Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

ÁM ẢNH TÀU

(chắc chắn không phải là thơ):D

Ông tôi nghiện đọc Tam Quốc Chí bằng chữ Tàu
Cha tôi thích viết thơ thất ngôn bát cú kiểu Tàu
Tôi làm việc cho công ty xuất khẩu Tàu
Con trai tôi rất khoái xem phim kiếm hiệp Tàu
Con gái tôi ưa ăn nho, táo nhập khẩu từ Tàu
Vợ tôi chuyên mua sắm hàng giá bèo của Tàu
Nước tôi đã từng đánh Mỹ giúp Tàu
Và trả nợ súng đạn bằng cách ký giấy nhượng biển cho Tàu
Cả xứ sở nhỏ bé của tôi ngó ở đâu cũng thấy Tàu …

Hu hu, mong bầy cháu chắt sau này của tôi sẽ không kéo nhau chìm Tàu

ĐCĐ

https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcTAWVBkW8U7bLKuMXNqgl-3ujyRamshq6r0onHiHybVYp4_1O0E3Q

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Rào-Nam

Bạn, thù như nắng rồi mưa
Như cây thay lá, như mùa đổi nhau
Nghìn xưa cho đến mai sau
Bên nách canh cánh bạn Tàu, phải "chơi".

Không tránh được thì phải "chơi" thôi bác hỉ.

Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

KHI ĐI NGANG NHỮNG CÁI MIẾU THỜ
(không phải thơ đâu)

Trước cổng chợ làng ai đặt cái miếu thờ ông địa
Bụng tròn vo râu vểnh toét toe cười
Mỗi ngày các bà các cô chiêu đãi cho nải chuối, ly cà phê, điếu thuốc lá
Thắp nhang bái lạy niềm mê tín lâu đời
Ông thổ thần dễ thương như cổ tích của bà tôi

Con cháu Khổng Khâu kéo vào cướp biển, đánh người*
Ai lại móc hầu bao đám dân đen xây cái to đùng văn miếu
Lại tứ thư, ngũ kinh, “chi hồ giả dã” mấy ngàn năm *
Ngoài kia thầy gian dâm trò, sinh viên bán thân, hiệu trưởng ăn hối lộ …
Ai đang giấu diếm thêm điều gì trong mấy cục xi măng?

ĐCĐ

*Khổng Khâu : tên tự của Khổng Tử
*chi, hồ, giả, dã : bốn hư tự dùng trong cổ văn Trung Hoa, người học chữ Hán buộc phải học cách dùng những tiếng này.


https://www.ttxva.net/wp-content/uploads/2015/06/600x313xKHONGTU-VANMIEU1-600x313.jpg.pagespeed.ic.LmBcAKOrkJ.jpg

(khu văn miếu trị giá 271 tỉ vừa được xây ở Vĩnh Phúc để thờ Khổng Tử)

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

BÀI CHO NHỮNG CHỖ VẮNG

Những trần gian sẽ thưa dần đôi lứa
Mỗi lối bên đường cỏ lấp vệt chân quen

Sẽ cổng thiên đàng đâu cần ai gõ cửa
Bầy nhện tha hồ buông kín sợi tơ quên

Và địa ngục đừng hòng tôi kinh sợ nữa
Khi khuya quờ tay chẳng chạm chỗ hương em.

ĐCĐ

https://fbcdn-sphotos-b-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xtf1/v/t1.0-9/11407070_846003445480136_9036304084037665495_n.jpg?oh=92d9cba1c7ef508bb1fa2216c9beaaaa&oe=55EAC90E&__gda__=1441726037_cb1d72bbfbf10a1459c7cc4202872cb8

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

CẦU LẤY MỘT CƠN MƯA

nhà thơ nông dân đầu trần
đặt bàn chân lên lớp đất khô nứt
đám mạ khát nước chết gục
ngước mắt lên trời
cầu xin một tín hiệu mưa

nhà thơ công nhân bộ đồng phục rách
bước ra căn nhà tồi tàn bẩn chật
người vợ ôm đứa con nhỏ nằm ngủ
chung với tiếng muỗi vo ve
ngước mắt lên trời
cầu hôm nay xin được việc làm

nhà thơ người mẹ
bàn chân sinh nở mỗi nẻo đường
đặt niềm tin vào chiếc xe đạp cọc cạch
vào mớ rau mớ ốc
vào mắt đám trẻ đói cơm gầy rộc
cầu xin ơn trời ơn phật

