Trang trong tổng số 3 trang (27 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]

Ảnh đại diện

Viễn khách

Uh, Tớ biết không phải của O.B vì hồi đó tớ gặp bài thơ trong cuốn sổ tay ấy cũng có đề tên tác giả và người dịch (cũng không phải Ác-Gông, không là Tago) tiếc là tớ không nhớ được tên tác giả (cũng chỉ để tham khảo thôi vì chỉ là chép tay) :(
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Tớ đọc cảm giác như thơ Việt, thật đấy. Hì
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Cua Nam

Xin chép lại bài thơ " Mùa hè rớt " của Olga Berggolts do Bằng Việt dịch

Có một mùa trong ánh sáng diệu kì
Cái nắng êm ru, màn trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như giống mới vào xuân

Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng
Khe khẽ như không, dịu dàng , phơ phất
Lanh lảnh bầy chim, bay đi muộn nhất
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu

Những trận mưa rào đã tắt từ lâu
Tất cả sẫm trong cảnh lặng sầu
Hạnh phúc nhiều hơn khoé nhìn say đắm
Ghen tuông dù chua chát cũng thưa hơn

Ôi cái mùa độ lượng rất thân thương
Ta tiếp nhận vì người sâu sắc quá
Nhưng ta nhớ, trời ơi, ta vẫn nhớ
Tình yêu đâu? Rừng lặng bóng sao đêm.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Olga Berggoltz, mình xin gửi vào đây hai bài viết gần nhất. Có một số thông tin cũ, mình đành phải nhắc lại vì đây là viết trên báo giấy, nên nhắc lại cho bạn đọc dễ theo dõi. Những bạn nào thấy "biết rồi, khổ lắm! Nói mãi!" thì lượng thứ nhé.
Xin thông báo thêm là cuốn sách về Olga Berggoltz của mình sắp ra đời trong tuần tới, hy vọng sẽ là một món quà xinh xinh đối với các bạn bè anh chị em trong Thi Viện.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

OLGA BERGGOLTZ, NHỮNG NHẦM LẪN ĐÃ TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI

Năm nay, người yêu thơ nước Nga cùng thế giới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nữ thi sĩ Olga Berggoltz (16/5/1910 – 16/5/2010). Không ít độc giả Việt Nam, trong đó có tôi, chào đón sự kiện này như ngày kỷ niệm của một nhà thơ “của mình”.

Cũng giống như rất nhiều bạn đọc Việt Nam khác, cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Olga Berggoltz diễn ra nhờ nhà thơ Bằng Việt. Và cũng khá muộn. Năm ấy, tôi học năm cuối trường ĐHTH sư phạm Matxcơva. Một ngày thu vàng và bài thơ “Mùa lá rụng”: Những đàn sếu bay qua, sương mù và khói tỏa… Đương nhiên, cũng như nhiều người, trong bối cảnh ấy, tôi không thể không … phải lòng nữ sĩ người Nga xinh đẹp này.

Từ đó, tôi để tâm tìm đọc những tập thơ, tập truyện ngắn của Olga Berggoltz trong thư viện, đọc ngấu nghiến bất kỳ bài báo, cuốn sách nào nói về bà, thậm chí chỉ thấy vài dòng nhắc đến bà ở đâu đó, tôi đã thấy run lên phấn khích. Đã vui sướng hoan hỉ khi đọc được một bài thơ tràn ngập cảm xúc yêu đương. Đã rưng rưng với những điều khó nói đằng sau câu chữ thẳng thắn, trung thực của một người công dân yêu nước mình tha thiết. Thế nhưng, ngày ấy, chưa bao giờ tôi có ý định dịch thơ Olga. Với nhiều bài thơ có thể coi là kinh điển đối với người đọc Việt Nam, như “Mùa hè rớt”, “Mùa lá rụng”, “Bài thơ cuộc đời”… hình như, thật khó có thể chấp nhận được những bản dịch thơ khác ngoài những bản dịch của nhà thơ Bằng Việt. Đến bây giờ vẫn thế. Ký ức và ấn tượng mạnh mẽ của buổi đầu gặp gỡ vừa là niềm hoài tưởng da diết đáng yêu, vừa là một barie vô hình ngăn trở tôi chuyển ngữ thơ Olga Berggoltz.

