Thi ca từ mỹ học cảm quan...

Tác giả: THÁI KIM LAN DỊCH VÀ GIỚI THIỆU

Tuy là "Nửa đời", nhưng bài thơ của Friedrich Hölderlin, xuất hiện trong cuốn sách bỏ túi năm 1805, đến nay đã được 205 năm, hình như... không có tuổi.

Bài thơ trứ danh "Hälfte des Lebens" (Nửa đời) của thi hào Friedrich Hölderlin (1770-1843)

Hälfte des Lebens *

Mit gelben Birnen hänget
Und voll mit wilden Rosen
Das Land in den See,
Ihr holden Schwäne,
Und trunken von Küssen
Tunkt ihr das Haupt
Ins heilignüchterne Wasser.

Weh mir, wo nehm ich, wenn
Es Winter ist, die Blumen, und wo
Den Sonnenschein,
Und Schatten der Erde?
Die Mauern stehn
Sprachlos und kalt, im Winde
Klirren die Fahnen.

Nửa đời

Lơ lửng lê vàng
Tràn hoa hồng dại
Đất treo sóng soải
Trên mặt hồ chênh
Thiên nga kiều mộng
Mê mải say hôn
Chúi đầu đắm đuối
Nước thánh tỉnh lành

Ôi đau xót thay
Nơi nao cho tôi
Khi mùa đông tới,
Những đoá hoa tươi?
Và nắng của trời
Và bóng trần gian?
Những bức tường đứng
Câm lời, lạnh lẽo
Trong gió phướng cờ
Rít dài tái tê
----------------
Tuy là "Nửa đời", nhưng bài thơ của Friedrich Hölderlin, xuất hiện trong cuốn sách bỏ túi năm 1805, đến nay đã được 205 năm, hình như ... không có tuổi.
Mỗi khi đọc, - dù ở tuổi nào, thời học sinh, rồi sinh viên, rồi "nửa đời" bôn ba đây đó, rồi quá nửa đời, một chút mỏi gối, mắt nhoà, cho đến cuối đời,  100... năm hay có lẽ dư 300 năm lẻ, - những câu thơ rất kiệm lời, chắt chiu từng chữ... đượm vẻ duyên của bài thơ hài cú phương Đông, - một hình thức lạ lẫm, phá cách trong dòng thi ca cổ điển Đức thế kỷ 19 đã gây không ít ngỡ ngàng trong giới phê bình thi ca đương thời - "Nửa đời" vẫn cho người đọc cái cảm giác lạ lùng, ta gặp ta thuở ấy mà cũng bây giờ,  trong "đang trẻ bỗng già" và trong "già lại hoá trẻ", trong nỗi dại khờ đam mê thời trước và cô đơn buốt giá một ngày về sau. Cả hai mảnh đời, một nửa nồng nàn hoa trái, một nửa lạnh lẽo trần ai đều chân, đều thật trong vẻ đẹp mới lạ của ngôn từ thi ca Hölderlin: vẻ đẹp của thiên nga trong trắng mà say hôn, ngụp lặn đắm chìm trong làn nước tỉnh lành thánh thiện. Ngôn thi độc đáo "ngụp lặn trong thánh thiện tỉnh lành", rất điển hình Hölderlin, chính là "lời" đã hoá "thân", để biến thành "tri giác nhục cảm", ở đây hội tụ thị giác, xúc giác, thính giác, cảm xúc nhục cảm, từ đó bài thơ cất tiếng:  những trái lê chín vàng trĩu trên cây, hồng hoang tràn trên đất - biểu tượng thanh xuân mọng chín ước muốn dại khờ - cho đến hình ảnh những bức tường câm nín lạnh lẽo, và tiếng cờ bay trong gió lạnh - biểu tượng cô đơn đau khổ của nửa đời kia. Hai mảnh đời nối nhau trong tiếng kêu thảng thốt của con tim hiện hữu run sợ đi tìm hạnh phúc đời người.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/anh-Heildberg1.jpg

Phố cổ Heidelberg nhìn từ bờ sông Neckar. Ảnh: NAT

Đối với Hölderlin, thi ca chính là dòng chảy hiện sinh giữa hai mảnh đời tương phản ấy và là tiếng kêu từ cõi lòng thổn thức, nhưng dù vui dù đau, dòng chảy mang vẻ đẹp thiên nga, như thể tính của thi ca. Thể tính của thi ca, theo Hölderlin, chính là "cảm quan về cái đẹp", giác quan thẩm mỹ - cả hình thức lẫn nội dung. "Giác quan thẩm mỹ" hoàn toàn không phải là lý thuyết về nghệ thuật hay là một thứ thẩm mỹ học. Ghi chú của Hölderlin bên cạnh bản thảo bài thơ cho thấy Hölderlin lấy khái niệm "giác quan thẩm mỹ" từ ngôn ngữ Hy Lạp, trong đó "giác quan thẩm mỹ" đơn giản là "tri giác thuộc cảm giác tính" (sinnliche Wahrnehmung). Vẻ đẹp của thi ca chính để lột tả được hiện sinh trong xúc cảm nhục thể sống động,  trong va chạm cụ thể với cuộc đời, trong từng cảm xúc nhỏ bé nhất - trong từng khoảnh khắc hiện sinh, khác hẳn với tư duy triết học duy tinh thần của thời ông. Trong đối thoại với Hegel và Schelling về sự chia lìa giữa tư duy và hiện hữu, Hölderlin viết:
"Triết học là một nữ bạo chúa độc đoán. Tôi chỉ dung thứ sự bó buộc của bà mà không tình nguyện phủ phục dưới bà. Trong những lá thư triết học, tôi muốn tìm ra nguyên lý giải thích sự chia cắt giữa tư duy triết học và hiện sinh cũng như hoá giải nó. Để thực hiện điều này chúng ta cần đến giác quan (Sinn) thẩm mỹ"
Nhà thơ là người sử dụng "giác quan thẩm mỹ" trong nghĩa đẩy mạnh "tri giác nhục cảm" lên đến tầng cao nhất, bởi vì theo ông sự ngăn cách giữa tư duy và hiện hữu chỉ được xoá bỏ khi cảm giác tính được kiện toàn trong nhạy cảm với đối tượng, có nghĩa, vẻ đẹp của sự giao thoa xúc cảm được bộc lộ và khám phá toàn vẹn.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ResizedImage196273-12418-Friedrichh.jpg

