong các hoạt động văn thơ...của nước ta.

Hoài Yên,
Chủ tịch sáng lập UNESCO thơ Đường Việt Nam, tiền thân Hội thơ Đường luật Việt Nam hiện nay.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

SUY NGẪM VỀ MÔT BÀI BÁO
(Trích bài "Suy ngẫm về một bài báo" của Hoài Yên, tranh luận với bài báo "Thơ hôm nay, cần bóc tách để đánh giá" của VQP)

Bài báo "Thơ hôm nay, cần bóc tách để đánh giá" (của VQP) đăng trên báo "Nhân dân" số ra ngày 13/7/2007 là một ý tưởng haycần được thực thi. Chỉ tiếc cách thuyết giảng thiếu sức thuyết phục, thậm chí gây phản cảm.
Bài báo không đưa ra được tiêu chí để bóc tách. Trong bài báo, tác giả nói về thơ quần chúng là "Phong trào "làm thơ" rầm rộ..." và "tôi nói độc giả chứ chưa nói là tác giả". Điều đó chứng tỏ người viết phủ nhận toàn bộ thành quả của phong trào sáng tác thơ của hàng vạn người yêu thơ đang rất hào hứng và say sưa với ngọn bút của mình. Nếu không có những người "làm thơ" quần chúng thì Hội Nhà văn làm sao phát hiện được những tài năng thơ để đón nhận họ nhằm phát triển hội viên của mình?
Một bài báo ngắn mấy trăm từ mà có quá nhiều sự nhầm lẫn.
Nhầm lẫn thứ nhất:
Bài báo viết: "Quả thật chúng tôi hơi ngần ngại khi có vị tiến sĩ ngành sử, trong lúc cao hứng coi những bài thơ Đường luật của các cây bút trong các câu lạc bộ như một bước phát triển thơ Đường Trung Hoa, mà ở Trung Hoa hiện nay không có được".
Theo chúng tôi, vị tiến sĩ ngành sử nọ nói như vậy không hề sai. Ở Việt Nam chúng ta có 3 bước phát triển thơ Đường Trung Hoa một cách ngoạn mục: Bước phát triển thứ nhất là sáng tác thơ Đường bằng chữ Hán; bước phát triển thứ hai là sáng tác thơ Đường bằng chữ Nôm; bước phát triển thứ ba là sáng tác thơ Đường bằng chữ Quốc ngữ.
Nhầm lẫn thứ hai:
Bài báo viết: "Nhầm lẫn trong quan niệm: Thơ luật Đường của Tú Xương, Nguyễn Khuyến hay Tản Đà, Quách Tấn thế kỷ XX là thơ của các nhà thơ nằm trong văn mạch hàn lâm. Thơ của người bây giờ thì đại chúng hồn nhiên. Thú chơi ấy đáng được trân trọng, nhưng đặt chung vào mặt bằng thơ các thế kỷ để luận về tiến trình e khiên cưỡng gây nhầm lẫn".
Ở đây, người viết không cho biết nhân vật nào, tài liệu nào đã "đặt chung" như vậy? Một nhầm lẫn của bài báo: Tú Xương, Nguyễn Khuyến là nhà thơ thuộc thế kỷ 19. Và thế kỷ XX như bài báo đề cập không phải chỉ có 4 vị nêu trên làm thơ Đường. Trong số hàng vạn người làm thơ với mọi thể loại, ai lọt vào danh sách "văn mạch hàn lâm" phải đợi thời gian làm rõ. Không một cá nhân nào có thể tự xưng hoặc phong cho ai đó theo cảm tình riêng của mình.
Nhầm lẫn thứ ba:
Bài báo viết: "Quả có sự nhầm lẫn trong cách dùng từ. Nhầm thơ Đường với thơ luật Đường"
Vấn đề này, chỉ là phụ họa với một bài báo có quá nhiều sai trái mà báo "Văn nghệ" do thiếu cẩn trọng đã cho đăng ở số 26 ra ngày 30/6/2007. Việc này đã được Hoài Yên nói trong bài "Sáng tỏ một danh xưng".
Nhầm lẫn thứ tư:
Bài báo có đoạn nói về sáng tác thơ Đường: "Trong nhiều trường hợp mới chỉ là phổ lời vào giai điệu sẵn có của niêm luật thơ xưa".
Xin thưa với người viết rằng: Cái điều mà ông coi thường đó lại chính là phương pháp sáng tác thơ Đường. Từ Lý Bạch, Đỗ Phủ... ở Trung Hoa, rồi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... ở Việt Nam xưa cho đến những người "làm thơ" Đường trong các câu lạc bộ quần chúng ngày nay đều áp dụng theo phương pháp đó. Còn việc "phổ lời" hay hoặc dở lại phụ thuộc vào tài năng và trách nhiệm của mỗi người.
Rác trong thơ:
Nếu có sự :"Xả rác vào cõi thiêng liêng của sáng tạo tinh thần" như tác giả bài báo cho biết, thì chẳng cứ người viết bài báo trên, mà bất kể ai yêu thơ đều rất bất bình. Nhưng cần phải chỉ rõ thế nào là "thơ rác". Đặt tiêu chí ra sao cả về nội dung và hình thức để có thể đánh giá câu thơ ấy, bài thơ ấy là "thơ rác". Người viết nên đặt ra một số tiêu chí và cho vài ba câu thơ làm ví dụ. Có được như thế thì chắc chắn sẽ có khá nhiều người hưởng ứng cùng "dọn rác" với tác giả bài báo.