Mãi đến sau này, gần 10 năm sau buổi “gặp gỡ đầu tiên” ấy, tôi mới bắt đầu dịch Olga. Một cách say sưa và nhiệt tình. Trong tâm thức của những nỗi đau mơ hồ mà một người đàn bà sống trên đời có thể hoặc bắt buộc phải trải qua. Lẽ dĩ nhiên tôi biết, có rất nhiều người cũng đã yêu và bắt đầu dịch Olga như tôi. Những bản dịch của tôi có thể còn rất nhiều sai sót, nhưng lòng tôi thì vui sướng nghĩ rằng, tôi đã có một Olga Berggoltz “của tôi”, bên cạnh một Olga bất di bất dịch mà nhà thơ Bằng Việt đã đem đến cho tôi trước đó!

Một điều thấy rất rõ rằng, dịch Olga, kể cả khi chuyển ngữ những bài thơ (được cho là) viết về tình yêu, cũng không có nghĩa là dịch thơ tình một cách đơn giản. Ta không thể hăm hở bắt tay vào dịch nếu chỉ có duy nhất văn bản thơ trên tay. Nếu không tìm hiểu kỹ những đoạn đời đã qua của nữ sĩ, người dịch hoàn toàn có thể hiểu sai những ý tứ nằm sâu trong mạch ngầm câu chữ. Thật may là Olga để lại rất nhiều thư từ và nhật ký. (Gần đây nhất, cuối tháng 4-2010, nhà xuất bản Azbuka đã cho ra mắt cuốn “Olga. Nhật ký cấm.” với nhiều tư liệu quý giá, những ghi chép không bị cắt cúp, kiểm duyệt).  Bà coi đó là công việc hàng ngày của một người viết, một cách nghiêm túc. Vì thế, chúng ta có điều kiện trở lại quá khứ, gặp gỡ nhà thơ nữ nồng nhiệt này. Việc tìm đọc những trang chú giải không in kèm theo văn bản thơ Olga ghi trong sổ tay cho phép người dịch sửa được nhiều lỗi sai vô tình mắc phải. Chẳng hạn, Olga để lại rất nhiều dòng thơ viết cho hai con gái bé đã qua đời. Thời gian ghi dưới bài thơ thường là 1937, 1938, trùng với thời kỳ bà được tin nhà thơ Boris Kornilov, người chồng đầu tiên của bà, bị bắt. Ban đầu, khi chưa nghiên cứu kỹ tiểu sử của Olga, mà chỉ dựa vào thông tin Boris Kornilov mất năm 1938, tôi đã nhầm tưởng một số thi phẩm Olga viết về cái chết của con gái là dành cho Kornilov. Nhưng sau, may thay tôi đã kịp tìm hiểu được xuất xứ của các bài thơ để mà sửa lại lỗi chuyển ngữ này. Chỉ thấy vừa ngạc nhiên vừa buồn buồn rằng, khi đọc bản dịch, dù nhân vật trữ tình được/bị cho là “anh” (Kornilov) hay là “con” (các con gái bé của Olga), thì bối cảnh của bài thơ trong các bản dịch hiện lên đều rất hợp lý và đầy xúc động, thậm chí người đọc hoàn toàn có thể chấp nhận sự nhầm lẫn của dịch giả mà không mảy may nghi ngờ! Một trong những bài thơ đó tôi đã trích đăng trong bài viết “Olga Berggoltz. Những mối tình say mê và thống khổ” đăng trên Văn nghệ trẻ số 9 năm 2009, như là những dòng thơ Olga gửi Boris Kornilov như sau: Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu / rằng anh đã qua đời, anh hãy tin em nhé/ Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí/ em bây giờ thường nhìn thấu được ra … (“Không, chẳng bao giờ em chấp nhận nổi đâu”, 1938). Thực ra, đây là bài thơ Olga viết cho con gái Irina đã mất cách đó một năm vì bạo bệnh. Xin sửa lại lỗi sai bằng bài viết này và chân thành mong độc giả lượng thứ.  