nhà thơ bác sĩ
gọng kính trầm ngâm
từng hàng dài những hình nhân
những con bệnh lê la trên nền gạch
tiếng than van đều khắp
ngước mắt lên trời
cầu xin chút phép lạ mong manh

nhà thơ chính khách
vây quanh bởi ồn ào huyên náo
của những họp hành, thông báo
bận rộn tâm hồn
lương tri hấp tấp
ngước mắt lên trời
cầu xin mỗi chữ ký đều sạch

nhà thơ con người
nhìn vào thăm thẳm trái tim mình
cầu xin cho tất cả
những ai đang sống

và trước tiên, cầu lấy một cơn mưa

ĐCĐ

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xpa1/v/t1.0-9/10447122_848334281913719_1689749213193290_n.jpg?oh=baa78503ff250af6c14546faa2c84add&oe=562861E7

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

TẠI SAO CON KHÓC
(thơ chờ gạch đá) :D

Tại sao tức tưởi vậy, Tấm
Chắc lại mất đôi giày da
Hay khóc biển bị xâm lấn
Tụi khựa hiếp đáp dân ta?

Không, không phải đâu bụt ạ
Mình thua oan Myanmar
Chết bầm cái lão Miura!

***

Cớ gì toe toét vậy, Tấm
Vớ được hoàng tử đại gia
Hay mừng mưa vàng cứu hạn
Miền trung thoát nạn mất mùa?

Không, không phải đâu bụt ạ
Mình hạ đẹp Indonesia
Tự hào dân tộc Việt ta!

ĐCĐ

https://scontent-hkg3-1.xx.fbcdn.net/hphotos-xtp1/v/t1.0-9/11188225_848349641912183_7556934117865720572_n.jpg?oh=788b2c0d0a61658c7a51fa8f18d4f7a6&oe=563228CE

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

TÔI SẼ ĐỨNG NGHIÊM CHÀO

Tôi sẽ đứng nghiêm chào
Người cựu binh mất chân ấy
Nếu những cánh đồng lúa mì Estonia vàng roi rói
Không nát ngấu dưới gót giày sô
Ba triệu nông dân chết đói dưới hoang mồ

Tôi sẽ giở mũ ra mỗi khi gặp ngoài đường
Người chiến sĩ can cường ấy
Nếu như các chị các em phụ nữ vô tội
Trong ngôi làng Ba Lan không bị cưỡng bức
Nơi những đàn ông bị xả súng hành hình

Tôi sẽ hát bài ca ngợi người anh hùng
Nếu xích sắt xe tăng không nghiền qua máu thịt
Người công nhân Hungary xuống đường đòi thở hít
Bầu không khí tự do
Đòi được tự chủ, đòi ấm no

Tôi nhất định sẽ hô to
Tụng xưng tuổi tên mỗi chiến sĩ quốc tế lương thiện
Nếu những bức họa kiệt tác ấy vẫn nằm yên trong các bảo tàng viện
Những kiệt tác theo xe âm thầm qua biên giới mỗi đêm
Sau ngày bọn phát-xít bạo tàn đền tội ở Berlin

Trước tượng đài tôi thề sẽ im lặng
Đứng nghiêm.

ĐCĐ

https://fbcdn-sphotos-f-a.akamaihd.net/hphotos-ak-xfa1/v/t1.0-9/17684_848413788572435_4730072495273471619_n.jpg?oh=094e7146eac2af86a835d715ce69520e&oe=55E85457&__gda__=1445832432_2a587868e8a6ab511e4699b8408e4521

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

Một hình ảnh khác của người chiến sĩ làm nghĩa vụ quốc tế.

CHIỀU GHÉ HUYÊN THUYÊN CHỖ BẠN NẰM

… Trung đội bọn mình tứ tán ngược xuôi
Đứa chuyển ngành xa, thằng còn bám trụ
Quân phục cởi ra lòng mấy ngậm ngùi
Khum khum bàn tay chạnh thời biên giới
Nghĩa trang ghé vào cắm lấy nén hương
Vọng tưởng bạn bè đất này nằm lại
Chạm cọng cỏ buồn có mùi máu xương
Mày, tao một thời nghìn ngày tri kỷ …

