Trang trong tổng số 4 trang (37 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hà Như

Để thưởng thức Tống thi chưa có trong Thi viện,  xin mở trang này, gửi tạm các bài vào đây.
Bạn đọc chưa biết, và khó tra cứu có thể đọc tạm, trước khi Admin lựa chọn, để đưa vào mục lưu trữ.
Bạn nào có sưu tầm được, xin gửi tiếp cho rôm rả.

Hà Như
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


鄭文寶
柳枝詞
亭亭畫舸系春潭
直到行人酒半酣
不管煙波與風雨
載相離恨過江南


Trịnh Văn Bảo
Liễu chi từ
Đình đình họa khả hệ xuân đàm,
Trực đáo hành nhân tửu bán cam.
Bất quản yên ba dữ phong vũ,
Tải tương ly hận quá Giang Nam.

Dịch nghĩa:
Liễu chi từ
Thuyền trang trí đẹp cao vời đậu trên đầm xuân,
Đợi đến lúc khách lâng lâng say.
Mặc cho mưa to và sóng gió,
Chở qua Giang Nam nỗi hận biệt ly.

Dịch thơ:
Đầm xuân neo đậu thuyền cao vọi
Khách đã ngà ngà, đâu biết đợi
Sóng lớn, mưa to mặc lúc vui
Đem ly biệt chở sang nam vội
Trần Thế Hào dịch

Giới thiệu tác giả:
Trịnh Văn Bảo (952-1012), nhà thơ đầu Tống, tên chữ là Trọng Hiền, người Minh Hoá (nay thuộc Phúc Kiến). Lúc đầu làm quan cho Nam Đường với chức Hiệu thư lang; sang Tống thi tiến sĩ năm thứ tám Thái Bình Hưng quốc, trải qua các chức: Thiểm Tây vận chuyển sứ, Viên ngoại lang Bộ Binh. Thơ ông nổi tiếng, có 20 văn tập, đã thất lạc.

Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


寇准
書河上亭壁
峰闊檣稀波渺茫
獨憑危檻思何長
簫簫遠樹疏林外
一半秋山帶夕陽

Khấu Chuẩn
Thư hà thượng đình bích
Phong khoát tường hy ba diểu mang,
Độc bằng nguy hạm tứ hà trường.
Tiêu tiêu viễn thụ sơ lâm ngoại,
Nhất bán thu san đái tịch dương.

Dịch nghĩa
Đề vách đình bên sông Hoàng Hà
Núi trập trùng sóng nước mênh mang cột buồm thưa,
Một mình tựa lan can cao tứ xa vời vợi.
Cây cối tiêu điều nơi cánh rừng xa,
Một nửa núi thu nhuốm ánh sáng trời chiều.

Dịch thơ
Mênh mang sông núi cánh buồm xa
Mình tựa lan can, ý nhạt nhòa
Cây cối tiêu điều mùa trút lá
Núi thu một nửa ánh dương tà.
Trần Thế Hào dịch

Giới thiệu tác giả:
Khấu Chuẩn (961-1023) người Hạ Quê, Hoa Châu (nay là đông bắc huyện Vị Nam tỉnh Thiểm Tây), làm Tể tướng năm đầu Cảnh Đức (1004) Tống Chân Tôn, kiên trì kháng chiến chống quân Liêu xâm lược Trung Nguyên, bị phái đầu hàng ngăn trở. Có lần phục hồi Tể tướng, lại bị biếm cuối cùng chết ở Lôi Châu (nay là huyện Hải Khang tỉnh Quảng Đông).

Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


笵仲淹
赴桐廬郡淮上遇風
一棹危于葉
傍觀亦損神
他時在平地
無忽險中人

PHẠM TRỌNG YÊM
Phó Đồng Lư quận Hoài thượng ngộ phong
Nhất trạo nguy vu diệp,
Bàng quan diệc tổn thần.
Tha thời tại bình địa,
Vô hốt hiếm trung nhân.

Dịch nghiã:
Đến quận Đồng Lư gặp gió trên sông Hoài
Mái thuyền nhỏ nguy hơn chiếc lá,
Đứng xem thôi cũng thấy hết hồn.
Ngày sau đứng trên đất bằng,
Đừng quên người trong khi nguy hiểm.