Tôi cũng muốn nhắc đến ở đây một bản dịch thơ có lẽ đã trở thành kinh điển đối với độc giả Việt Nam của dịch giả Ngân Xuyên. Bản dịch này được lưu truyền trên mạng, ban đầu người ta cứ đinh ninh là của dịch giả Bằng Việt, ( vì cứ nhắc đến Olga Berggoltz, Bằng Việt luôn là cái tên được mặc định!). Bài thơ được chuyển ngữ với giọng thơ tha thiết và nhuần nhuyễn, là lời của tình yêu ngọt ngào, khát khao và nuối tiếc:

ANH HÃY TRỞ VỀ…
Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô bờ.

Anh bây giờ đã ở rất xa
Khoảng cách bao la xoá nhoà hình dáng
Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn ảm đạm
Chẳng thể nào cháy lửa nữa đâu anh.

Chỉ mình em có lỗi, chỉ mình em
Vì đã vội buông anh ra quá sớm
Vì vẫn sống trái tim đầy kiêu hãnh
Ôi lòng khát thèm chẳng thể nào nguôi...

Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn như ảnh
Anh một thuở như cuộc đời như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân hạnh phúc vô bờ.
(Ngân Xuyên dịch)
Tôi đồ rằng, bây giờ, nếu có dịch lại bài thơ cho đúng tình cảm của Olga, thì cũng chưa chắc đã được bạn đọc chấp nhận. Như vậy là, vô hình trung chúng ta đã có thêm một bài thơ tình mới đã thành huyền thoại, của Olga hay không phải Olga cũng chẳng quan trọng nữa! Đây có lẽ cũng là trường hợp cảm động trong câu chuyện tương tác giữa thơ và độc giả. Tuy vậy, tôi cũng xin mạn phép đưa ra bản dịch mới của bài thơ nói trên, để bạn đọc tham khảo:
HÃY VỀ VỚI MẸ TRONG MƠ

Hãy về với mẹ, con ơi, dù chỉ trong giấc mộng,
nhưng đừng giống hình con trong tấm ảnh chết cuối cùng:
hãy như tia nắng trời, như cánh chim, sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô song

Con thân yêu giờ đã ở quá xa
khoảng cách khiến gương mặt con nhòa nhạt.
Trái tim giữ bao tàn tro mất mát,
không cháy ngậm ngùi cũng chẳng thể bùng lên.

Mẹ là người có lỗi, chỉ mẹ thôi,
rằng đã buông tay để con đi quá sớm,
không mất trí vì nỗi đau mà vẫn sống…
Ôi cái sức sống tham lam đáng nguyền rủa quá trên đời!