Làm sao quên làm sao quên
Dũng Cảm, Kiên Gan, Thống Nhất, Dũng Chí, Kiên Cường …*
Thắp đuốc khuya không ngủ
Đêm trích máu viết huyết tâm thư bằng lửa
Gửi lại dòng kênh đào dỡ ngoại thành
Gửi ánh trăng thâu
Từ biệt liếp thơm chớm quả bói vụ đầu
Chào vạt mạ vừa gieo
Thắc thỏm chờ hương cơm gạo mới
Vỗ bình toong vang bài tình ca biên giới
Phủi bụi lưng áo thằng bạn chua khé mùi phèn
Xỏ đôi dép cao su đứt quai
Vụt đắc ý phá cười câu Chính Hữu …**
Trưa đường dừng quân nhắc nhau thói quen thành thị
Tuổi trèo me chua, xe đạp lòng vòng
Kháo buổi trai lơ yêu đương dấm dớ
Nghe tổ quốc cần, hề, áo xung phong
Mày, dân nhạc tình Diễm Xưa quán nhỏ
Ba lô trên vai thơ phú trong đầu
Khoái Lệnh Hồ Xung tao mê … hàng phở
Cơn sốt rét rừng nằm mớ A Châu.

Chiều cáng thương Tông-Lê-Sáp đục ngầu
Vốc nước lên tay thấy phù sa bầm đỏ
Tiếng gào mẹ, giọng hời con … đây đó
Khói ám chân trời. Tao biết ruột mày đau
Trưa thông đường qua Siêm Riệp
Váy lụa Áp-sa-ra đâu?
Màu da ai nâu nhớ người yêu tôi quá
Em gái Khơ-me sấp mặt bên ruộng mạ
Mười ngón tay dài níu điệu múa Lâm-thôn.

Sân đền Ăng-ko vương vãi nón, vớ trẻ con
Mũi lê nào lia ngang nguồn sống
Những thằng Tí, con Lài môi còn thơm sữa nóng
Nước mắt chảy dài mặt đá Bay-on …

… Cũng là khi loạt đạn bất ngờ
Xoáy nát lồng ngực thanh xuân
Mắt bạn khép nhốt liềm trăng tuyệt đẹp
Lúc nòng cối rập rình hòng hủy diệt
A Châu của tao, cả Diễm của mày!

Tuổi đôi mươi gửi lại mé sau đồi
Đêm truy kích bọn tao chẳng lu loa lễ viếng
Hòm đạn chuyền mau nặng thêm phần bạn
Răng nghiến chặt câu chinh chiến kỷ nhân hồi

***

Đột xuất nhớ rừng chiều ghé chỗ nhau chơi
Đoạn tống nhất sinh nửa vò đế trắng
Vọng cổ nhẩm bài Tần Quỳnh khóc bạn*
Rót rượu cúng mày
Tao thật thà say …

ĐCĐ

*Tên các đơn vị TNXP thành phố tình nguyện tham gia phục vụ chiến tranh biên giới.
** Nhà thơ quân đội, nổi tiếng với thi phẩm Tình Đồng Chí, với câu thơ chân tình đầy cảm xúc “Áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá”
*** Tên một bài vọng cổ của cố soạn giả Viễn Châu


https://maithanhhaivietnam.files.wordpress.com/2011/07/images375452_cn5c.jpg

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

CẢM NHẬN CỦA NHÀ PHÊ BÌNH HOÀNG XUÂN SƠN VỀ BÀI THƠ "CHIỀU GHÉ HUYÊN THUYÊN CHỖ BẠN NẰM

Tháng bảy về, hoa phượng bớt thắm màu, Tím bằng lăng cũng dịu nhẹ sau những con mưa lạnh lùng trút xuống…Tháng bảy lẽ nào chỉ là khi mùa hạ nồng nàn sắp chia tay để đón mùa thu về… Không ! Tôi đã gặp, đã nghe và đã thấy, có rất nhiều trái tim nghẹn lời khi nói, khi viết về tháng bảy…Đó là những con người  quả cảm một thời, phần đông thuộc thế hệ cha chú tôi. Thế hệ ấy đã sống chiến đấu và đi qua ba cũng có thể  là bốn cuộc chiến tranh ác liệt của dân tộc Việt Nam ở  thế kỷ hai mươi…Nhiều triệu người ngã xuống trước mưa bom bão đạn…Một ít bộ hài cốt có danh phận…Phần đông là những ngôi mộ vô danh…Vẫn còn nhiều, rất nhiều những người lính trẻ  đã hòa thân thể  vào dòng sông trôi, vào lòng đất mẹ mãi mãi…Tháng bảy có một ngày Tri ân, dành cho những người ra đi mãi mãi không về và những người đã để lại một phần xương máu ở lại chiến trường…