Hà Tây, ngày 04 tháng 11 năm 2007
Hoài Yên
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

DNH

THƠ ĐƯỜNG GÓP PHẦN HÌNH THÀNH NHIỀU THỂ THƠ THUẦN TÚY VIỆT NAM

(Trích phần viết của Hoài Yên trong bài "Sáng tỏ một danh xưng)

Ông cha ta đã tiếp nhận thơ Đường để lồng ghép, sáng tạo ra nhiều thể thơ thuần Việt. Hay nói một cách khác, thể thơ Đường đã thâm nhập vào nhiều thể thơ thuần túy Việt Nam.

1. Thể thơ Hàn luật: Sự tiếp nhận và sáng tạo
Hàn Thuyên tên thật là Nguyễn Thuyên, đời nhà Trần. Từ mô hình thể thơ Đường luật, ông đã sáng tạo ra thể thơ mà đời sau gọi là thơ Hàn luật. Trong bài thơ Hàn luật có xen câu 6 từ.

2. Thơ Đường thâm nhập vào thể thơ song thất lục bát.

3. Thơ Đường thâm nhập vào thể thơ ca trù hát nói.

4. Thơ Đường với phong trào thơ mới những năm 30 của thế kỷ XX:
Trong phong trào thơ mới những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều thi nhân viết thơ 5 chữ, 7 chữ dưới dạng các khổ thơ 4 câu liên tiếp. Đấy là thể thơ chủ đạo của phong trào thơ mới lúc đó. Mỗi khổ thơ của nhiều bài thơ mới vẫn nguyên vẹn là một bài tứ tuyệt Đường thi đúng thể cách.
Thơ mới đã tiếp nhận thơ Đường: Hình thức cũ mà dáng vẻ mới. cái mới là mới về tình ý, về phương pháp biểu cảm, về ngôn ngữ. Nó đã góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nhà thơ tiền chiến với nhiều bài thơ đặc sắc sống mãi với thời gian như: "Tràng giang" của Huy Cận, "Từ ấy" của Tố Hữu, "Bẽn lẽn" của Hàn Mặc Tử, "Xuân về" của Nguyễn Bính, "Nguyệt cầm" của Xuân Diệu, v.v.

Hoài Yên
(Nguyễn Văn Vang)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 45 trang (441 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [40] [41] [42] [43] [44] [45] ›Trang sau »Trang cuối