Dù chỉ trong mơ hãy về với mẹ, con ơi,
nhưng đừng giống tấm hình con màu xám
hãy như tia nắng trời, như cánh chim,  sự sống,
Như tuổi thanh xuân như hạnh phúc vô song!
1937
Thực ra, xung quanh nữ sĩ Olga Berggoltz của nước Nga từ trước đến nay đã tồn tại rất nhiều “nghi án”. Hẳn các bạn còn nhớ bài thơ “Anh đi tìm em trên bán đảo Ban-căng” của tác giả Khổng Văn Đương một thời gian dài được nhắc tới như thi phẩm của Olga! Rồi một tác phẩm khác lâu nay trên các trang mạng, tôi cũng thấy người ta hay gắn tên của Olga vào phần tác giả, là bài “Những người đãi cát tìm vàng”. Do nhiều lý lẽ (hình tượng văn học, thi pháp, không có nguyên tác trong di cảo đã từng công bố…), tôi cũng cho rằng đây là một sáng tác của người Việt. Tuy nhiên hiện tại trường hợp này đành phải xếp vào dạng “tồn nghi” nếu ta chưa có được một bằng chứng cụ thể về một tác giả có thật của nó vẫn còn trong vòng bí ẩn! Thêm một “nghi án” nữa liên quan đến Olga Berggoltz khi bà gặp gỡ với người đọc Việt Nam – đó là bài thơ quen thuộc “Về Bài thơ cuộc đời” (Đừng nhắc nữa em ơi/Lỗi lầm thời quá khứ/Ngôi sao bùng đốm lửa/Đâu còn nữa màu xanh…) được coi như là những lời thương nhớ Kornilov gửi Olga để đáp lại bài Bài thơ cuộc đời của bà.  Thế nhưng, xét theo năm mất của nhà thơ Kornilov (1938) và năm Olga viết bài "Gửi Kornilov” mà nhà thơ Bằng Việt đặt tên là "Bài thơ cuộc đời" (1940) thì lời đáp cho “nghi án” này đã quá rõ ràng: tác phẩm ấy không phải do ngòi bút của nhà thơ tài danh và bạc mệnh ấy viết vì, than ôi, nơi chín suối, ông có được đọc bài thơ của Olga nữa đâu mà trả lời!!!
Một nhân vật độc đáo và bí ẩn nữa mà thiết nghĩ rất nên nhắc tới khi cùng bạn đọc Việt Nam đến với Olga Berggoltz, là một người – hay một nhà thơ - có họ Bessonov. Người này xuất hiện cùng với một bài thơ đã gây nên những hoài nghi về nguồn gốc của nó, là bài “Chuyện mười năm trước” (Chỉ có một lần thôi,/ Em hỏi anh im lặng,/ Thế mà em hờn giận,/Để chúng mình xa nhau…). Được chép trong những cuốn sổ thơ, được “phát tán” trên nhiều diễn đàn mạng tiếng Việt, người ta thường ghi chú rằng đó là thi phẩm của Bessonov, người yêu Olga! Nhưng thông tin này có cơ sở để bác bỏ, vì trong tất cả các ghi chép, hồi ký của Olga và những người cùng thời với bà, chưa ai nhắc đến nhân vật kỳ lạ này.
 Trong đời, Olga có ba cuộc hôn nhân, đều là kết quả của những mối tình say đắm, sôi nổi: Boris Kornilov, Nikolai Molchanov và Georgi Makogonenko. Cái họ Bessonov vô tình được đưa vào tiểu sử của Olga Berggoltz rất có thể do một sự nhầm lẫn nào đó từ phía người Việt. Có lần tôi đã nhờ một vài nhà văn Nga quen biết tìm hiểu hộ. Nghe câu chuyện này, họ rất ngạc nhiên và cảm động, cho rằng đây là một sự kiện hi hữu: nhà thơ nữ của họ đã có thêm một mối tình nữa, mối tình do những người yêu quý Olga ở Việt Nam “thêu dệt” nên!
Những “rắc rối đáng yêu” nói trên xung quanh nhân vật Olga Berggoltz lại cho tôi cảm tưởng sâu sắc rằng, Olga Berggoltz đã trở thành nữ sĩ của… Việt Nam! Tình cảm của bạn đọc Việt đối với bà có phần hơi khác so với những tình cảm mà họ vẫn dành cho những nhà thơ nữ người Nga quen thuộc khác như Marina Svetaeva hay Anna Akhmatova. Một phần, đương nhiên, là do sự thành công trong việc chuyển ngữ thơ Olga ở Việt Nam. Những bài thơ đầu tiên của Olga đến với công chúng đã thực sự gần gũi và “đánh thẳng” vào trái tim người đọc, để lại dấu ấn đậm nét khó phai mờ trong lòng người Việt nhiều thế hệ. Phần nữa, có lẽ là vì, Olga Berggoltz, kể cả trong những dòng viết cay đắng nhất, vẫn giữ được những suy nghĩ tha thiết với cuộc đời và con người, giữ được niềm hy vọng đôi khi tưởng chừng đã tắt trong tâm. Chính nhờ những điều đó mà thơ của bà gần gũi với người đọc Việt Nam, một dân tộc luôn trân trọng tình người, và nhiều khi, phải nương vào tình người mà vượt lên trên mọi đau khổ.
Tuy vậy, việc tìm hiểu và công bố sự thật từ những huyền thoại thiết tưởng cũng cần thiết, để tránh việc “dĩ ngoa truyền ngoa” mà đắc tội với nhà thơ chúng ta yêu quý.

Thụy Anh
Bài đăng Tiền phong cuối tuần 14-5-2010
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hoa Xuyên Tuyết

Bai thứ hai: đã đăn trên VNN: http://vietnamnet.vn/vanhoa/201005/Olga-Berggoltz-tai-sinh-trong-Nhat-ky-cam-910228/

                     Olga Berggoltz tái sinh trong “Nhật ký cấm”

Olga sống dậy?