Những người may mắn trở về ấy dù lành lặn, hay mang thương tật trên thân thể. Thì trong lòng họ đều có một vết thương  khó liền sẹo. Vết thương lòng ấy đeo đẳng họ, bởi họ là chứng nhân lịch sử của cuộc chiến, chứng nhân của mất mát đau thương…Hôm nay có một tâm trạng, một nỗi niềm, của một nhân chứng. Người  đã hiến dâng 11 năm tuổi thanh xuân và một phần thân thể cho cuộc chiến tranh Biên Giới Tây Nam. Đó chính là tác giả  Đào Công Điện .. trong một “chiều nhớ rừng..” đã viết lên một khúc tráng ca

Một bài thơ tự do với 7 khổ thơ,mỗi khổ có số câu không đồng nhất, được tác giả viết với những ngôn từ đã chắt lọc kỹ lưỡng, nhưng vẫn đảm bảo tính chân thật, mộc mạc. Như chính tấm lòng của tác giả và những điều mà ý thơ muốn chuyển tải tới bạn đọc.

Xưa Cao Bá Quát khi muốn “Đoạn tống nhất sinh..” ông biết chỉ duy nhất rượu mới giải được sầu. Ông đã gửi vào thơ:

Tiêu khiển một vài chung lếu láo

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu

Trầm tư bách kế bất như nhàn..( Uống rượu tiêu sầu).

Tác giả Đào Công Điện…Ôm trong lòng bao ký ức chiến tranh… Chiều nay cũng muốn “Đoạn tống nhất sinh…” trong lúc “chợt nhớ rừng ghé chỗ nhau chơi” Với “nửa vò đế trắng”. Nào chỉ có rượu tống tiễn không thôi. Mà còn thêm “ nhẩm bài Tần Quỳnh khóc bạn..”. Tác giả Đào Công Điện có lẽ đã nhẩm khúc nói: “Hùm dầu thác danh thơm còn chói rạng./ sá chi điều mũi đạn lằn tên.” Hay anh đang nhẩm khúc ca “Ôm thây anh máu thắm nhuộm chinh y. Lòng tiểu đệ thêm não nùng chua xót. Nhớ đến câu “Tiền đồng tịch, kim bằng cộng lạc, hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh.” Đấng anh hùng đâu ngại lẽ tồn vong…” (Viễn Châu). Dẫu cho tác giả Đào Công Điện có nhẩm khúc nào đi nữa, thì khi đọc hai câu thơ cuối cùng “Rót rượu cúng mày.../ Tao thật thà say…” Ta cũng cảm được nỗi lòng của người thương binh với người người đã khuất…Một khổ thơ kết nặng lòng người viết, người đọc nhưng làm nổi bật được bản tính nhân văn của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”. Và tâm tình của người lính già, người thương binh với người đồng đội đã khuất...

“Nửa vò đế trắng…”ấy đã  thấm sâu xuống bao nhiêu tấc đất…Thì có lẽ gấp nhiều triệu lần là dòng hồi ức về những ngày chiến sự chảy trong tâm khảm người thương binh. Tất cả được người tự nhận mình đã “thật thà say…” gửi gắm vào những câu thơ mở đầu:

Trung đội bọn mình tứ tán ngược xuôi
Đứa chuyển ngành xa, thằng còn bám trụ
Quân phục cởi ra lòng mấy ngậm ngùi
Khum khum bàn tay chạnh thời biên giới
Nghĩa trang ghé vào cắm lấy nén hương
Vọng tưởng bạn bè đất này nằm lại
Chạm cọng cỏ buồn có mùi máu xương
Mày, tao một thời nghìn ngày tri kỷ …