Dịch thơ: Trần Thế Hào
Thuyền như chiếc lá rơi
Nhìn đã hết hồn rồi
Lúc đứng trên thềm đất
Thấy nguy chớ quên người


Giới thiệu tác giả:
Phạm Trọng Yên (989-1052), nhà chính trị, nhà tản văn, nhà thơ Bắc Tống. Tên chữ là Hy Văn, người huyện Ngô (nay thuộc Tô Châu, Giang Tô). Tiến sĩ năm Đại Trung Tường Phù thứ tám, quan đến tham tri chính sự; cùng với nhóm Phú Bật, Âu Dương Tu tiến hành chính sách mới Khánh Lịch. Cuối đời ông làm bài “Nhạc Dương lâu ký“, được đời sau rất ca ngợi. Tác phẩm có “Phạm Văn Chính công tập“.

Hà Như sưu tầm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


Giới thiệu tác giả:
Lưu Quân (971-1031), nhà thơ Bắc Tống, một thành viên trọng yếu của “Tây Côn Thể”, tên chữ là Tử Nghi, người Đại Danh (nay thuộc Hà Bắc), tiến sĩ năm đầu Hàm Bình, qua đại lý bình sự làm bí các hiệu lý, quan đến hàn lâm thừa chỉ kiêm Long Đồ Các trực học sĩ, thạo về văn từ câu đối, nổi tiếng ngang với Dương Ức, thời bấy giờ gọi là “Dương Lưu”, xướng họa nhiều với Dương Ức, Tiền Duy Diễn; được sưu tập vào “Tây Côn thù xướng tập”. Tác phẩm có 4 quyển: “Phì xuyên tập” đã thất lạc, nay trong “Lưỡng Tống danh hiền tiểu tập” còn một quyển “Phì xuyên tiểu tập”.

劉筠
直夜
雞人肅唱發章泃
漢殿重重虎戟稠
綷羽欲栖溫室樹
金波先上結璘樓
風來太液聞鳴鶴
霧卷明河見飲牛
萬國表章頻奏瑞
手披天語思如流

LƯU QUÂN
Trực dạ (1)
Kê nhân túc xướng phát Chương Câu (2)
Hán điện trùng trùng hổ kích trù (3)
Túy vũ dục thê ôn thất thụ (4)
Kim ba tiên thướng kiết lân lâu (5)
Phong lai Thái dịch văn minh hạc (6)
Vụ quyển Minh hà kiến ẩm ngưu (7)
Vạn quốc biểu chương tần tấu thụy
Thủ phi thiên ngữ tứ như lưu


Dịch nghĩa:
Thâu đêm
Người gà gáy đúng giờ phát ra từ Chương Câu
Điện Hán lớp lớp kích hổ bôn dựng dày
Chim túy vũ muốn đậu xuống cây điện ấm
Ánh vàng đẫ lấp lánh chiếu vào ngọc trên lầu
Gió về ao Thái Dịch nghe tiếng hạc kêu
Sông Ngân mù cuốn trông thấy trâu uống nước
Biểu chương các nước tâu lên đều tốt cả
Tay giở lời vua tứ dạt dào.

Dịch thơ: Lê Xuân Khải
Người gà gáy đúng tự Chương Câu
Điện Hán hổ bôn dựng trước sau
Túy vũ muốn xà cây điện ấm
Ánh vàng đã loáng ngọc lầu cao
Gió về Thái Dịch nghe lời hạc
Mù cuốn sông Ngân thấy dáng trâu
Vạn quốc biểu tâu tin tức tốt
Lời vua tay giở tứ dâng trào.

Chú thích:
(1) Bài này tuyển từ quyển ba “Tây Côn thù xướng tập”.
(2) Kê nhân: quan báo sáng trong cung Chương Câu: tên nhà quan ở đời Hán
(3) Hổ kích trù: chế độ nhà Hán, vua lên triều, hổ bôn trung lang tướng đứng dưới thềm, cầm kích hoặc giáo dài để tỏ oai.
(4) Túy vũ: chim năm màu. Ôn thất: trong cùng Trường Lạc nhà Hán có điện ôn thất.
(5) Kiết lân lâu: trong cung Đại Minh nhà Đường có kiết lân lâu
(6) Thái Dịch: trong cung Kiến Chương nhà Hán có ao Thái Dịch. Năm thứ 6 Nguyên Thủy Chiêu Đế có hạc vàng hạ xuống đây.
(7) Minh Hà: Ngân Hà. Ẩm ngưu: hình dáng Ngưu Lang cho trâu uống nước (theo Bác vật chí).

Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


Giới thiệu tác giả:
Hàn Kỳ (1008-1075) tên chữ là Trĩ Khuê, người An Dương Tương Châu (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Làm An phủ sứ Thiểm Tây thời Tống Nhân Tông, cùng với Phạm Trọng Yêm phòng ngự Tây Hạ, bảo vệ bờ cõi Tây bắc Bắc Tống hữu hiệu. Biên giới đương thời có câu ca dao:
“Trong quân có một Hàn thôi,
Giặc Tây nghe đã rụng rời tim gan.“
Làm quan trải ba triều Tống: Nhân Tông, Anh Tông và Thần Tông


韓琦
小 檜
小 檜 新 移 近曲 欄
養 成 隆 棟 亦 非 難
當 軒 不 是 憐 蒼 翠
只 要 人 知 耐 歲 寒

TIỂU CỐI
Hàn Kỳ
Tiểu cối tân di cận khúc lan
Dưỡng thành long đống diệc phi nan
Đương hiên bất thị lân thương thuý
Chỉ yếu nhân tri nại tuế hàn

Dịch nghĩa:
CÂY BÁCH NHỎ
Cây bách nhỏ mới rời đến gần lan can,
Nuôi thành rường cột to cũng không khó.
Đặt ở hiên không phải vì yêu thích mầu xanh,
Mà muốn cho mọi người thấy sức chịu rét của cây.


Dịch thơ:
Mới đem đặt bách cạnh lan can,
Rường cột nuôi lên chẳng khó khăn.
Gần gũi chẳng vì yêu lá biếc,
Để người thấy sức rất bền gan.

Lê Xuân Khải dịch

Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


Giới thiệu tác giả:
Văn Ngạn Bác 文彥博(1006-1097) nhà thơ, nhà chính trị Bắc Tống, tên chữ là Khoan Phu 寬夫, người Giới Lâm (nay thuộc Sơn Tây). Đậu tiến sĩ năm thứ năm Thiên Thánh, làm Tri huyện Dực Thành, thông phán Giáng Châu. Cuối Khánh lịch quan đến đồng trung thư môn hạ bình chương sự, được phong Lộ quốc công. Đầu Hy Ninh, nhân phản đối biến pháp của Vương An Thạch, bị đưa ra làm Tiết độ sứ Hà Đông. Đầu Nguyên hựu, Tư Mã Quang được phục chức mời ông về làm Bình chương quân quốc trọng sự. Làm năm năm ông xin về chí sĩ.


清明後同秦帥端明會飲李氏園池偶作
文彥博
落 浦 林 堂 春 暮 時
暫 同 游 賞 莫 相 違  
風 光 不 要 人 傳 語  
一 任 花 前 盡 醉 歸  


Văn Ngạn Bác
THANH MINH HẬU ĐỒNG TẦN SOÁI ĐOAN MINH HỘI ẨM LÝ THỊ VIÊN TRÌ NGẪU TÁC
Lạc phố Lâm đường xuân mộ thì
Tạm đồng du thưởng mạc tương vi
Phong quang bất yếu nhân truyền ngữ
Nhất nhiệm hoa tiền tận tuý quy

Dịch nghĩa:
NGẪU HỨNG LÀM NHÂN CÙNG UỐNG RƯỢU VỚI TẦN SOÁI ĐOAN MINH SAU THANH MINH Ở VƯỜN AO NHÀ HỌ LÝ
Tiết cuối xuân hết bãi Lạc lại ao,
Hãy cùng nhauvui chơi đừng để lỡ.
Phong cảnh đẹp không cần người truyền miệng,
Mặc lòng say thoả trước hoa mới về.