Năm nay, nước Nga chào đón ngày sinh lần thứ 100 của nữ sĩ Olga Berggoltz (16/5/1910 – 16/5/2010) bằng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ. Mở đầu là ở lĩnh vực xuất bản. Bạn đọc yêu thơ Olga được nhận món quà quý giá từ nhà xuất bản Azbuka: một cuốn sách dày với nhiều tư liệu ảnh, bài viết, nhật ký, những ghi chép thẳng và thật của nữ sĩ trong thời kỳ 1939-1949. Bà Natalia Sokolovskaya, người biên soạn cuốn sách này, chia sẻ với báo chí, rằng ấn phẩm này chứa nhiều tư liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về Olga Berggoltz, những thư từ tác phẩm chưa từng được công bố, được đưa ra đầy đủ, không bị cắt cúp kiểm duyệt. Ngoài ra còn có cả những tài liệu từng mang dấu “cấm lưu hành” do bên an ninh cung cấp, những dấu ấn của một thời khốc liệt của nhân dân Liên Xô với làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ mà Stalin chủ trương. Theo thông tin của Rosbalt, 5000 ấn bản của cuốn sách đã ngay lập tức được bán sạch trong những tuần đầu tháng 5, và người ta đang cấp tốc nối bản. Chỉ có điều hơi lạ là nhiều sự kiện, tư liệu người ta bàn tán xôn xao xung quanh cuốn sách này, dường như đó là lần đầu tiên họ được đọc được biết trong di cảo của Olga, thì chúng đã xuất hiện từng phần trong nhiều ấn phẩm trước đó, thậm chí là từ năm 1979 chứ không phải là trong những năm 1990 nữa. Maria Berggoltz, em gái của Olga đã nhiều lần, trong nhiều tuyển tập, cho đăng tải từng phần những trang nhật ký, ghi chép, thư từ của Olga. Không phải đợi tới 100 năm ngày sinh Olga, chúng ta mới hiểu được những gì từng là bi kịch của cuộc đời nữ sĩ và thái độ của bà đối với những giả dối tầm thường đầy rẫy xung quanh. Chẳng hạn, về sự bưng bít thông tin, không cho Olga kể sự thật về nạn đói đang hoành hành trong thành Len, có thể đọc được trong những bức thư Olga gửi từ Matxcơva cho Grigori Makogonenko, người chồng thứ ba của bà. (Nhớ Olga Berggoltz. Nhiều tác giả. NXB Lenizdat, 1979). Nhiều đoạn suy nghĩ thật, cay đắng và nghiệt ngã của Olga khi ở trong tù vì bị bắt oan và sau khi ra tù, được phục hồi danh dự, đã được em gái bà là Maria Berggoltz công bố trong nhiều ấn phẩm như Gặp gỡ - thơ, hồi ký, ghi chép của Olga Berggoltz (NXB Sách Nga, 2000) hay Olga Berggoltz, ba tập (Leningrad; NXB “Văn học nghệ thuật”, 1990). Tuy nhiên, trong cuốn sách mới này, những gì từng bị “cấm” đã được phơi bày, và Olga Berggoltz hiện lên đầy đủ trọn vẹn không giấu diếm điều gì, dù cay đắng, như bà từng tuyên bố:
Nỗi buồn này tôi không giấu Người đâu
bí mật riêng tư cũng chẳng hề che đậy
Lồng ngực nóng ngay buổi đầu xé toang ra bỏng cháy
lời trần tình sám hối của Người đây!
(Trích “Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng?” – Thụy Anh dịch)