Một “ trung đội bọn mình..” ( khoảng dưới bốn chục người …) ngày ấy sống chiến đấu bên nhau. Hôm nay “đứa chuyển ngành xa, thằng còn bám trụ” , mỗi người một cuộc sống mưu sinh khi “quân phục cởi ra”. Nhưng bởi “Mày tao một thời ngàn ngày tri kỷ…”làm sao không  “chạnh thời biên giới”? làm sao không “lòng mấy ngậm ngùi” khi mà “ghé vào nghĩa trang..”? rồi “khum khum bàn tay” để “cắm mấy nén hương” . Những tưởng an ủi khi được tận tay cắm nén nhang lên mộ người đồng đội đã khuất…Nhưng thật xót xa khi mà chỉ là “vọng tưởng bạn bè đất này nằm lại”. Chiến tranh là mất mát, ai cũng có thể hiểu điều ấy, dù thế hệ nào và ở đâu cũng vậy..Nhưng vẫn phải bàng hoàng đau xót khi mà đọc câu thơ “chạm cọng cỏ buồn có mùi máu xương”. Cỏ là loài thảo mộc mọc hoang dại trên đất, nắng mưa chẳng làm nó ngừng phát trển, lá này già đã có lá khác sinh sôi…Hơn hai mươi năm (tính từ cột mốc Việt Nam rút quân khỏi nước bạn Cam Phu Chia 1993). Và lâu hơn nữa nếu tính từ lúc “máu đỏ sa trường” Vậy mà hôm nay tác giả mới chỉ “Chạm cọng cỏ..” Đã thấy trong đó “mùi máu xương..”.  Máu xương của bao người dân thường vô tội, của bao  thanh niên trai tráng... trong đó có cả “Tao. Mày…”. Tao một thương binh đang “khum khum tay..” còn Mày thì đang nằm đâu đó dưới lớp cỏ xanh…Một câu thơ chất chứa nỗi niềm, tình thơ, tình người nặng nỗi ưu tư của tác giả làm điểm nhấn cho cả khổ thơ dẫn dắt người đọc đi tiếp.

Làm sao quên làm sao quên
Dũng Cảm, Kiên Gan, Thống Nhất, Dũng Chí, Kiên Cường …*
Thắp đuốc khuya không ngủ
...
Chào vạt mạ vừa gieo
Thắc thỏm chờ hương cơm gạo mới

Theo lời tác giả thì anh đã tham gia chiến dịch bảo vệ  Biên giới Tây Nam từ năm 1976 đến năm 1987. Đúng vào những năm ác liệt nhất của cuộc chiến này…Hai lần khẳng định trong một câu thơ “làm sao quên!” có lẽ là không bao giờ và chưa lúc nào quên, khi giờ đây tên những đơn vị TNXP thời ấy “trích máu viết tâm thư bằng lửa”  để ra nhập Dũng Cảm-Kiên Gan-Thống Nhất- Dũng Chí- Kiên Cường…Phải chăng những cái tên ấy của những đơn vị TNXP cũng chính là tiêu chí, là quyết tâm của mỗi cá nhân trong đơn vị làm mục tiêu  hướng tới…
(còn tiếp)

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

VẠC ĂN ĐÊM

Lực lượng TNXP trên toàn quốc thành lập từ  16/7/1950 nhưng TNXP TP HCM thì thành lập ngày 28/3/1976.. Đúng vào lúc đất nước vừa hòa bình, còn bao khó khăn cần sự góp sức của lực lượng TNXP.Hình ảnh hàng vạn chàng trai cô gái mũ tai bèo với bộ quân phục màu xanh cỏ úa, đi khai phá những vùng đất hoang hóa do chiến tranh để lại. Ngày ấy tinh thần  Đâu cần TNXP có, Đâu khó có TNXP..luôn được mỗi đơn vị mỗi thành viên làm tròn nhiệm vụ… Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Lực lượng TNXP lại lên đường ra trận…

Những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng”viết huyết tâm thư” ra trận. Tác giả viết họ đã

Gửi lại dòng kênh đào dở…

Gửi ánh trăng thâu…

Họ có lẽ đã thầm hẹn sẽ về sắn tay làm nốt phần việc còn dang dở…nên mới :gửi lại. Ngờ đâu rất nhiều người trong số họ đã mãi mãi không trở về…

Chưa trọn một năm tham gia lao động sản xuất,Liếp Thơm ( Khóm, dứa) vừa bói quả vụ đầu…

Dưới đồng Mạ cũng vừa gieo…hứa hẹn ngày “dâng hương mùa gặt mới”…

Nhưng vì “đâu cần TNXP có, Đâu khó có TNXP” Phải chào từ biệt tất cả, họ lại khoác ba lô lên đường ra nơi tiền tuyến…

Hành trang ra trận của họ đơn giản lắm, đơn giản như chính tâm hồn các chàng trai cô gái tuổi hai mươi đang “hát vang bài tình ca biên giới” vậy:

Vỗ bình toong vang bài tình ca biên giới
Phủi bụi lưng áo thằng bạn chua khé mùi phèn
Xỏ đôi dép cao su đứt quai
Vụt đắc ý phá cười câu Chính Hữu …**

Những động từ như Vỗ, phủi, xỏ, đứt, Vụt đắc ý, phá cười….được tác giả dùng vào bốn câu thơ diễn tả cảnh vui nhộn trong đơn vị. Có lẽ là cả trung đội chứ chẳng phải chỉ có người  đệm nhạc bằng cách “vỗ bình toong” bên người “phủi bụi”, cho người “chua khé mùi phèn” và thêm người “xỏ đôi dép cao su” hay giả còn người “áo anh rách vai” bên một người “quần tôi có hai miếng vá”…tất cả cùng hát “vang bài tình ca biên giới” và đôi khi cùng “đắc ý phá lên cười”… Một khổ thơ ngắn nhưng diển tả sống động về những chàng trai cô gái tuổi hai mươi nhưng Dũng Cảm  Kiên Gan Dũng Chí Kiên Cường…một thời. Trong đó có tác giả Đào Công Điện của chúng ta.Trước khi từ biệt thành phố tiến quân ra nơi đạn bay, pháo nổ, bom rơi…

Dọc biên giới Tây Nam quân Khơ Me Đỏ đang bắn giết bất kể người dân Việt Nam nào chúng thấy, từ già trẻ, gái trai. Biết rằng nơi ấy hiểm nguy, nơi ấy có thể đến, nhưng có thể không bao giờ  về nữa…Nhưng họ vẫn “ba lô trên vai Thơ Phú trong đầu”.Dọc đường hành quân mặt trận Tây Ninh gần nhất cũng ngót trăm cây số, Xuống kiên giang, Long xuyên ngót ba trăm cây…Dẫu tác giả của chúng ta hành quân đến nơi nào thì vẫn có buổi nghỉ trưa…và bao nhiêu thói quen, kỷ niệm, sở thích, những rung động của con tim được dịp lên tiếng…

Trưa đường dừng quân nhắc nhau thói quen thành thị
Tuổi trèo me chua, xe đạp lòng vòng
...
Khoái Lệnh Hồ Xung tao mê … hàng phở
Cơn sốt rét rừng nằm mớ A Châu.

“Thói quen thành thị..” mà phải “nhắc nhau” có lẽ để cho nhau vui thì phải… Hừng hực khí thế khi “nghe tổ quốc cần” chẳng “hề” chi, sẵn sàng “khoác áo xung phong”. Những trái tim quả cảm ấy chỉ thời gian ngắn trước đây thôi, họ là những chàng trai cô gái vô tư “đạp xe lòng vòng”. Đứa thì “trèo me chua”, đưa lại thích “kháo buổi trai lơ ..” chẳng phải tình trong mặt ngoài chi chi cả..Mà chỉ là”yêu đương dấm dớ..” mà thôi. Người mà lúc nghỉ trưa được bạn nói “Mày dân nhạc tình Diễm Xưa..” và “Thơ Phú trong đầu” với Người mê kiếm hiệp Kim Dung đến nỗi “mê” Lệnh Hồ Xung…”nằm mớ A Châu” khi bị sốt rét rừng” đặc biệt là  thích “hàng phở”. Hai người này  nhiều khả năng có một người là tác giả của chúng ta…

Rồi chiến tranh với hậu quả khốc liệt cuốn những niềm vui, sở thích, mộng mơ của họ trôi đi…

Dòng hồi ức của “Người thật thà say…” không còn yên ả nữa…

Chiều cáng thương Tông-Lê-Sáp đục ngầu
Vốc nước lên tay thấy phù sa bầm đỏ
Tiếng gào mẹ, giọng hời con … đây đó
Khói ám chân trời. Tao biết ruột mày đau

Tông-Lê- Sáp hay còn gọi là Biển Hồ một địa danh thuộc nước bạn Cam Phu Chia. Nơi Lực lượng Quân Tình Nguyện Việt Nam tham gia  làm Nhiệm Vụ Quốc Tế giúp nước bạn…

Biển Hồ mênh mông ấy vào thơ của tác giả nặng trĩu tâm tư người đọc ,với hình ảnh đau xót. “Chiều cáng Thương”.( Hai người khiêng một người bị thương) màu nước của  Biển Hồ “đục ngầu”. Nhưng nỗi ám ảnh là ở sau cái “Vốc nước lên tay thấy phù sa…” mang màu “ bầm đỏ”…kia!

Nếu ai đã từng đến Cánh Đồng Chết ngày nay. Nghe  kể về tội ác của Khmer Đỏ chỉ từ năm 1975 đến năm 1978 đã giam cầm và giết hại ước tính từ 1,7 triệu đến 2.5 triệu người, trong khi dân số của nước này tại thời điểm đó khoảng 8 triệu người*Ta sẽ chẳng ngạc nhiên với câu thơ ẩn chứa hình ảnh màu máu lắng đọng cùng phù sa Biển Hồ ấy! Trong làn “nước đục” chở phù sa màu “bầm đỏ” chết chóc... Có trong đó máu người dân thường gốc Việt đổ xuống bên cạnh người dân bản địa. Nay thêm máu của những người lính tình nguyện Việt Nam…Đây đó vọng bên tai người cáng, người bị thương, là “tiếng gào gọi mẹ.” Không phải em thơ quê nhà mà là “giọng Hời con” lẫn với màu lam của “khói ám chân trời”. U uẩn màu trời cuộn vào u uẩn lòng người lính. “Tao biết ruột mày đau”, phải chăng thân thể “Mày” của tác giả đang bị đau. Nằm trên” Cáng thương” giờ thêm nỗi đau trong lòng nữa ư?.

Ôi những người lính Tình nguyện…! Một khổ thơ với một nhịp thơ như gào thét, như nức nở, như cuộn đau và dậy căm hờn…Đã qua đi cùng chết chóc đau thương và mất mát…


Trưa thông đường qua Siêm Riệp
Váy lụa Áp-sa-ra đâu?
Màu da ai nâu nhớ người yêu tôi quá
Em gái Khơ-me sấp mặt bên ruộng mạ
Mười ngón tay dài níu điệu múa Lâm-thôn.

Nào đâu chỉ mất mát với người lính, người dân thiểu số, hay người gốc Việt. Ngay cả người dân thường Cam Phu Chia, mà ở đây là hình ảnh người thiếu nữ Khơ Me. Mới ngày nào thướt tha “ Váy lụa Áp sa ra..” trong điệu múa Lâm- thôn…bây giờ không còn nữa…Câu hỏi Nó đâu? Biết hỏi ai đây, khi mà “Em gái Khơ Me sấp mặt bên ruộng mạ”. Thật đau xót với cảnh nghiệt ngã “Mười ngón tay dài níu điệu múa Lâm- thôn”. Làm sao mà níu đây hỡi người con gái Khơ Me nơi thôn dã…Trên “đường qua Siêm Riệp” mà tác giả đã gặp..không phải gặp, mà có lẽ chỉ gặp thân xác em “nằm sấp bên ruộng mạ” và kịp nhìn thấy “làn da nâu”…

Sân đền Ăng-ko vương vãi nón, vớ trẻ con
Mũi lê nào lia ngang nguồn sống
Những thằng Tí, con Lài môi còn thơm sữa nóng
Nước mắt chảy dài mặt đá Bay-on …

Đường tiến quân của Quân Tình Nguyện đã về đến “Sân đền Ăng- ko”...

Tội ác diệt chủng có lẽ không bao giờ được Nhân loại tha thứ. Người chứng kiến chẳng thể  nào nguôi ngoai. Ngay sân ngôi đến linh thiêng mà “vương vãi nón vớ trẻ con” ,. Các em đâu mà nón vớ vương lại? Câu trả lời nấc nghẹn qua câu thơ “Mũi lê nào lia ngang nguồn sống”. Chẳng cần tốn đạn, tốn bom, Hao tổn vũ khí với những đứa trẻ có lẽ ngang lứa “thằng Tí con Lài “ ở quê nhà, chúng”môi  còn thơm sữa nóng” Nên chỉ cần bọn ác thú “lia ngang”  lưỡi lê đầu súng là cắt đứt cuộc sống của chúng rồi…

Tội ác của Khơmer Đỏ và sự chết chóc mà chúng gieo rắc kinh hoàng nên đầu người dân thường vô tội, có lẽ chưa có thống kê của bất kỳ sử gia hay tổ chức nhân đạo nào làm nổi…Nhưng có những bức tượng đá mang hình khuôn mặt của thần Avalokitesvara tượng trưng cho sự quan sát của thần linh về bốn hướng của đất nước Chùa Tháp. Thần, thì hẳn nhiên đã nhìn thấy hết và thấy rõ nên “nước mắt chảy dài trên mặt đá Bay- On…” Tượng đá còn biết xót đau, cớ sao lũ “mặt người dạ thú” lại nhẫn tâm mà “lia ngang” bao sinh mạng bé nhỏ..