Cùng lúc với sáng tác bài thơ, Hölderlin ghi trong không khí thảo luận triết học về "ý niệm" (Ideen) với các triết gia Kant, Hegel, Schelling:
"Cuối cùng ý niệm hoà hợp tất cả, chính là ý niệm về vẻ đẹp (thẩm mỹ). Tôi cho rằng động tác cao nhất của lý tính (Vernunft) là động tác thẩm mỹ. Chỉ trong Mỹ, Chân và Thiện sẽ kết thành chị em. Triết gia cần phải sở hữu nhiều năng lực cảm xúc như nhà thơ. Triết học tinh thần hoàn mỹ nhất là triết học về vẻ đẹp. là mỹ học. Từ đó thi ca chiếm giá trị cao hơn và cuối cùng  thi ca được trả lại thể tính khởi nguyên mà nó đã là: bà thầy dạy của loài người. Nếu chúng ta không làm cho các ý niệm trở nên đẹp, thì những ý niệm đó không được con người quan tâm đến."**

Loài người, theo Hölderlin, không phải là tổng thể số người, mà là "tính người", humanitas, có nghiã kẻ có khả năng sống hết thực thể làm người của nó. Nếu thi ca là nữ giáo huấn về nhân tính, thì thi ca phải làm mềm những ý niệm thành nhục cảm (sinnlich). Chỉ nhờ điều ấy, sự chia cắt giữa tư duy và hiện hữu mới được xoá bỏ. Cảm giác tính đạt được trình độ làm mềm những "ý niệm" (Ideen) sẽ trở nên tinh thần cao nhất, từ đó ý niệm toàn thể và nhất thể mới được thực hiện.
Trước cả Nietzsche, tư tưởng về thi ca Hölderlin đã đảo lộn triết học đương thời, triết học mệnh danh là triết học tinh thần - từ đầu trở về đôi chân. Bài thơ đầy xúc cảm "Nửa đời" trở nên tinh thần cao nhất, bài thơ dạy "tính và tình người" trong năng khiếu thẩm mỹ nhân gian.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/IMG56661.jpg

Một góc nhỏ của Heidelberg cổ kính, Ảnh: NAT

Mang nặng cả trầm tư của người sáng tác về thể tính của thơ, bài thơ đọc lên lại nhẹ hửng như thiên nga bồng bềnh trên nước. Có thể nói, nếu không có ghi chú của nhà thơ, cảm xúc của một người bình thường - và Hölderlin đã muốn thi ca là biến động cảm xúc bình thường của mỗi con người - khi đọc "Nửa đời" là sự thích thú về vẻ đẹp ngôn thi và cảm giác lâng lâng  tựa như hạnh phúc, ngay cả trong tiếng thở dài, ngay trong cả lạnh lẽo câm lời... Chỉ vì một lý do: THƠ HAY, cả lời lẫn ý. Một thứ hạnh phúc vượt trên mọi ý niệm vui sướng và khổ đau, dìu người đọc vào một chân trời vừa quen vừa lạ: vẻ đẹp sáng tạo của thi ca chính là hơi thở nhục cảm nhân tính được hoá thân trong nhạy cảm thi hứng tột vời, siêu thoát nhưng không bay bổng, mà trở về say đắm như thiên nga chúi đầu trong dòng nước tỉnh táo - thần linh.

*"Nửa đời" đã gây tranh cãi ban đầu trong giới phê bình vì "sự khó hiểu" (của hai mảnh đời trái ngược được ghép vào nhau) và hình thức phá cách tự do ngược với quan niệm thơ cổ điển, nhưng Bretano, Achim von Arnim và một số thức giả đương thời lại hưởng ứng nồng nhiệt. Vẫn là một hiện tượng thơ trong thế kỷ 19, tuy nhiên mãi đến thế kỷ 20, bài thơ mới được ca ngợi như một tuyệt tác của Hölderlin và cả nền thi ca Đức.

** Zuletzt die Idee, die alles vereinigt, die Idee der Schönheit. ...
Ich bin nun überzeugt, dass der höchste Akt der Vernunft ... ein ästhetischer Akt ist und Wahrheit und Güte nur in der Schönheit verschwistert sind. Der Philosoph muss ebenso viel ästhetische Kraft besitzen, als der Dichter. ... Die Philosophie des Geistes ist eine ästhetische Philosophie.
Die Poesie bekommt dadurch eine höhere Würde, sie wird am Ende wieder, was sie am Anfang war Lehrerin der Menschheit. Ehe wir die Ideen ästhetisch ... machen, haben sie für das Volk kein Interesse.
 Vui là chính - Chính là vui!