Dịch thơ:
Bãi Lạc hồ rừng tiết cuối xuân,
Cùng nhau du thưởng được bao lần.
Đã là cảnh đẹp cần ai nhắc,
Say thoả trước hoa rượu mới tàn.
Lê Xuân Khải dịch


Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như

Ghi chú
THANH MINH HẬU ĐỒNG TẦN SOÁI ĐOAN MINH HỘI ẨM LÝ THỊ VIÊN TRÌ NGẪU TÁC

(1)Tần soái Đoan Minh: tức Tư Mã Quang, ông có tên chữ là Quân Thực và Đoan Minh. Năm thứ ba Hy Ninh vì phản đối biến pháp của Vương An Thạch, xa kinh làm Tri quân Vĩnh Hưng (nay là Tây An, Thiểm Tây) nên gọi là Tần Soái.
(2)Lạc Phố: bến đò trên sông Lạc. Câu này chỉ đi thăm thú núi sông ao hồ cuối xuân
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


Giới thiệu Rượu Đồ Tô trong bài Nguyên nhật của Vương An Thạch
元日
爆竹聲中一歲除,
春風送暖入屠蘇。
千門萬戶曈曈日,
總把新桃換舊符。

Nguyên nhật
Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ
Xuân phong tống noãn nhập đồ tô
Thiên môn vạn hộ đồng đồng nhật
Tổng bả tân đào hoán cựu phù.

Dịch nghĩa

Tiếng pháo trúc nổ vang, đã hết một năm,
Gió xuân đưa hơi ấm vào trong rượu Đồ - tô.
Khắp muôn nhà, ngàn ngõ rực rỡ ánh bình minh,
Nhà nào cũng treo thẻ đào mới thay cho thẻ đào cũ.

Chú thích:

Bộc trúc, Pháo trúc: người xưa nhồi lưu huỳnh, than hoa vào ống tre, đốt có tiếng nổ, để xua tà ma vào ngày cuối năm.
Trừ: gọi tắt của Trừ tịch, đêm cuối cùng của năm.
Đồ tô: một loại rượu ngon, có tác dụng phòng chữa bệnh, thường uống vào ngày Tết.
Đào phù, Thẻ đào: Biểu tượng trên miếng gỗ đào, loại gỗ được cho là kỵ ma quỷ, có vẽ hình, viết chữ.
Vào ngày đầu năm, người xưa thường treo Thẻ đào mới, thay cho chiếc năm cũ.

Dịch thơ
Trần Trọng San dịch

Tết Nguyên Đán
Hết một năm rồi, tiếng pháo đưa
Gió xuân thổi ấm chén đồ tô
Ngàn cửa muôn nhà vừa rạng sáng
Đều đem đào mới đổi bùa xưa.

Trần Thế Hào dịch

Đã hết một năm tiếng pháo ran,
Ấm rượu Đồ tô, gió xuân tràn.
Muôn ngõ vạn nhà đều sáng sủa,
Thẻ đào thay mới, đón bình an.


Rượu Đồ Tô

Tết Nguyên Đán là một dịp trọng đại nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Những người con lang thang biệt xứ, dù đi đâu về đâu đến ngày này đều trở về nhà đoàn tụ đón năm mới. Ngoài việc ăn một bữa cơm tất niên, đốt một bánh pháo, cổ nhân còn có một tập tục là cả nhà cùng uống một thứ rượu tên là Đồ Tô để phòng trừ ôn dịch.
Điều này còn để lại dấu vết trong sách: “Kinh Sở Tuế thời ký”. Rượu Đồ Tô tương truyền do danh y Hoa Đà đời Hán sáng chế, nhân vì thời đó y học chưa phát triển, do đó bệnh dịch tràn lan, đe dọa sức khoẻ của nhân dân. Trần Diên trong “Tiểu phẩm phương” ghi rằng: “Rượu này uống vào tết nguyên đán,  tránh được tất thảy các bệnh tà xâm nhập”. Lý Thời Trân trong “Bản Thảo cương mục” cũng nói: “Uống vào nguyên đán, tránh được bệnh tật”.
Công thức pha chế rượu Đồ Tô:

• Xích mộc quế (lõi) 7 tiền 5 phân
• Phòng phong 1 lạng
• Bát tiết 5 tiền
• Thục tiêu, Cát cánh, Đại hoàng mỗi thứ 5 tiền 7 phân
• Ô đầu 2 tiền 5 phân
• Xích tiểu đậu 14 hạt

Các thứ trên đem đựng trong một túi nhỏ hình tam giác, đem treo xuống giếng (懸掛在井底), đêm giao thừa ngâm vào rượu, hâm nóng. Thời cổ, khi uống rượu Đồ Tô, cả nhà già trẻ lớn bé hướng về phía Đông, lần lượt uống. Sau đó, bã rượu đem quẳng xuống giếng,  trong năm ngày ngày đem uống, bách bệnh tiêu tan.