Tác giả có lẽ trong  suốt 11 năm tham gia lực lượng TNXP anh đã chứng kiến tất cả..Từ cái chết của người già, em bé, nam thanh, nữ tú, trên nước bạn..Nhưng có lẽ đớn đau nhất, khó quên nhất chính là lần chứng kiến:

… Cũng là khi loạt đạn bất ngờ
Xoáy nát lồng ngực thanh xuân
Mắt bạn khép nhốt liềm trăng tuyệt đẹp
Lúc nòng cối rập rình hòng hủy diệt
A Châu của tao, cả Diễm của mày!

Chiến tranh là mất mát, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng không phải ai cũng thấy, cũng được chứng kiến…những “loạt đạn bất ngờ”. Nó đã “xoáy nát lồng ngực..”và  mang đi tuổi thanh xuân cùng những giấc mơ, những khát vọng với những ước mơ còn dang dở của người lính trẻ.. Trong một đêm trăng non đầu tháng… Trăng lưỡi liềm tuyệt đẹp nhốt vào trong làn mi khép ấy, nhưng đêm nay trăng cũng chứng kiến những mất mát đau thương dâng đầy trong lồng ngực mỗi người còn lại…

Tuổi đôi mươi gửi lại mé sau đồi
Đêm truy kích bọn tao chẳng lu loa lễ viếng
Hòm đạn chuyền mau nặng thêm phần bạn
Răng nghiến chặt câu chinh chiến kỷ nhân hồi

Vẫn biết từ xưa “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” Nhưng thật khó để nguôi ngoai với nỗi đau riêng mất bạn, cùng nỗi đau chung bởi mất mát do chiến tranh gieo tang tóc…Bạn nằm xuống trong “đêm truy kích”..Người còn lại ngậm ngùi gửi “tuổi đôi mươi” của bạn vào“mé sau đồi” không nhang khói, không “lễ viếng”…Bạn ngã xuống hãy yên lòng bạn.. mỗi người còn lại sẽ “… thêm phần bạn..” đảm bảo “hòm đạn chuyển mau” vẫn kịp giờ, đúng địa chỉ và an toàn…

Thời gian nặng nề trôi với người may mắn trở về. Người mang trên mình thương tích, người lành lặn ..nhưng tất cả họ đều mang vết thương lòng không dễ liền sẹo…Để mỗi khi trái gió trở trời vết thương trên thân thể lại nhức nhối…Mỗi ngày dài đã qua có lẽ ít khi vết thương lòng họ không nhức nhối, dẫu cho tháng mấy năm nào? Chứ không chỉ là tháng bẩy…

Để rồi rất nhiều buổi chiều lại “nhớ rừng..” Nhưng chiều nay bỗng:

Đột xuất nhớ rừng chiều ghé chỗ nhau chơi
Đoạn tống nhất sinh nửa vò đế trắng
Vọng cổ nhẩm bài Tần Quỳnh khóc bạn***
Rót rượu cúng mày
Tao thật thà say …

Chiều Ghé Huyên Thuyên Chỗ Bạn Nằm của tác giả Đào Công Điện là một bài thơ hay đối với cá nhân tôi…Tôi đã đọc và tôi đã thấy,  từng câu thơ, từng ý thơ dẫn dắt tôi vào bài viết này…Có thể với cá nhân tôi, vốn được  sinh ra trong thời chiến và lớn lên trong thời bình…Mọi cảm nhận về chiến tranh đều qua sách vở… Dẫu có thế nào thì tôi cũng vừa đồng hành với tác giả Đào Công Điện ngược dòng hồi ức về với tháng năm ác liệt của chiến tranh biên giới Tây Nam và Làm nghĩa vụ Quốc Tế…Của lực lượng TNXP nói riêng và quân dân cả nước nói chung…

Mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là tình cảm, là suy nghĩ và nhận định của cá nhân tôi về một bài thơ mà tôi tâm đắc và đồng cảm…Rất mong nhận được sự bao dung nếu có gì sai sót

Sài gòn 17/7/2014

Huỳnh Xuân Sơn (nguồn : vandanviet.net)

đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 100 trang (1000 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [25] [26] [27] [28] [29] [30] [31] ... ›Trang sau »Trang cuối