Trên một số làn sóng truyền thanh, người ta xây dựng các chương trình về Olga, phát đi phát lại giọng đọc của Olga từng được truyền đi trong vòng phong tỏa. Những bài thơ, những bài nói chuyện đầy xúc động đã từng là điểm tựa để người dân Leningrad trụ vững trong mất mát đau thương của 900 ngày đêm xa xưa ấy. Có người từng trải qua thời kỳ khó khăn ấy đã thốt lên: “Tưởng như Olga Berggoltz sống dậy!”
Trong hai ngày 15 và 16-5, vở kịch «Olga, Nhật ký cấm” (kịch bản E. Chiornaia, đạo diễn Igor Konhiaev) ra mắt công chúng. Theo lời hứa hẹn của các nghệ sĩ thì đây sẽ là một vở kịch xây dựng hình ảnh Olga Berggoltz chân thực nhất từ trước đến nay, khiến bà hiện lên không chỉ như một “nàng thơ” của thành Len mà còn là một người phụ nữ Nga sống động, đầy ắp yêu thương, đau khổ. Cũng với mục đích tưởng nhớ người con anh hùng của Leningrad, ngày 16-5, trên kênh truyền hình CTO sẽ chiếu bộ phim truyền hình “Vòng phong tỏa. Hiệu quả của sự hiện diện.”, đạo diễn Alla Chikicheva. Ngày 20-5, tại tòa nhà chính của thư viện quốc gia Nga sẽ diễn ra đêm thơ nhạc tưởng nhớ Olga Berggoltz mang tên “Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim em…” (câu thơ của Olga) do Hội nhà văn Nga và Hội nhà văn Saint-Petersburg tổ chức. Ngày 16-5, trên kênh Văn hóa của Nga sẽ chiếu một bộ phim tài liệu về Olga Berggoltz cũng lấy một câu thơ của Olga làm tên phim, một câu thơ rất khó dịch cho hết nghĩa sang tiếng Việt! Nôm na là, “Ta đã sống tưởng chừng như không thể…” – nhưng ngoài ra câu thơ còn hàm ý ngạc nhiên, rằng sao mà ta có thể sống một cuộc sống tưởng chừng như không thể đến thế!
Tưởng chừng như không thể
Olga Berggoltz bắt đầu thi nghiệp từ rất sớm. 16 tuổi tham gia bút nhóm “Kế tục”, nơi cô gái trẻ sôi nổi, hào hứng với mộng văn chương đã được diện kiến nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Maiakovsky, người sau này có ảnh hưởng lớn tới quan niệm sáng tác của Olga. Cô cũng được sinh hoạt với nhiều cây bút trẻ cùng lứa. Ở đó, cô gặp và yêu Boris Kornilov, người bạn thơ thân thiết, người chồng đầu tiên của mình. Với những thuận lợi ban đầu trong sáng tác, được nhiều nhà thơ nhà văn tên tuổi biết đến và viết thư khuyến khích (Gorky, Chukhovsky, Marshak…), ra một tập thơ sớm, một tập truyện ngắn và bút ký viết về  công cuộc xây dựng đất nước 5 năm lần thứ nhất của nhân dân Xô Viết, những tưởng cuộc đời và sự nghiệp của Olga Berggoltz sẽ vô cùng suôn sẻ. Thế nhưng, số phận đã rất khắc nghiệt với nữ sĩ xinh đẹp ấy, đã khiến Olga phải trải qua những điều “tưởng chừng như không thể”! Không thể có. Không thể tin. Không thể vượt qua!
Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Tám năm sau, khi cuộc sống đang trào dâng sôi nổi đối với cô đoàn viên thanh niên cộng sản này, khi cô cùng người chồng thứ hai đang say mê lao động, sáng tạo và cống hiến, thì Boris Kornilov bị bắt, và Olga cũng bị liên lụy. Từ năm 1937 trở đi, bắt đầu một đoạn đời hoàn toàn khác của Olga Berggoltz. Hai đứa con gái nhỏ đã qua đời vì bạo bệnh, Olga có bầu đứa bé thứ ba thì bị bắt, bị giam giữ hơn nửa năm trời trong tù và mất đứa con còn là một bào thai. Thế rồi chiến tranh. Rồi lại mất những người thân yêu nhất. Cuộc hôn nhân thứ ba mang lại cho bà nhiều an ủi, nhưng không bù đắp lại được những mất mát đã qua. Cho đến khi tình yêu cuối đời rời bỏ bà thì nữ sĩ hoàn toàn sống và viết cùng nỗi đau! Lạ thay, bên cạnh những vần thơ cay đắng và có phần nghiệt ngã viết cho mình, thì bà vẫn có những dòng thơ ấm áp cho đời, cho người, vẫn có những sáng tác văn xuôi đầy nhiệt huyết và đồng cảm với những miền đất, những con người bà đã đi qua. Nỗi buồn thời hậu chiến của nhân dân được Olga cảm nhận và chia sẻ trong những bi kịch riêng của mình:
…Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
đã trở thành niềm cay cực riêng tôi

Từ những cửa đập bê tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi
Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời
trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước?
(Trích “Những lá thư viết trên đường” – 1952, 1960 – Thụy Anh dịch)


Chiến thắng mang gương mặt của Olga Berggoltz…
“Olga Berggoltz là một nhân vật của bi kịch, và bi kịch của bà không chỉ là bi kịch cá nhân, mà là bi kịch của cả một dân tộc, cả đất nước Nga”. -  Nhà nghiên cứu văn hóa Boris Paramonov đã phát biểu như thế ở ngày ra mắt cuốn “Olga. Nhật ký cấm”. Ông cho rằng, điều bi kịch lớn nhất là, sau tất cả những gì xảy ra với Olga, thế giới đa thanh đa sắc đã hoàn toàn biến khỏi thơ của bà– cái thế giới từng được thể hiện rất tinh tế trong những vần thơ sớm của Olga ngày trước, rằng bà không thể viết gì khác hơn ngoài về những nỗi đau trong quá khứ của mình.
Về điều này, thiết nghĩ, ông đã có phần cực đoan. Và cả những người biên soạn cuốn sách, trong cách bình luận, chú thích, cũng không tránh khỏi những cực đoan đậm màu sắc chính trị. Chính những khổ đau bất hạnh, những mất mát về niềm tin, về tình yêu ấy đã mang lại cho thế giới, cho bạn đọc một Olga độc đáo, không lẫn vào ai. Giả sử Olga cứ mãi mãi dừng lại ở thế giới trong trẻo đầy hoa lá, thế giới của tình yêu non nớt, hờn giận, của những nỗi niềm tinh tế vô tư lự như thời còn là cô gái mười tám đôi mươi, thì chỗ đứng của Olga Berggoltz trên thi đàn Nga-Xô Viết không đáng nhớ đến thế. Thêm nữa, Olga không “bế quan tỏa cảng” cảm xúc của mình, không chỉ sống với quá khứ và nỗi đau. Bà đã vượt qua được, vẫn mang nỗi đau riêng và cảm nhận riêng về thời cuộc, để viết về cuộc đời xung quanh, về tình yêu. Hơn thế, nhờ có nỗi đau cá nhân, bà có cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi đau và niềm hân hoan của nhiều người khác, của dân tộc.

Về điều này, còn nhớ, nhà thơ Evtushenko đã nói rất hay:
“Chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực
Của Olga Fiodorovna Berggoltz”

Chiến thắng của nhân dân Xô Viết mang gương mặt Olga Berggoltz, người con gái Nga xinh đẹp có cái nhìn u uẩn và đôi mắt sắc sảo nhưng trong sáng, tưởng nhìn thấu được tâm can ta. “Nỗi khổ đau cùng cực” đã qua rồi, dấu tích còn lại chỉ có nét u buồn đầy vẻ chịu đựng – chịu đựng mà không khuất phục, nếu chưa được nói thì “im lặng một cách trung thực” – để có thể “qua nỗi đau tôi sống, qua nỗi đau tôi viết” như Olga đã từng nói lúc cuối đời, khi nữ sĩ chỉ còn lại một mình với trang viết, sống trong cô đơn và bệnh tật.

Nhưng ngày hôm nay, 16-5-2010, hẳn nữ sĩ Nga- Xô Viết, hiện thân của vinh quang và đau khổ, đang mỉm cười nơi chín suối vì nước Nga và thế hệ bạn đọc mới không quên bà. Quả đúng là, với nhân dân, “không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”.

Thụy Anh
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

cuboong

Nhân kỷ niệm, 100 năm, em muốn tìm bài thơ của nữ thi sĩ Blaga Dimitrova noi về hình tượng người đàn bà mang thai giống như là mang cả một quả đất. Mọi người giúp em với. Thx
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3]