Theo tập tục, uống rượu Đồ Tô, người già cả sẽ là người uống trước, sau đó là trẻ em, tiếp đến mới là các hạng trung niên, thanh niên. Điều này thể hiện ý nghĩa mong muốn người già trẻ lại, cải lão hoàn đồng.

Thi nhân đời Tống là Tô Đông Pha trong bài TRỪ DẠ DÃ TÚC THƯỜNG CHÂU THÀNH NGOẠI có câu: “Đãn bả cùng sầu bác trưởng kiện, bất từ tối hậu ẩm Đồ Tô” (Mong hết u sầu nơi già trẻ, chả cần ai kẻ uống sau cùng), lấy ý từ điển cố về  tập tục rượu Đồ Tô vậy.

Thi nhân Chu Vọng Chi trong bài TRỪ TỊCH, dùng 8 vị thuốc miêu tả lại toàn bộ cảnh uống rượu Đồ Tô:

“Thung dung tuế sự dĩ vô mang,
Quả thảo thôn hào thiết tiểu đàng.
Ham chước Đồ Tô khuynh trúc diệp,
Noãn ôi cốt đột đái tùng hương.
Sáp mai bình trung Liên kiều ảnh,
Tiễn chúc đăng minh tục đoạn quang.
Bạch phụ địa chuyên thư thể tự,
Vạn niên trưởng tích hữu dư lương”.

Điều đó nói lên sự lưu hành của rượu Đồ Tô trong dân gian thời đó.

Sau, phong tục uống rượu Đồ Tô du nhập vào Nhật Bản, được lưu truyền đến nay thành một truyền thống văn hoá bản địa đặc sắc.
Vào ngày nguyên đán, sáng sớm người ta múc lên một thùng nước gọi là “Nước mới” (Tân Thuỷ), sau khi kính Thần, đổ rượu Đồ Tô vào đó để cả nhà cùng uống, vừa cầu nguyện bình an cho năm mới.
Thứ tự uống rượu cũng tương tự như ở xứ sở Trung Hoa – cha đẻ của nó.

Hà Như sưu tầm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hà Như


HÀN DUY VÀ THÀNH TÂY THƯ SỰ
Giới thiệu tác giả:
Hàn Duy (1017-1098) tên chữ là Trì Quốc, người Ung Khâu, Khai Phong (nay thuộc huyện Khởi tỉnh Hà Nam). Quan đến Trực học sĩ Long Đồ các, thái tử thiếu phó, thuộc tân đảng chính trị của Vương An Thạch. Sau năm Nguyên Hựu, đảng cũ cầm quyền; ông bị biếm đến Quân Châu. Ông và Vương An Thạch cùng được Âu Dương Tu bồi đắp, cùng làm thơ xướng hoạ với Tô Thuấn Khâm và Mai Nghiêu Thần.

韓 維
城 西 書 事
蔬 畦 繞 草 屋
林 下 轆 轤 遲
霜 蔓 已 除 架
風 飄 空 挂 籬

Hàn Duy
THÀNH TÂY THƯ SỰ
Sơ huề nhiễu thảo ốc,
Lâm hạ lộc lô trì.
Sương man dĩ trừ giá,
Phong phiêu không quải ly.


Dịch nghĩa:
GHI Ở PHÍA TÂY THÀNH
Ruộng rau vòng quanh nhà cỏ,
Tời nước ở chân núi đổ chầm chậm.
Giàn đậu vì đêm sương đã cắt hết,
Treo trước rào gió thổi đung đưa.

Dịch thơ:
Trần Thế Hào dịch
Rau ruộng quanh nhà cỏ,
Nước tời chân núi xa
Tránh sương cắt giàn đỗ,
Trước gió nhịp đung đưa.

Hà Như sưu tầm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (37 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối